Trang

11/01/2015

TP.HCM: Gần 800 công nhân ngừng việc đòi tăng lương cơ bản


Nguồn: Theo Lao Động

Lê Tuyết
Sáng 9.1, công nhân không vào được Cty vì Cty có quyết định "sa thải tất cả CN".

Ngày 9.1, gần 800 công nhân (CN) Cty TNHH CariMax Sài Gòn (ĐC: H.Củ Chi, TPHCM) tiếp tục ngừng việc yêu cầu Cty thay đổi phương án tăng lương cơ bản, thưởng tết 2015.
Vụ ngừng việc bắt đầu từ ngày 3.1 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt dù hai bên đã đối thoại ít nhất 15 lần vẫn không có tiếng nói chung, trong khi đó, Cty lại ra thông báo “Sa thải hết CN” khiến tình hình thêm căng thẳng.



Không công bằng với CN

CN trình bày, ngày 27.12.2014, ban giám đốc (BGĐ) Cty CariMax ra thông báo về tăng lương, phép năm và thưởng tháng 13 cho CN. Trong thông báo này, với lý do, Cty đang thua lỗ nên việc tăng lương được áp dụng dựa trên tiêu chí chuyên cần, kỹ năng, trình độ, năng suất, hiệu quả, thái độ làm việc của mỗi CN mà BGĐ sẽ có quyết định về việc tăng lương cho NLĐ trong thời gian sớm nhất.

Lương tháng 13 được thưởng bằng 90% trên mức lương cơ bản của mỗi NLĐ và được trả 2 đợt. Đợt 1 sẽ được trả 60% vào kỳ lương tháng 1.2015, đợt 2 trả 30% vào kỳ lương tháng 3.2015. Như biết trước CN sẽ phản ứng nên thông báo nói rõ, sau khi thông báo này được ban hành, nếu có bất kỳ cuộc lãn công nào xảy ra trong Cty hoặc NLĐ cố tình làm việc dưới năng suất, BGĐ sẽ không chi trả tiền thưởng lương tháng 13 cho bất kỳ NLĐ nào.

Thế nhưng ngày 3.1.2015, CN vẫn lãn công, yêu cầu BGĐ phải có phương án tăng lương cho CN theo đúng quy định của Nghị định 103/2014/NĐ-CP, nghĩa là CN phải được tăng 400.000 đồng/tháng vào lương cơ bản, nhưng yêu cầu này không được BGĐ đồng ý.

CN tiếp tục ngừng việc, đến ngày ngày 6.1, Cty ra thông báo phương án điều chỉnh lương theo bậc A, B, C, D. Kể từ ngày 6.1.2015 - 10.2.2015, nếu sản lượng đạt từ 75% trở lên, BGĐ sẽ điều chỉnh lương theo bảng xếp hạng A (300.000 - 400.000 đồng), B (200.000 - 300.000 đồng), C (100.000 - 200.000 đồng) và D (0 đồng). Đồng thời, NLĐ phải đảm bảo mức tăng thêm 3% sản lượng cho mỗi tháng tiếp theo.

Từ ngày 1.1.2015, tất cả NLĐ có lương cơ bản dưới 3.317.000 đồng sẽ được điều chỉnh thành 3.317.000 đồng (ngoại trừ những người phụ việc sẽ được điều chỉnh thành 3,1 triệu đồng). Nếu NLĐ không đồng ý với nội dung trong thông báo này, NLĐ có thể nộp đơn xin nghỉ việc kể từ ngày 7.1.2015, BGĐ sẽ giải quyết mọi chế độ theo quy định hiện hành.

Phương án này tiếp tục bị CN phản đối. CN cho rằng, Cty đang tăng lương cơ bản theo kiểu đối phó bằng cách chỉ điều chỉnh lương cho những người mới vào để đạt mức đúng vừa bằng tối thiểu chung do Nhà nước quy định, còn những CN làm lâu năm thì lại thiệt thòi vì lương không tăng. "Mức sản lượng mà BGĐ đưa ra, chúng tôi biết chắc là không thể nào đạt được. Như vậy, chẳng khác nào BGĐ không tăng lương cho chúng tôi" - một CN bức xúc.

Vì sao đối thoại 15 lần vẫn không thành?

Ông Hwang Chan Kyung - TGĐ Cty - cho hay, do Cty làm ăn thua lỗ nên gặp khó khăn trong việc điều chỉnh lương, thưởng cho CN. BGĐ rất muốn tránh việc CN đình công, vì thế những ngày qua BGĐ đã có tới 15 cuộc đối thoại với CN để tìm giải pháp nhưng không thành.

Để giải quyết tình trạng lãn công kéo dài, gây thiệt hai cho cả hai bên, ông Kyung cho biết, hiện lãnh đạo Cty chưa có giải pháp cụ thể nào nhưng hướng trước mắt là sẽ kết hợp với BCH CĐCS, LĐLĐ huyện Củ Chi, vận động, kêu gọi CN trở lại làm việc và tiếp tục đối thoại, thỏa thuận để đưa ra cách tính lương, thưởng hợp lý.

Câu hỏi đặt ra là vì sao BGĐ đã đối thoại với CN ít nhất 15 lần nhưng không giải quyết được? Một CN bức xúc, cho r?ng, CN lãn công yêu cầu tăng lương cơ bản vì cho rằng phương án điều chỉnh lương của Cty không hợp lý, trong khi chưa giải quyết được chuyện lương, Cty lại cắt luôn tiền thưởng tháng 13 của CN. “Hơn nữa, những ngày lãn công, CN vẫn ngồi trong xưởng, vậy mà Cty lại ra các thông báo với nội dung như "đổ thêm dầu vào lửa": Cty không đặt phần cơm trưa, sẽ tiến hành cúp điện ở tất cả những khu vực sản xuất cho NLĐ lãn công. Không chi trả tiền lương các ngày này, không chi trả tiền lương tháng 13 như nội dung của thông báo ngày 27.12.2014" - một nam CN bức xúc.

Đỉnh điểm, vào 16h ngày 8.1, Cty ra thông báo "Sa thải CN", với nội dung "Sa thải tất cả những CN đang làm việc tại Cty (ngoại trừ 51 CN trong danh sách đính kèm)". Lý do Cty đưa ra để sa thải CN là vì CN tự ý nghỉ việc quá 5 ngày trong 1 tháng theo khoản 3 Điều 126 Bộ luật Lao động 2012. Vì thông báo "Sa thải CN" này, sáng 9.1, CN đã không vào được Cty, họ phải đứng đợi ngoài đường.

Trong ngày 9.1, cơ quan chức năng huyện Củ Chi tiếp tục làm việc với BGĐ Cty nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết nào được đưa ra, cuộc ngừng việc của gần 800 CN vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho biết: “Theo quy định tại Nghị định 103/2014/NĐ-CP ngày 11.11.2014 của Chính phủ, thì mức lương tối thiểu vùng I (trong đó có TPHCM) là 3,1 triệu đồng/tháng. Vì thế, tất cả các DN ở TPHCM phải điều chỉnh mức lương tối thiểu cho NLĐ trong DN của mình theo đúng quy định trên. Pháp luật hiện hành cũng quy định DN điều chỉnh lương nhưng không đươc cắt các khoản phụ cấp của NLĐ đang hưởng. Nếu DN không thực hiện điều chỉnh lương cho NLĐ hoặc điều chỉnh lương mà cắt giảm phụ cấp thì là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm nói trên" .
NAM DƯƠNG (ghi)



Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire