Trang

25/02/2015

NHỮNG NGUY CƠ ĐANG ĐE DỌA



JÁNOS KORNAI



Peterson Institute for International Relations (USA) và School of Public Policy tại Central European University (Hungary) đã thu xếp một hội nghị về "Transition in Perspective: 25 Years after the Fall of Communism – (Chuyển đổi trong Viễn cảnh: 25 Năm sau sự Sụp đổ của Chủ nghĩa Cộng sản” ở Budapest), ngày 6 và 7 tháng Năm, 2014.
Leszek Balcerowicz, Václav Klaus, Anatoly Chubais, và nhiều nhà hoạch định chính sách kinh tế và kinh tế gia hàn lâm nổi tiếng của giai đoạn hậu chuyển đổi xã hội chủ nghĩa đã tham dự hội nghị. Bài viết này là bài phát biểu chính bằng tiếng Anh được trình bày tại buổi tiệc chiêu đãi tối của hội nghị. Bản tiếng Hung được đăng trên Élet és Irodalom (Đời sống và Văn học) số 23 tháng Năm 2014.


Dẫn nhập


 

Tôi thực sự muốn trình bày một bài phát biểu vui vẻ và lạc quan. Tôi đã lạc quan khi viết cuốn Con đường tới Nền kinh tế Tự do trong năm 1989. Trong dịp kỷ niệm 10 năm và sau đó tôi đã nhiều lần đảm nhận thực hiện những đánh giá toàn diện về sự biến đổi hậu xã hội chủ nghĩa, và tuy tất cả các tiểu luận đã chỉ ra các vấn đề và các sai lầm chính sách kinh tế, chúng đã luôn luôn kết thúc với một dọng lạc quan. Ngay cả ngày nay, có nhiều diễn tiến mà có thể cung cấp lý do cho sự thỏa mãn: trong nhiều nước ở các vùng Trung-Đông Âu và Baltic chế độ độc tài đã được thay thế bằng chế độ dân chủ, nền kinh tế chỉ huy bằng nền kinh tế thị trường, chủ nghĩa xã hội bằng chủ nghĩa tư bản. Thế nhưng hai diễn tiến gây phiền muộn phủ bóng đen lên cảm nghĩ riêng của tôi.

Tôi là một người Hungary – tâm trí tôi hầu như chẳng thể ngừng dù một phút việc xử lý dòng tin tức u sầu không ngớt. Hungary đã đi trên con đường phát triển dân chủ trong 20 năm. Nhiều nỗi lo, trong đó không chỉ những khó khăn không thể tránh khỏi của chuyển đổi mà cả những sai lầm nghiêm trọng của những người ra quyết định chính trị nữa, đã dày vò người dân, nhưng đã có thể tin rằng trước sau chúng tôi cũng sẽ khắc phục được những thứ này. Thế nhưng tình hình đã thay đổi theo hướng xấu đi trong năm 2010, khi các lực lượng chính trị lãnh đạo đất nước đã quay ngược. Thay cho việc củng cố dân chủ chúng ta đã thấy sự hủy bỏ hoặc sự hạn chế quyết liệt nhiều định chế cơ bản của nền dân chủ. Thay cho việc tăng cường sở hữu tư nhân, sự an toàn của sở hữu tư nhân đã bị tấn công. Thay cho việc tiếp tục phi tập trung hóa, xu hướng tập trung hóa đã được khơi lại.

Cái đã xảy ra ở đây trong bốn năm và chắc chắn sẽ tiếp tục trong bốn năm tới là một hiện tượng độc nhất: Hungary là nước đầu tiên – và cho đến nay là nước duy nhất – trong số các nước đã chọn con đường dân chủ trong các năm 1989-90 mà đã đảo ngược chính sách. Một thí dụ này, tuy vậy, là đủ để chứng minh rằng một sự thay đổi như vậy có thể xảy ra. Con đường mà trên đó chúng ta đã bắt đầu trong năm 1989 không nhất thiết là đường một chiều; những thay đổi có tầm quan trọng lịch sử là không phải không thể đảo ngược. Hoàn toàn ngược lại – và đây là một trong những khía cạnh khủng khiếp của tình hình Hungary – tình trạng sau sự đảo ngược chính sách có thể trở nên không thể đảo ngược được trong một thời gian rất dài. Dân chủ, đặc biệt ở những nước nơi nó đã chưa bén rễ sâu, là dễ tổn thương, bị phơi ra cho các lực phá hủy, có thể không có khả năng tự vệ. Nó có thể bị lép vế nếu bị tấn công một cách vô liêm sỉ và với sự quyết tâm Machiavellian.

Bóng đen khác phủ bóng xuống lễ kỷ niệm của chúng ta là tình hình Ukrainia. Không ai có thể nói chắc các tháng tới sẽ mang lại những gì. Nhưng một thứ đã xảy ra rồi, và đấy là sự thôn tính de facto bán đảo Crime với sự cộng tác tích cực của binh lính Nga được vũ trang. Một trong những nguyên tắc cơ bản của các Hiệp định được ký ở Helsinki trong năm 1975 đã là tính thiêng liêng của status quo: các đường biên giới có hiệu lực lúc đó không được thay đổi vì bất cứ lý do gì. Bán đảo Crime đã trở thành một phần của Ukraina hai mươi năm trước các Hiệp định Helsinki. Một trong những nguyên tắc cơ bản của các Hiệp định đã bị người ta đạp đổ trong tháng Ba 2014, và thế giới đã ghi nhận việc này với những cái lắc đầu không tán thành và việc đưa ra những sự trả đũa nhẹ. Giống những thay đổi ở Hungary, việc này tạo thành một tiền lệ mạnh, mà theo đó là có thể để thay đổi một biên giới quốc gia hợp pháp bằng sử dụng sức mạnh quân sự vì cớ này hay cớ khác, và cho mục đích này lý do biện bạch hiển nhiên nhất là lý do sắc tộc.

Tất cả những thứ mà tôi muốn nói tối nay tôi sẽ thảo luận dưới ánh sáng của hai sự kiện tạo tiền lệ này.

Các chế độ chính trị thay thế khả dĩ: các chế độ dân chủ, độc đoán và độc tài hậu cộng sản

 
Hãy tưởng tượng bản đồ thế giới trước mặt và hãy ngó tới nửa phía đông. Chúng ta sẽ dùng ba màu. Hãy tô các nền dân chủ mới bằng màu xanh lá cây, màu hy vọng. Tôi gọi chúng là các nền dân chủ hậu cộng sản. Mặc dù nhiều trong các đặc tính của chúng là đồng nhất với các đặc tính của các nền dân chủ Tây phương truyền thống, văn hóa chính trị của chúng vẫn mang những dấu hiệu của quá khứ cộng sản.

Phía đông vùng này trải ra một vùng rất rộng, mà tôi muốn tô bằng màu đỏ nhạt: đây là vùng của các chế độ độc đoán hậu cộng sản.

Nguyên mẫu của chúng là Nga. Sau 1989 sự chuyển đổi tới một nền kinh tế thị trường cũng đã được phát động ở đó. Đã hình thành các mối quan hệ sở hữu và các định chế của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Vào chính lúc bắt đầu một cấu trúc hiến pháp dân chủ đã xuất hiện: các cuộc bầu cử quốc hội giữa các đảng cạnh tranh, các cuộc tranh luận giữa một chính phủ dựa vào đa số nghị viện của nó và phe đối lập. Thế nhưng sự cai trị dân chủ – đo thời gian bằng thang độ lịch sử – đã tỏ ra là một hồi rất ngắn. Tiếp sau vài năm sóng gió Putin đã chiếm lấy quyền lực và một cấu trúc chính trị mới đã nổi lên. Cấu trúc này đã khôi phục những khía cạnh nào đó của hệ thống cộng sản, đặc biệt quyền lực to lớn của nhà nước, nhưng nó cũng khác theo một số cách đáng kể. Lãnh tụ số một (dù địa vị pháp lý chính thức của ông ta là gì) có quyền lực khổng lồ và cai trị một bộ máy thứ bậc được tập trung hóa nghiêm ngặt, nhưng ông ta không có độc quyền tuyệt đối của một nhà độc tài thực sự. Có các đảng đối lập, các cuộc bầu cử được tổ chức, tuy đúng là đối lập rất yếu và phải chịu số phận thua các cuộc bầu cử ngay từ đầu. Có các tờ báo, các đài phát thanh và truyền hình và các portal internet độc lập với nhóm cai trị – nhưng tiếng nói của chúng là yếu. Kiểu này của chế độ độc đoán ở giữa đường giữa nền dân chủ đầy đủ kiểu Tây phương và chế độ độc tài toàn trị. Cái phân biệt nó trước hết với chế độ độc tài toàn trị là sự thực rằng, tuy chế độ hết sức áp bức, nó không sử dụng các công cụ tàn bạo nhất: sự bắt giữ và giam hãm trong các trại tập trung tàn bạo hay sự thủ tiêu thân thể hàng loạt các đại diện của các phong trào chính trị thay thế khả dĩ khác. Một sự khác nhau lớn khác với hệ thống cộng sản là chế độ độc đoán chính trị gắn với một nền kinh tế mà trong đó sở hữu tư nhân chi phối. Các thế lực chính trị cai trị giữ những vị trí quan trọng trong nền kinh tế, cả trong khu vực do nhà nước sở hữu vẫn đáng kể lẫn trong khu vực tư nhân rất rộng. Phần lớn hơn của nền kinh tế họat động theo các quy luật ứng xử của chủ nghĩa tư bản.

Trong số 15 nhà nước kế vị của Liên Xô trước đây, ba nước vùng Baltic đã trở thành các nền dân chủ hậu cộng sản tương đối ổn định. Tôi liệt kê không chỉ nước Nga, mà cả Belarus và các nước cộng hòa Trung-Á vào nhóm chế độ độc đoán hậu cộng sản. Bây giờ, 25 năm sau 1989, có thể nói rằng tình hình ở các nước độc đoán hậu cộng sản về cơ bản đã không thay đổi; hoàn toàn không có dấu hiệu nào về bàn tay sắt nới lỏng sự kìm kẹp của nó.

Vị trí của Ukraina là không chắc chắn, và bây giờ thực sự trở nên đặc biệt có vấn đề; trong 25 năm qua đôi khi nó đã biểu lộ các dấu hiệu của một nền dân chủ hậu cộng sản; những khi khác các dấu hiệu của chế độ độc đoán hậu cộng sản.

Hãy quay lại bản đồ của chúng ta. Về phía đông và nam của khu vực các chế độ độc đoán chúng ta có thể thấy Trung Quốc và Việt Nam. Các nước này là hiện thân của một kiểu thứ ba, mà tôi sẽ gọi là các chế độ độc tài hậu cộng sản. Chúng ta hãy tô vùng này bằng màu đỏ thẫm. Nền kinh tế, trong nhiều khía cạnh, giống chế độ kiểu Putin. Mặc dù khu vực nhà nước vẫn còn rất đáng kể, phần lớn hơn của các nguồn lực kinh tế bây giờ thuộc sở hữu tư nhân. Cả ở đây nữa thế giới chính trị và thế giới kinh tế đan xen chặt vào nhau. Sự khác biệt quan trọng là, tại Trung Quốc và Việt Nam các đảng chính trị cầm quyền đã chẳng bao giờ, dù trong chốc lát, từ bỏ độc quyền quyền lực của họ. Các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc và Việt Nam đã phân tích kỹ lưỡng thời kỳ Gorbachev. Chuỗi các sự kiện mà đã bắt đầu với glasnost và kết thúc với sự tan rã đất nước, sự mất địa vị siêu cường và sự thanh lý độc quyền chính trị đã ám ảnh họ như những cơn ác mộng. Bất cứ thứ gì trừ điều đó! Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam đã đưa ra một quyết định không thể lay chuyển nổi để chẳng bao giờ mở các cửa cống xả lũ của các phong trào chính trị tự do. Nếu họ mở dù khe nhỏ, dòng lũ sẽ cuốn phăng sự thống trị của họ.

Các đảng cầm quyền Trung Quốc và Việt Nam chỉ là các đảng "cộng sản" trên danh nghĩa: ngày nay họ hoàn toàn chẳng hề liên quan gì đến cương lĩnh Marxist-Leninist, mà đã dự định xóa bỏ chủ nghĩa tư bản. Giả như còn sống Lenin sẽ phân loại các hình thái chính trị này như tư sản. Các đảng cầm quyền Trung Quốc và Việt Nam chấp nhận chủ nghĩa tư bản trên thực tế, họ hợp tác với nó và kiếm lời từ nó. Trường hợp của Trung Quốc và Việt Nam chứng tỏ rõ ràng rằng chủ nghĩa tư bản là tương thích với chế độ độc tài. Đúng là không có nền dân chủ nào mà không có chủ nghĩa tư bản, nhưng không thể đảo ngược khẳng định này. Chủ nghĩa tư bản có thể tồn tại và vận hành trong một thời gian rất dài mà không có dân chủ. Bất chấp hy vọng của nhiều nhà phân tích Tây phương, không có dấu hiệu nào về bất kỳ xu hướng nào tới sự nới lỏng sự thống trị cứng tay của họ.

Tôi sẽ không tiếp tục thảo luận tình hình của vài nước nhỏ: Bắc Triều Tiên, Cuba và Venezuela. Thế nhưng ở đây với vài lời tôi muốn quay lại phần dẫn nhập của bài phát biểu của tôi. Trong năm 2010 Hungary đã đổi màu: nó đã biến màu xanh lá cây thành màu đỏ nhạt. Nó không còn là một nền dân chủ hậu cộng sản nữa, mà là một chế độ độc đoán hậu cộng sản. Như tôi đã nói, đây là một sự kiện đầu tiên và độc nhất cho đến nay. Nhưng ở đây tôi hỏi những người tham dự hội nghị này: có nguy cơ nào không rằng các nước khác mà vẫn ở trong vùng xanh lá cây sẽ làm một sự đảo ngược tương tự?


Chủ nghĩa dân tộc

 
Những diễn tiến lịch sử cho thấy, rằng vấn đề về các đường biên giới quốc gia và mối quan hệ giữa các nhóm sắc tộc bên trong các đường biên giới là một trong những vấn đề quan trọng nhất của sự biến đổi hậu xã hội chủ nghĩa; nó không kém quan trọng hơn hình thức của chính thể chính trị và sự biến đổi triệt để của các mối quan hệ sở hữu.

Liên Xô đã tan rã thành 15 nhà nước kế thừa. Tiệp Khắc đã bị chia thành hai. Hai sự thay đổi này đã diễn ra một cách hòa bình. Ngược lại, các cuộc chiến tranh đẫm máu đã tiếp sau sự tan rã của Nam tư. Không lâu sau tuyên bố độc lập chiến tranh đã nổ ra giữa hai nhà nước kế thừa của Liên Xô, Azerbaijan và Armenia. Các cuộc chiến đấu hầu như tiếp tục không dứt ở các vùng phía nam của nước Nga ngày nay. Và bây giờ ở đây chúng ta đang ở giữa những sự bất hòa kịch liệt bên trong Ukrainia và xung đột Ukrainia-Nga.

Chúng ta đã chia khu vực hậu cộng sản thành ba vùng trên cơ sở các nét đặc trưng xác định của cấu trúc chính trị của chúng. Tuy vậy, nét đặc trưng chung của tất cả các nước trong cả ba vùng là sự tồn tại của xung đột sắc tộc, nơi nhẹ hơn, nơi mạnh hơn. Một cách tương đối, dạng “nhẹ nhất” là thói khoa trương dân tộc chủ nghĩa: sự khoe khoang ầm ĩ về tính ưu việt của nhóm sắc tộc đa số, phỉ báng các sắc tộc thiểu số, hoặc khích động không khí chống lại các dân tộc láng giềng. Các tật xấu trầm trọng hơn, nếu sự ngạo mạn dân tộc chủ nghĩa, phân biệt chủng tộc cũng thể hiện trong việc làm. Nó có thể xảy ra trong việc phân biệt đối xử ảnh hưởng đến việc học hành và phân chia việc làm, hay sự hạn chế việc tự do sử dụng và sự thừa nhận chính thức một ngôn ngữ thiểu số. Đáng tiếc, các hình thức tội lỗi nhất của chủ nghĩa dân tộc cũng xuất hiện. Tuy chỉ lác đác, nhưng xuất hiện hành động bạo lực được dẫn dắt bởi các động cơ phân biệt chủng tộc, như việc báng bổ các nghĩa trang và nhà thờ Do Thái, và thậm chí các vụ giết người roma.

Không có nước duy nhất nào trong khu vực hậu cộng sản mà được miễn dịch đối với bệnh dịch của chủ nghĩa dân tộc. Tất nhiên, có những cấp độ: tại một đầu của thang độ chúng ta thấy những lời lẽ chống Do Thái hay chống Roma được văng ra yên ả theo kiểu “quân tử.” Cấp độ tiếp theo: các từ ngữ thù nghịch, ác nghiệt. Tiếp theo, cấp độ đe dọa hơn: đánh đập các thành viên thiểu số, các cuộc diễu hành đe dọa của các biệt đội mặc đồng phục. Và ở đầu kia của thang độ: sự giết người. Ai biết sự kích động của chủ nghĩa dân tộc sẽ dẫn tới đâu?

Nguy cơ của sự cực đoan hóa và sự bành trướng

Trong cả ba vùng và mỗi nước của khu vực hậu cộng sản có thể cảm nhận những khó khăn kinh tế đáng kể. Hình trạng của những khó khăn này, trọng lượng của các vấn đề khác nhau tất nhiên thay đổi theo từng nước. Tuy vậy, có những vấn đề nhất định mà là khá tổng quát.

Chuyển đổi hậu cộng sản có những kẻ thua người thắng của nó. Nhiều người mất việc làm của họ, thất nghiệp đã trở thành kinh niên. Trong nhiều nước sự bất bình đẳng về thu nhập và sự phân bổ của cải đã leo thang. Hàng triệu người sống trong cảnh nghèo túng, trong khi những người khác mà đã đột nhiên nhét đầy túi riêng của mình lại khoái trá tận hưởng sự giàu có của mình trước mặt họ. Việc này giải thích vì sao nhiều người đến vậy nghĩ về chủ nghĩa tư bản với sự bực mình hay căm ghét. Ít người trong số họ đợi sự giúp đỡ từ phái cực Tả: những cơ hội của một sự khôi phục cộng sản chủ nghĩa là không đáng kể. Mặt khác, số những người quay sang phái cực Hữu là đáng kể. Tai của những người thất vọng, những kẻ thua và những người nghèo túng nhanh chóng vớ được thông điệp của chính sách mị dân theo chủ nghĩa dân túy chống lại lợi nhuận, các ngân hàng, và các công ty đa quốc gia.

Bầu không khí bất mãn là dễ bị ảnh hưởng bởi các khẩu hiệu của chủ nghĩa dân tộc. "Đời sống sẽ khá hơn nếu chúng ta sống trong một đế chế lớn như nó đã từng là trong thời sa hoàng" – họ nói ở nước Nga. "Giá mà chúng ta có thể lấy lại những phần giàu tài nguyên của đất nước mà (Hiệp ước) Trianon năm 1920 đã cướp mất của chúng ta!" – họ nói ở Hungary.

Như thế có sẵn bên dưới một số đông dễ tiếp thu chủ nghĩa dân tộc và các khẩu hiệu của "luật và trật tự." Và ở bên trên chúng ta có các đảng và phong trào chính trị mà nhận thấy các cơ hội huy động tâm trạng bực tức của quần chúng. Một vòng luẩn quẩn, tự-khuyến khích tiến triển từ sự thất vọng vào dân chủ, các mưu toan cai quản phi dân chủ, chủ nghĩa dân tộc, và sự bất mãn kinh tế. Có những ý định của chính quyền và cảm nghĩ của quần chúng hoạt động ở đây, mà chúng tăng cường lẫn nhau.

Các ông chủ quyền lực ở nước Nga lo lắng thấy sự tăng trưởng sản xuất chậm đến thế nào, gần như chuyển sang đình trệ ra sao. Lúc như vậy cần hướng sự chú ý khỏi những khó khăn kinh tế sang “các vấn đề quốc gia trọng đại” như mối bất bình của đồng bào Nga sống ở bên kia các đường biên giới phía Tây. Chủ nghĩa dân tộc sinh ra thôi thúc bành trướng. Và việc này không còn là vấn đề trong nước nữa. Không chỉ là về một cơ chế quen thuộc để tháo những căng thẳng xuất hiện trong chính sách đối nội, mà là một xu hướng mà tác động của nó vượt các đường biên giới quốc gia và đe dọa hòa bình.

Tôi đã nhắc tới Nga bởi vì con quái vật đang hiện ra lù lù của sự bành trướng Nga đã xuất hiện ngay cạnh chúng ta. Nhưng chúng ta cũng phải nói về Trung Quốc nữa. Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cũng đang tăng mạnh hơn cả ở đó nữa, cụ thể là dưới tác động của cơ chế giống như được trình bày ở trên. Đúng là nền kinh tế chẳng hề đình trệ, vẫn tiếp tục tăng, nhưng tốc độ tăng trưởng đã sụt một cách ngoạn mục, và việc này làm cho các nhà lãnh đạo lo lắng. Sự bất bình đẳng thu nhập là tột độ. Nhiều sự bất mãn có thể nghe được về sự thực rằng sự tăng mức sống tụt hậu xa sau sự tăng trưởng sản xuất. Cả ở đây nữa chủ nghĩa dân tộc tỏ ra là cách tốt nhất để đánh lạc hướng sự chú ý. Các cuộc phản kháng địa phương bị bóp nghẹt không phải bằng việc loại bỏ những khó khăn kinh tế, mà bằng các biện pháp cảnh sát. Những ông chủ quyền lực là các chiến sĩ cứng tay cho "trật tự."

Mặc dù trong bản đồ tưởng tượng của tôi các chế độ độc đoán hậu cộng sản và các chế độ độc tài hậu cộng sản được tô bằng hai màu khác nhau, thế nhưng về mặt chủ nghĩa dân tộc, xu hướng bành trướng và sự hạn chế mạnh tay đối với các quyền dân chủ chúng có chung nhiều nét đặc trưng. Các đặc điểm này tạo ra một quan hệ họ hàng mạnh giữa chúng, các mối ràng buộc mà đủ mạnh ngay cả sau khi những niềm tin chung vào ý thức hệ Marxist-Leninist đã biến mất. Hiển nhiên quan hệ họ hàng chính trị này góp phần vào sự thực rằng các hành động chính trị quốc tế của các nước trong các vùng đỏ nhạt và đỏ thẫm trùng nhau thường xuyên đến vậy. Tại các phiên họp quan trọng của Liên Hiệp Quốc họ bỏ thiếu theo cùng cách, họ ủng hộ hay bác bỏ cùng sự trừng phạt hay cùng sự can thiệp. Họ không có trung tâm chung nào, nhưng cứ như họ bước cùng nhịp trong những vấn đề cốt yếu. Trục của các cường quốc áp bức đối mặt với các nền dân chủ Tây phương đang hình thành – nếu tôi có thể vay mượn thuật ngữ “Trục” từ từ vựng của giai đoạn trước Chiến tranh Thế giới thứ Hai, khi nó đã là tên của Liên minh giữa Đức, Italy và Nhật Bản.

Những suy nghĩ kết thúc

Tôi không phải là Cassandra: tôi không được ban phước hay không bị nguyền rủa với khả năng để nhìn trước tương lai. Tất cả cái tôi có thể nói là các sự kiện ngày nay gợi lại những ký ức lịch sử trong tôi.

Các sự kiện Hungary hiện thời làm tôi nhớ lại câu chuyện của sự kết thúc của Cộng hòa Weimar. Sự bất mãn kinh tế lớn. Hàng triệu người Đức nhạy cảm dân tộc cảm thấy bị làm nhục bởi các điều kiện nghiêm trọng của hòa bình. Ngày càng nhiều người đứng về phía Nazi. Giữa chừng, các lực lượng chống-Hitler cắn xé lẫn nhau. Trong cuộc bầu cử đa đảng năm 1933, mà đã được tiến hành một cách hợp pháp, đảng của Hitler chiến thắng, nhưng không có một đa số trong quốc hội. Và rồi đảng Centrum cánh hữu ôn hòa đã sẵn sàng tham gia một liên minh cầm quyền với bọn Nazi … Tôi sẽ ngừng câu chuyện này ở đây.

Nghĩ về các sự kiện Ukrainia tôi nhớ đến các cuộc chinh phục đầu tiên của Hitler: sự chiếm Saarland, rồi thôn tính Áo. Sự xân lược đã dựa trên lập luận sắc tộc: các lãnh thổ được nói đến do những người Đức cư ngụ. Rồi sau đó đến thỏa thuận Munich; tuyên bố đầy vui mừng của Chamberlain: chúng ta đã cứu được hòa bình – với cái giá của vùng lãnh thổ của Tiệp Khắc do những người Đức Sudeten cư ngụ bị sáp nhập vào đến chế Đức. Chẳng bao lâu sau là việc chia cắt Tiệp Khắc. Rồi sau đó là kế hoạch để xâm chiếm Danzig viện vào lý do sắc tộc … Ở đây tôi cũng thôi câu chuyện này.

Ai biết các nhà viết sử của tương lai xa sẽ nhìn lại hội nghị về Ukraina mới được tổ chức ở Geneva thế nào. Liệu nó đã có là một sự kiện ngoại giao không quan trọng? Hoặc nó đã sinh ra một thỏa thuận Munich mới, tuy nhỏ hơn, khuyến khích sự xâm lược thêm nữa?

George Kennan trong năm 1946 đã trình bày nguyên tắc chính sách ngăn chặn. Bây giờ là lúc để tuyên bố lại nguyên tắc này. Bây giờ không phải là sự truyền bá các nguyên tắc cộng sản, sự bành trướng Stalinist, mà là sự truyền bá các nguyên tắc dân tộc chủ nghĩa, sự bành trướng của các chế độ độc đoán và độc tài hậu cộng sản, là những thứ cần phải bị ngăn chặn.

Không phải nhiệm vụ của tôi để vạch ra tỉ mỉ các phương thức mà theo đó nguyên tắc ngăn chặn mới có thể được áp dụng trong thực tiễn. Tôi có thể nói điều này bằng số nhiều: chúng ta các nhà nghiên cứu hàn lâm không thích hợp cho nhiệm vụ này. Đáng tiếc, nhưng tôi không biết trình bày một kế hoạch hành động trước quý vị.

Hãy để tôi kết thúc ở đây. Tôi không có khả năng chấm dứt bài phát biểu của mình với những lời làm yên lòng. Ý định của tôi là để báo động quý vị, để làm quý vị lo lắng, để đánh thức trong quý vị cảm nhận về những nguy cơ đang đe dọa.


Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire