Trang

21/02/2015

Việt Nam không thể chỉ mượn sức của nước ngoài

 

Phương Nguyên

Bà Phạm Chi Lan
(Doanh nghiệp) - "Không thể chỉ mượn sức của nước ngoài, bởi đấy không phải là con đường phát triển lâu dài của các quốc gia".
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nói như vậy khi bàn về câu chuyện thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đóng góp của khu vực FDI là tốt, nhưng bà Lan băn khoăn nếu quên phát triển doanh nghiệp trong nước thì tới một lúc nào đó sẽ làm hạn chế hiệu quả của thu hút FDI. Thậm chí, nếu biến nguồn lực ngoài thành quyết định, thì nền kinh tế sẽ bị phụ thuộc vào FDI.


"Không thể chỉ mượn sức của nước ngoài, bởi đấy không phải là con đường phát triển lâu dài của các quốc gia.

Với bất cứ quốc gia nào, nội lực cũng là quyết định. Vì thế, nếu nội lực yếu, phải dùng phương thuốc phù hợp để mạnh thêm lên. Thu hút FDI vẫn phải dựa trên sự mạnh mẽ của cả hai bên, hợp tác cùng đi lên, chứ không thể chỉ là một chiều", bà Lan phân tích.



Nhiều chuyên gia đã chỉ ra đã đến lúc Việt Nam không thể phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư nhìn nhận sự xuất hiện của các nhà đầu tư nước ngoài, đã mang một diện mạo mới.
Cả một vùng sình lầy ở TP.HCM đã biến thành Khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện đại, hay ngoài Hà Nội là Khu đô thị Ciputra.

GS Mại cũng viện dẫn những con số như đóng góp 25% vốn đầu tư toàn xã hội, 45% giá trị sản xuất công nghiệp, 65% giá trị xuất khẩu, 19% GDP, 20% thu ngân sách để khẳng định những đóng góp to lớn của khu vực FDI.

Mặc dù vậy, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh đã phân tích dưới góc nhìn của người có nhiều năm làm trong công tác thống kê để thấy không nên nhìn vẻ hào nhoáng bề ngoài để nghĩ rằng chúng ta đang được nhiều khi trải thảm đỏ và ưu đãi quá mức đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Bùi Trinh cho biết, trên thực tế số liệu từ Bộ tài chính cho thấy thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng nhỏ. Từ năm 2010 tỷ lệ thu từ khu vực FDI nhỏ nhất trong 3 khu vực sở hữu (Nhà nước, ngoài Nhà nước và FDI) trong khi tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này ngày càng lấn lướt khu vực trong nước.

Đến năm 2012 xuất khẩu của khu vực FDI chiếm trên 63% giá trị xuất khẩu hàng hóa (hình 2); trong khi thu ngân sách của khu vực này ngày càng giảm đi còn có khoảng 17% (không kể dầu khí) năm 2012.

Nhiều chuyên gia thắc mắc về số liệu của Tổng cục Thống kê nhưng với báo cáo kiểu này thì việc tỷ trọng của khu vực FDI chỉ chiếm tỷ trọng 18% trong GDP trong khi tỷ trọng xuất khẩu và giá trị sản xuất của khu vực này lớn lên nhanh chóng.

"Rõ ràng có một điều gì đó ở đây cần được làm rõ. Khu vực FDI nếu không làm lan tỏa về công nghệ, lan tỏa đến sản xuất các sản phẩm phụ trợ của khu vực kinh tế trong nước và thu hút lao động không chỉ là lao động phổ thông (nhân công giá rẻ) thì họ có lợi nhuận hay không có ý nghĩa gì với người dân Việt Nam?", chuyên gia Bùi Trinh nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng từng thẳng thắn nhìn nhận: đứng về khía cạnh thu hút FDI, thì đó là thành công, nhưng nếu nhìn ở sức khỏe của nền kinh tế, sự yếu kém của khu vực doanh nghiệp nội là điều không thể chối cãi.

"Mà doanh nghiệp nội yếu thì không thể tiếp thu được tinh hoa công nghệ do doanh nghiệp FDI mang tới. Doanh nghiệp trong nước yếu, Việt Nam cũng không thể có được một nền kinh tế tự chủ…

Muốn tự chủ, chúng ta phải có doanh nghiệp nội đủ mạnh, có thương hiệu đủ sức vươn ra thị trường nước ngoài", ông Vinh nói.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cách tiếp cận khôn ngoan nhất của Việt Nam hiện nay không phải là phủ nhận khu vực FDI mà là làm sao có chính sách để kéo được cả khu vực tư nhân trong nước phát triển song hành.

"Chúng ta chưa làm được cái đó và đó là một sai lầm. Trong thời đại hiện nay, vốn FDI là vô cùng quan trọng, không có FDI Việt Nam sẽ không vươn lên đẳng cấp cao của quá trình phát triển được", ông Thiên nói.

Với vị chuyên gia này, nếu chỉ quan tâm FDI như lực lượng chủ yếu để tăng sản lượng quốc gia, tăng GDP thì sẽ là nguy hiểm. Bởi sứ mệnh chủ yếu của FDI được đặt ra trong giai đoạn này phải là kéo nền kinh tế Việt Nam phát triển lên một đẳng cấp khác.

Nhắc đến câu chuyện của Samsung, khi đang đầu tư lớn vào Việt Nam, TS. Trần Đình Thiên thẳng thắn rằng, nếu cứ để nhà đầu tư này tiếp cận Việt Nam theo cái cách tận dụng lao động dồi dào, rẻ tiền thì sẽ không ổn cho nền kinh tế Việt Nam. Rằng đã mời Samsung vào được rồi thì phải làm sao "nối" được doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu của họ.

"Việt Nam không thể chỉ đơn thuần gia công, lắp ráp như 30 năm vừa qua nữa", TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Muốn làm được như vậy, chuyên gia Bùi Trinh cho rằng: "Quan trọng hơn là phải tạo một sân chơi bằng phẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Giữa các khu vực sở hữu với nhau phải được ưu đãi như nhau thì mới gọi là thị trường. Còn chơi kiểu ăn gian cho không hàng xóm rồi "bóp" người trong nhà thì để được gì?".

Phương Nguyên

Nguồn: Theo Đất Việt


Quảng Cáo


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire