Trang

30/05/2015

Nỗi Sợ Hãi Đang Chuyển Động

 

Nguyệt Quỳnh


Những hình ảnh với gương mặt bê bết máu của các nhà hoạt động gần đây cho thấy sự đàn áp của công an nhắm vào họ đang gia tăng cuồng nộ! Tuy nhiên khác với trước đó, thái độ bình tĩnh, ý thức, sẵn sàng đối đầu của hầu hết các nạn nhân đã khiến người ta thấy rõ nỗi sợ hãi đang chuyển động. Nó đang chuyển dần từ những người bị hành hung, từ những người dân thấp cổ bé miệng sang những kẻ cầm quyền.



                                                                             ***

Dù cảm thấy vô cùng bất nhẫn, tôi vẫn muốn minh hoạ sự chuyển động đó bằng một hình ảnh tươi đẹp và chợt nhớ đến những bước chân của em bé Ruby Bridges trên đường đến lớp năm 1960. Bố mẹ của Ruby đã ghi danh cho em học tại một trường tiểu học gần nhà dành cho các em da trắng. Khi ấy tại New Orleans sự kỳ thị màu da vẫn chưa được gỡ bỏ ở các trường học; và để phản đối sự có mặt của em, các giáo viên đã từ chối đứng lớp ngoại trừ một cô giáo trẻ. Và cũng chỉ mình cô duy nhất, là cô giáo của em suốt năm học đó. Hàng ngày đến lớp, Ruby phải đi ngang qua những bức tường đầy vết cà chua và những dòng chữ thoá mạ. Ruby có thể chuyển về  nơi các bạn da đen của em đang học thay vì phải chịu đựng nỗi sợ hãi trước một đám đông cha mẹ giận dữ, gào thét trước cổng trường. Để bảo vệ em, hàng ngày có đến bốn cảnh sát liên bang đi cùng em, và họ đã nói về cô bé như sau:  "Ruby không khóc. Em cũng không thút thít. Em chỉ xốc bước đi cùng, như một người lính bé nhỏ. Tất cả chúng tôi đều rất tự hào về em."

Phải một năm sau đó, sinh hoạt ở ngôi trường ấy mới trở lại bình thường. Các trẻ em da trắng được cha mẹ cho trở lại trường và ngoài Ruby, lại có thêm một vài học sinh da đen khác. Cô bé 6 tuổi này đã giúp xoá bỏ sự kỳ thị màu da không những chỉ tại các ngôi trường thuộc tiểu bang New Orleans. Và sự kiên định của cha mẹ em, những người da đen bình thường, vô danh là những yếu tố quan trọng giúp cho sự chuyển đổi này. Bậc cha mẹ đáng kính đó đã cho con gái họ một hành trang vô cùng quý báu để bước vào đời!

Trong bối cảnh VN hiện nay, sự kiên định và thái độ của những nhà hoạt động trước những bạo hành của công an cũng đang tạo nên một luồng sinh khí mới. Ý thức về dân chủ và quyền con người đã khiến mọi người cùng đứng sát vào nhau – ít nhất là về ý tưởng và thái độ - sẵn sàng tranh đấu để thực hiện cho bằng được ước vọng chính đáng của mình. Tôi nhớ đến thi sĩ Chế Lan Viên và cái khát vọng cuối đời của ông. Ông ước ao rằng ở thế kỷ sau, người ta không phải sống như ông chỉ vì để nuôi nấng xác thân đã phải đem làm thịt linh hồn mình. Chế Lan Viên mất năm 1989, hai mươi lăm năm sau, những con người của một thế kỷ mới đang bắt đầu xuất hiện.

Công an, theo trách vụ được quy định là để ổn định trật tự xã hội và bảo vệ người dân. Nhưng hiện nay nhiệm vụ này trở nên đối nghịch; công an ngày nay chủ yếu tham nhũng, sách nhiễu và tàn ác với dân nên tạo ra nhiều bất ổn xã hội. Lãnh đạo cộng sản đã biến lực lượng công an nhân dân trở thành công cụ nhằm để bảo vệ đảng và chế độ. Thông điệp ở trên đưa xuống rất rõ ràng “chỉ biết còn đảng còn mình” (sic). Đây đơn thuần là mối quan hệ chủ tớ, công an ngày nay chỉ cần biết một điều duy nhất - ngày nào còn đảng là còn lương ăn và sổ hưu - mọi chuyện khác đều phải coi nhỏ kể cả biển Đông và biên giới !!!

Vì bảo vệ đảng và chế độ là quan trọng, do đó nhiệm vụ của công an cũng thay đổi theo thời gian và nhất là tùy theo khả năng kiểm soát của kẻ cầm quyền. Ngày trước, khi chế độ còn mạnh và kiểm soát mọi thứ, công an không cần phải ra tay đàn áp, chỉ cần ra mệnh lệnh là người dân nghe răm rắp. Nỗi sợ hãi ám ảnh toàn xã hội, từ dân thường cho đến cán bộ. Không phải chỉ giới văn học như Chế Lan Viên hay Nguyễn Tuân mới biết sợ, trong cuốn “Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội”  nhà văn Nguyễn văn Trấn kể rằng có lần hỏi ông Tôn Đức Thắng tại sao để cho cải cách ruộng đất giết dân như vậy. Đang ngồi, ông Thắng bật dậy khỏi ghế vừa đi vừa văng tục: “ ĐM, tao cũng sợ nó, mày biểu tao còn dám nói cái gì?”.

Ngày nay, mặc dù sự khủng bố vẫn còn nguyên đó, nhưng ý thức được “quyền lợi và quyền hạn” của mình đã giúp cho nhiều người VN đẩy lùi được nỗi sợ hãi.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã không ngừng dùng bạo lực tấn công những nhà bất đồng chính kiến. Có đến 9 vụ tấn công liên tiếp vào các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền, gần đây nhất là vụ tấn công anh Đinh Quang Tuyến vào lúc 7 giờ sáng ngày 19/5 vừa qua.

Theo lời anh Tuyến thuật lại, khi thấy anh rời khỏi nhà một công an mật vụ vẫn thường theo dõi anh đã dùng điện thoại để báo tin. Sau đó có hai công an mặc thường phục đã chạy theo xe đạp của anh. Khi anh dừng lại thì họ chạy lên ngang xe với anh và đấm thẳng vào mặt anh. Cuộc bạo hành đã khiến anh Tuyến bị nứt xương mũi, máu chảy lênh láng trên mặt .

Dù biết chắc kẻ đánh mình chính là công an mật vụ, nhưng anh Tuyến cho biết là anh không hề thù oán họ, vì cho rằng họ chỉ là công cụ, chỉ làm theo lịnh trên. Và anh khẳng quyết: "Nếu đánh tôi để dằn mặt, thì họ đã không thể đạt được mục đích". Sau đó anh còn tâm sự rằng: “Tôi bị lũ quỉ hồ quang đánh lén, ngay lập tức anh em dân chủ vây quanh chăm sóc tôi như các thiên thần, thân xác đau đớn nhưng tâm hồn thật hạnh phúc, cảm ơn trời cảm ơn mọi người!”

Nghe những chia sẻ của anh Đinh Quang Tuyến, khi vết thương trên mặt của anh còn sưng tấy và đau đớn có người ngạc nhiên bảo “y như chuyện cổ tích”.

Và chuyện y như cổ tích đó không chỉ dừng ở một người. Anh Trịnh Anh Tuấn, admin của nhóm Vì Một Hà Nội Xanh cũng đã bị những kẻ lạ mặt tấn công trên đường đi mua sữa cho con. Dù bị nhiều thương tích ở đầu và tay, anh Tuấn vẫn khẳng định anh sẽ không lùi bước. Anh bảo không có lý gì người lương thiện, làm việc tốt lại phải sợ kẻ sai, kẻ xấu.

Nhóm bạn của anh cũng đồng lòng, anh Phan Xéng góp lời: “có thể nhiều người nữa sẽ gặp phải vài phiền nhiễu nhỏ nhoi này, theo tôi vào thời điểm này, đó là cái giá quá rẻ để bày tỏ ý kiến chính đáng”.
 

Những câu nói trên của ba người tuy khác nhau nhưng có một điểm rất chung: họ tin rằng cái đúng và cái đẹp sẽ luôn luôn chiến thắng. Sống và hành động với niềm tin đó đã khiến họ cảm thấy hạnh phúc và lạc quan ngay cả lúc thân xác đau đớn nhất, lúc mất mát nhiều nhất.

                                              ***
Rõ ràng nhiều người dân VN đã đẩy lùi được nỗi Sợ Hãi. Vậy nỗi Sợ Hãi ấy đã đi đâu? Theo tôi, nó đang chiếm lĩnh tâm tư của tầng lớp lãnh đạo nhiều quyền nhiều lợi. Chế độ đang mất dần khả năng kiểm soát xã hội, và sự đàn áp của công an càng gia tăng dữ dội chứng tỏ nỗi lo sợ của lãnh đạo CS càng ngày càng lớn.

Câu hỏi còn lại là liệu những kẻ thừa hành đang hành hung các nhà hoạt động sẽ nghĩ gì và sẽ chọn đứng ở điểm nào để nhận được sự bình an trong tâm hồn? Cuộc xuống đường gần đây của người dân tỉnh Bình Thuận đã cho thấy rõ cơn nộ khí xung thiên của người dân đối với lực lượng công an. Gieo gió ắt gặt bão! Nhưng những kẻ lãnh đạo, những kẻ gieo gió sẽ có thừa phương tiện để cao chạy xa bay cùng vợ con và tài sản của họ, thử hỏi lúc ấy cơn bão này những ai sẽ gặt trước tiên?

Hôm nay còn đảng còn mình, ngày mai đảng chạy thân mình ra sao?
Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire