Trang

20/05/2015

Ngư dân kể chuyện bị đám người mặc đồ rằn ri nhảy lên tàu uy hiếp


Hoàng Đan



"Chúng nhốt chúng tôi lại rồi bỏ đói cả ngày. Sau khi lục soát tàu, chúng bắt tôi và các anh em lăn tay vào một số giấy tờ có chữ giống chữ Trung Quốc...", ông Tân kể.




Dù có thế nào cũng không sợ

Việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm toàn bộ các hoạt động đánh bắt cá trên biển từ 12h ngày 16/5 đến 12h ngày 1/8, trong phạm vi vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới của vùng biển tỉnh Quảng Đông với tỉnh Phúc Kiến (bao gồm vịnh Bắc Bộ) thể hiện sự sai trái.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Tân (60 tuổi, Lý Sơn, Quảng Ngãi) nhấn mạnh, việc ban hành lệnh cấm của Trung Quốc là không có giá trị và dù có thế nào thì ngư dân vẫn sẽ ra khơi, kiên cường bám biển.

Đi biển từ khi gần 20 tuổi, ông Tân từng bị tàu lạ tấn công, bị bắt, tịch thu tàu, thậm chí đánh đập gây thương tích nhiều lần.

Lần đầu tiên ông Lê Tân bị bắt là khoảng tháng 7/2006. Khi đó, ông đang cùng các thuyền viên đánh bắt cá tại khu vực gần đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) thì bị một chiếc tàu lớn lạ đuổi theo.

"Khi đó, tàu tôi đang đánh bắt bình thường thì những người đó mặc đồ rằn ri, có trang bị súng máy đã nhảy lên tàu uy hiếp và yêu cầu chúng tôi phải chạy về phía con tàu lớn của bọn chúng đang neo ở đằng xa.

Chúng nhốt chúng tôi lại rồi bỏ đói cả ngày. Sau khi lục soát tàu, chúng bắt tôi và các anh em lăn tay vào một số giấy tờ có chữ giống chữ Trung Quốc. Lúc đó, ai phản ứng lại thì bị đánh đập dã man...", ông Tân kể lại.

Được thả về với hai bàn tay trắng cùng những vết thương, nhưng khi bình phục, ông Tân quyết định mua chịu một tàu cũ, tiền sẽ được trừ dần bằng cá. Ông vay mượn thêm sửa sang lại con tàu, đến đầu năm 2007 tiếp tục ra khơi, đánh bắt cá trên ngư trường Hoàng Sa.

Nhưng vừa ra khơi, ông lại bị tàu lạ bắt lần nữa, bị lấy hết dầu và ngư lưới cụ. Tuy nhiên, không nhụt chí, ông quyết định gặp những tàu cá khác để vay từng can dầu, rồi ở lại đánh bắt cá tiếp.

Thế nhưng, một lần nữa, ông lại bị một nhóm người trang bị vũ trang bắt.

"Chúng cướp hết cá trên tàu của tôi rồi lấy hết cả máy dò, định vị, kể cả đồ nấu cơm cũng bị lấy đi nốt", ông Tân nhớ lại.

Bị bắt hai lần trong một chuyến đi biển nhưng ông vẫn không sợ và tiếp tục ra khơi.

Ngư dân Quảng Ngãi tất bật chuẩn bị cho việc tiếp tục ra khơi đánh bắt cá, đồng thời khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam ở biển Đông.

Đến cuối năm 2010, tàu của ông Tân khi đánh bắt cá gần khu vực đảo Phú Lâm lại bị bắt cùng với nhiều tàu cá khác và bị nhóm người lạ cướp hết ngư lưới cụ.

Cả đoàn mấy chiếc tàu nhưng chỉ được thả về trên một con tàu nhỏ của ông Tân.

"Chúng tôi phải tiếp tục ra biển, đi để đánh bắt cá kiếm sống nuôi gia đình, đi để giữ biển cha ông. Chúng thu tàu thì tôi và anh em gom tiền đóng tàu khác, chúng thu thiết bị chúng tôi lại gom tiền mua cái khác.

Không bao giờ chúng tôi khuất phục”, ông Tân bày tỏ.

Đồng quan điểm với ông Tân, ông Bùi Cử (65 tuổi, ở An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi), người cũng từng nhiều lần bị tàu lạ bắt giữ, tịch thu, phá hủy ngư cụ cũng khẳng định, lệnh cấm của Trung Quốc là vô giá trị và ngư dân vẫn sẽ ra khơi.

Ông Bùi Cử.
"Chúng tôi không sợ, vẫn cố bám biển, vẫn đánh cá. Khi chúng đuổi thì chạy, chúng không đuổi thì quay lại đánh cá tiếp.

Tại sao lại phải sợ? Đó là biển của mình cơ mà, từ đời ông cha mấy trăm năm trước, ta vẫn đi biển ở đó. Mình có xâm phạm của ai đâu mà sợ", ông Cử nói.

Giữ bằng được biển của cha ông

Ngư dân Phạm Quốc Dũng (43 tuổi, thôn Đông, An Hải, Lý Sơn) từng phải cắt bỏ 60cm ruột khi chiếc tàu QNg96011 TS của ông bị 1 tàu không rơ quốc tịch đâm va trong đêm 16/4/2015 trên vùng biển Hoàng Sa. Thế nhưng, ông vẫn không hề nao núng.

"Biển của mình, ngư trường truyền thống của mình, chúng tôi không ra đó thì còn ai ra nữa.

Nhà mình, mình phải giữ, dù có khó khăn, gian khổ, thậm chí phải hy sinh thì chúng tôi cũng không chịu khuất phục. Cha ông mấy trăm năm trước đã vậy, con cháu chúng tôi cũng sẽ luôn như thế...”, ông Dũng bày tỏ.

Các ngư dân đang tiến hành sửa chữa lại tàu chuẩn bị cho việc ra khơi.

Ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Quảng Ngãi kiêm Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh cũng nhấn mạnh, lệnh cấm bắt cá của Trung Quốc là không có giá trị trong việc đánh bắt cá của ngư dân Quảng Ngãi và ngư dân cả nước.

"Hiện ngư dân chúng ta vẫn đi đánh bắt bình thường trên vùng biển Việt Nam chứ không ảnh hưởng gì cả.

Nếu trong thời gian tới, Trung Quốc tiếp tục cản trở thì các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp thích hợp để đối phó, xử lý", ông Hoàng khẳng định.

Còn ông Nguyễn Tài Luân, Phó Bí thư TT Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lý Sơn cũng cho hay, bà con ngư dân rất kiên cường.

"Ngư dân có quyết tâm rất lớn để bám biển dù Trung Quốc liên tục có những hành động ngang ngược, sai trái, phi lý.

Ngoài hỗ trợ của Trung ương, chúng tôi đã nỗ lực làm tốt chính sách hậu phương với ngư dân và hình thành những nghiệp đoàn nghề cá để ngư dân kịp thời hỗ trợ nhau khi có bất cứ chuyện gì xảy ra trên biển", ông Luân cho biết thêm.

Phó Chủ tịch TT
Hội nghề cá VN
PGS.TS Võ Văn Trác

"Không phải đến bây giờ mà hàng chục năm qua, Trung Quốc đã nhiều lần đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông. Đó là những lệnh cấm ngang ngược, phi pháp, vi phạm nghiêm trọng các Công ước về Luật Biển năm 1982 cũng như chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam ở biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hội nghề cá Việt Nam kiên quyết phản đối lệnh cấm không có giá trị này của Trung Quốc".

 
 
 
theo Trí Thức Trẻ

Nguồn: Theo soha.vn


Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire