Trang

10/08/2014

CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Minh Tâm

(VNTB) Đại biểu quốc hội Ngô Văn Minh (Quảng Nam), khi phát biểu tại về khoản trích nộp 2% theo Luật Công đoàn (sửa đổi) cho rằng, kinh phí này là khoản phí mà người đóng phải kinh!

Công nhân ngành may mặc

Công đoàn không phải là tổ chức Đảng

Sau khi mở cửa, các thành phần kinh tế tư nhân khác được pháp luật thừa nhận và bảo trợ, kể cả các doanh nghiệp (DN) sở hữu nước ngoài. Trong khi các bộ luật khác cũng như nhiều thể chế nhà nước đã dần dần thay đổi để bảo vệ cho quyền lợi của toàn thể xã hội chứ không chỉ của giai cấp công nhân, thì công đoàn (CĐ) vẫn không tách rời khỏi sự quản lý quá chặt chẽ của nhà nước. Điều này dẫn đến sự mâu thuẫn nghiêm trọng trong các chức năng được định nghĩa bằng luật của CĐ.



Khi có mâu thuẫn giữa người lao động (NLĐ) và chủ thuê lao động (LĐ), CĐ luôn phải thoả mãn với những mục tiêu khác nhiều hơn là quyền lợi của công nhân. Những mục tiêu này có thể kể ra là: trật tự trị an xã hội, duy trì sự hấp dẫn của thị trường lao động giá rẻ, đảm bảo mục tiêu kinh doanh của DN... Điều đó góp phần lý giải vì sao các cuộc biểu tình vừa qua, tổ chức CĐ đã tỏ vẻ quá lúng túng trong xử lý, dẫn đến thiệt hại cho cả chủ DN lẫn NLĐ.

Hơn một phần tư tiền lương dùng để nộp các loại phí?

CĐ lúng túng, nhưng tiền thì vẫn luôn muốn thu và tận thu bằng mọi cách. “Kể từ ngày 01-01-2014 mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với các đối tượng tham gia BHXH là 26% tiền lương, tiền công. Trong đó, người sử dụng LĐ đóng 18%, NLĐ đóng 8%. Lưu ý: Mức đóng BH thất nghiệp (2%) và BHYT (4,5%) vẫn thực hiện theo văn bản hướng dẫn trước đây”. Đó là nội dung của Thông báo số 4837/TB-BHXH do Phó giám đốc BHXH TP.HCM Đỗ Quang Khánh ký phát hành.

Điều 1.2 của Hướng dẫn số 1803/HD-TLĐ do Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam ban hành ngày 29-11-2013, quy định áp dụng như trích dẫn kể trên, từ 01-01-2014. Đối với “Đơn vị sự nghiệp hưởng lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương cấp bậc, chức vụ, lương theo hợp đồng LĐ, hợp đồng làm việc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có)”. (Trích Điều II.1).

Thực hiện như các quy định nói trên cho thấy với mức phí BHXH là 26%, và thêm 1% phí CĐ tính trên tổng thu nhập thực tế (bắt buộc trên toàn quốc), không chỉ quỹ lương của các DN sẽ gặp khó khăn khi muốn tăng lương cho NLĐ, mà chính bản thân NLĐ dường như đang bị bóc lột tiền công quá mức bằng những hình thức mang tên gọi “phí CĐ”.

Phòng trọ Công nhân thường chật hẹp

Hãy trả CĐ cho NLĐ

CĐ được định nghĩa là “một hiệp hội của những người làm công ăn lương có mục đích duy trì hay cải thiện các điều kiện thuê mướn họ”. CĐ là hội đoàn của những NLĐ cùng một ngành nghề, hay cùng một công xưởng, để bảo vệ cho quyền lợi của thành viên.

Quyền lợi của giới chủ thường đi ngược lại với quyền lợi của NLĐ. Thí dụ, NLĐ ăn lương chết đói thì ông chủ cực kỳ giàu, tăng lương cho NLĐ thì ông chủ bớt giàu.

Đôi khi quyền lợi của nhà nước cũng đi ngược lại với quyền lợi của NLĐ. Thí dụ, nhà nước muốn NLĐ ăn lương thấp để thu hút công ty nước ngoài vào Việt Nam. Như vậy, vừa thấp cổ bé họng, vừa quyền lợi của mình không được giới chủ nhân hay nhà nước bảo vệ, nên NLĐ cần gia nhập CĐ của mình để bảo vệ cho chính mình. Do đó, nếu CĐ tiếp tục là công cụ độc quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam như Điều 1 Luật Công đoàn 2012, thì cả NLĐ và chủ DN vẫn không nhận được những quyền lợi tương xứng với số tiền bị bắt buộc bỏ ra hàng tháng.

Tại sao CĐ phải độc lập?

Việc chính của CĐ là thương lượng tập thể thay mặt cho thành viên. Thí dụ, CĐ ở một hãng xưởng thì thương lượng để ông chủ ở đó tăng lương cho nhân viên. Hoặc CĐ của một ngành nghề thì thương lượng với nhà nước để tăng lương cho mọi người làm nghề đó ở mọi công xưởng.

Ngoài việc giúp ích cho tập thể, CĐ cũng giúp ích cho chính NLĐ, nếu NLĐ bị đuổi việc phi lý, bị thương tích nơi làm việc nhưng không được chủ bồi thường, bị phân biệt đối xử,… CĐ sẽ yêu cầu ông chủ sửa đổi. Nếu ông chủ tiếp tục sai phạm, thì CĐ kêu gọi mọi nhân viên đình công để bảo vệ NLĐ và cảnh cáo ông chủ.

Hơn nữa, CĐ có thể cung cấp dịch vụ cho thành viên, thí dụ thoả thuận với một số cửa hàng lớn nào đó để NLĐ mua hàng rẻ. CĐ càng có nhiều thành viên, thì cửa hàng càng giảm giá xuống.

Câu hỏi đặt ra: Tại sao CĐ phải độc lập? Nếu người đại diện cho CĐ mà do nhà nước chỉ định chứ không do thành viên bầu lên, thì họ sẽ chỉ làm việc qua loa để lấy lòng NLĐ, chứ không làm việc hết lòng để bảo vệ NLĐ.

Tham khảo từ các quốc gia cho thấy các CĐ phát triển thành nhiều dạng thức dưới sự ảnh hưởng của các thể chế chính trị và kinh tế. Các CĐ thời xưa, như các Hội Ái hữu, thường cung cấp nhiều lợi ích để bảo trợ cho các thành viên trong trường hợp thất nghiệp, ốm đau, tuổi già hay chết. Ngày nay ở các nước phát triển những chức năng này được coi là thuộc về nhà nước, nhưng những quyền lợi khác như đào tạo huấn luyện, tư vấn và đại diện về luật pháp vẫn còn là những lợi ích quan trọng đối với thành viên CĐ.

Ở các nước mà CĐ có thể hoạt động công khai và được giới chủ thừa nhận, các CĐ có thể thương lượng với chủ thuê mướn LĐ về lương bổng và các điều kiện làm việc. Các CĐ còn có thể tổ chức đình công hay phản đối để gây áp lực theo những mục tiêu nào đó. Không chỉ vậy, các CĐ có thể tác động đến những luật lệ có lợi cho toàn thế giới LĐ. Họ có thể tiến hành những chiến dịch chính trị, vận động hành lang hay hỗ trợ tài chính cho những cá nhân hay chính đảng ứng cử vào các vị trí công quyền.

Có lẽ đây cũng là lý do chính khiến một quốc gia độc đảng cầm quyền như Việt Nam không muốn tồn tại một tổ chức CĐ độc lập cho NLĐ, còn Tổng liên đoàn lao động VN thì chắc hẳn cũng không hề muốn tuột mất mức phí 2% “ăn trên đầu người lao động” mà họ đang ung dung hưởng thụ.

Minh Tâm
Nguồn VNTB

Bài 1: PHÍ CÔNG ĐOÀN: THUẾ THÂN ĐÁNH VÀO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bài 2: CẬY THẾ ĐỘC QUYỀN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire