Trang

30/09/2014

Trung Quốc điều động quân đội trấn áp biểu tình Hong Kong?

Minh Thu (lược dịch)/ Infonet 
Ảnh bên:Xô xát giữa cảnh sát và người biểu tình Hong Kong khi lực lượng chức năng xịt hơi cay vào đám đông.

 Khả năng chính quyền Trung Quốc sẽ điều quân đội trấn áp cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hong Kong. Song, hành động này có thể vấp phải phản đối của cộng đồng quốc tế khi thông tin chia sẻ toàn cầu.
Theo Huffington Post, Bắc Kinh không thể vội vàng đàn áp thẳng tay nhằm chấm dứt tình trạng bất ổn hiện nay tại vùng lãnh thổ bán tự trị Hong Kong trong bối cảnh phương tiện truyền thông đang phủ sóng khắp toàn cầu.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ quyết tâm chấm dứt các cuộc biểu tình nhanh nhất có thể để không làm khơi dậy thêm làn sóng biểu tình bất đồng quan điểm, đòi ly khai và chống chính phủ bùng phát tại đại lục. Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh vẫn sẽ ngăn chặn hình ảnh cũng như tin tức về các cuộc biểu tình được phát tán trên lãnh thổ nước này. 

Mức độ nghiêm trọng của các biểu tình dân chủ tại Hong Kong đã thể hiện rõ khi người biểu tình yêu cầu đặc khu trưởng Lương Chấn Anh từ chức do cảnh sát trấn áp mạnh tay và dùng hơi cay tấn công đám đông. 

"Chính quyền Trung Quốc không muốn chứng kiến tình trạng biểu tình lây lan sang đại lục. Đây là áp lực lớn với chính quyền Bắc Kinh bởi họ đang lo về tác động lôi kéo sẽ xảy ra", nhà phân tích chính trị và sử học tại Trung Quốc, Zhang Lifan nói. 

Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc đang ngày càng tỏ rõ quan điểm dứt khoát đàn áp những tư tưởng bất đồng và kêu gọi trao thêm quyền dân chủ trong mọi cuộc thảo luận về cải cách chính trị tại Hong Kong cũng như tránh tình trạng đổ máu.  

"Nếu cần thiết, Trung Quốc sẽ dùng vũ lực để duy trì ổn định. Tôi tin rằng quyền hành chính trị lớn mạnh từ nòng súng chứ không phải từ bầu cử", ông Zhang chia sẻ. 

Thậm chí, trên website tờ Thời báo Hoàn Cầu còn cho đăng tải đoạn ý kiến gợi ý Bắc Kinh điều động quân cảnh, một đơn vị của các lực lượng vũ trang Trung Quốc, tới giúp "trấn áp bạo động". Tuy nhiên, sau đó, Thời báo Hoàn Cầu đã cho xóa đoạn bình luận này. 

Còn tại Hong Kong, đặc khu trưởng Lương Chấn Anh đã bác bỏ tin đồn ông kêu gọi quân đội Trung Quốc can thiệp giải tán đám đông biểu tình. 

Theo nhà nghiên cứu cấp cao Steve Tsang tại Viện Chính sách Trung Quốc thuộc Đại học Nottingham, tình hình hiện nay vẫn chưa đến mức yêu cầu quân đội can thiệp. Ông Tsang nhấn mạnh quyết định của chính quyền đặc khu Hồng Kong hồi tuần trước về việc điều động cảnh sát chống bạo động đã làm thay đổi mục đích biểu tình trong hòa bình của người dân. 

"Nếu chính quyền Hong Kong thay đổi chiến lược, quay trở lại với phương pháp giải quyết truyền thống khi rút lực lượng cảnh sát và đàm phán với người dân, các cuộc biểu tình sẽ chỉ diễn ra tại một số khu vực nhất định", chuyên gia Tsang cho biết. 

Nhà phân tích Willy Lam thuộc Đại học Trung Quốc tại Hong Kong nhận định Bắc Kinh sẽ sử dụng vũ lực khi cần thiết để giải tán đám đông và việc triển khai quân đội là phương án cuối cùng. "Khả năng, cảnh sát Hong Kong có thể dùng vòi rồng và nhiều phương tiện khác như đạn cao su để giải tán đám đông", ông Lam nói. 

Người biểu tình ngồi nghỉ tại một bãi đỗ xe hôm 29/9. 

Làn sóng biểu tình phản ánh rõ nét lòng tin của người dân Hong Kong đặc biệt là giới trẻ đối với chính quyền Trung Quốc đại lục đã tan vỡ bởi họ cho rằng Bắc Kinh không còn giữ lời hứa trao thêm quyền dân chủ cho khu vực này. 

Lời hứa này được thể hiện trong hiến chương của Hong Kong khi là một phần của "một quốc gia, hai chế độ" vốn nằm trong thỏa thuận giữa Anh và Bắc Kinh khi Hong Kong được trao trả về Trung Quốc năm 1997. 

Hồi tháng trước, Bắc Kinh đã từ chối đề xuất công khai lựa chọn các ứng cử viên cho cuộc bầu cử lãnh đạo đầu tiên tại Hong Kong vào năm 2017. Thay vào đó, tất cả các ứng cử viên sẽ vẫn được một ủy ban thân Bắc Kinh lựa chọn. 

Theo chuyên gia Lam, người dân Hong Kong "nhận thấy Bắc Kinh sẽ không thay đổi suy nghĩ, do đó, họ muốn gửi đi thông điệp 'chúng tôi muốn tự quyết định tương lai của mình'".

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc dường như không cập nhật tình hình về các cuộc biểu tình tại Hong Kong mà chỉ đưa tin rằng đây là một cuộc tụ tập bất hợp pháp vượt ngoài tầm kiểm soát và cảnh sát đang giải quyết. 

Trong một tuyên bố chính thức, chính quyền Trung Quốc đã phản đối các cuộc tụ tập trái phép và lên tiếng ủng hộ nỗ lực giải tán đám đông của trưởng đặc khu Lương. 

Kênh truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV thậm chí còn không phát sóng bất cứ hình ảnh nào liên quan tới cuộc biểu tình đường phố tại Hong Kong.

Ngay cả các cuộc thảo luận về cuộc biểu tình tại Hong Kong cũng bị chặn trên mạng xã hội Sina Weibo của Trung Quốc, nơi chính quyền Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát người dùng đăng tải những tài liệu chính trị nhạy cảm kể từ hồi năm ngoái. Dịch vụ chia sẻ hình ảnh Instagram cũng bị chính quyền Trung Quốc chặn. 

Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin của Huffington Post, một tờ báo địa phương có uy tín của Mỹ.

Theo Infonet

Đọc thêm: Lãnh đạo Hồng Kông yêu cầu chấm dứt biểu tình đòi dân chủ
Theo RFI
Ảnh bên:Biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông tại khu Mongkok. Ảnh ngày 30/09/2014.

Lãnh đạo chính quyền Hồng Kông Lương Chấn Anh yêu cầu chấm dứt ngay lập tức các cuộc biểu tình. Giới hoạt động dân chủ vẫn quyết tâm chiếm giữ khu trung tâm thành phố cho đến khi nào Bắc Kinh thực hiện lời hứa về cải tổ chính trị.

Ngày 30/09/2014, trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Lương Chấn Anh đã yêu cầu tổ chức đấu tranh dân chủ Occupy Central (Chiếm lĩnh Trung Hoàn) chấm dứt ngay lập tức phong trào biểu tình và để thành phố này trở lại hoạt động bình thường. Trung Hoàn là tên của khu thương mại và tài chính ở trung tâm Hồng Kông.

Nhưng tổ chức Chiếm lĩnh Trung Hoàn đã bác bỏ ngay yêu cầu của lãnh đạo Hồng Kông. Trong một cuộc họp báo, một trong những người đồng sáng lập phong trào này, tuyên bố : « Nếu ông Lương Chấn Anh từ chức, chúng tôi sẽ ngưng chiếm đóng, ít ra là ngưng tạm thời ».

Tối hôm 29/09/2014, hàng chục ngàn người, đa số là học sinh và sinh viên, vẫn còn tập hợp ở một số khu vực, đòi trưởng đặc khu Hồng Kông từ chức và đòi phổ thông đầu phiếu hoàn toàn vào năm 2017.

Sinh viên và học sinh chính là những người đi đầu trong chiến dịch bất phục tùng dân sự để lên án điều mà nhiều người dân Hồng Kông xem như là sự can thiệp ngày càng nhiều của Bắc Kinh vào chuyện nội bộ của đặc khu này.

Họ cực lực phản đối quyết định của Trung Quốc vào tháng 8/2014 cho người dân được bầu lãnh đạo Hồng Kông theo thể thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp, nhưng chỉ được bầu trong số các ứng cử viên do Bắc Kinh chọn.

Trong ngày thứ ba của phong trào Chiếm lĩnh Trung Hoàn, những người biểu tình thề sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi nào Trung Quốc chấp nhận những yêu sách của họ, cho dù theo các chuyên gia, điều này sẽ không thể xảy ra.

Số người tham gia biểu tình đòi dân chủ chắc chắn là sẽ đông hơn trong hai ngày 01/10 và 02/10, hai ngày nghỉ lễ ở Hồng Kông. Ngày 01/10 là ngày lễ quốc khánh ở Trung Quốc.

1 commentaire:

  1. Hu' ho^`n,
    Sau ga^`n mo^.t tha'ng khg tha^'y ba`i mo*'i, tu*o*?ng tha^`y xo^. kha'm.
    Glad to hear from you again.

    RépondreSupprimer