Trang

22/08/2014

Ông Đoàn Duy Thành: Sợ nói dối, nói hay mà không làm

Bình luận của blogger Tô Hải:
TỘI NGHIỆP THAY ÔNG ĐẢNG VIÊN 69 NĂM TUỔI ĐẢNG ĐOÀN DUY THÀNH!
Đã lâu lắm cứ tưởng ông đã "bị xử lý " như các ông Đặng Quốc Bảo,Trần xuân Bách, Trần Độ, rồi sau tập "Làm người khó thật"....Nào ngờ sáng nay 22/8/2014 ,vừa mở tờ Tuổi Trẻ ra đã thấy mặt ông đang còn sinh khí vững vàng như ai. Đọc hết bài phỏng vấn mới biết là 
1-Ông vẫn còn... sống và vẫn sáng suốt ,vẫn là đảng viên và vẫn...."tự diễn biến" hơn ngày xưa. Chỉ trong một bài ngắn ,ông đã vạch trần ra những cái suy thoái, tắc tị , vô phương cứu chữa của cả một thể chế mà ông đã từng vạch ra những sai lầm từ cách đây 20 năm ....Có 2 vấn đề mà ông nhấn mạnh và "phản động" nhất là : BỆNH NÓI DỐI, (lừa dối toàn dân trong mọi phương diện) và 
2-/ THAM NHŨNG CÓ TỔ CHỨC BAO CHE NHAU TỪ MẤY CHỤC NĂM NAY (nghĩa là từ thời ông còn làm Phó chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng!) Ông nói không cần vòng vo, văn vẻ như xưa rằng "Lãnh đạo đã chia nhau lợi lộc rồi .Tôi chết thì anh cũng chết ....Hiện trạng này đã rõ ràng mấy chục năm nay....nếu anh này bới anh kia thì anh kia sẽ bới lại anh này...Lợi ích cá nhân là lợi ich của nhau cả !.. Về chuyện dối trá thì ông Thành lợi dụng lời dạy của Bác để tha hồ chửi thẳng rằng thì là :.."Cán bộ chủ chốt mà nói không thật thì tạo ra bao kẻ nói dối....Đừng có lừa dối nữa ! Người ta chán lừa dối lắm rồi !...Còn nhiều điều khá hay khi dẫn lời bác H để thấy "người ta chẳng có làm theo lời bác ở chỗ nào cả !
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/624462/so-noi-doi-noi-hay-ma-khong-lam.html

Sợ nói dối, nói hay mà không làm


Ông Đoàn Duy Thành - Ảnh: Quốc Việt
TT - Bác Hồ rất sợ lời nói dối, nhất là những cán bộ chủ chốt mà nói không thật thì tạo ra bao kẻ nói dối.
Từng trải qua nhà tù Côn Đảo, rồi giữ các trọng trách quan trọng như bí thư Thành ủy Hải Phòng, bộ trưởng Bộ Kinh tế đối ngoại, phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN, ông Đoàn Duy Thành có nhiều trải nghiệm sâu sắc về làm việc theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông chia sẻ với Tuổi Trẻ:
- Có nội dung rất sâu sắc trong Di chúc Hồ Chí Minh mà tôi tâm đắc nhất, đó là xây dựng Đảng như thế nào. Bác rất sợ lời nói dối, nhất là những cán bộ chủ chốt mà nói không thật thì tạo ra bao kẻ nói dối.
Ngay con phố trước cửa nhà tôi, nhiều người dân vẫn hay ta thán nhiều cán bộ nói hay mà không làm, nói dối nhiều quá. Đừng có lừa dối nữa, người ta chán lừa dối lắm rồi. Bác Hồ rất tinh tế, nhìn thấy rõ điều này.
Di chúc Bác nhiều lần nhắc đến chữ “thật”, trong đó có câu “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Vì lòng tham không đáy rất dễ biến dạng, nên Bác phải ngăn ngừa, dạy bảo. Sự tính toán và dự đoán trước này là cần thiết để mọi người hành động cụ thể, để các chữ “thật” là có thật, không gian dối.
Tôi đã 69 năm tuổi Đảng. Có hai cháu hỏi tôi có nên vào Đảng không? Tôi nói nên vào, nhưng vào để bổ sung cho đội ngũ chống tham nhũng, phát triển đất nước, chứ đừng vào để mà tham nhũng. Cuối cùng một đứa vào, một đứa không vào. Đứa không vào vì sợ không vượt qua được ải tham nhũng
Ông ĐOÀN DUY THÀNH
* Chúng ta đang phấn đấu mục tiêu xây dựng Tổ quốc là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhưng thực tế hiện trạng xã hội đang phân hóa giàu nghèo phức tạp. Ngoài xã hội, dân hay nói lại câu không sợ giàu hay nghèo mà chỉ sợ không công bằng. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
- Tôi đã nghiên cứu rất kỹ phân hóa giàu nghèo. Với tình hình cơ chế quản lý, phân phối như thế này, những người có chức quyền mà không có phẩm chất đạo đức thì rất dễ thu vén làm giàu.
Thực tế chính những kẻ này mới dễ làm giàu chứ không phải doanh nghiệp đâu và họ còn giàu hơn cả doanh nghiệp. Nguyên nhân do cơ chế quản lý, phân phối chứ không phải là cơ chế thị trường, đừng đổ cho cơ chế thị trường.
Sang Thụy Điển, Na Uy, Thụy Sĩ, tôi thấy họ rất tư bản nhưng phân phối xã hội lại rất hay, rất nhân văn, người nghèo cũng được lãnh tiền khi thất nghiệp. Mình lãng phí nhiều quá. Người ăn cắp thì được rất nhiều, người khổ thì vẫn khổ. Thế làm sao không phân hóa giàu nghèo được.
Cách đây nhiều năm, tôi đã nói mức thu nhập chênh lệch nhau của chúng ta không phải là 8 lần mà là 20 lần.
Tôi sang Đài Loan, thu nhập của họ chỉ chênh lệch có bốn lần. Cái cần là phải có chính sách. Làm giàu một dân tộc trước hết phải là nhà nước có chính sách cho người dân làm giàu, định hướng cho người làm giàu, cách làm giàu. Tạo môi trường cạnh tranh để phát triển chứ không phải để tiêu diệt nhau.
* Từng là người trong cuộc của thời kỳ khó khăn và đổi mới, chính bản thân cũng từng nói nếu không đổi mới là chết, ông nhận xét thế nào về những vấn đề mà nền kinh tế chúng ta đang vướng phải?
- Trở lại với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời gian lãnh đạo đất nước, hầu như Bác không phê phán mô hình kinh tế nào, mà rất tôn trọng mô hình phù hợp với đặc trưng từng nước. Nhưng lựa chọn theo mô hình nào, Người chưa từng nói mà đi vào hành động cụ thể với những mục tiêu lớn, bao trùm như: phải xây dựng lại đất nước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Chỉ với 10 từ “to đẹp, đàng hoàng, sánh vai với các cường quốc” ngắn gọn, Bác đã thể hiện rõ mong muốn xây dựng một quốc gia hùng mạnh.
Vấn đề của kinh tế mình hiện nay là không có tư duy thống nhất, phát triển rất tùy tiện. Chủ yếu là gặp cái gì làm được thì làm, bán được cái gì thì bán. Cứ kiểu này mà không thay đổi thì mai kia còn khổ nữa, thất nghiệp nữa, xuống dốc là đương nhiên.
Ở Mỹ, mười người có một doanh nghiệp, nước mình 500-600 người mới có một doanh nghiệp, mà còn làm ăn không hiệu quả. Vậy làm sao không thất nghiệp?
Thế mạnh của mình là con người, biển, nông nghiệp. Trong thế giới phát triển rồi, chúng ta phải biết len vào cái gì để có lợi thế cạnh tranh. Có cái tăm bông mà còn sản xuất không ổn, bị Trung Quốc lấn lướt. Kinh tế chúng ta làm phong trào, chạy theo cái lợi trước mắt nên bị gọi là kinh tế bong bóng.
Chẳng hạn như làm hàng gia công, chúng ta chỉ có bỏ công ra làm, còn toàn bộ nguyên liệu của nước ngoài thì làm sao có nền kinh tế vững vàng được...
* Theo ông, tại sao thời gian qua nhiều vụ tham nhũng lớn chỉ được cơ quan thanh tra, điều tra đưa ra ánh sáng, trong khi hệ thống Đảng bộ đầy đủ lại không làm được điều này?
- Người ta tham nhũng thì người ta bao che nhau, có ai chịu nói. Lãnh đạo đã chia nhau lợi lộc rồi. Tôi chết thì anh cũng chết, như vậy làm sao kéo nhau ra sự thật được. Một số người liêm khiết, thẳng thắn thì bị trừng trị bằng cách tống ra ngoài.
Hiện trạng này đã rõ ràng mấy chục năm nay, bao che lẫn nhau, nếu anh này bới anh kia thì anh kia sẽ bới lại anh này. Lợi ích cá nhân và lợi ích của nhau cả. Chúng ta phải xử lý kiên quyết thực trạng này. Tôi đã 69 năm tuổi Đảng.
Có hai cháu hỏi tôi có nên vào Đảng không? Tôi nói nên vào, nhưng vào để bổ sung cho đội ngũ chống tham nhũng, phát triển đất nước, chứ đừng vào để mà tham nhũng. Cuối cùng một đứa vào, một đứa không vào. Đứa không vào vì sợ không vượt qua được ải tham nhũng.
QUỐC MINH thực hiện

Trao tặng kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hàng trăm hiện vật, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh trong buổi lễ diễn ra sáng 21-8.
Trong số các kỷ vật có cuốn Sửa đổi lối làm việc xuất bản lần đầu tiên năm 1948, giấy mời dự lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản scan các tài liệu “Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tướng Trần Tu Hòa ngày 19-12-1945”, bản sao tài liệu “Hồ Chí Minh truyện” của tác giả Trần Dân Tiên xuất bản năm 1949 bằng chữ Hán kèm theo bản dịch tiếng Việt, bảy bức ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh do gia đình ông Petr Aleshin - nguyên phóng viên Đài phát thanh Liên bang Xô viết tại Liên bang Nga - gửi tặng.
Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh, từ tháng 8-2013 đến tháng 8-2014, bảo tàng đã sưu tầm được 25 tài liệu, ảnh, hiện vật gốc liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 1.000 file tư liệu, hình ảnh, ghi hình, ghi hồi ký của 20 nhân chứng về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh...
HÀ HƯƠNG

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire