Tổng-Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong buổi lễ đánh dấu kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam tại Hà Nội, ngày 2/2/2015. |
Báo The Wall St. Journal hôm nay viết rằng đây sẽ là chuyến đi của một quan chức cao cấp Việt Nam sang Trung Quốc được chú ý nhất, kể từ sau vụ giàn khoan Trung Quốc được kéo vào vùng biển mà Việt Nam cho là thuộc thềm lục địa của mình hồi tháng 5 năm 2014.
Tờ The Wall St. Journal trích thông báo của Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết mục đích của chuyến thăm này là để "củng cố và duy trì ổn định trong các quan hệ song phương, lót đường cho việc giải quyết những bất đồng giữa hai bên, và đóng góp xây dựng một môi trường hoà bình và ổn định".
Báo chí Việt Nam nói chuyến đi được thực hiện trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và thừa nhận rằng “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Trung Quốc đang trải qua các giai đoạn khó khăn, nhưng cần tiếp tục được thúc đẩy vì lợi ích của nhân dân hai nước."
Quan hệ Việt-Trung đã bị đẩy xuống mức thấp nhất sau khi Trung Quốc điều giàn khoan dầu nước sâu vào vùng biển đang tranh chấp, dẫn tới các cuộc biểu tình bạo động chống Trung Quốc tại nhiều nơi ở Việt Nam, và những vụ bạo loạn tại một số khu công nghiệp nơi có các hãng xưởng Trung Quốc và nước ngoài khác.
Từ đó, hai nước đã qua lại thăm nhau ở các cấp thấp hơn để xử lý tốt hơn các cuộc xung đột ngoài biển, nhưng Việt Nam vẫn quan ngại về ý đồ bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Chuyến đi thăm, diễn ra trước khi ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm Hoa Kỳ để đánh dấu 20 năm quan hệ bang giao với Mỹ, theo ký giả của Wall St. Journal, có thể là một cơ hội để Việt Nam điều đình với Trung Quốc, giữa lúc Bắc Kinh đang tìm cách giữ chân Việt Nam trong phạm vi ảnh hưởng của mình, và giảm thiểu ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Tờ báo dẫn lời Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Viện Đại học New South Wales, nói: “Chuyến đi thăm Bắc Kinh của ông Nguyễn Phú Trọng có phần chắc sẽ không dẫn đến một kỳ hạn để giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng gần như chắc chắn sẽ giúp cải thiện quan hệ song phương.” Chuyên gia nghiên cứu các vấn đề Việt Nam và Biển Đông này nói rằng tuy vậy, sau vụ giàn khoan 981, sẽ cần một thời gian dài trước khi Việt Nam có thể khôi phục lại niềm tin chiến lược đã từng có với Trung Quốc.
Giáo sư Thayer nói thêm rằng chuyến đi sắp tới của ông Nguyễn Phú Trọng là một bằng chứng về thái độ trọng thị và cách xử sự truyền thống của Việt Nam đối với nước lớn Trung Quốc, nhưng mặt khác, cũng đặt Việt Nam vào một vị thế tốt để mặc cả với cả Bắc Kinh lẫn Washington, khi ông thực hiện chuyến công du Hoa Kỳ.
Tại cuộc họp báo thường ngày hôm nay, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh không cho biết chi tiết về chuyến đi của ông Trọng, nhưng bà nói Trung Quốc muốn duy trì "mối quan hệ vững chắc và lâu dài" với Việt Nam.
Bất chấp cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, kim ngạch thương mại Việt-Trung tăng 17% hồi năm ngoái, lên tới 58,77 tỉ đôla, theo các dữ liệu của nhà nước Việt Nam. Nhưng mức thâm hụt mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc cũng gia tăng lên tới gần 29 tỉ trong năm 2014, so với năm trước đó chỉ có 23,7 tỉ đôla.
Nguồn: Theo VOA
Quảng Cáo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire