Trang

12/05/2015

Bị ăn quỵt đau vẫn phải ngậm miệng



Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 05.05.2015

 Ngày 30-4 qua rồi, “những người ở lại” như tôi và có lẽ cả những người “Sài Gòn muôn năm cũ” cũng trút được một gánh nặng. Bây giờ xin trở về với những chuyện đời thường.


Nguyên nhân nào khiến người dân không tố cáo tham nhũng

Ngày 14-4-2015 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam cùng Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố kết quả cuộc khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2014 (PAPI 2014).

Theo công bố, tình hình tham nhũng vặt có chiều gia tăng. Kết quả nghiên cứu, đánh giá của người dân về tình trạng tham nhũng trong khu vực công cho thấy hiệu quả kiểm soát tham nhũng của các cấp chính quyền là “ít có chuyển biến tích cực”. Thậm chí, trong một số lĩnh vực, mức độ vòi vĩnh, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức nhà nước là “có xu hướng gia tăng”.

Thật ra tham nhũng vặt sờ ở đâu cũng thấy, từ phường xã đến huyện tỉnh đều như nhau, bất kể ở lãnh vực nào. Xin cái giấy phép con cũng phải xì tiền ra mới xong. Giấy phép kinh doanh còn khó khăn hơn nữa. Xin cái sổ đỏ, bán cái nhà, mua miếng đất cũng đều có cái giá phải trả. Nếu không thì cứ chờ vêu mặt vẫn chưa chịu ký. Điều đó như đã thành “tiền lệ”, người dân VN ai cũng biết, chẳng cần phải nghiên cứu làm chi cho mệt.

Lý giải về nguyên nhân tham nhũng vặt không suy giảm mà còn có dấu hiệu tăng, TS Đặng Hoàng Giang cho rằng phần lớn những người nhận tham nhũng không hề chịu một hậu quả nào, thậm chí họ còn coi số ít đồng nghiệp khước từ tham nhũng như những người gàn hay đạo đức giả. Mặt khác, người dân sử dụng dịch vụ công thường không đủ dũng cảm để là những người đầu tiên “bước ra ngoài cuộc chơi”. Người dân có tâm lý cam chịu vì họ nghĩ rằng cái vòng tròn khép kín này quá mạnh, họ lẻ loi và không thể nào phá được nó. Họ không tin là sẽ được bảo vệ nếu phá nó.

Có 4 nguyên nhân người dân chịu đựng tham nhũng mà không tố cáo:  

- Hơn 56% cho rằng tố cáo không mang lại lợi ích gì.

- 7,7% sợ bị trả thù.

- 9% cho rằng thủ tục tố cáo rườm rà.

- 7,3% không biết tố cáo bằng cách nào.


Tham nhũng có hệ thống nên vẫn sống dai sống khỏe

Người ta nói tham nhũng nước nào cũng có, nhưng ở các nước hầu hết chỉ có những cá nhân riêng lẻ có quyền hành mới tham nhũng và được điều tra đến nơi đến chốn dù có là Tổng Thống hay Thủ Tướng cũng thế thôi, nhưng ở VN tham nhũng có hệ thống và thường được tổ chức rất bài bản khép kín. Nói cho rõ là anh tham nhũng vặt ăn được 100 đồng, phải chi “lên trên” 50 đồng (ít nhiều tùy theo chỗ nào béo bở, chỗ nào ít hơn). Đôi khi nộp lên trên rồi lại phải chia cho những ngành ngang cấp.

Và, cái sự ăn vặt đó công khai, ai cũng biết, tai tiếng rần rần nhưng nó vẫn tồn tại, sống lâu sống khỏe. Bởi họ bảo vệ nhau triệt để, các quan trên đều biết cũng cứ ngậm miệng làm thinh. Ngay cả những việc làm nhục quốc thể vẫn ngang nhiên hoành hành. Một thí dụ như khi qua cửa khẩu vào đến VN. Ngay từ trên máy bay, những bà con từ nước ngoài vế thăm nhà đã nhắc nhau “nhớ bỏ vài chục đô vào hộ chiếu cho  chúng nó nhá”. Nếu không có vài chục đô, chắc chắn sẽ bị “hành” đủ thứ, đồ đạc bị lục tung, đôi khi còn bị móc va ly “chôm” vài thứ đáng tiền.

Xứ gì mà ăn cắp, ai còn dám về”

Tài khoản facebook Gigi Ngo vừa mới đăng tải dòng status của Gigi Ngo hết sức phẫn uất về sự việc đã xảy ra tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Gigi Ngo đăng tải dòng status
hết sức phẫn uất về sự việc đã
xảy ra tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Cô cho hay đã bị rọc vali lấy thuốc bổ, vitamin và hai chai nước hoa.. Tiếp theo, cô nàng còn bày tỏ bức xúc rằng trước đã bị trả giá 200 000 đ tiền cafe khi qua cửa hải quan. Cô viết: “(…) sân bay Tân Sơn Nhất, hành lý người ta đóng mấy lớp mà cũng cố rọc thùng rọc vali lấy thuốc bổ, vitamin và lấy 2 chai nước hoa xong còn để lại cái bịch ni lông, may phước mà cái đồng hồ của Natalia Tran vẫn còn, chưa lụt tiếp mấy đồng hồ của mình còn không huhuhu. Đã vậy qua hải quan còn kêu lại xin 20$, mình nói không có đủ tiền cho 100k được không? Hải quan trả giá: thôi cho 200k đi uống cafe. Tức trào máu, phải chi cho tiền không bị mất đồ đằng này nó giữ hành lý mình 1,5 tiếng mới cho ra. Chuyến bay này ai cũng bị rọc lấy đồ thấy mấy cô chú Việt Kiều đứng chửi : "Xứ gì mà ăn cắp, ai còn dám về. Nghe nhục gì đâu!”

Ngay sau khi dòng status được đăng tải đã có hàng trăm lượt like và hàng chục lượt chia sẻ thông tin về sự việc đau lòng này. Bên cạnh những dòng comment chia buồn, thông cảm với nạn nhân, thì rất nhiều ý kiến khác cũng đồng tình rằng đã từng bị hại như nhân vật chính tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Cái cảnh chướng tai gai mắt này đã xảy ra từ bao nhiêu năm nay, tôi cũng đã đề cập đến vài lần, báo chí trong và ngoài nước cũng đã từng lên tiếng rất nhiều. Nhưng mọi chuyện vẫn đâu đóng đấy, chẳng có tí “chuyển biến” nào. Chuyện nhục quốc thể đến như thế mà không ngăn chặn được hay không muốn ngăn chặn thì nói gì đến những chuyện vặt trong nước. Người dân cứ như nằm trong cái rọ, cựa quậy chỉ có thiệt thân. Không chỉ có mấy ông có chức vụ, có quyền lực tham nhũng mà ngay cả đến anh em họ hàng nhà quan cũng tha hồ ỷ quyền cậy thế hà hiếp dân lành. Ngoài ra còn phải kể đến các tay anh chị có “số má” ở các địa phương cũng “quậy” tới bến khi móc nối với các quan chức địa phương. Đám dân lành cũng chẳng dám ho he. Nhìn qua thế thôi cũng đủ thấy người dân lương thiện phải chịu bao nhiêu tầng áp bức.

Các quan ngồi trong phòng lạnh cứ việc vẽ ra dự án trên trời cuộc đời dưới đất, không cần chú ý tới lợi ích của người dân.


Đừng nuông chiều nhà thầu Trung Quốc nữa

Một  thí dụ cụ thể như các quan làm dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Dự án này đã gây rất nhiều tai tiếng và tai nạn. Người dân bất bình, nhà nước sốt ruột, nhưng nó vẫn ỳ ra đó, như trêu ngươi, như thách thức.

Nó ỳ ra nhưng có vẻ như càng ỳ càng lợi, vì nếu công trình kéo dài thì lại tính tiền trượt giá, nâng thêm vốn, nhà đầu tư “chết”, còn nhà thầu Trung Quốc cứ thong thả nhặt tiền. Tin mới toanh, dự án này chậm tiến độ, “đội” vốn lên 868,06 triệu USD, tăng 315,18 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Làm dự án kiểu này thì quá dễ, chậm tiến độ thì tăng vốn, thiếu vốn thì vay, chỉ có chết dân. Bởi vì vay ở đâu thì cuối cùng dân cũng è cổ ra để trả cả vốn lẫn lãi. Riêng dự án này, tổng thầu là Trung Quốc, một phần vốn vay ưu đãi cũng Trung Quốc. Nhà thầu Trung Quốc làm ăn bê bối, nhưng nói ra mắc nghẹn ở cổ, vì vốn vay lại từ phía họ. Cũng như bị đòn đau mà đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Không chỉ chậm tiến độ, đội vốn, gây thiệt hại về kinh tế, dự án này còn là nỗi khiếp sợ về tai nạn. Đã có nhiều tai nạn xảy ra khiến có người chết và nhiều người bị thương, đè bẹp một xe taxi chạy qua.
 
Đứt cáp cần cẩu tại dự án đường sắt Hà Đông -
Cát Linh làm 1 người chết, nhiều người bị thương.
Tổng thầu kém thì quá rõ rồi, nhưng những người chọn nhà thầu kém phải chịu trách nhiệm. Dự án trên cao, nhưng năng lực chuyên môn thì dưới thấp.  Nhận ra tổng thầu dự án đường sắt trên cao kém, không đủ năng lực thì phải thay. Nếu không thể thay tổng thầu vì vướng quá nhiều thủ tục pháp lý, ràng buộc về tài chính thì phải có biện pháp quản lý cũng như quy định về chế tài để nhà thầu thi công đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng.  

Không thể nuông chiều nhà thầu Trung Quốc này thêm nữa. 

Đến chuyện doanh nghiệp nước ngoài đau mà không dám kêu

Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài mò sang VN làm ăn cũng bị móc họng, nhưng có khi mất tiền mà không làm được việc, bị các quan “ăn quịt” luôn, không chịu trả lại.

Gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp
ngày càng lớn (theo báo Người Lao Động).
Theo VNNet, cả hội trường cười rầm rầm khi ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bình luận, tỷ lệ "ăn quỵt" năm qua đã giảm bớt. Bởi, doanh nghiệp chi tiền bôi trơn nhưng không phải lúc nào cũng được việc. Nếu không trả hoa hồng, 89% doanh nghiệp FDI cho biết là sẽ có chuyện bất lợi xảy ra. Ông Tuấn dùng chữ “ăn quỵt” rất bình dân và rất đúng, nghe vừa tức cười vừa xấu hổ cho dân Việt.

Ông Tuấn giải thích rõ ràng: năm 2010, chỉ có hơn 47% doanh nghiệp FDI cho biết công việc đã được giải quyết đúng sau khi họ trả các khoản chi phí không chính thức, nhưng năm 2014, tỷ lệ này là hơn 58%. Điều đó cũng có nghĩa rằng, một số lớn các doanh nghiệp FDI trước đây đã bị "mất trắng" với công chức Việt Nam (53%) một khoản tiền lớn mà không được việc gì, và giờ thì con số này giảm xuống (42%).

Tức là việc “ăn quỵt” giảm được 9%. Vẫn cón đó 42% doanh nghiệp bị ăn quỵt, bằng gần một nửa doanh nghiệp dính vào cái bẫy hổ này mà không dám kêu.

Bản đồ một số chỉ tiêu chi phí
không chính thức.

Nỗi thống khổ của doanh nghiệp FDI càng đậm nét hơn, khi nghiên cứu này chỉ ra rằng: 17,2% doanh nghiệp đã phải bôi trơn khi xin giấy phép đầu tư, 31,4% phải chi tiền hoa hồng khi đấu thấu, 66,2% đều phải đưa phong bì lúc thông quan và 22,3% doanh nghiệp FDI đã không muốn đưa ra toà án khi có tranh chấp, bởi chạy án là phổ biến. Nếu không trả hoa hồng, 89% doanh nghiệp FDI cho biết là sẽ có chuyện bất lợi xảy ra. 

Ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH-ĐT, nói: "Doanh nghiệp lâu nay làm ăn dựa vào quan hệ với Nhà nước. Căn bệnh thâm căn, cố đế này đã ăn vào máu người Việt cả nửa thế kỷ nay, tức 50 năm, còn chúng ta mới chỉ nhận thức được vấn đề 20 năm thôi. Cho nên, phải đổi mới tư duy”. 

Kêu gào “đổi mới tư duy” mãi mà chẳng thấy “tư duy” nào giúp cho đời sống của người dân Việt khá hơn. Cứ thấy thụt lùi dần. Nay tăng giá điện, mai tăng giá nước, mốt tăng giá xăng, tháng sau thu thêm “phí” nữa là “giờ đây đã đói càng thêm đói”.

Bên lề Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân, có câu chuyện kể rằng, một hãng sữa lớn của Việt Nam tổ chức một buổi hội và có mời một anh phóng viên nước ngoài tham dự. Kết thúc buổi hội, hãng này tặng cho các đại biểu một túi quà nhỏ có vài hộp sữa. Nghĩ không giá trị nhiều, anh phóng viên nọ mang về trụ sở, mở túi ra và tá hoả phát hiện một phong bì có 200.000 đồng. Rất sợ hãi, anh này vội vã quay trở lại nơi tổ chức thì đã chẳng còn ai. Sau đó, anh phải tìm đến tận trụ sở công ty sữa đó để trả bằng được cái phong bì ấy.

Với người Mỹ, việc nhận quà bằng tiền mặt là tối kỵ và nếu có quà, tổng giá trị quá 20 USD sẽ phải trả lại. Còn ở VN thì khác, nếu anh nào cho vào phong bì ít quá sẽ bị chửi, cho nhiều thì tay bắt mặt mừng cứ như bạn bè thân thiết từ khuya rồi vậy. VN thắng Mỹ là ở chỗ đó!



Văn Quang
 
Nguồn: Theo Khai Dân Trí
 

Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire