Trang

06/11/2014

Chuyện ông nghị Phước và nghị trường

Gs Nguyễn Văn Tuấn/ Fb Nguyen Tuan
Nghị Phước, ảnh lấy từ TTXVA
Chuyện ông nghị Phước viết blog thoá mạ ông nghị Trương Trọng Nghĩa xem ra càng ngày càng thú vị. Mới đọc một bản tin "Đừng để người bệnh tâm thần ứng cử Quốc hội", mà tôi nghĩ là nhắm vào ông nghị Hoàng Hữu Phước, và những lùm xùm với ông nghị Trương Trọng Nghĩa.

 Bây giờ tôi mới có dịp đọc bài trên blog của ông Nghị Phước, và cảm thấy … kinh ngạc. Không ngờ một ông nghị, một người có học, mà chữ nghĩa xem ra chưa xứng tầm với cái vai vế xã hội đó của ông. 

Nói thật, trong Quốc hội khoá này, tôi rất "ấn tượng" và tâm đắc với những phát biểu "nóng" của ông Trương Trọng Nghĩa. Ấn tượng nhất là bài "Tiền nhân đã dạy …" (1) vì ông đã nói thay cho hàng chục triệu người quan tâm đến tình hình an nguy của đất nước. Tôi nghĩ trong số hơn 500 ông bà nghị, ông Nghĩa là một người rất đặc biệt, một trí thức đích thực. 

Vậy mà không ngờ những ý kiến của ông bị một đồng liêu khác là ông Hoàng Hữu Phước tấn công dữ dội. Hoá ra, hai ông nghị đã từng có tiền sử không thuận nhau. Năm 2011, ông Phước từng nói dân trí cao hơn thì mới ban hành luật biểu tình. Ngay sau đó, ông Nghĩa có nói rằng xem dân trí thấp là hạ thấp nền dân trí VN. Ông Phước xem ý kiến đó của ông Nghĩa là "chụp mũ". Đến nay thì hai người lại có vấn đề với nhau, nhưng công bằng mà nói ông Phước vẫn theo đường cũ, tức là tấn công cá nhân. Ông thoá mạ ông Nghĩa bằng những từ ngữ thật khó nghe. 

Ông nghị Phước đã có "tiền sử" tấn công cá nhân ông nghị Dương Trung Quốc bằng những lời lẽ rất xúc phạm. Cho đến nay, những bài đó vẫn còn trên blog của ông. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói thay cho tôi: "Không thể tưởng tượng được đấy lại là ngôn ngữ của một Ông Nghị. Xúc phạm một Đại biểu Quốc hội, xúc phạm đến cả dòng tộc người ta là một điều tối kỵ đối với người Việt. Chả lẽ sự tha hóa về đạo đức đã lan đến cả chốn linh thiêng, sang trọng vào bậc nhất của Quốc gia sao?" Đến nỗi ông Nguyễn Khoa Điểm còn kêu lên "Tại sao người ta lại bầu ông vào Quốc Hội?" (2). 

Đến khi có phản đối mạnh của đồng nghiệp, và người ta yêu cầu ông xin lỗi thì ông xin lỗi theo … cách của ông. Ông viết trên blog rằng "Tôi luôn là người phục thiện nhanh chóng, vì vậy cách xin lỗi nhanh chóng nhất đến Ông là tôi phải nhanh chóng sửa lại tất cả các nội dung những bài viết gần đây liên quan đến các phát biểu của Ông, theo hướng: xóa bỏ tất cả tên của Ông, xóa bỏ tất cả những ghi chú về cá nhân Ông, xóa bỏ tất cả những từ ngữ chỉ thích hợp cho trang antichina.blog.com, và nhất là nội dung đi vào thực chất tập trung tranh luận thuần túy" (3). 

Nhưng thú vị thay, ông không quên tự khen mình: "Tại nghị trường Quốc hội kỳ này, tôi cặm cụi xử lý các đơn thư mà người dân ở các tỉnh Miền Bắc gởi đến và từ Thành phố Hồ Chí Minh gởi ra tôi để cầu cứu kêu oan, và tôi có quyền tự hào chính đáng về cống hiến của tôi." (3) Nói cách khác, ông chẳng xin lỗi gì cả! Ông chỉ nhân cơ hội để tự quảng bá mình. 

Càng kinh ngạc hơn khi biết ông là người theo đạo Phật. Trang wikipedia mô tả ông như sau: "Ông cho biết mình là người tu theo Phật, thường hay đọc kinh, và trong bút hiệu 'Lăng Tần Hoàng Hữu Phước' của ông, chữ 'Lăng Tần' được lấy từ "Ca Lăng Tần Già" con chim ngậm xâu chuỗi bay theo Phật trong Lăng-nghiêm kinh" (4). Một người như thế mà có thể viết ra những lời thoá mạ một cách nặng nề lên đồng nghiệp của mình ở Quốc hội thì thật khó tin. 

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì tôi cũng không ngạc nhiên. Ở ngoài này, cụ thể là Quốc hội Úc, cũng có những dân biểu phát ngôn rất khó nghe. Họ xuất thân từ rất nhiều thành phần xã hội, từ những người có bằng tiến sĩ và giảng viên đại học (rất rất hiếm), đến luật sư (rất nhiều), và tiểu thương ít học. Chính vì thế mà nghị trường bên này có cái không khí … vui. Có những phát biểu đầy "trí tuệ", nhưng ở một cực khác cũng có những phát biểu rất "trần ai". Có khi họ nóng giận và không kìm chế được cảm tính nên dùng đến chửi thề. Có khi họ phát biểu những câu sặc mùi kì thị. Điển hình cho kì thị là bà Pauline Hanson, một người có tiệm bán cá và khoai chiên (fish and chip shop), bá không ưa người Á châu, và thế là bà nói thẳng. Bà nói thẳng bằng những ngôn từ rất "giang hồ". Vì bà không có học cao, nên bà không biết đến những chữ tiếng Anh loại sang, do đó, vũ khí của bà là những chữ rất bình dân, nhưng ai cũng hiểu bà nói gì, và cũng gây ảnh hưởng khá lớn trong chính trường. Những người với trình độ học thức như bà Hanson thì có nhiều trong Quốc hội, nhưng không phải ai cũng cực đoan như bà. Do đó, tôi nói nghị trường của Úc nó vui nhộn vì quan điểm khác nhau, và cách nói cũng phản ảnh cái tính đa dạng của xã hội đa văn hoá. 

Sự hiện diện của những người như ông Phước trong Quốc hội, nếu là ở nước ngoài, thì không ngạc nhiên. Nhưng ở VN thì hơi ngạc nhiên một chút. Tôi nghĩ trước khi thành đại biểu QH chắc ông là một đảng viên, và đa số thành viên QH là đảng viên. Ở trong đảng, chắc chắn người ta có huấn luyện về cách hành xử ở nơi công cộng từ lời nói đến điệu bộ và dáng đi cho những "người của công chúng". Ấy thế mà lại xuất hiện một ông nghị Phước thì cũng hơi ngạc nhiên. Có lẽ sự có mặt của ông ở QH (hay việc ông được "bầu" vào QH) thể hiện một sự thất bại của hệ thống. Dù cách nói của ông quá thô và không xứng đáng với cái vị trí xã hội của ông, nhưng tôi nghĩ quan điểm cực đoan và "bảo hoàng hơn vua" của ông cũng là quan điểm của một số ít người trong cộng đồng, và nhìn như thế thì sự có mặt của ông trong QH cũng có lí do. 

===

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire