Trang

10/08/2014

"ĐẶC XÁ ĐIẾU CÀY" CÓ Ý NGHĨA GÌ?

Trường Sơn/VNTB
Blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải năm 2007. Ảnh: CLB NBTD
Nếu không có gì bất thường thuộc về tính cách thường xô lệch của các cơ quan thi hành pháp luật Việt Nam, một tù nhân lương tâm là Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải sẽ được trả tự do trong thời gian không lâu nữa, thậm chí có thể ngay trong tháng Tám này.

 “Đủ điều kiện xem xét giảm án đặc xá”

Ngày 6/8/2014, trùng với thời điểm Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain và đồng viện dân chủ Sheldon Whitehouse đến Hà Nội, gia đình của Điếu Cày bất ngờ nhận giấy mời của Chi cục thi hành án dân sự quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu thay mặt cho ông Hải đóng tiền án phí sơ thẩm và phúc thẩm hình sự để “đủ điều kiện xem xét giảm án đặc xá”.


Trang tin Truyền thông Chúa Cứu Thế - địa chỉ đầu tiên phát ra thông tin về giấy mời đặc biệt đến mức hoàn toàn bất thường trên - đặt câu hỏi: “Điều đầu tiên gây ngạc nhiên cho chúng tôi là án phí của một bản án hình sự tại sao lại do CCTHA dân sự gởi thư mời (tương tự giấy đòi nợ) để thu tiền? Điều thứ hai là tại sao việc nộp án phí lại là “đủ điều kiện xem xét giảm án đặc xá”?”.

Xét về “nhân thân” và “quá trình công tác”, Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải chính là một trong những tù nhân lương tâm kỳ cựu và có tiếng nhất ở Việt Nam, bị bắt và bị xử án đến hàng chục năm tù giam chỉ vì đấu tranh phản kháng Trung Quốc.

“Bắt ông Hải để ngoại giao với Trung Quốc”

Vụ án Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do được đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 24/9/2012 và phúc thẩm ngày 28/12/2012, xét xử 3 thành viên là Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải. Ông Nguyễn Văn Hải bị tuyên án 12 năm tù giam và 5 năm quản chế. Bị biệt giam không lý do trong các trại ông đi qua, chưa bao giờ được nhận bản án phúc thẩm và quyết định thi hành án, và bị ngăn chặn tuyệt đối các đơn thư khiếu nại và kháng cáo từ buồng giam. Đỉnh điểm là vụ tuyệt thực hơn 30 ngày của ông vào tháng 6 - 7 năm 2013 để được trả lời khiếu nại. Nhưng sau khi Viện kiểm sát nhân dân Nghệ An đến hứa hẹn, vẫn chưa một khiếu nại nào được giải quyết. Những người tù chính trị đã giúp đỡ ông trong thời gian tuyệt thực đó bao gồm ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã bị đánh đập và chuyển đi những trại khác cách xa hàng ngàn cây số.

Anh Nguyễn Trí Dũng, con trai của Điếu Cày, chia sẻ:

“Về phía gia đình, chúng tôi luôn khẳng định là ông Nguyễn Văn Hải vô tội vì những việc làm của ông là đúng với hiến pháp và pháp luật không cấm. Ngoài ra đã rất nhiều lần cán bộ An ninh điều tra chia sẻ rằng phải bắt ông Hải để ngoại giao với Trung Quốc. Sau rất nhiều đơn thư khiếu nại đến tất cả các cấp không được trả lời. Chúng tôi chỉ còn mong ước rằng công lý được thực thi, những gì các cơ quan hành pháp đã vi phạm phải được nhìn nhận và khắc phục, hoặc đơn giản hơn là dám trả lời những đơn thư khiếu nại của chúng tôi. Ngoài việc đó ra cơ quan chức năng còn có thể tùy tiện thả tự do cho ông Nguyễn Văn Hải không cần lý do (hoặc dàn dựng lên vài lý do), cũng giống như lúc đã bắt ông Hải, để thể hiện rõ bản chất của chế độ.

Xin nhắc lại câu nói của cha tôi trong những lần gặp trước đây, “bố có thể ở tù đến chết để cho tất cả mọi người được biết đến thực trạng của người tù chính trị ở Việt Nam””.
Blogger Tạ Phong Tần  đi biểu tình năm 2007. Ảnh CLB NBTD.
“Tùy thuộc vào tiến bộ của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền”

Điếu Cày cũng là người luôn nằm trong danh sách ưu tiên mà Chính phủ Mỹ thường trao cho phía Việt Nam để đòi hỏi trả tự do. Tại cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền (UPR) đối với Nhà nước Việt Nam ở Geneva, Thụy Sỹ vào tháng 2/2014, đoàn Mỹ đã đặt thẳng yêu sách là Việt Nam phải phóng thích vô điều kiện các tù nhân lương tâm, trong đó có Điếu Cày.

Dù chỉ là động tác hết sức “vi mô”, nhưng động thái giấy mời “đóng tiền án phí” mới diễn ra đã khiến rộ lên dự đoán về khả năng Điếu Cày có thể được trả tự do trong không bao lâu nữa. Nếu có thể so sánh, cần nhắc lại là ngay trước và sau chuyến công du Hà Nội của nữ Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách chính trị Wendy Sherman của Hoa Kỳ đến Hà Nội vào đầu tháng 3/2014, Nhà nước Việt Nam đã phóng thích một loạt 5 tù nhân lương tâm, kể cả một người bị coi là “rất cứng đầu” như ông Cù Huy Hà Vũ.

Tín hiệu “đóng tiền án phí” như trên cũng dẫn tới một giả thiết là trong hoặc sau chuyến đi Mỹ của ông Phạm Quang Nghị, phía Việt Nam đã chấp nhận thông báo cho phía Mỹ những nhượng bộ về nhân quyền, cụ thể là thả nhiều hơn và “chất lượng hơn” tù nhân lương tâm.

Giả thiết trên đã có thể được lý giải phần nào tại cuộc họp báo của Thượng nghị sĩ John McCain: “Những gì Mỹ có thể làm được tùy thuộc vào tiến bộ của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền. Mỹ đánh giá cao các tiến bộ của Việt Nam trong các tiến bộ này trong đó có tham gia ký kết công ước quốc tế chống tra tấn cũng như lĩnh vực tôn giáo. Phía Việt Nam công nhận những việc này nhiều hơn nữa, sẽ tốt cho ổn định, thịnh vượng và thành công của Việt Nam” - John McCain vừa nhắc nhở vừa khuyến khích.

Hội Nhà báo độc lập Việt Nam xin chân thành cám ơn Thượng nghị sĩ John McCain, và trên hết gửi đến gia đình Điếu Cày niềm vui thật lớn mà những người viết báo độc lập ở Việt Nam đang mong đợi.

2 commentaires:

  1. rất mừng vì chú điếu cày được tự do, ...........

    RépondreSupprimer
  2. Cũng là để gỡ gạc chút tiền còm. Chính người cộng sản cũng phải ngao ngán than vãn bây giờ cái gì cũng ăn được tuốt

    RépondreSupprimer