Trang

12/08/2014

Dự án đường Bến Lức - Long Thành: Vết chàm trên mặt Bộ Giao thông Vận tải?

(VNTB) Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) lại sắp có cơ hội để “trúng quả” đậm đà dù trước đây đã hai lần vi phạm nghiêm trọng nhưng vẫn chưa bị xử lý.
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ do VEC làm chủ đầu tư - theo một quyết định của Bộ Giao thông Vận tải. Được coi là dự án trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc-Nam, dự án này có vốn đầu tư lên tới 31.320 tỷ đồng, tương đương 1,6 tỷ USD - một con số thuộc loại “siêu khủng” mà sẽ khiến tất cả các nhóm lợi ích xây dựng cơ bản thèm khát.
Nhưng số vốn đầu tư trên mới chỉ tính cho giai đoạn 1 của dự án. Vậy nguồn vốn từ đâu ra?
Việt Nam chỉ đóng góp 20%, tức vốn đối ứng ngân sách Nhà nước là 337 triệu USD. Còn lại là vốn vay 636 triệu USD của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là 635 triệu USD.
Nhưng thực chất năng lực của VEC đến đâu?




VEC ĐÃ “NUỐT” BAO NHIÊU?

Viết Lê Quân

Những thông tin khả tín từ báo giới cho biết VEC đã từng đảm nhận vai trò chủ đầu tư của khá nhiều các công trình đường cao tốc. Tiêu biểu như tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ, cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận- Cần Thơ, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Cụ thể, dự án đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình có tổng chiều dài 50km, đi qua địa phận 3 tỉnh Hà Nội, Hà Nam và Nam Định, với Tổng mức đầu tư giai đoạn I là 8.974 tỷ đồng.

Đặc biệt vì những lý do “tế nhị”, tổng đầu tư dự án tăng lên gần 2,5 lần, từ mức 3.734 tỷ đồng lên 8.974 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, dù mới thông xe được hơn 5 tháng, nhưng nhiều hạng mục của công trình đã bắt đầu xuống cấp.

Một dự án khác do VEC làm chủ đầu tư là tuyến cao tốc TPHCM- Long Thành - Dầu Giây dài 55km đi qua địa bàn TPHCM và Đồng Nai, tổng vốn đầu tư 20.630 tỷ đồng, cũng đã có dấu hiệu xuống cấp.

Nhưng trong vụ “rút ruột” cao tốc Dầu Giây, những lãnh đạo VEC như Phó tổng giám đốc Phạm Hồng Quang, Phó tổng giám đốc VEC và Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Lê Mạnh Hùng và Phó giám đốc Ban Ngô Tấn Quang chỉ bị kỷ luật khiển trách.

Cũng liên quan tới VEC, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ khi đưa vào sử dụng đến nay đã nảy sinh nhiều bất cập, gây khó khăn cho người dân sống dọc hai bên hành lang tuyến đường…

Vết chàm Bộ GTVT?

Như một sự mặc định kèm mặc cả, mặc dù có nhiều sai phạm tại những dự án mà VEC làm chủ đầu tư, nhưng trong quyết định đưa ra vào hồi giữa tháng 7/2014, dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tiếp tục chọn VEC là chủ đầu tư.

Sau hai sai phạm nghiêm trọng, không những không bị xử lý, VEC vẫn nghiễm nhiên “bỏ túi” Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành với vốn đầu tư lên tới 1,6 tỷ USD. 80% số vốn này thuộc về ODA.

ODA lại luôn là gánh nợ cho các đời con cháu ở Việt Nam. Những thất thoát khủng khiếp trong nhiều năm qua trong công tác “sử dụng vốn vay ODA” đang làm chồng chất cho gánh nợ công quốc gia và khiến đất nước có nguy cơ tán gia bại sản vì những kẻ ăn bẩn không còn biết trời cao đất dày là gì.

Tỷ lệ “nuốt” đối với ODA theo “thông lệ” là 30% - theo dư luận.

Luôn tuyên xưng sẽ trong sạch hóa ngành giao thông, nhưng tại sao Bộ trưởng Đinh La Thăng vẫn như nhắm mắt để một doanh nghiệp quá nhiều tai tiếng như VEC ẵm trọn công trình vốn siêu khủng, với tương lai khó có thể tránh khỏi vết chàm đen tới của quá khứ?

Cái thực trạng quá hiển nhiên ấy đang khiến dư luận nhân dân không thể tránh khỏi nghi ngờ về những vết chàm được che giấu trện khuôn mặt Bộ Giao thông Vận tải. Đinh La Thăng hãy tự hỏi: ông ta hay Bộ GTVT của ông ta thuộc về nhóm lợi ích nào đang làm kiệt hóa đất nước?

Và tại sao trước những sai phạm đã quá rõ của những nhóm lợi ích GTVT, Ban Nội chính trung ương của các ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Bá Thanh vẫn điềm nhiên đứng ngoài cuộc?

Viết Lê Quân
nguồn VNTB

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire