Trang

19/03/2015

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Trần Ngọc Thịnh

Ngày học bên Mỹ, mấy người bạn mình thường tếu táo là ai giải thích được “kinh tế thị trường định hướng XHCN” là gì chắc sẽ được nửa giải Nobel, còn nửa giải còn lại là của Thống đốc Nguyễn Văn Bình vì giải quyết được bộ ba bất khả thi. Mục đích của bài viết này nhằm mục tiêu chia sẻ một chút thông tin về cái thể chế độc nhất vô nhị của kinh tế Việt Nam. Bài viết này thể hiện quan điểm cá nhân, có thể đúng, có thể sai. Bạn có thể đồng tình hay phản đối, việc tiếp nhận thông tin là quyền của bạn.


Nguồn gốc lịch sử

Trước năm 1975 thì miền Bắc xây dựng nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp theo mô hình Liên Xô, còn miền Nam thì theo mô hình kinh tế thị trường theo mô hình Mỹ. Sau khi “giải phóng”, giới chức lãnh đạo thời kỳ đó chủ trương “đánh tư sản”, cải tạo xã hội chủ nghĩa xóa bỏ toàn bộ nền kinh tế thị trường ở miền Nam để xây dựng kinh tế tập trung quan liêu bao cấp trên toàn quốc. Sau một thời gian ngắn, kinh tế kiệt quệ vì mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp bộc lộ những điểm yếu cốt tử. Trước tình hình đó, đại hội VI của Đảng năm 1986 đã quyết định sửa sai nhưng vì sĩ diện nên gọi đó là “Đổi mới” nhưng thực tế chả có đổi mới cái gì mà quay lại cái cũ đã có từ trước năm 1975 vì thế mà trong rất nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế, người ta cứ để nguyên từ “Doi moi” trong ngoặc kép mà không thèm dịch ra tiếng Anh là innovation, renovation hay reform. Như vậy, về mặt lịch sử kinh tế thị trường định hướng XHCN là kết quả của “đổi mới”.

Một thỏa hiệp chính trị

Kinh tế thị trường định hướng XHCN không phải là kết quả của một quá trình nghiên cứu, phân tích, tìm tòi, phát minh gì trong tư duy phát triển kinh tế của Việt Nam mà thực ra là sự thỏa hiệp về mặt chính trị của các phe phái trong Đảng. Việt Nam tuy một Đảng nhưng trong Đảng luôn có 2 phe rõ nhất là: phe cấp tiến và phe bảo thủ. Khi đại hội VI của Đảng năm 1986 diễn ra, phe cấp tiến thì muốn xóa bỏ kinh tế tập trung quan liêu và xây dựng kinh tế thị trường triệt để, nhưng phe bảo thủ thì lại muốn giữ vững lập trường XHCN. Do vậy, sự thỏa hiệp giữa 2 phe là chấp nhận xây dựng Kinh tế thị trường, nhưng phải có thêm cái đuôi “định hướng XHCN” để tránh chệch hướng về tư tưởng mà Đảng đã trót chọn. Chính vì không dám vứt bỏ những gì thuộc về ý thức hệ XHCN nên mới quàng cái đuôi “định hướng XHCN” vào.

Cải cách nửa vời

Do thỏa hiệp chính trị ở trên, nên khi quyết định đổi mới mô hình kinh tế, thay vì vứt bỏ kinh tế XHCN chuyển hẳn sang kinh tế thị trường đích thực, chúng ta chỉ có thể chuyển đổi nửa vời. Tức là chọn một số cái của kinh tế thị trường, và giữ lại một số cái của kinh tế XHCN. Ví dụ, ta chủ trương một nền kinh tế nhiều thành phần, cho phép tư nhân kinh doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, nhưng lại vẫn duy trì công hữu về tư liệu sản xuất, duy trì hợp tác xã, duy trì vai trò chủ đạo của Doanh nghiệp nhà nước, và coi đó là công cụ để Nhà nước can thiệp vào nền kinh tế. Chính vì sự cải cách nửa vời này, mà nền kinh tế bị méo mó, biến dạng. Chính cái ý thức hệ XHCN như cái vòng kim cô đã kìm kẹp và làm méo mó cái tư duy kinh tế của Việt Nam. Trong khi Trung Quốc đi theo kinh tế thị trường thì thẳng toẹt tuyên bố “Mèo trắng hay mèo đen, miễn bắt được chuột là được” thì Việt Nam lại vất phải một hạn chế lịch sử của cải cách nửa vời, nên giữ vững lập trường XHCN. Do vậy, quá trình cải cách chả khác nào 1 bước tiến mà 2 bước lùi.

Hữu xạ tự nhiên hương

Các cụ đã nói “hữu xạ tự nhiên hương”. Nếu mà mình đẹp, chuẩn thì chả cần nói gì người ta cũng sẽ khen và công nhận mình đẹp và chuẩn. Nhưng điều nực cười vẫn đang diễn ra ở Nhà nước ta hiện nay là chúng ta phát triển một mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, chả có ở nơi nào trên thế giới nhưng đi ngoại giao ta với các nước ta cứ đặt vấn đề với bạn là “công nhận Việt Nam là thể chế kinh tế thị trường”. Việc này chả khác nào một cô gái xấu xí, không chuẩn, nhưng đi nài nỉ người khác công nhận mình là đẹp và chuẩn cả. Nếu thực sự anh là thể chế kinh tế thị trường thì việc gì anh phải van nài người ta công nhận. Ngay cái hành vi nực cười này cũng đã nói rõ bản chất của nền kinh tế nửa nạc, nửa mỡ mà cả thế giới chả ai công nhận. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, không có thể chế kinh tế thị trường chả ai chơi với anh. Thế nhưng thay vì cải cách triệt để, ta lại chơi bài van xin, nài nỉ người ta theo cách của mình.

Tác hại của kinh tế thị trường định XHCN

Kinh tế thị trường định hướng XHCN mang lại nhiều cái “hại” hơn là cái “lợi”. Doanh nghiệp nhà nước được coi là vai trò chủ đạo của nền kinh tế nên chúng được coi như là con đẻ của Nhà nước còn các thành phần kinh tế khác thì như con ghẻ vậy từ đó tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh ở môi trường kinh doanh. Tư doanh không thể nào cạnh tranh với quốc doanh được. Rồi vì nhiều lý do, Nhà nước tạo ra độc quyền nhiều lĩnh vực, chỉ có quốc doanh mới được làm, khiến cho người tiêu dùng phải trả giá cao mà không có lựa chọn nào khác. Viễn thông trước đây và bây giờ là điện lực là những ví dụ rõ nhất.

Mà kinh tế học là sự phân bổ các nguồn lực khan hiếm tới nơi sử dụng hiệu quả nhất, thì sự tồn tại của Doanh nghiệp nhà nước lại đảo ngược lại toàn bộ nguyên lý của kinh tế học. Cho dù khu vực Doanh nghiệp nhà nước hấp thụ rất nhiều nguồn lực xã hội, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế thấp hơn nhiều so với khu vực kinh tế tư nhân, nhưng vì là “con đẻ” của Nhà nước, là công cụ của Nhà nước nhằm quản lý xã hội nên lại được ưu ái rất nhiều các nguồn lực từ đất đai, tới nguồn vốn, tới chính sách. Các DNNN này lại trực thuộc các Bộ nên chả khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, các DNNN như sân sau của Bộ, các chính sách được tạo ra nhằm phục vụ cho nhóm này. Dần dà, DNNN với giới chức chính quyền trở thành các nhóm lợi ích, liên minh cấu kết với nhau nhằm duy trì sự tồn tại của khối quốc doanh nhằm khai thác “bầu sữa” ngân sách.Từ đây mới nảy sinh tham nhũng, lãng phí vì người ta không quan tâm tới hiệu quả kinh tế mà chỉ quan tâm tới lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Và do đó, bất cứ đề xuất nào nhằm xóa bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước cũng sẽ bị những nhóm lợi ích phản đối bằng lý do chính trị mang tính hù dọa những lãnh đạo kém hiểu biết nhưng thừa nhiệt tình cách mạng. Kết quả là hàng loạt tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước làm ăn thua lỗ triền miên nhưng vẫn tồn tại qua nhiều năm, sống thoải mái bằng sự che chở của ngân sách nhà nước, gây thất thoát không biết bao nhiêu tiền của mà “đỉnh cao của thất bại” là sự sụp đổ của Vinashin, rồi tham nhũng ở Vinalines.

Đi tìm cái không có

Cuối năm ngoái, được mời đến nói chuyện về các vấn đề kinh tế ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho thính giả là các lãnh đạo của hầu hết các tỉnh, thành phố, nhiều người hỏi bộ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư, thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đáp: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”.

Có lẽ ông Vinh là quan chức cộng sản cao cấp đầu tiên nói thật với lòng mình, bởi lẽ từ khi khái niệm này ra đời đã có không biết bao nhiêu “ráo sư” và “tiến sỹ” quốc doanh thi nhau cắt nghĩa và tung hô mô hình này, khen nó ưu việt này để xu nịnh Đảng và bảo vệ quyền lợi của các nhóm lợi ích đang bòn rút ngân sách nhà nước bằng vỏ bọc chính trị. Thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một câu hỏi mà gần 30 năm qua vẫn chưa có câu trả lời. Nhưng không phải vì thế mà không ai dám tìm.

Những nỗ lực tìm kiếm

Trong những nỗ lực mà 30 năm qua chưa có kết quả, bộ trưởng bộ KHĐT Bùi Quang Vinh bảo nó không có mà tìm, nhưng chưa chắc Bộ trưởng Vinh đã đúng. Mới đây Tiến sỹ Harvard Huỳnh Thế Du – giảng viên chương trình kinh tế Fulbright (FETP) mới công bố một bài viết mang tên “Luận giải về kinh tế thị trường định hướng XHCN”, xem chi tiết tại đây http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai29/201329_HuynhTheDu.pdf

Trong bài viết khá dài của TS Huỳnh Thế Du cũng là một nỗ lực tìm kiếm mang tính học thuật nhằm tìm cách giải thích một cách rõ ràng cho khái niệm khá mơ hồ chỉ có ở Việt Nam này. Mặc dù bài viết rất dài, nhưng cấu trúc của bài viết dễ làm cho độc giả thấy tác giả lại đi sâu vào phân tích xu hướng phát triển của nhân loại, những mô hình phát triển khác nhau, tình hình thế giới hiện nay như sự trỗi dậy của Trung Quốc, thế giới phẳng, vai trò vị trí của Hoa Kỳ và con đường cho Việt Nam…vv Đọc đến phần kết luận của tác giả dường như độc giả sau khi đọc xong mấy chục trang tài liệu vẫn chưa tìm ra một câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi chính “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là gì?”.

Kết luận

Như vậy, sau hơn 30 năm nghiên cứu, tìm tòi, vẫn chưa một ai trả lời được câu hỏi chính “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là gì?”. Đây là cơ hội cho tất cả những ai muốn giành nửa giải Nobel cùng Thống đốc Bình có dịp phát huy tài năng và trí tuệ của mình. Cho dù là không được nửa giải Nobel của Ủy ban Nobel, thì tại sao Việt Nam lại không tổ chức 1 cuộc thi viết luận để tìm câu trả lời hay nhất cho câu hỏi trên nhỉ. Tôi hoàn toàn nghiêm túc về ý tưởng tổ chức cuộc thi nói trên cho tất cả công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Đó là cơ hội rất tốt để tất cả những ai quan tâm tới chủ đề này có dịp chia sẻ những suy nghĩ, phân tích, tìm tòi về một chủ đề rất quan trọng trong kế hoạch phát triển đất nước trong tương lai. Có ai quan tâm tới việc tham gia tổ chức cuộc thi viết luận này không nhỉ?

Sài Gòn 5/5/2014

Trần Ngọc Thịnh


Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire