Trang

14/05/2014

TƯỜNG THUẬT TỪ BÌNH DƯƠNG VÀ BIÊN HÒA

 Huỳnh Ngọc Chênh
Chúng tôi vừa qua khỏi cầu Bình Triệu trên quốc lộ 13 vào lúc 12g trưa nay thì đã gặp một đoàn người đi trên khoảng 50 chiếc xe gắn máy mang cờ đỏ chạy bên làn xe ngược chiều, ngược lại từ hướng bình Dương về Sài Gòn. Nhưng khoảng 15 phút sau thì thấy đoàn người ấy đã quay trở lại, có lẽ họ vấp phải lực lượng ngăn chặn ở khoảng ngã tư Bình Triệu, Thủ Đức.

Càng chạy gần về phía khu công nghiệp Sóng Thần, các nhóm thanh niên mang cờ đỏ càng xuât hiện nhiều. Họ từng tốp từ 20 đến 50 người kéo nhau dưới trời nắng như đốt, vẫy cờ chạy qua con đường dẫn vào khu công nghiệp. Càng vào sâu, các nhóm người biểu tình càng đông lên. Không thấy có lực lượng trật tự nào can ngăn những người nầy.

Các khu nhà máy tang thương hiện dần ra trước mắt chúng tôi. Hàng trăm nhà máy bị đập phá, hàng chục nhà máy của Trung Quốc và Đài Loan bị đốt cháy tan tành. Nhà máy xe đạp Asama của Nhật Bản có chữ Nhật bị hiểu lầm cũng bị đốt cháy và cướp phá hết sạch mọi thứ. Khói lửa bốc lên nghi ngút ở một số nhà máy trong khu công nghiệp VSIP. Nhà máy giày Thông Dụng với hơn 7000 công nhân của Trung Quốc được cho là nơi xuất phát đầu tiên của cuộc biểu tình bị đốt cháy và tàn phá nghiêm trọng. Lực lượng cảnh sát cơ động đang canh gát chung quanh, trong khi khói lửa còn bốc lên nghi ngút. Các nhân chứng tại đây cho biết từ sáng sớm hôm qua công nhân của nhà máy nầy được kêu gọi đình công để biểu tình chống Trung cộng xâm lấn biển Đông. 7000 công nhân đã ngừng làm việc kéo hết ra ngoài để biểu tình rồi lần lượt kéo qua các nhà máy khác kêu gọi công nhân khác tham gia. Cứ thế đến trưa, số người tham gia biểu tình đã lên đến hàng vạn người. Vào buổi chiều thì việc đập phá điên cuồng bắt đầu diễn ra. Nhà máy giày Thông Dụng bị đốt cháy vào lúc 18 giờ ngày 13.5. Đến tối khi lực lượng trật tự và chữa cháy kéo đến thì đã bị hư hại nghiêm trọng. Một nhân viên công an cho biết, khuya đó lực lượng 113 đã bắt vài người cầm đầu vụ đốt cháy nhưng chưa kịp chở đi đã bị đám đông biểu tình gây áp lực buộc phải thả ra.

Gặp các công nhân nhà máy giày đang đứng bên ngoài nhà máy vào lúc 13 giờ trưa nay, tôi hỏi ai đã đốt nhà máy, có phải chính công nhân của nhà máy hay không họ cho biết công nhân nhà máy không làm việc nầy. Họ nói chỉ biết đó là những người trong đoàn biểu tình. Họ cũng đang buồn rầu và lo tính chuyện thu xếp về quê vì không còn nhà máy để làm việc. Đây là tỉnh cảnh chung của hàng chục vạn công nhân ở đây.

Cả khu công nghiệp Sóng Thần và VSIP trở nên tang thương hoang vắng. Hàng trăm nhà máy ở đây, tất cả đều phải đóng cửa để công nhân đi biểu tình. Ngoài cổng hầu hết các nhà máy chưa bị phá hủy đều treo bảng tạm đóng cửa và các băng rôn ủng hộ Việt nam, đả đảo Trung Quốc.
Trời nắng như cháy lửa nhưng vẫn có nhiều toán người đi xe gắn máy kéo đi dọc theo các con đường trong khu công nghiệp, dường như họ đang tập trung lực lượng để chuẩn bị cho tối nay, nhưng chưa biết để làm gì.

Chúng tôi rời Bình Dương và đến khu công nghiệp Amata ở Biên Hòa. Hàng ngàn công nhân đi xe gắn máy mang cờ đỏ chạy qua chạy lại trên trục lộ chính dẫn vào khu công nghiệp. Việc biểu tình ở đây mới bắt đầu từ sáng nay 14.5 nên ít nghiêm trọng hơn. Một vài nhà máy bị phá cổng, thiệt hại nhẹ. Nhiều nhà máy khác phải đóng cửa.
Khi chúng tôi đến thì một đám đông trên 100 người đang kéo đến trước một nhà máy của Nhật Bản yêu cầu nhà máy cho công nhân nghỉ việc để đi biểu tình. Hơn 30 cán bộ và công nhân của nhà máy phải ra đứng trước cổng nhà máy để bảo vệ và giải thích rằng toàn bộ công nhân đã nghỉ việc ra đứng ngoài nầy ủng hộ biểu tình. Thế nhưng đám đông bên ngoài cho rằng vẫn còn công nhân bên trong nhà máy, họ yêu cầu phải mở cổng nhà máy để họ vào kiểm tra. Hai người đàn ông và một phụ nữ quá khích leo lên cổng phất cờ và kêu gọi nhà máy phải mở cửa cho đám đông tràn vào. Tuy nhiên bảo vệ và cán bộ nhà máy vẫn đóng cứng cửa và kiên trì giải thích để hạ nhiệt đám đông. Đang giằng co thì lực lượng công an và cảnh sát 113, khoảng 20 người đã kéo tới. Ba người quá khích bị bắt và bị đánh do chống cự, sau đó bị đưa lên xe chở đi. Công nhân nhà máy trở vào lại làm việc.

Tuy vậy đám đông biểu tình tập trung các nơi khác nay nhập lại đã lên đến vài ngàn người. Họ phất cờ kéo đi ôn hòa qua ngang lực lượng 113. Đám đông nầy dường như cũng đang tập trung lực lượng để chờ đến tối. Chưa biết việc gì.
Lúc 15 giờ, trên đường chạy về lại Sài Gòn, chúng tôi đi ngang qua khu công nghiệp Biên Hòa 2. Tại đây chúng tôi thấy một đám đông có trên vài trăm người đi xe gắn máy phất cờ chạy vào nhà máy Tung Quang, không biết của nước nào. Cổng nhà máy đang rộng mở và đoàn người biểu tình lần lượt chạy xe vào trong. Vì nhà máy nằm bên kia đường cao tốc nên chúng tôi không thể quay xe lại để tìm hiểu việc gì đang xảy ra bên trong nhà máy nầy khi lực lượng biểu tình kéo vào.
Trên đường về chúng tôi cập nhật tin tức biết rằng ngày hôm nay biểu tình đang diễn ra khắp nơi. Thái Bình hàng vạn người đã tuần hành cũng bắt đầu từ công nhân của một nhà máy của Trung Quốc. Vũng Tàu, Tây Ninh, Hải Phòng, Hà Tĩnh cũng đang diễn ra biểu tình. Hình như có một kịch bản cho tất cả các địa phương. Chuyện gì đang diễn ra? Tự phát hay có tổ chức?  Cảm nhận của chúng tôi, gồm anh Huỳnh Kim Báu, Hạ Đình Nguyên, Hoàng Hưng, tôi và cô phóng viên trẻ Hoàng Ân, là dường như có tổ chức. Nhưng ai ?
HNC

13 giờ ngày 14.5.04 trên xa lộ vào khu công nghiệp Sóng Thần


Che cứu hỏa vẫn tiếp tục chữa cháy tại VSIP lúc 13g30 ngày 14.5




7 commentaires:

  1. Vung len dong bao oi

    RépondreSupprimer
  2. Liệu có bàn tay của 1 thành phần trong giới chóp bu lợi dụng tình hình,giương cao ngọn cờ dân tộc để trục lợi.Cần lắm trong lúc này các bài viết của Nhân sĩ ,Trí thức,các chủ block phân tích thiệt hơn,phản bác thái độ cực đoan gây chia rẽ trong cộng đồng dân tộc và chia rẽ Việt nam với thế giới.Cần lắm một lời hiệu triệu đoàn kết để chống ngoại xâm.Đừng để quốc gia này chia 5 sẻ 7,đó là tội ác trời chu đất diệt.

    RépondreSupprimer
  3. Không nên quá khích như thế nhưng qua đây chúng ta có thể nhận thấy lực lượng biểu tình chống TQ là ai, là đối tượng nào. Họ không phải là loại biểu tình quốc doanh như của TP.HCM!

    RépondreSupprimer
  4. Hậu quả tương lai thật không lường được. Mọi phong trào nào mà muống thành công thì phải có tổ chức và lảnh đạo bằng không thì nó dể trở thành manh động không kiểm soát được

    RépondreSupprimer
  5. Đây là bài học cay đắng cho Quốc hội Việt Nam: bởi các ông lần lữa không ban hành Luật biểu tình !

    RépondreSupprimer
  6. Có tổ chức cái kon kẹ. Không giáo dục pháp luật cho dân và hướng giẫn tạo cho dân biểu tình chống Trung quốc nên mới gây nên tình trạng quá khích.

    RépondreSupprimer
  7. Là người đang làm việc tại KCN khu vực Sóng thần , theo dõi vụ việc từ những hiện tượng ban đầu, tôi có mấy nhận xét sau:
    *Công nhân đã bị kích động đến mức không kiểm soát được hành vi của họ, những kẻ cầm đầu đa số không phải công nhân , hoặc từng là công nhân nhưng đã nghỉ việc do bất mãn ,hoặc bị sa thải..một số là các phần tử côn đồ ,cơ hội, nghiện hút..
    *Đời sống làm việc của công nhân quá cực nhọc ,lương thấp, môi trường làm việc căng thẳng, quan hệ giữa giới chủ & CN xấu nên họ dễ bị ức chế, dễ bùng nổ quá khích khi có dịp
    *Lực lượng an ninh yếu nghiệp vụ lẫn trách nhiệm ,họ tỏ ra thờ ơ lúc ban đầu đến khi tình hình vượt khỏi mọi sự kiểm soát thì họ tỏ vẻ buông xuôi, chống chế &lảng tránh..không có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên có trách nhiệm giữ ANTT
    *Mối quan hệ giữa người dân & chính quyền (qua đại diện là CA & dân phòng, nv chính quyền phường xã ) là không thân thiện nếu không muốn nói là đối nghịch do họ cảm thấy bị đàn áp, bị ngược đãi do chứng kiến hoặc tiếp xúc với các thông tin trên truyền thông hàng ngày ..

    RépondreSupprimer