Trang

17/07/2014

Đại cường không được nghỉ hưu: Thế giới sẽ nguy hiểm, nếu Mỹ từ bỏ vai trò lãnh đạo

Robert Kagan

Phạm Việt Vinh dịch
Trước hiểm họa Trung Quốc ngày càng gia tăng, nhiều người Việt đang đặt hy vọng vào sự “chuyển trục” sang châu Á của Mỹ và vai trò của Mỹ tại khu vực này. Tiểu luận sau đây có thể cung cấp một góc nhìn đáng tham khảo.
Tác giả Robert Kagan, 55 tuổi, là một cây bút và cố vấn chính trị người Mỹ. Là một nhân vật tân bảo thủ có thế lực và là một chuyên gia về chính trị quốc tế, ông viết nhiều cuốn sách, trong đó có quyểnSức mạnh và bất lực bảo vệ đường lối ngoại giao của Mỹ dưới thời George W. Busch. Victoria Nuland, vợ ông, làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên trách các vấn đề Châu Âu và Á-Âu. Gần đây nhất, một cuộc điện đàm giữa bà và Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine về những diễn biến căng thẳng ở Ukraine và vai trò của phương Tây bị nghe trộm và tung lên YouTube, trong đó bà dùng cụm từ “Fuck the EU” và cho biết Mỹ muốn nhân vật dân chủ nào sẽ đứng đầu chính phủ Ukraine mới. Theo cách phân định thường gặp, Robert Kagan đại diện quan điểm của phe được mệnh danh là “diều hâu” trong đường lối ngoại giao và quân sự Hoa Kỳ.
Người dịch

I.
Các đây gần 70 năm, một trật tự thế giới mới đã hình thành từ đống hoang tàn của Thế chiến thứ hai. Trung tâm của trật tự mới này là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Ngày hôm nay, ở trật tự thế giới đó đã xuất hiện những vết nứt. Thực ra thì những khủng hoảng ví dụ như giữa Nga và Ukraine hay như ở Syria không phải là hy hữu và cũng chẳng phải là không kiểm soát nổi. Ngay cả những phản ứng rụt rè của Liên Hiệp Quốc trước các biến động tại Ukraine, rồi các vụ nổi dậy tại Trung Cận Đông, tại Bắc Phi, các chiến thắng của lực lượng Thánh chiến khủng bố tại Syria và Iraq, sự căng thẳng mang tính quốc gia chủ nghĩa ngày càng gia tăng giữa các cường quốc tại Đông Á hay là sự lấn lướt của toàn trị và sự thoái lui của dân chủ trên khắp thế giới cũng không là điều đặc biệt và bất khả kháng. Nhưng tất cả những điều đó gộp lại cho thấy một cái gì đó đã thay đổi; và sự thay đổi này diễn ra nhanh hơn chúng ta tưởng. Có vẻ như một trật tự thế giới mới đang xuất hiện.
Nếu thật sự là trật tự thế giới cũ sẽ bị sụp đổ, thì nguyên do không nằm ở sự suy giảm thế lực của Mỹ – sự cường thịnh và vai trò của nước Mỹ vẫn đủ lớn để nó có thể giải quyết thành công các thách thức của thế giới hôm nay. Nguyên do này cũng không nằm ở chỗ các vấn đề chính trị toàn cầu hiện nay ngày càng trở nên phức tạp và khó giải quyết hơn. Và nguyên do này cũng không đơn giản nằm ở sự mệt mỏi vì chiến tranh. Điều hy hữu là nguyên do này nằm trong đầu của (người Mỹ) chúng ta, đó là vấn đề về bản ngã và sự quyết đoán của người Mỹ.
Nhiều người Mỹ và các thủ lĩnh chính trị của cả hai đảng (Dân chủ và Cộng hoà), kể cả Tổng thổng Obama đã quên, hoặc lánh xa những cái đã làm nên thành công của ngoại giao Mỹ – trước hết, đó là ý tưởng về một trách nhiệm toàn cầu, trong đó quyền lợi của nước Mỹ được đặt ngang bằng với quyền lợi của nhiều nước khác trên khắp thế giới. Có vẻ như ngày hôm nay nguời ta lại quay về với những khái niệm lợi ích quốc gia được hiểu theo nghĩa hẹp. Điều này nhiều khi được gọi là “chủ nghĩa cô lập”. Nhưng cụm từ này không đúng. Thực chất, nó chính là một nỗ lực tiến tới sự bình thường. Đằng sau sự bức bối của người Mỹ muốn tiếp tục đảm đương vai trò cũ là lòng mong mỏi muốn rũ bỏ những gánh nặng trách nhiệm mà các thế hệ trước đã tự lãnh nhận trong Thế chiến thứ hai và trong toàn bộ tiến trình Chiến tranh Lạnh. Nước Mỹ muốn trở lại thành một quốc gia “bình thường”, muốn quan tâm nhiều hơn tới những nhu cầu riêng và cắt giảm sự chú ý tới những nhu cầu của thế giới.
Để có thể hiểu Mỹ và nhân loại có thể sẽ tiến tới đâu, chúng ta cần phải nhớ lại trong quá khứ  nguời Mỹ đã quyết định như thế nào, và đã tạo ra những biến đổi sâu sắc như thế nào cho thế giới. Cái đã xảy ra trước đây gần 70 năm là một cuộc cách mạng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trước đó, tức là trước Thế chiến hai, Mỹ luôn từ chối những đóng góp toàn cầu mang tính dài hạn. Đối với phần lớn người Mỹ, đó là sự trả lời hợp lý nhất cho thế giới trong những năm 20 (của thế kỷ trước). Khi đó, hầu như đe dọa không hiển hiện: người ta cho rằng nền Cộng hoà Weimar non yếu rồi sẽ nhanh chóng sụp đổ trước khi nước Đức một lần nữa tìm cách thống trị châu Âu. Nước Nga thì kiệt quệ vì nội chiến và khủng hoảng kinh tế. Và mặc dù đang theo đuổi những ý đồ to lớn thì ở Nhật Bản vẫn có một nền dân chủ mong manh.
Người Mỹ vẫn tiếp tục giữ đường lối bình thường ngay cả khi trật thứ thế giới khi đó bị tẩy xóa và sụp đổ: bắt đầu bằng sự tiến quân của Nhật Bản vào Mãn Châu năm 1931 cho đến khi nước Áo sáp nhập vào nước Đức của Hitler và tiếp theo là sự thâu tóm Tiệp Khắc năm 1938/1939 của nước Đức Quốc xã. Những sự kiện này làm cho người Mỹ kinh hoàng, nhưng họ vẫn không nhìn thấy sự cần thiết phải ra tay.
Ngay cả khi quân Đức tràn vào Ba Lan năm 1939 và Thế chiến hai bùng nổ, những sách lược gia Mỹ vẫn tuyên bố rằng nước Mỹ là bất khả xâm phạm, nước Mỹ được bảo vệ bởi hai đại dương và có trong tay một lực lượng hải quân hùng mạnh. Nhận thức này phổ cập đến mức một vị Tổng thống có đầu óc toàn cầu như Franklin Roosevelt cũng e dè trong ăn nói và phải hứa hẹn rằng nước Mỹ sẽ không tham gia chiến tranh. Trong một diễn văn nổi tiếng vào năm 1936, ông tuyên bố: “Tôi căm ghét  chiến tranh!” Nhưng hai năm sau đó, khi Hiệp ước München được ký kết, ông ta mới phát hoảng và bắt đầu cảm thấy rằng những cường quốc Tây Âu như Anh và Pháp đã mất hết quyết tâm đương đầu với Hitler. Chỉ khi đó Roosevelt mới bắt đầu cảnh báo người Mỹ về một hiểm họa đang bùng phát.
Quyết định tham chiến chỉ diễn ra sau vụ Trân Châu Cảng. Cuộc tấn công năm 1941 của Nhật vào Hạm đội Thái Bình Dương, tuyên bố chiến tranh của Hitler sau đó và cuộc tham chiến toàn diện của Mỹ vào các xung đột tại châu Âu và châu Á là một cú sốc với người Mỹ. Lòng tin của (người Mỹ) chúng ta rằng nước Mỹ vẫn ổn vững giữa một thế giới hỗn loạn đã vỡ vụn trong một ngày. Những sự kiện năm 1941 đòi hỏi phải có một định nghĩa mới cho khái niệm quyền lợi của nước Mỹ. Thêm vào đó, người ta hiểu ra rằng sự thịnh vượng và ngay cả an ninh của nước Mỹ cũng phụ thuộc vào một nền kinh tế toàn cầu lành mạnh.
Với nhận thức rằng nguồn gốc của Thế chiến hai nằm ở sự sụp đổ của trật tự thế giới trên các mặt chính trị, kinh tế và sách lược, ngay sau khi nhảy vào cuộc chiến, chính phủ Mỹ bắt đầu triển khai một trật tự thế giới lâu dài mới. Lần này, nó phải là một trật tự thế giới dựa trên sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự của Mỹ. Người châu Âu đã tự chứng tỏ rằng họ bất lực khi phải gìn giữ hòa bình. Mỹ đứng ra đảm lãnh vai trò quyết định trong việc chiếm đóng và chuyển hóa các nước bại trận. Tại các nước đó, Mỹ tự lãnh trách nhiệm phải tạo ra một chính thể dân chủ nào đó để thay thế chế độ độc tài đã lôi kéo các quốc gia đó vào cuộc chiến. Nước Mỹ phải có một sức mạnh áp đảo về quân sự, và khi cần thiết, phải có khả năng điều một lực lượng chiến đấu cần thiết đi bảo vệ sự ổn định và an ninh tại châu Âu, châu Á và Trung Cận Đông. Trong tính toán của Roosevelt và các cố vấn của ông, vũ lực quân sự đóng một vai trò trung tâm. “Hòa bình phải được gìn giữ bằng vũ lực”, Roosevelt tuyên bố như vậy. Ngoài ra, “không còn con đường nào khác”.
II.
Sách lược tổng thể như trên là một bước ngoặt dứt khoát của Mỹ đối với cái gọi là “sách lược bình thường”. Sách lược này không phải là vô tư hay không vụ lợi. Những người cầm đầu chính phủ Mỹ tin rằng, sách lược trên phục vụ tốt nhất cho quyền lợi của Hợp chúng quốc. Ngoại trưởng Mỹ (từ 1949 đến 1953, ND) Dean Ascheson từng tuyên bố: “Nước Mỹ phải học cách hành xử trong một liên đới trách nhiệm lớn hơn cả lợi ích của bản thân nước Mỹ”. Điều này là một cuộc cách mạng thực sự trong sách lược ngoại giao của Mỹ.
Vào cuối những năm 40 và trong những năm 50, Mỹ đã chi ra hàng tỷ Dollar để tái thiết châu Âu và lập liên minh quân sự với các cựu thù của mình như Đức và Nhật Bản cũng như nhiều nước châu Âu khác mà trước đây Mỹ không mấy tin tưởng. Thậm chí, người Mỹ còn mở rộng lá chắn hạt nhân để ngăn chặn khả năng tấn công thông thường của Liên Xô đối với Tây Âu; bằng cách này, người Mỹ đã tự nguyện đứng ra làm mục tiêu của vũ khí hạt nhân Liên Xô. Trong những năm 50 và 60, nhiều khi Mỹ đã chi ra 10 phần trăm hoặc cao hơn 10 phần trăm tổng thu nhập quốc gia cho quốc phòng. Mỹ cũng tiến hành hai cuộc chiến tốn kém tại Triều Tiên và Việt Nam.
Sau Thế chiến hai, vào những năm 50, Mỹ đã gây dựng và thúc đẩy sự phát triển của một trật tự thế giới tự do;  Mỹ đã tạo ra “thế giới tự do”, trong đó hòa bình và thịnh vượng đã có khả năng ra hoa kết trái ở một thời kỳ có một không hai trong lịch sử thế giới.
Mặc dù sự căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô có những lúc gia tăng đến mức nguy hiểm, nhưng về cơ bản, đây là thời kỳ được đánh dấu bởi nền hòa bình giữa các đại cường. Sự có mặt của Mỹ tại châu Âu và Đông Á kết thúc vòng xoáy chiến tranh đã hủy hoại nặng nề hai vùng đất này kể từ đầu thế kỷ 19. Trên thế giới, số lượng các nền dân chủ tăng lên nhanh chóng. Phần lớn thế giới được thụ hưởng một sự thịnh vượng chưa từng có từ trước tới nay. Mặc dù không thiếu những thảm họa và nguy cơ thảm họa cũng như đã xảy ra hai cuộc chiến tốn kém tại châu Á, nhưng về tổng thể, sách luợc trên đã thành công, và thành công đến mức là Đế chế Xô-viết cuối cùng đã sụp đổ cũng như đã phải tự động thoái lui trước những thành tựu về kinh tế và chính trị của Phương Tây. Tất cả những điều trên là kết quả của nhiều yếu tố, nhưng không một thành tích nào có thể hiển hiện nếu không có ý chí của Mỹ đảm trách vai trò bất bình thường của người gìn giữ và bảo vệ một trật tự thế giới vị tự do.
Sự công nhận rộng khắp thế lực của Mỹ, số lượng đông đảo các nước liên minh và thực tế là không có một cường quốc nào liên kết với Liên Xô để chống lại Mỹ đã tạo ra một tình thế có một không hai, đó là: trong lịch sử thế giới, chưa từng có một quốc gia nào đóng một vai trò toàn cầu to lớn như vậy, và cũng chưa từng có một quốc gia nào có khả năng như vậy. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như Liên bang Xô-viết tan vỡ và sự đe dọa của chủ nghĩa cộng sản tiêu tan?
III.
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều người đã nghĩ rằng, cuối cùng thì nước Mỹ cũng được giải phóng khỏi cái trách nhiệm toàn cầu nặng nề mà nó đã mang vác hơn 40 năm. Thế giới vào đầu những năm 90 có vẻ như khá ổn vững. Liên bang Xô-viết hồi đó đang nằm trong tình trạng phá sản về chính trị và kinh tế; Trung Quốc bị cô lập về kinh tế và ngoại giao sau vụ thảm sát Thiên An Môn. Vậy thì có mối đe dọa nào bắt nước Mỹ phải tiếp tục gánh chịu vai trò bất bình thường trên thế giới? Liệu nước Mỹ có thể quay trở lại làm một quốc gia bình thường với một định nghĩa bình thường về lợi ích quốc gia?
Tháng Chín 1990, Jeane Kirkpatrick, nữ đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, đã tuyên bố một câu trong bài viết “A Normal Nation in a Normal Time”, rằng “không còn có nhu cầu cấp thiết về chủ nghĩa anh hùng và lòng hy sinh” nữa. Kirkpatrick đã nói ra điều mà nhiều người đã nghĩ sau khi bức tường Berlin đổ sụp. Với tiểu luận  “Sự cáo chung của lịch sử”, nhà nghiên cứu chính trị Francis Fukuyama khẳng định rằng, với chiến thắng của dân chủ thì bóng dáng của những thách thức về ý thức hệ và về địa chính trị cũng biến mất. Nỗi nguy hiểm lớn nhất cho tương lai sẽ là cái tẻ nhạt trống rỗng của sự tồn tại trong một chủ nghĩa tự do Tây phương thiếu vắng tinh thần và hủy hoại tâm hồn.
Điều đáng lưu ý là trong hai thập niên đầu  sau Chiến tranh Lạnh, nước Mỹ đã vẫn theo đuổi sách lược ngoại giao tổng thể có từ thời Roosevelt. Tháng Tám 1990, quân đội Iraq của Sadam Hussein tràn vào Kuwait và nuốt trọn xứ này chỉ trong có vài ngày. Cuộc xâm lược đã diễn tiến một cách tàn bạo, nhưng so với những sự kiến chấn động của thế kỷ 20 thì nó vẫn còn khá êm dịu. Mặc dù tiên liệu việc đánh đuổi quân Iraq ra khỏi Kuwait là “hao tốn và bất trắc”, nhưng chính phủ Bush lo rằng nếu được bỏ qua, thì cuộc xâm lăng của Iraq rất có thể sẽ là “một tiền lệ khủng khiếp cho thời đại sau Chiến tranh Lạnh”. Sự tha thứ cho việc lấn chiếm trong một khu vực sẽ kích thích chiến tranh xâm lược tại những khu vực khác. Tổng thống Bush còn nhớ rất rõ những điều này trong các năm 30. Lần này, ông viết trong hồi ký của mình: “Tôi không muốn luôn phải nhượng bộ trước những hành vi bành trướng”.
Vậy là trong vòng 10 năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, nước Mỹ đã tiến hành hàng loạt những chiến dịch quân sự: Panama (1989), Iraq (1991), Somalia (1992), Haiti (1994), Bosnia (1995), Iraq lần thứ hai (1998) và Kosovo (1999). Không một cuộc chiến nào trong số đó là phản ứng trước một cái gọi là đe dọa sống còn đối với lợi ích quốc gia. Tất cả đều nhằm mục đích bảo vệ và mở rộng trật tự thế giới vị tự do thông qua việc lật đổ các chế độ độc tài và dẹp các cuộc đảo chính.
Bill Clinton mở rộng khối Nato tới Ba Lan, Tiệp, và thúc đẩy hợp tác quân sự với các nước vùng Baltic. Với hàng tỷ dollar, ông tìm cách cứu vớt cuộc thí nghiệm dân chủ còn ngất ngư của Boris Yeltsin tại Nga, và tiến hành một chính sách ngăn chặn dứt khoát đối với Bắc Triều Tiên, Iran và Iraq – những nước bị gọi là “các nhà nước bất hảo” do đã khinh bỉ một trật tự thế giới vị tự do. Những xung đột tại các vùng xa xôi và bất ổn không phải là điều vô hại đối với lợi ích của nước Mỹ.
Theo nhận định thông thường thì người Mỹ hôm nay đã mệt mỏi với chiến tranh. Nhưng có lẽ sẽ chính xác hơn nếu cho rằng người Mỹ đã “mệt mỏi với thế giới”. Ngày hôm nay, hơn 50 % người Mỹ nghĩ là “trên trường quốc tế, nước Mỹ chỉ nên quan tâm tới các vấn đề của mình và phó mặc cho các quốc gia khác tự giải quyết công việc của họ” – đó là một tỷ lệ cao chưa từng có trong lịch sử thăm dò dư luận tại Mỹ.
IV.
Các sử gia thường nói đến quá trình trưởng thành của chính sách ngoại giao Mỹ kể từ thế kỷ 19. Nhưng nếu một quốc gia có thể học hỏi dần thì nó cũng có khả năng quên dần. Khi quan sát kỹ hơn đường lối ngoại giao của Mỹ hiện nay và các cuộc tranh luận về nó, dần dần người ta sẽ có cảm giác là những tiền đề của sách lược tổng thể thời Roosevelt đã bị lãng quên. Cũng có lẽ đó là điều không thể tránh khỏi. Ngày nay, Thế chiến hai đối với những người sinh vào thời kỳ chuyển tiếp thiên niên niên kỷ cũng xa xưa như cuộc Nội chiến Mỹ đối với thế hệ những năm 30. Một thế hệ không còn nhớ đến thời Chiến tranh Lạnh và chỉ trải qua các cuộc xung đột tại Iraq và Afghanistan sẽ có một cách nhìn khác về vai trò của Mỹ trên thế giới. Người Mỹ hôm nay không còn là những kẻ cô lập như thời những năm 20. Họ ủng hộ một trật tự thế giới tự do khi nào nó cho họ thấy một nguồn lợi trước mắt. Nhưng họ không còn muốn phải hy sinh nhiều để giữ vững trật tự thế giới đó. Như thần Atlas, người Mỹ đang phải vác nặng thế giới trên đôi vai của mình. Đó là một trách nhiệm vĩ đại. Số tiền khổng lồ  mà họ phải chi ra cho kinh phí quốc phòng lớn hơn tất cả số tiền của các quốc gia khác cộng lại. Vậy thì liệu những đồng minh của họ có thể sẽ có những đóng góp lớn hơn không?
Câu hỏi này đã được đặt ra từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhưng câu trả lời luôn luôn là: Rất có khả năng không! Những nguyên do cho phép nước Mỹ bảo vệ trật tự thế giới tự do cũng lý giải vì sao những đồng minh của Mỹ luôn rụt rè và ít có khả năng làm việc này:  Họ không có sức mạnh và sự an toàn để có thể nhìn vuợt qua lợi ích quốc gia đã bị định nghĩa hẹp của họ và phản ứng một cách thích đáng. Vì thế, chỗ nào mà họ đã thất bại thì họ cũng sẽ lại thất bại. Ngay cả những người châu Âu của thế kỷ 21 với những thành tựu tuyệt vời của họ trong quá trình thống nhất chính trị có vẻ cũng hoàn toàn không có khả năng nắm tay nhau để chống lại một “con thú dữ”, và cũng như trong quá khứ, nếu cần thiết thì họ cũng sẵn sàng ném những kẻ ốm yếu cho “con thú dữ” đó xé xác để cứu vãn sự an toàn (cho túi tiền) của họ.  Đạo đức cũng có giá của nó.
Như phần lớn nhân loại, người Mỹ rất thích tin rằng họ sẽ hành xử đúng và đứng vào phía đúng. Họ cũng mong rằng những hành động của họ là chính nghĩa hay là hợp pháp.
Nhưng trên thế giới không tồn tại một cơ cấu đảm bảo trật tự có tổ chức và theo một luật lệ toàn cầu, đó là chưa nói đến việc nó không thể có một cơ cấu đảm bảo trật tự dân chủ mà tất cả các quốc gia phải tuân theo. Vấn đề chính nghĩa hay phi chính nghĩa không được phân định bởi một tiến trình tìm lẽ phải vô tư, mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự phân chia quyền lực trong hệ thống. Về nguyên tắc, để hợp lý thì ngoài lòng tin của bản thân, người Mỹ phải sử dụng sức mạnh của mình để thực hiện những ý tưởng về chính nghĩa của mình mà không cần thêm sự công nhận của bên ngoài. Đó là một gánh nặng về đạo đức cho một xã hội dân chủ. Ở quốc gia của mình, người Mỹ đã quen với việc chia xẻ đều gánh nặng này cho những đôi vai khác nhau trong xã hội. Người dân tạo ra luật pháp, cảnh sát làm cho pháp luật có giá trị, thẩm phán và bồi thẩm ra phán quyết và nhân viên nhà tù thực thi bản án. Trong khi đó, trên trường quốc tế, nước Mỹ vừa là thẩm phán, bồi thẩm, vừa là cảnh sát, và khi có hành động quân sự thì nó đóng luôn cả vai đao phủ. Cái gì đã cho phép nước Mỹ hàng động nhân danh một trật tự thế giới vị tự do? Thực tế là không có cái gì như thế cả, ngoài lòng tin rằng trật tự thế giới vị tự do là một thực thể chính nghĩa nhất.
Nan đề đạo đức này có thể dễ dàng được bỏ qua vào thời Chiến tranh Lạnh; khi đó mọi hành động, ngay cả khi chúng được tiến hành ở những nơi xa xôi nhất, cũng có thể được biện hộ bởi quyền lợi quốc gia lành mạnh. Ngược lại, những biện pháp bảo vệ trật tự thế giới luôn làm bật ra những câu hỏi phức tạp về đạo đức. Mỹ và châu Âu khẳng định rằng chủ quyền của Ukraine là bất khả xâm phạm và người  Ukraine phải được quyền quyết định rằng họ có nên trở thành một thành viên của Liên minh châu Âu hay không. Vladimir Putin biện hộ việc sáp nhập Krym vào Nga bằng những ràng buộc lịch sử và lý giải sự kiện này là một phản ứng trước  việc Mỹ và châu Âu can thiệp vào một khu vực ảnh hưởng lịch sử của Nga. Vậy ai là người có khả năng vô tư để phân định đúng sai giữa những quan niệm đối chọi nhau về pháp lý như trên? Sẽ vô vọng nếu như mang cách nhìn được coi là có ưu thế về đạo đức của thế kỷ 21 đối chọi với  tiêu chuẩn đạo đức được coi là yếu thế của thế kỷ 19.
Thế kỷ hiện nay của chúng ta cũng chẳng có nhiều hơn cái gọi là đạo đức tuyệt mỹ như những thế kỷ đã qua. Và trong thế kỷ này các đại cường cũng không hề trong trắng hơn khi bị lôi kéo vào những xung đột như trong các thế kỷ khác. Tất cả đều ích kỷ, tất cả đều thoả hiệp về đạo đức. Thực tế là như vậy – một quốc gia càng hùng mạnh bao nhiêu thì càng dễ có xu hướng hành xử chẳng có gì là phù hợp với các giá trị đạo đức của Cơ đốc giáo hay là của thời Khai sáng.
Ai có thể khẳng định được rằng việc bảo vệ trật tự thế giới vị tự do là nhất thiết đúng đắn? Người ta chưa bao giờ cho nhân dân toàn thế giới bỏ phiếu tán thành hay phản đối một trật tự thế giới vị tự do. Trật tự này không phải là do Chúa tạo ra. Nó cũng không phải là điểm kết thúc của tiến bộ loài người. Nó chỉ là một trật tự thế giới tạm thời đáp ứng nhu cầu, lợi ích và trước hết là lý tưởng của một bộ phận đông đảo và hùng mạnh, chứ không nhất thiết phải là đòi hỏi và mong muốn của tất cả mọi người. Chủ nghĩa cộng sản có thể là đã phá sản, nhưng tư tưởng toàn trị và các nhà nước chuyên chế vẫn còn. Và không phải là dân chủ, mà chính sự chuyên chế mới là cái đã từng là thước đo trong lịch sử loài người.
Trong những thập niên vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Mỹ và châu Âu, dân chủ đã có sức mạnh để xây dựng thế giới theo những ý tưởng của mình. Nhưng ai dám nói rằng Chủ nghĩa Putin ở Nga hay là dạng thái đặc biệt của chuyên chế tại Trung Quốc sẽ không có khả năng tồn tại lâu đúng như nền dân chủ châu Âu, cái mà ở ngoài nước Anh ra thì cho đến nay mới có nhỉnh hơn 100 năm tuổi? Đối với một quốc gia mệt mỏi về quyền lực thì điều này là một câu hỏi làm rối trí. Nhà nghiên cứu chính trị Hans Morgenthau có lần đã nhắc nhở rằng người Mỹ có lẽ “sẽ rất thích thú với ảo tưởng là một quốc gia… sẽ thoát khỏi sách lược quyền lực”, rằng sẽ đến lúc “tấm màn kết thúc sẽ được kéo xuống và trò chơi quyền lực sẽ không còn tiếp diễn”. Suy nghĩ trốn tránh thực tế này đã có một đồng vọng rộng lớn vào những năm cuối thời Chiến tranh Lạnh. Năm 1989 Fukuyama tuyên bố với người Mỹ rằng, với sự cáo chung của lịch sử thì “nền dân chủ vị tự do sẽ không còn đối thủ ý thức hệ nào cần phải chú ý”. Tiến bộ dân chủ là không thể tránh khỏi, và vì vậy, người ta không còn cần phải làm bất cứ gì để thúc đẩy và bảo vệ nó. Trong thời đại mới, cái mà nước Mỹ cần là cắt giảm quyền lực cứng (hard power) và tăng cường quyền lực mềm (soft power).
Đó là suy nghĩ chủ đạo, ít nhất là từ cuối thời Chiến tranh Lạnh cho tới năm 2008 và cho tới khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính. Đó là lúc xảy ra sự chuyển đổi mô hình. Bây giờ không phải là hồi kết của lịch sử, mà là hồi kết của nước Mỹ, hồi kết của phương Tây. Khúc khải hoàn đã nhường chỗ cho học thuyết thoái trào. Nếu như trước đó người ta cho rằng việc nước Mỹ dùng sức mạnh của mình để hướng dẫn thế giới vào một trật tự nhất định là không cần thiết, thậm chí là sai trái, thì ngày nay đột nhiên người ta thấy rằng điều đó không còn có khả năng xảy ra, vì Hợp chúng quốc đã không còn đủ sức. Các quan chức cao cấp trong chính phủ Mỹ, đặc biệt là giới trẻ, cho rằng trong cuộc xung đột tại Syria, Mỹ đã bị trói buộc chân tay quá nhiều. Đây là một bài học cho thế hệ của họ, bài học từ Iraq và Afghanistan: rằng Mỹ không còn sức mạnh, không còn sự hiểu biết, và cũng không còn cả khả năng giải quyết các vấn đề của thế giới.
Nhưng chính quan điểm cho rằng những hoạt động quốc tế chỉ là vô bổ lại cất giấu trong lòng nó một huyền thoại. Qua cặp kính màu hồng, chúng ta nhìn lại Chiến tranh Lạnh và tưởng tượng rằng nước Mỹ lúc đó đã dễ dàng thúc đẩy các quốc gia khác làm những gì mà Mỹ muốn. Nhưng nếu bỏ sang một bên những thành công, thì trong Chiến tranh Lạnh, sách lược ngoại giao của Mỹ cũng đã phạm phải hàng loạt những lỗi lầm, những xuẩn ngốc, nhiều tai nạn và cả một số thảm họa theo đúng nghĩa. Ngay từ đầu, các đồng minh của Mỹ đã tự chứng tỏ là họ thích gây rối, hay hờn dỗi và luôn bướng bỉnh. Phải chăng giới chiến lược gia của ngày hôm nay thật sự nghĩ rằng những người tiền nhiệm của họ trong các chính phủ trước đây có nhiều thuận lợi hơn họ?
Đường lối ngoại giao của bất kỳ quốc gia nào cũng thường thất bại nhiều hơn thành công. Ngay cả những cố gắng tác động vào hành xử của dân chúng trong nội địa cũng đã rất khó khăn. Vậy thì việc gây ảnh hưởng lên những dân tộc khác, quốc gia khác mà không lạnh lùng hủy diệt họ đương nhiên phải là một công việc khó khăn nhất của loài người. Điều chắc chắn trong ngoại giao –  nó cũng chắc chắn như sự tồn tại của loài người chúng ta, là tất cả những hành động giải quyết các vấn đề chỉ có thể làm nẩy sinh ra những vấn đề mới. Và điều này có giá trị cho mọi cuộc chiến tranh. Không có một cuộc chiến nào có kết cục hoàn hảo, ngay cả những cuộc chiến có những lý cớ tốt đẹp nhất cũng như vậy. Tiêu chuẩn cho một chiến thắng không nằm ở chỗ là kết quả cuối cùng có đáp ứng 100 % ước vọng ban đầu hay không, mà là liệu kết quả không ưng ý đã đạt được tốt hơn hay xấu hơn so với cái kết quả sẽ có nếu không có hành động. Việc chỉ chú tâm vào những kết quả phục vụ những mục tiêu tối đa với tốn phí tối thiểu là một biểu hiện của tâm thức trốn chạy thực tế.
Thực tế cho thấy người Mỹ ngày nay có vẻ như bị quá tải trước sự phức tạp của thế giới. Họ mong muốn được quay trở lại vị trí “vô tội của người vô trách nhiệm” như nhà thần học Mỹ Reinhold Niebuhr có lần đã nói, hay ít nhất cũng là có được một vị trí bình thường để nước Mỹ có thể giảm thiểu mức độ đóng góp cho thế giới. Với phương cách đó, nước Mỹ có thể sẽ quay trở về không khí của những năm 20. Tuy nhiên, ở đây có một điều khác biệt: Trong những năm 20 người Mỹ tin là Anh quốc và châu Âu có trách nhiệm bảo vệ cái trật tự thế giới mà họ đã tạo ra. Còn bây giờ, liệu người Mỹ có hiểu ra rằng lần này chỉ có họ mới có khả năng giữ vững trật tự thế giới đó?
Khi Tổng thống Obama mới nhậm chức, Peter Baker đã viết trên tờNew York Times rằng Obama muốn “tiếp nhận một thế giới như nó đang hiện hữu chứ không phải như người ta có thể mong muốn”. Đó chính là gốc rễ của cái điệp khúc mà các đại diện của nội các Obama luôn luôn đưa ra để giải thích tại sao Tổng thống lại chống việc tiến hành các hoạt động tại nơi này hay nơi kia trên thế giới để phấn đấu cho một “lý tưởng” đáng mơ ước nhưng khó thực hiện. Có vẻ như càng ngày càng ít người hiểu được rằng, đối với người Mỹ và nhiều người khác, 70 năm qua là một thời hạn ân huệ của chính cái thế giới “đang hiện hữu”.
Giai đoạn hòa bình và thịnh vượng có thể làm cho con người quên mất bản chất thật sự của cái thế giới  “đang hiện hữu”; nó cũng ru ngủ con người với lòng tin là loài người đã đạt đến một cấp bậc sinh tồn cao hơn. Người ta công bố những kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy đã đến “giai đoạn chuyển hóa của các quan hệ quốc tế”, và “sự thay đổi biên giới bằng vũ lực” đã giảm mạnh “kể từ năm 1946″.
Nhưng liệu có phải ngẫu nhiên mà trào lưu đáng phấn khởi như trên đã xuất hiện sau khi trật tự thế giới kiểu Mỹ được tạo dựng sau Thế chiến thứ hai? Thật ra thì thế giới – như nó “đang hiện hữu”, là một nơi đầy nguy hiểm và nhiều khi rất tàn bạo. Hành xử của con người, và cả các quan hệ quốc tế, về cơ bản cũng chẳng có nhiều thay đổi. Ngay cả trong thế kỷ 21, vũ lực vẫn là phương tiện cuối cùng. Vấn đề được đặt ra không phải là các quốc gia có sẵn sàng sử dụng vũ lực hay không, mà là các quốc gia đó nghĩ rằng, nếu sử dụng vũ lực thì họ có bị trừng phạt hay không. Khi Vladimir Putin thấy rằng không thể đạt được những mục tiêu của mình tại Ukraine bằng phương tiện chính trị và kinh tế, ông ta đã dùng đến vũ lực vì tin rằng mình có thể làm như vậy. Chừng nào vẫn còn tin rằng hiệu quả cao hơn cái giá phải trả khi dùng vũ khí, ông ta sẽ tiếp tục sử dụng vũ lực. Suy tính này cũng không có gì đặc biệt. Trong cách nhìn như vậy, liệu Trung Quốc sẽ làm tất cả những gì nếu như họ không bị ngăn cản bởi một hàng rào nhiều cường quốc được sự hỗ trợ của Mỹ? Và cũng trong mối liên quan này: Nhật Bản sẽ làm gì nếu như nó sẽ mạnh lên nhiều và ít phụ thuộc hơn vào nước Mỹ? Hiện tại chúng ta chưa phải tìm trả lời cho câu hỏi này vì với vị thế thống lĩnh của Mỹ, chiếc hộp thần tai họa của Pandora vẫn còn được giữ kín.
Hệ thống thế giới là một đan kết chặt chẽ của các tương quan sức mạnh, trong đó mỗi một quốc gia – từ lớn nhất cho tới nhỏ nhất, luôn phải ghi nhận một cách tinh vi những biến động và quấy rối. Từ 1945, và nhất là từ 1989, mối đan kết này đã được tạo ra để choàng vào nước Mỹ. Các đồng minh quan sát thái độ của Mỹ và tìm cách đánh giá độ tin cậy của nó. Các quốc gia cảm thấy bị Mỹ chèn ép hay đe dọa thì soi tìm những chỉ dấu tăng giảm về sức mạnh và quyết tâm của nó. Và khi nước Mỹ có vẻ như lùi bước, thì các đồng minh của nó an lòng trong khi các quốc gia khác hoan hỉ chờ cơ hội.
Trong những năm qua, thế giới đã tiếp nhận những tín hiệu cho thấy người Mỹ không còn muốn tiếp tục gánh vác trên vai sức nặng của trách nhiệm toàn cầu. Mới đây, khi nói về chuyện tiến quân vào Syria, Tổng thống Obama tuyên bố: “Đó không có nghĩa là việc này không đáng làm. Nhưng sau một thập niên chiến tranh, nước Mỹ đã tiến tới giới hạn của mình.”
Đến hôm nay thì những chỉ dấu sụp đổ của trật tự thế giới đã xuất hiện ở khắp nơi. Khi Nga tiến quân vào Ukraine và thâu tóm Krym, thì đây là lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến hai, một quốc gia châu Âu đã xâm chiếm lãnh thổ của nước khác. Nếu Iran chế tạo bom nguyên tử, các nước khác bắt buộc phải làm theo. Iran, Saudi Arabia và Nga tiến hành chiến tranh uỷ nhiệm tại Syria, giết hại cho đến nay là 150.000 người và làm cho hàng triệu người phải phiêu bạt. Và những sự kiện mới đây tại Syria và Iraq đang làm tăng khả năng hình thành một nhà nước Thánh chiến Hồi giáo tại trung tâm Cận Đông, một nhà nước không chấp nhận biên giới. Nếu trào lưu này tiếp diễn thì trong tương lai gần, chúng ta sẽ có nhiều chiến tranh về lãnh thổ hơn, nhiều bạo lực vì sắc tộc và tôn giáo hơn, và sẽ nhìn thấy một thế giới vị tự do càng ngày càng thu hẹp.
Câu hỏi là nước Mỹ phải phản ứng ra sao. Liệu nước Mỹ sẽ còn sống sót khi Syria vẫn ở trong tay của Assad hay – có khả năng hơn, là Syria sẽ bị phân rã và trong vòng hỗn loạn,  quân Thánh chiến sẽ kiểm soát thêm nhiều vùng đất mới? Liệu nước Mỹ sẽ còn sống sót nếu như Iran có trong tay bom nguyên tử và để đáp lại thì sẽ xuất hiện những quả bom như vậy tại Saudi Arabia, tại Thổ Nhĩ Kỳ và tại Ai Cập? Liệu nước Mỹ sẽ còn sống sót trong một thế giới mà trong đó nước Nga thống lĩnh Đông Âu, không phải chỉ là ở Ukraine, mà ở cả vùng Baltic và có thể là cả Ba Lan?
Tất nhiên là nước Mỹ có thể còn sống sót. Có thể việc can thiệp thực tế là không bức thiết. Nước Mỹ vẫn có thể làm ăn buôn bán với một Trung Quốc nắm quyền thống lĩnh và cũng có thể tìm thấy một phương thức thỏa thuận chung sống với một đế quốc Nga tái hùng cường. Rồi sẽ như trong quá khứ, người Mỹ sẽ là những người cuối cùng phải chịu nỗi đau khi trật tự thế giới sụp đổ. Và khi họ thực sự cảm nhận được nỗi đau đó thì đã là rất muộn.
Nhà nghiên cứu chính trị Mỹ Robert Osgood, có thể được coi là tư tưởng gia chính trị thực tiễn thông minh nhất của thế kỷ vừa qua, khi nhìn lại thời kỳ trước Thế chiến hai đã phát hiện ra một điều kinh hoàng: Những định nghĩa thuần thực dụng về “lợi ích quốc gia” là hoàn toàn không đủ. Điều nghịch lý là chính những “người có lý tưởng” đã là những người phản ứng một cách “đặc biệt nhanh nhậy trước nguy cơ phát-xít đối với văn hóa và văn minh phương Tây”.  Lý tưởng chủ nghĩa là một “động cơ tinh thần không thể bỏ qua để con người có thể nhận ra những đòi hỏi bắt buộc của một chính sách quyền lực”. Điều này cũng chính là thông điệp của Roosevelt khi ông kêu gọi người Mỹ phải đứng lên bảo vệ “không những nhà cửa đất đai, mà cả lòng tin và tình người của họ”.
Có lẽ người ta lại phải khuyến khích người Mỹ làm như vậy ngay cả khi không có sự đe dọa của một Hitler mới. Nhưng lần này nước Mỹ sẽ không có một thời gian dài 20 năm để suy tính và quyết định. Thế giới biến chuyển nhanh hơn sức tưởng tượng của người Mỹ. Và sẽ không có một siêu cường dân chủ nào khác túc trực đằng sau sân khấu để cứu vãn thế giới nếu như nước Mỹ, siêu cường dân chủ duy nhất hiện nay, tỏ ra ngần ngại.
Nguồn: Robert Kagan: ”Die Welt wird zu gefährlichwenn Amerika den Führungsanspruch aufgibt“, Spiegel 26/2014
Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Việt Vinh & pro&contra

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire