Trang

05/04/2015

7 đảo nhân tạo Trung quốc vừa bồi đắp ở Trường Sa đặt ra các vấn đề cấp bách nào? (II)

Dương Trọng Đông


TRẬT TỰ KHU VỰC SẼ ĐẢO LỘN




Vừa ăn cướp vừa la làng. Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc xây các đảo nhân tạo trong "ao nhà" của mình, chứ không như các nước asean "xây trộm" trong lãnh hải của Trung Quốc. Coi Biển Đông là "ao nhà", hẳn nhiên Trung Quốc bị nhiều nước phê phán. Tuy nhiên, vai trò trung tâm của ASEAN vẫn là điều còn thiếu vắng cho đến nay.


Có lẽ trong quan hệ quốc tế, ít khi có một nước lớn nào tuyên bố và hành động như Trung Quốc. Nói một đàng làm một nẻo. Một mặt, tung hòa mù để lấp liếm các hành tung phi pháp, áp đặt và đe dọa lân bang, mặt khác, cấp tập sức người sức của để hòng đảo lộn trật tự khu vực ĐNÁ và thế chiến lược Đông Á nói chung, phục vụ cho “kinh lược hải dương” của ban lãnh đạo Bắc Kinh – một chiến lược quản lý biển đầy tham vọng và nguy hiểm cho hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới.

Vừa kiêu ngạo vừa tự mãn


Xã luận ngày 17/3 trên tờ The Yomiuri Shimbun của Nhật Bản bình luận, Trung Quốc đã bộc lộ sự kiêu ngạo với lịch sử nhằm gây sức ép với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong những phát biểu của lãnh đạo cấp cao qua kỳ họp lưỡng hội vừa rồi ở Bắc Kinh. Sau khi kết thúc kỳ họp hàng năm của Quốc hội, ThỦ tướng Lý Khắc Cường tổ chức họp báo và tuyên bố, các nhà lãnh đạo Nhật Bản "phải chịu trách nhiệm với lịch sử về những hành vi phạm tội của họ". Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng khẳng định, Nhật Bản đã bị đánh bại trong cuộc chiến 70 năm trước. Tờ The Yomiuri Shimbun bình luận, cả Lý Khắc Cường lẫn Vương Nghị đang dùng "chiêu bài lịch sử" như một phần của cuộc chiến tuyên truyền, trong đó Bắc Kinh ở vai trò quốc gia chiến thắng và là nạn nhân để gây áp lực lên ông Shinzo Abe khi Thủ tướng Nhật Bản chuẩn bị cho tuyên bố được đưa ra năm nay nhân dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II. Tuy nhiên, tờ báo chỉ rõ rằng, quốc gia đang bị các nước nghi ngờ hiện nay không phải là Nhật Bản, mà chính là Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo sau kỳ họp Quốc hội, ông Vương Nghị đã có những tuyên bố sai trái về những hoạt động xây dựng cải tạo (bất hợp pháp) biến đá thành đảo, thiết đặt căn cứ quân sự (phi pháp) ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Theo The Yomiuri Shimbun, khẳng định của Vương Nghị là một nhận xét đầy tự mãn và không một quốc gia nào bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng của Trung Quốc lại có thể chấp nhận được. Cũng liên quan đến việc Trung Quốc bối đắp phi pháp 7 đảo trên Trường Sa, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tuần qua được tờ Economictimes (Ấn Độ) trích dẫn: “Tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước liên quan ở Biển Đông gây nên căng thẳng với tất cả các nước trong khu vực. Tôi quan ngại về điều đó. Tôi nghĩ đây cũng là vấn đề đáng lo ngại với tất cả chúng ta”. Đô đốc Harris cho rằng cách hành xử của Bắc Kinh ở Biển Đông mang tính “khiêu khích" và theo một chiến thuật bài bản. Đô đốc cho rằng tất cả các nước đều quan ngại về tự do hàng hải và đang theo dõi sát những gì Trung Quốc thực hiện ở khu vực này. Tư lệnh Mỹ nhấn mạnh: "Việc bồi đắp gây tác động lớn. Nó khiến thay đổi hiện trạng ở Biển Đông”. Đô đốc Harris cho hay Mỹ sẽ chuyển 60% thiết bị quân sự hải quân đến Thái Bình Dương vào năm 2020, trong kế hoạch tái cân bằng ở châu Á.

Mỹ kêu gọi khu vực cùng ứng phó

Theo tiến sĩ Dean Cheng, chuyên gia về vấn đề chính trị và an ninh thuộc Tổ chức The Heritage (Mỹ), chính quyền Bắc Kinh đang có ý đồ thiết lập một thực tế mới tại Biển Đông. Thông qua việc xây dựng và bồi đắp chuỗi đảo nhân tạo, Trung Quốc đang có âm mưu lèo lái cộng đồng thế giới công nhận quan điểm sai trái rằng Biển Đông thuộc về nước này. Chuyên gia Robert Haddick, nhà thầu độc lập của Bộ Tư lệnh chiến dịch đặc biệt (Mỹ), cho rằng Trung Quốc muốn dần dần củng cố “tính hợp pháp” của những tuyên bố chủ quyền phi lý ở phần lớn Biển Đông. Sau khi bồi đắp hàng trăm héc ta đất, Trung Quốc sẽ có thể thiết lập công sở, đồn cảnh sát, cầu tàu, sân bay, cơ sở du lịch và nhà cửa như từng thực hiện tại quần đảo Hoàng Sa, nhằm củng cố các cơ sở cho yêu sách chủ quyền.

Từ đó, ông Haddick đề xuất chính phủ Mỹ và các đối tác trong khu vực hãy cùng nhau liên kết để ứng phó. Cần công khai ý đồ bành trướng trên biển của Trung Quốc ở tầm thế giới, cũng như vận động các kênh ngoại giao để tuyên truyền các hệ lụy từ hành động gây nguy hiểm mà chính quyền Bắc Kinh đang theo đuổi. Còn theo nhận định của chuyên gia Ely Ratner, Phó giám đốc Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh mới của Mỹ, Washington vẫn chưa có hướng tiếp cận hữu hiệu để ngăn chặn những hoạt động xây cất trái phép của Trung Quốc tại biển Đông. Chuyên gia Ratner cho rằng nếu Mỹ bỏ mặc tình hình tại Biển Đông, chiến lược bồi đắp đảo của Trung Quốc về cơ bản có thể làm trật tự khu vực bị đảo lộn và tình thế chiến lược ở Đông Á sẽ bị thay đổi hoàn toàn. Theo ông Ratner, để thuyết phục Washington can thiệp sâu hơn, đầu tiên giới phân tích cần phải xác định cụ thể về ý đồ trung và dài hạn của Trung Quốc khi xây đảo nhân tạo. Chẳng hạn, liệu những cơ sở mới sẽ là nơi đồn trú của quân đội Trung Quốc và là bàn đạp tấn công cả những mục tiêu xa hơn?

Song song với việc vạch rõ mưu đồ Trung Quốc, các nước trong khu vực cần hợp tác để ngăn chặn việc Bắc Kinh tạo ra “sự đã rồi" trên Biển Đông. Ngoài ra, Mỹ cần tiếp tục đầu tư vào việc nâng cao năng lực theo dõi trên biển cho các đồng minh và đối tác. Theo chuyên gia Haddick, nhiệm vụ cấp bách đối với các nước như Nhật, Philippines và Việt Nam là tăng cường sự hiện diện của các đội tàu cá và đội tuần tra cảnh sát biển để tránh tạo ra hình ảnh nhường vùng biển này cho Trung Quốc. Về phía Mỹ, nước này cần đẩy mạnh hiện đại hóa lực lượng không quân và hải quân ở khu vực để bảo đảm rằng leo thang quân sự sẽ không bao giờ mang lại chiến thắng cho Trung Quốc.

Trong khi đó, chuyên gia Mira Rapp-Hooper, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) kêu gọi các nhà hoạch định chính sách Mỹ hãy cảnh báo Trung Quốc rằng họ sẽ không thành công trong việc sử dụng các tiền đồn ở Biển Đông để hăm dọa các nước láng giềng hoặc làm xói mòn luật pháp quốc tế. "Các quan chức Mỹ nên kín đáo cảnh báo những người đồng cấp Trung Quốc rằng Mỹ sẽ chủ động thách thức vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông nếu Bắc Kinh tuyên bố điều này", bà Rapp-Hooper viết. Với những đề xuất quyết liệt, chuyên gia Zack Cooper thuộc CSIS kêu gọi Washington hãy mạnh mẽ hơn trong việc ứng phó với những hoạt động của Trung Quốc ở "vùng xám", tức những hoạt động khiêu khích chưa đến mức làm phát sinh các rủi ro đáng kể đối với Bắc Kinh.

Châu Á có cần cơ chế mới?


Dư luận khu vực cho rằng, Trung Quốc kiểm soát lâu dài Hoàng Sa của Việt Nam, dùng ảnh hưởng chính trị và kinh tế để thuyết phục các nhà lãnh đạo Việt Nam hợp tác với Trung Quốc bằng cách giảm nhẹ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên bộ và trên biển. Khi Việt Nam hành động độc lập hoặc hành động theo cách làm Trung Quốc không hài lòng, Trung Quốc sẽ lại gây sức ép với Việt Nam. Những hành động của Trung Quốc tác động nghiêm trọng đến niềm tin chiến lược giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines. Hầu hết các nước trong khu vực đều cố gắng đứng ngoài tranh chấp tại Biển Đông. Nhiều nước không tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là hòa bình, nhưng một số vẫn đi theo Trung Quốc và hy vọng sẽ được tưởng thưởng vì "xử sự tốt" (không lên án Bắc Kinh). Các nước khác sẽ thực thi chiến lược rào cản, cố gắng duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc trong khi tìm kiếm sự hỗ trợ từ Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ để cân bằng với Trung Quốc.

Nhà phân tích địa chính trị hàng đầu Robert Kaplan gần đây đã cho rằng: “Những đặc điểm tự nhiên của Đông Á cho thấy đây sẽ là một thế kỷ của hải quân". Xét về tầm quan trọng của các vùng biển trong khu vực được thể hiện rõ trong mọi khía cạnh từ nguồn tài nguyên năng lượng phong phú, những tuyến giao thương trọng yếu trên biển cho tới các tranh chấp lãnh thổ hết sức gay gắt ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đa số chúng ta sẽ đồng ý với quan điểm trên. Mặc dù vậy, tại một diễn đàn diễn ra tháng trước ở Tokyo, ông Ken Sato, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế (Institute for International Policy Studies - IIPS) nhận định rằng, Đông Á vẫn chưa có một cơ quan thường trực hoặc tổ chức khu vực để giải quyết các vấn đề an ninh biển. Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn về một Cấu trúc mới về an ninh biển ở Đông Á do IIPS tổ chức (30/1), ông Sato đã đề xuất thành lập một cơ quan mới dự kiến ​​lấy tên là Tổ chức An ninh và Hợp tác Biển Châu Á (Asia Maritime Organization for Security and Cooperation - AMOSC).

Vấn đề đặt ra hiện nay là tổ chức nói trên liệu có thực sự giúp quản lý các tranh chấp lãnh thổ hết sức gay gắt hiện nay hay không. Việc Trung Quốc trì hoãn xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông với các quốc gia Đông Nam Á cho thấy yếu tố thực sự ngăn cản việc giải quyết tranh chấp là do thiếu thiện chí chính trị, chứ không phải thiếu vắng các thể chế. Nếu tính đến các chiến thuật xảo trá mà Trung Quốc đang sử dụng để trì hoãn quá trình giải quyết vấn đề ở các thể chế hiện có, liệu một thể chế mới có thể giúp cải thiện vấn đề hay không là điều còn chưa rõ ràng. Thông qua kênh này hay kênh khác, các tổ chức như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) hiện cũng đang xử lý vấn đề an ninh biển. Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng mới thành lập gần đây, trong đó bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á cùng với Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ đã tập trung sâu hơn vào các vấn đề trên biển. Trên thực tế, những nhà ngoại giao Châu Á đang chịu trách nhiệm xử lý những thể chế tăng trưởng ngày một nhanh này đã nhấn mạnh đến việc hài hoà các tổ chức trên để tránh sự trùng lặp không cần thiết.

Tuy nhiên, ý kiến ủng hộ AMOSC vẫn rằng một tổ chức hoàn toàn mới là cần thiết, bởi cái gọi là cấu trúc do ASEAN dẫn đầu, với việc đề cao sự đồng thuận, không gò ép và 'tính trung tâm' của ASEAN xưa nay vẫn được ca ngợi, khá cồng kềnh, chậm chạp và không hiệu quả trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp, như đã minh chứng trong việc Trung Quốc trì hoãn ký kết COC. Ngay cả khi lập luận này có điểm đúng, khó tưởng tượng làm sao để các thành viên ASEAN không xem đây là sự coi thường hay mối đe dọa bởi lo ngại của khối trước những toan tính của các cường quốc và vai trò của ASEAN trong việc dẫn dắt chủ nghĩa khu vực non trẻ ở Châu Á với những thành công tiệm tiến trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ hội nhập kinh tế đến diễn tập quân sự thông qua cơ chế ADMM+. Điều này không chỉ đơn thuần là mối lo đối với các tổ chức hiện hữu mà còn do nhu cầu duy trì ‘tính trung tâm’ của ASEAN./.

Nguồn: Theo Văn Hóa Nghệ An



Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire