Trang

07/08/2014

Bị khai trừ vì không muốn Đảng chỉ đạo?

Luật sư Trừng là người nói thẳng tại diễn đàn Quốc hội
"Tôi bị kỷ luật chỉ vì một lý do duy nhất là đã kiên quyết bảo vệ dân chủ và sự tự quản độc lập của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh"- Luật sư Nguyễn Đăng Trừng

Ông Nguyễn Đăng Trừng, chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ ‘muốn duy trì sự độc lập’ của cơ quan của ông trước sự chỉ đạo của Đảng, một luật sư từ Hà Nội nhận định với BBC.
Cách nay gần một tuần, hôm 31/7, báo chí trong nước loan báo quyết định của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khai trừ Đảng đối với ông Trừng vì có những dấu hiệu ‘suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống’.

Ông Trừng, năm nay 72 tuổi, từng tham gia trong phong trào sinh viên học sinh chống chính quyền ở miền Nam trước năm 1975 và từng bị chính quyền khi đó kết án vắng mặt 10 năm khổ sai.

Ông Trừng từng là đại biểu Quốc hội nổi tiếng nói thẳng tại nghị trường. Ông cũng từng là cán bộ công an sau chuyển sang làm bí thư Đảng đoàn và chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đã gần 20 năm.

" Xem nhẹ sự lãnh đạo của Đảng"

Quyết định của Thành ủy được báo chí trong nước dẫn lại cáo buộc ông Trừng ‘xem nhẹ vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn đối với hoạt động của Đoàn Luật sư’ và ‘không tổ chức cho Đảng đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy chế’.

Ngoài ra, ông Trừng cũng bị cho là ‘vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ’ trong phân công, bổ nhiệm số cán bộ, chỉ đạo chuẩn bị nhân sự đại hội Đoàn Luật sư nhiệm kỳ 6 ‘không đúng quy trình, thiếu minh bạch’ và có phong cách lãnh đạo ‘độc đoán, thiếu dân chủ’.

Theo kết luận của Thành ủy, ông Trừng đã từng bị kiểm điểm, ‘đã nhận lỗi’ và được tạo cơ hội sửa chữa nhưng lại ‘tiếp tục có những vi phạm nghiêm trọng hơn’.

 BBC đã liên hệ ông Trừng để hỏi phản ứng của ông về việc bị khai trừ Đảng nhưng ông từ chối trả lời.

Trong khi đó, trên mạng lan truyền một văn bản của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Đăng Trừng ký đề ngày 1/8, tức là chỉ một ngày sau khi ông bị khai trừ, phản bác quyết định khai trừ của Thành ủy.

Văn bản này ghi lời của ông Trừng nói rằng: “Tôi bị kỷ luật chỉ vì một lý do duy nhất là đã kiên quyết bảo vệ dân chủ và sự tự quản độc lập của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh”.

Văn bản cũng đưa con số ông Trừng được 351 phiếu trong tổng số 468 phiếu trong đợt thăm dò tín nhiệm vào chức danh chủ nhiệm luật sư đoàn trong nhiệm kỳ mới do Thành ủy tổ chức.

" Vì sự dân chủ của luật sư"


Đã có luâṭ sư ở Việt Nam bị chính quyền bỏ tù

Ông Trần Vũ Hải, một luật sư từ Hà Nội, cũng đồng ý với luật sư Nguyễn Đăng Trừng.

Trao đổi với BBC, luật sư Hải cho rằng ông Trừng đấu tranh với Thành ủy và Liên đoàn luật sư Việt Nam trong việc ngăn cho ông không cho ông Trừng tái cử ‘không phải là đấu tranh cho bản thân ông Trừng mà đấu tranh cho quyền dân chủ và tự quản của luật sư nói chung’.

“Đối với ông Trừng, việc ở lại cái ghế chủ nhiệm hay không là không quan trọng mà điều quan trọng là tôn trọng quyền dân chủ và tự quản của các luật sư và chấp nhận ý kiến của đa số luật sư,” ông nói.
“Ông Trừng không chấp nhận việc người ta loại bỏ một ứng viên được rất nhiều luật sư ủng hộ một cách không công bằng và không đúng luật,” ông nói thêm.

Việc ‘loại bỏ’ này là ông Hải nói đến việc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Liên đoàn Luật sư Việt Nam ra ‘thêm tiêu chuẩn’ đối với chức danh chủ nhiệm là ‘dưới 70 tuổi và không phục vụ quá hai nhiệm kỳ’.

 Theo ông Hải thì tiêu chuẩn này là ‘không công bằng’ và ‘nhằm loại ông Trừng ra khỏi danh sách ứng cử viên’.

“Nhiều tỉnh thành khác cũng có những chủ nhiệm luật sư đoàn trên 70 tuổi và bản thân ông Lê Thúc Anh (chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cũng đã trên 70 tuổi và cũng đang muốn tái cử,” luật sư Hải giải thích.

“Bản thân tôi cũng chưa bao giờ thấy một sự can thiệp như vậy của bất kỳ cơ quan nào đối với một đoàn luật sư lớn như ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh.”

“Quyền của ông Trừng với tư cách là một luật sư là được ứng cử,” ông Hải nói, “Còn việc ông có được đề cử và được bầu hay không là do đại hội luật sư quyết định chứ không phải ai khác.”

" Không thể chỉ đạo luật sư đoàn" 

Hoạt động tư pháp ở Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng
Ông Hải cho rằng các tiêu chuẩn ứng cử chức chủ nhiệm ‘phải ghi trong điều lệ luật sư đoàn và trong Luật Luật sư’ chứ ‘không phải bằng một văn bản dưới luật một cách tùy nghi như vậy’.

“Nếu có sự tranh cãi về tiêu chuẩn ứng cử viên thì phải do đại hội quyết định,” ông phân tích để khẳng định rằng ‘nguyên tắc dân chủ và tự quản của luật sư cần phải được tuyệt đối tôn trọng’.

Về sự lãnh đạo của Thành ủy đối với Đảng đoàn Luật sư, ông Hải cho rằng Đoàn Luật sư ‘không có khái niệm chủ quản và chỉ đạo’.

“Các tổ chức luật sư có tính độc lập vì chúng hoạt động được là sự thu phí hàng tháng của các luật sư đóng góp,” ông giải thích, “Có sự lãnh đạo thì chỉ là lãnh đạo đường lối để đảm bảo luật sư đoàn không đi khỏi khuôn khổ pháp luật Việt Nam.”

Khi được hỏi về sự đấu đá quyền lực trong nội bộ Luật sư Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, ông Hải nói: “Có những người không thích ông Trừng là chuyện bình thường vì ông Trừng là người thẳng thắn.”

“Còn các lãnh đạo không thích ông Trừng vì ông ấy muốn duy trì tính độc lập và tự quản của Đoàn Luật sư.”

" Chính trực, nói thẳng"

“Họ có muốn ông Trừng làm chủ nhiệm hay không không quan trọng. Nếu ở đại hội nhiều người không muốn ông Trừng làm chủ nhiệm thì ông Trừng sẽ mất phiếu,” ông Hải nói.

Về nhận xét của cá nhân, ông Hải cho rằng ‘ông Trừng là người chính trực, nói rất thẳng, không e dè đối với những việc sai trái của các cơ quan hay của đồng nghiệp’.

Trên trang Facebook của mình, luật sư Lê Công Định, người từng là cấp phó của ông Trừng trong Ban chủ nhiệm Luật sư Đoàn, nhận định rằng ông Trừng là ‘vị thủ lĩnh thật sự của giới luật sư Sài Gòn’.

“Trong bối cảnh xã hội ở Việt Nam bấy lâu nay, tìm một vị thủ lĩnh luật sư đoàn sẵn sàng đương đầu, chống lại sự can thiệp thô bạo từ phía Đảng Cộng sản và chính quyền để bảo vệ sự độc lập và tự quản của giới luật sư trong khả năng có thể như luật sư Nguyễn Đăng Trừng đã làm, thì thật là mò kim đáy bể,” ông Định viết.

“Lý do ông tham quyền cố vị dù đã cao niên chỉ là cớ để người ta buộc ông rút lui. Vì vậy việc ông bị khai trừ khỏi Đảng là điều dễ hiểu.”

2 commentaires:

  1. Đã rõ, thậm chí quá rõ rồi từ sự phân tích căn nguyên, lý do, động cơ viêc kỹ luật LS Trừng. Đăc biêt LS Hải đã lý luận & viện dẫn một cách chặt chẽ khía cạnh pháp lý của vấn đề này!

    RépondreSupprimer
  2. Nguyễn Đại7 août 2014 à 11:56

    Bác Trừng đấu tranh cho dân chủ và quyền độc lập của luật sư thì bị phê là "thiếu... dân chủ"

    RépondreSupprimer