Trang

05/09/2014

CHỢ HÀN CHƠI CHỢ CỒN


Huỳnh Ngọc Chênh
Làm cái tựa giật gân vậy cho vui, chứ ai cũng biết hai cái chợ - một cái đường sông, một cái đường bộ- ấy chỉ có hỗ trợ nhau thúc đẩy sự phân phối lưu thông hàng hóa của Đà Nẵng từ bao đời nay một cách hài hòa và năng động chứ làm chi có chuyện chơi nhau. Hàng theo đường thủy cập vào chợ Hàn rồi đưa về chợ Cồn để tỏa ra khắp mọi miền qua các đầu mối giao thông tụ về gần đấy như bến xe, ga xe lửa...Và ngược lại, hàng từ đầu mối giao thông đường bộ tập trung lại chợ Cồn rồi đưa về chợ Hàn để từ đó tỏa đi khắp các nơi bằng ghe thuyền mà đường bộ không vươn đến được. Đó là nói hồi xưa, chứ với sự phát triển giao thông như ngày nay thì chức năng đường thủy và đường bộ của hai chợ không còn phân biệt rõ nét nữa.
Chợ Hàn nhìn từ mé sông Hàn
Nhưng qua đó cho thấy cái truyền thống và cái hồn của hai ngôi chợ nầy đối với dân Đà Nẵng và dân toàn vùng Quảng Nam là quý biết dường nào.
Nhưng hai ngôi chợ nầy mới đây đã gây ra sự bất đồng ý kiến giữa hai ông lãnh đạo đảng to nhất của Đà Nẵng. Việc bất đồng ý kiến về mọi vấn đề là bình thường, và chưa nói là cần thiết trong một xã hội dân chủ và hiện đại. Chính từ bất đồng mới đưa đến đến việc chọn lựa ra một giải pháp đúng đắn. Nhưng dường như chế độ độc đảng toàn trị như hiện nay không cho phép điều đó, mọi việc phán từ cấp trên, cấp dưới phải răm rắp nhắm mắt tuân hành. He he, từ đó mà biết bao nhiêu chuyện từ sai đến sai xảy ra trên đất nước nầy, trên mọi địa phương gây ra bao nhiêu tổn thất không thể nào kết toán được và cũng không ai được quyền kết toán. Kết toán ra hết sai lầm một cách minh bạch thì cái chế độ nầy chỉ còn nước...he he.
Ông Nguyễn Xuân Anh, phó bí thư thành ủy, phó chủ tịch thành phố cùng với ban ngành các cấp của thành phố Đà Nẵng vừa mới ra chỉ đạo và tuyên bố trên báo chí không phá hai ngôi chợ để xây thành trung tâm thương mại hoành tráng hiện đại, thì ngay sau đó, ông Trần Thọ, bí thư thành ủy ra tuyên bố và yêu cầu các cơ quan truyền thông đăng tải lại ý kiến bác bỏ của ông đối với ý kiến của ông Xuân Anh. Ông Thọ khẳng định việc phá bỏ hai ngôi chợ truyền thống để xây mới thành hai trung tâm thương mại thật hoành tráng là đúng đắn và cần thiết.
Mọi người đang chờ xem ý kiến phản bác lại của ông Xuân Anh cũng như các ban ngành thành phố để bảo vệ quan điểm của mình. Nhưng mọi người cũng tin rằng ông Xuân Anh sẽ không dám làm điều đó, vì trong chế độ toàn trị, ý kiến của vị lãnh đạo đảng cao nhất là...chân lý, cấp đảng dưới và chính quyền cứ thế mà thi hành, dù trong bụng có cho rằng ý kiến đó trật lất cù chìa.
Với một thể chế dân chủ thật sự, vấn đề không thống nhất nầy, và cả các vấn đề đã thống nhất, đều phải đưa ra cơ quan đại diện ý chí của người dân, tức hội đồng nhân dân thành phố bàn thảo và bỏ phiếu. Nhưng như chúng ta đã biết, đảng lãnh đạo toàn diện nên hội đồng nhân dân cũng chỉ là một tổ chức bên dưới của đảng, cũng chẳng dám bàn bạc hoặc có ý kiến ngược lại một khi đảng đã quyết. He he, ý kiến của người dân về số phận hai ngôi chợ gắn liền với họ bao nhiêu đời, thì chỉ đáng vứt vào sọt rác. Trong khi chính người dân Đà Nẵng mới có quyền về chuyện nên duy trì hai ngôi chợ hay xóa nó đi chứ không phải là quyền ở hai ông lãnh đạo cao nhất đầy chủ quan.
Tôi là người dân Đà Nẵng, dù hộ khẩu ở Sài Gòn, cũng thấy rằng có cái quyền ý kiến về hai ngôi chợ thân thương gắn bó suốt cuộc đời tôi. Tuy nhiên biết rằng ý kiến của một người dân đen như tôi cũng chỉ xứng đáng nằm trong sọt rác như bao ý kiến của các người dân đen khác, nên thay vì ý kiến, tôi đứng ra phân xử sự bất đồng của hai ông lãnh đạo.

Ý kiến của ông Trần Thọ cho rằng Đà Nẵng chưa có các trung tâm thương mại lớn, văn minh, hiện đại xứng tầm với cái thành phố bề thế nằm dưới quyền lãnh đạo cực kỳ sáng suốt của ông,nên việc đập phá hai chợ đó là cần thiết. Ông lại lấy cái tiền lệ sai trái của Sài Gòn vừa mới làm để bao biện cái ý kiến của ông: "Các đồng chí vào xem chợ Bến Thành, to đùng như thế; thương xá Tax to đùng như thế, người ta còn phá ra để làm hoành tráng hơn nữa. Mình có chút xíu mà cứ đòi giữ làm chợ truyền thống, trong khi trung tâm mua sắm cho đàng hoàng không có. Cho nên tôi đính chính lại phát ngôn lần trước của lãnh đạo TP và Sở Công thương là không đúng".
Ý kiến chỉ đạo của ông Thọ có hai điểm sai. Điểm sai nhỏ: Sài Gòn mới đập thương xá Tax đi đã bị người dân phản đối, còn chợ Bến Thành thì trước đây cũng có ý kiến đòi đập đi xây lại, nhưng bị phản đối quá cho nên đến nay nó vẫn còn nguyên. Mô Phật, Amen! cám ơn trời phật, cũng còn có chút đỉnh cái sự sáng suốt ở những cái đầu được cho là lãnh đạo của cái thành phố to lớn nầy.
Điểm sai lớn của ông Thọ cho rằng Đà Nẵng chưa có trung tâm thương mại đàng hoàng nên cần phải xây dựng hai chợ thành trung tâm "ra tấm ra miếng" và thật hoành tráng. Thưa ông, tuy ít về quê (vì sợ mấy ông bét bất tử như bét Trương Duy Nhất, hoặc hành hạ lên ruộng xuống bờ như hành hạ Nguyễn Văn Thạnh) nhưng tôi cũng biết rằng Đà Nẵng đã có ít nhất là 5 trung tâm mua bán theo kiểu hiện đại đã và đang hoạt động nghe nói cũng rất cầm chừng vì vắng khách. Một cái siêu thị Bài Thơ xây rất hoành tráng đối diện quảng trường 29/3 đã sụp tiệm vì không có khách vào. Một cái Big C rất hoành tráng xây ở ngay sát cạnh chợ Cồn. Một cái COOP Mart to đùng gần tượng mẹ Nhu. Một cái Metro khổng lồ gần Đò Xu luôn luôn kêu lỗ nên đã bán lại cho chủ mới. Một cái Lotte Mart bên cầu Tiên Sơn nghe nói cũng lỗ te tua. Đó là chưa kể hàng loạt dự án trung tâm thương mại hoành tráng đang xây, sắp xây đều đang đắp chiếu nằm ngủ tênh hênh ra đó vì chủ đầu tư cụt vốn, chủ đầu tư bỏ chạy hoặc chủ đầu tư lừa đảo phải vào nhà đá. Ba cái trung tâm thương mại dỡ dang nằm chình ình ra đó ở ngay mặt tiền đường Hùng Vương từ bao năm nay không làm cho ông són mắt sao. Rồi cái dự án trung tâm thương mại sân vận động chưa bao giờ xây lên vì chủ đầu tư là tập đoàn Thiên Thanh đã vào nhà đá. Và còn bao dự án nữa nằm rải rác bên kia bờ sông Hàn.
Đành rằng về mặt kiến trúc xây dựng, chợ Cồn và chợ Hàn chẳng còn chút giá trị gì. Cả hai, nhất là chợ Cồn, đã bị đập đi, xây dựng lại một cách rất bát nháo và xấu xí, nên bây giờ cải tạo lại cho đẹp hơn, tiện nghi hơn, văn minh hơn là cần thiết. Tuy nhiên cái lý ông Trần Thọ đưa ra là sai quá nặng. Ông hãy cố làm sao trong nhiệm kỳ của ông, ông chỉ đạo hoàn tất giùm mấy cái dự án TTTM dở dang ấy đi rồi hãy tính chuyện đập chợ Hàn và chợ Cồn của tôi để xây lên cái trung tâm "cho ra tấm ra miếng" nhé. Còn ông cứ chăm chăm đập cho được hai cái chợ để nhằm vào mục tiêu như ông nói: "Tôi thấy đã có 3 – 4 nhà đầu tư tới rồi, toàn những ông có tầm cỡ, mà sao không thấy các cơ quan tham mưu động tĩnh, đề xuất chi hết, chờ làm thủ tục lâu quá, trong khi lại có người nói không làm!” sẽ làm cho người dân "hiểu lầm" động cơ "trong sáng" của ông đấy.
Ý kiến của ông Xuân Anh cho rằng phải giữ lại hai ngôi chợ truyền thống là giữ lại cái hồn cho thành phố là một ý kiến rất đáng trân trọng. Càng phát triển tiến lên hiện đại thì càng cần thiết phải bào tồn cái cũ, cái truyền thống. Thật ra cái truyền thống, cái hồn của hai ngôi chợ chính là cái cung cách mua bán theo truyền thống bên trong và cái tên của hai ngôi chợ chứ không phải là cái công trình kiến trúc xấu xí của chúng. Do vậy ý kiến của ông Xuân Anh theo như tường thuật của báo Công An ĐN là đúng đắn: Chỉ nên cải tạo lại cho văn minh hiện đại chứ không nên tính chuyện phá dỡ xây mới lúc này.
Ý kiến của ông Xuân Anh và các cấp thành phố là đúng rồi, nhưng liệu các ông có dám đấu lại với lãnh đạo của mình không? Chúng tôi là người dân đang chờ xem.
HNC 5.9.2014
Viết trong lúc đang bị cho "ăn bánh canh" bởi sáu cháu an ninh

1 commentaire:

  1. Ông Nguyễn Xuân Anh hoàn toàn đúng trong việc đưa ra ý kiến này. Đà Nẵng có thể xây thêm bao nhiêu trung tâm thương mại thì xây, chứ hai cái chợ này thì đã là một phần của lịch sử. Người Đà Nẵng đã rất vui khi Chợ Cồn đã được trả lại tên sau một thời gian dài có tên sáo rỗng là Trung tâm thương mại.
    Dẫu sao ông Xuân Anh cũng là người có trình độ hơn hẳn ông giáo làng Trần Thọ.

    RépondreSupprimer