Trang

13/05/2015

Ai và thế nào là “làm phiền xã hội”?


XUÂN DƯƠNG


VTV nhầm lẫn "dời" thủ đô Hà Nội
sang Trung Quốc (ảnh: Vietnamnet)
 (GDVN) - Cái sự “làm phiền xã hội” mà một số người lên án có thực sự làm phiền xã hội và cái sự “không làm phiền xã hội” có thực sự không làm phiền xã hội?



Có hai câu chuyện liên quan đến du lịch làm nóng dư luận gần đây.

Chuyện thứ nhất về nhóm thanh niên leo núi ở Nepal gặp trận động đất khiến cơ quan ngoại giao và sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phải dành thời gian quan tâm, báo chí liên tục cập nhật thông tin… Theo cách nói của một vài người thì “họ đã làm phiền xã hội”.
 
Đỉnh Everest vào mùa xuân, là lúc có nhiều người leo núi nhất - Ảnh: AFP
 
Chuyện thứ hai là về Bí thư Quận ủy, Chủ tịch, hai Phó Chủ tịch UBND và lãnh đạo một số phòng ban quận Ngô Quyền – Hải Phòng đi du lịch Singapore trong dịp nghỉ lễ 30/4/2015 đến ngày làm việc (4/5/2015) vẫn chưa về.

Trước khi đi chơi, Quận ủy và UBND quận Ngô Quyền đã bố trí một Phó Bí thư và một Phó Chủ tịch UBND trực giải quyết công việc, vậy có thể cho rằng dù đi chơi quá hạn, họ cũng “không làm phiền xã hội”?

Không biết cái sự “làm phiền xã hội” mà một vài người lên án được đăng trên báo có thực sự làm phiền xã hội và cái sự “không làm phiền xã hội” có thực sự không làm phiền xã hội?

Vả lại, xã hội có bị bị làm phiền không thì phải xem cụ thể “xã hội” đây là ai, là cơ quan công quyền, là người dân hay truyền thông?

Đối với cơ quan công quyền

Trong câu chuyện thứ nhất, cơ quan ngoại giao, sứ quán Việt Nam ở nước ngoài quan tâm đến sự an toàn của công dân Việt khi ra nước ngoài học tập, công tác, hay du lịch là trách nhiệm mà Nhà nước và nhân dân giao phó.

Hoạt động của các cơ quan này bao gồm cả lương nhân viên đều lấy từ thuế của dân đóng góp do vậy việc quan tâm tới an toàn của công dân Việt Nam bất kể trường hợp nào đều là trách nhiệm không thể thoái thác.

Nếu có vị “tâm huyết” nào nói các cơ quan này “bị làm phiền” thì chẳng qua là họ đã quen sống trong môi trường “hành (dân) là chính” chứ không phải cơ quan hành chính là công bộc của dân.

Về chuyện thứ hai, bà Nguyễn Thị Hà, giám đốc Vietravel chi nhánh Hải Phòng, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức chuyến đi chơi cho biết “kế hoạch của đoàn là tối thứ hai (ngày 4/5) đoàn mới bay về”.[1]

Nếu phát biểu của bà Hà là chính xác, có nghĩa là dù “phép vua” quy định ngày 4/5 là ngày làm việc bình thường thì lãnh đạo Quận ủy và UBND quận Ngô Quyền vẫn có “lệ Quận” quy định cho quan chức của quận mình ngày 5/5 mới là ngày làm việc.

Với thành phần một đoàn gồm Bí thư, Chủ tịch, hai Phó chủ tịch và lãnh đạo phòng ban cấp quận, họ thừa sức để điều chỉnh hành trình đi ngày 29/4 về ngày 3/5 để làm việc vào 4/5.

Việc quyết định tối 4/5 mới về (nhưng thực tế thì ngày 5/5 đa số vẫn còn ở Singapore) cho thấy ý thức lao động của đội ngũ công bộc của dân “cao” như thế nào?

Nếu chẳng may có một sự cố lớn xảy ra trong ngày 4-5/5/2015 thì với hai vị phó và một ít nhân viên ở nhà liệu có thể giải quyết hết mọi việc? Liệu lúc đó người dân và xã hội có bị làm phiền?

Phải chăng đất nước đội sổ về năng suất lao động và vào nhóm đầu sổ về tham nhũng là do bà con nông dân, công nhân, người lao động chứ không phải do cán bộ?

Báo nld.com.vn ngày 8/5/2015 dẫn ý kiến ông  ông Cao Xuân Liên, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hải Phòng, cho biết: “Thường trực Thành ủy Hải Phòng yêu cầu phải làm rõ cả việc đi vượt sang cả ngày không được nghỉ. Việc xử lý đến đâu, làm rõ trách nhiệm như thế nào, chúng tôi sẽ thông tin cho cơ quan báo chí”.

Mọi người đều biết Hải Phòng là nơi xử lý kỷ luật rất nghiêm, mấy cháu học sinh giằng mũ nón của bạn bị xem là hành vi nguy hiểm, có cháu bị xử tù tới ba năm.

Còn chuyện người lớn đi chơi quá đà chắc không phải là hành vi gây “nguy hiểm cho xã hội”, công thức chung có lẽ sẽ là “nghiêm túc rút kinh nghiệm”, nếu mà có ai không tin thì “hãy đợi đấy”!

Đối với người dân

Thanhnien.com.vn viết: “Cả nước hiện có 432 loại phí, riêng nông dân là 93 loại phí, đi chơi trên vịnh Hạ Long, nếu mà ngủ đêm trên thuyền là phải nộp “phí ngủ đêm” 200.000 đ một người một đêm”. [2]

Những số liệu mà Thanhnien.com.vn nêu trên cho thấy trên vai người dân đã nặng nhiều “phí” lắm rồi. Vậy nên khi liên hệ sự kiện ở Nepal với “làm phiền xã hội” thì nên trừ “người dân” ra, đừng tự gán cho họ cái “phí làm phiền” nữa.

Còn nếu mà cố tình đổ cho “người dân” bị làm phiền thì phải xem lại cách nói, không thể bất kỳ cái vu vơ gì cũng tiếp tục đổ lên đầu “người dân” nữa. Đổ vạ cho dân không phải là cách nên làm khi người ta không biết đổ cho ai và đổ như thế nào?

Đối với báo chí

Chuyện “báo chí liên tục cập nhật thông tin” với một sự kiện nào đó có phải là làm phiền báo chí không? Nói thẳng ra không ít tờ báo ngày nay sống bằng cách “nhồi” cho người đọc toàn “thức ăn chưa sạch”.

Có tờ báo giấy mở ra không thấy “cướp, hiếp, giết” thì là “thần cây, thần rắn, thần ao, … ” đến mức đồng nghiệp phải phong cho “mỹ hiệu” lá cải!

Chộp được cái tin vô thưởng vô phạt mà lại kích thích trí tò mò là tranh nhau tung hê, chẳng thế mà chuyện Tự Long lấy vợ trở thành tin "hót" trên rất nhiều báo, chẳng hạn “Cận cảnh vợ mới xinh đẹp của Tự Long”… Không hiểu Tự Long có “tự hào” không chứ không ít người sau khi đọc tít bài đành phải buông một câu “ôi trời”…  

Có tờ báo vớ được chuyện một ca sĩ ăn mặc “nóng bỏng” là vội vàng giật tít, việc ấy dân Công nghệ thông tin gọi là tạo một “đường dẫn” (link) cho người tò mò tìm đến  cái “clip cấp 3” của cô ca sĩ này đang lưu truyền trên mạng.

Thế nên cần phải công tâm mà cho rằng mấy người leo núi Nepal không hề làm phiền báo chí mà ngược lại còn giúp một số báo có cái để mà đăng, để mà “câu vui” bạn đọc, thế thì phải cảm ơn họ mới đúng!

Còn chuyện cô ca sĩ nọ sau tai nạn “đầu đời” nay đã trưởng thành, không nên định kiến với chuyện đã qua của người ta là điều nên làm, song có cần thiết đến mức một tờ báo rất có uy tín phải quan tâm đến chuyện “nóng bỏng” của người “chẳng còn chỗ nào kín” nữa hay không?

Một khi “tụt, cởi, hở…” trở thành chủ đề "hot" ngay trên các báo chính luận, chính thống thì việc mạng xã hội hay truyền thông “xã hội hóa” cổ vũ cho chuyện “tụt vì môi trường”, “cởi vì biển” hay “9X cởi táo bạo”… sẽ không có gì là quá, nó vẫn nằm trong “vùng kiểm soát”, vẫn chưa vi phạm hành chính và vì thế chuyện tô hô… xin cứ tiếp tục dài dài, không bị phạt đâu mà sợ!

Nói đến chuyện “làm phiền xã hội” thời gian qua, để tương xứng với hai câu chuyện du lịch nêu trên, xin kể hai chuyện khác.

Thứ nhất là chuyện VTV dời Thủ đô Hà Nội sang tít tận phía trên bán đảo Lôi Châu của Trung Quốc, chuyện viết sai chính tả hay trước đó là chuyện “Nhặt xương cho Thày”, chuyện “Điều ước thứ 7”…
 
VTV nhầm lẫn "dời" thủ đô Hà Nội sang Trung Quốc (ảnh: Vietnamnet
 
Những chương trình mà VTV cung cấp cho người xem nêu trên đã được báo chí trong và ngoài nước bình luận, thậm chí người trong nghề của truyền hình Hà Nội còn dùng những từ không được phù hợp lắm để nói về lỗi chính tả của VTV. Chính nó đã khiến người xem và dư luận đánh giá trình độ thực sự của một số cán bộ, viên chức đài truyền hình quốc gia.

Đó mới chính là làm phiền xã hội, là xúc phạm người dân, đặc biệt là xúc phạm đội ngũ gần hai triệu giáo viên các cấp.

Có lẽ khi phê phán thì cũng phải “công tâm một tí”, có lẽ nên nhắn nhủ mấy vị có trách nhiệm bên truyền hình, rằng không nên quá lo lắng khi nói đến trình độ “khác chuẩn” của một số cán bộ, nhân viên VTV.

Khi mà xã hội không thiếu giáo sư, tiến sĩ “rởm”, khi làm đến Phó bí thư tỉnh, đến Thứ trưởng một bộ còn dùng bằng tiến sĩ “rởm” hoặc khai man trình độ [3] thì một số biên tập viên, đạo diễn, trưởng, phó ban… trình độ, năng lực có “tí vấn đề” cũng là chuyện bình thường, nhất là khi trình độ, năng lực, đặc biệt là ý thức trách nhiệm của họ lại do “lịch sử để lại”! 

Thứ hai là chuyện Thanh Hóa “nổi cáu” vì truyền thông phê phán bức tranh cổ động “Bác Hồ hút thuốc quàng khăn cho thiếu nhi” treo trên địa bàn tỉnh này suốt từ 3/4/2015 đến tận 30/4/2015 mới gỡ xuống.

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Thanh Hóa cho biết đây là các hình ảnh được Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sáng tác để tuyên truyền cho tất cả các ngày lễ lớn trong năm. Sở chỉ thực hiện, lắp ráp theo mẫu của Bộ. Theo bà Nghĩa: “Sở cứ nghĩ tranh của Bộ đã hoàn toàn được cấp phép nên chủ quan không kiểm tra”. [4]

Bộ sáng tác gửi cho tỉnh nhưng Bộ không treo ở nơi sáng tác nên Bộ “không làm phiền xã hội”? Tỉnh Thanh Hóa “chủ quan không kiểm tra (Bộ)” là lỗi của tỉnh, tỉnh không thể đổ lỗi lên Bộ như kiểu một vài người đổ lỗi cho dân.

Nếu Thanh Hóa học tập Hà Tĩnh “phản pháo” Thanh tra Chính phủ là “áp đặt, máy móc, không thấu tình đạt lý” và “UBND tỉnh không đồng ý nội dung (thanh tra) này” thì đâu đến nỗi Thanh Hóa bị mang tiếng làm ẩu và đâu đến nỗi gây bức xúc cho dư luận (chứ không phải là làm phiền xã hội).

Gợi ý Thanh Hóa học tập Hà Tĩnh có lẽ là hơi “bất kính” vì Thanh Hóa là “tỉnh lớn” đứng thứ ba toàn quốc về dân số, đứng thứ năm về diện tích [5] vậy nên Thanh Hóa chỉ có thể học tập Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh thì mới phải.

Theo ý của người viết, Thanh Hóa nên học mỗi nơi một tí, mà lời văn thì cần nhẹ nhàng chứ đừng như cái cô MC của Truyền hình Hà Nội, góp ý thì không sai nhưng ngôn từ thì bị cộng đồng mạng bảo là ít học.

Chẳng hạn, thay vì nói cơ quan thuộc Chính phủ là “ngộ nhận” [6], Thanh Hóa nên đổi thành “ngồ ngộ”, thay vì nói “UBND tỉnh không thể chấp nhận” thì nói “Sở VH-TT-DL tỉnh không thể áp dụng”…

Tóm lại nếu mà Thanh Hóa gửi kiến nghị ghi rõ tranh cổ động Bộ VH-TT-DL gửi về cho tỉnh là “ngồ ngộ, Sở VH-TT-DL tỉnh không thể áp dụng” sẽ vẹn cả ba bốn bề. Với “bề trên” không thất kính, với “bề dưới” là tròn trách nhiệm, với “bề xung quanh” không làm phiền xã hội, còn với “bề gần” là yên vị.

Có lẽ bạn đọc đã có thể trả lời câu hỏi: Ai và thế nào là "làm phiền xã hội"? Một bạn đọc gửi bình luận bài Cát cứ, sứ quân và “không ai chịu trách nhiệm”, viết: "Vấn nạn tham nhũng viết để mua vui thì được. Còn viết để mong có sự thay đổi không ăn thua gì".

Âu đó cũng là cách nghĩ, là quyền phát biểu quan điểm cá nhân mà mọi người cần tôn trọng. Người viết tuy có chỗ chưa đồng tình, song vẫn mong nhận được những ý kiến thẳng thắn của bạn đọc

Nếu chúng ta cùng chung tay thì những “sự làm phiền xã hội” sớm muộn nhất định sẽ bị đẩy lùi, còn nếu mà chúng ta chờ sung rụng thì có thể sẽ không bao giờ thấy vì ngày nay “sâu” nhiều lắm, sung chưa chín đã bị "sâu" ăn ruỗng bên trong rồi./.

Tài liệu tham khảo:







XUÂN DƯƠNG

 

 Nguồn: Theo GDVN

 

Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire