Trang

07/05/2015

Đoàn Chữ thập đỏ ở động đất Nepal: Anh hùng và công dân hạng ba


Bùi Hải

Bức ảnh người phụ nữ (thành viên Đoàn công tác Hội Chữ thập đỏ VN) tươi cười bên căn nhà sập tại Nepal được cộng đồng mạng chia sẻ (ảnh: FB).

 
Không ai bắt những cán bộ của đoàn Chữ thập đỏ Việt Nam phải có những hành động anh hùng trong những ngày cả Nepal đổ nát và đau đớn vì động đất.

Nhưng cả người Việt và người Nepal sẽ không thể chấp nhận nếu đoàn này thể hiện tư cách chỉ như một công dân hạng ba.



Hoàng đế Pháp Napoleon đã nói một câu nổi tiếng trong lễ mừng chiến thắng:

“Những chiến sĩ được phong anh hùng ngày hôm nay hãy biết rằng, mình chỉ là anh hùng hạng hai. Bởi vì trong số những người lập tức lao vào đồn địch ngay sau tiếng súng lệnh, có mấy ai trở về?”.

Những người anh hùng hạng nhất thường không nói gì vì chiến công của họ đã trộn vào xương máu. Những người “chạy thoát” khỏi Nepal, dù không hề anh hùng, thì lại tuyên ngôn trên công luận.

Ngay sau khi một thành viên trong đoàn Chữ thập đỏ Việt Nam khoe trên báo chí rằng đoàn mình đã trở thành nhóm người Việt đầu tiên “thoát nạn”, về nước an toàn, một doanh nhân đã có một chia sẻ hết sức thâm thúy:

Trong một bộ phim về cảnh sát cứu hoả ở Mỹ, ông cảnh sát trưởng nói với những người lính vừa nhập ngũ:

"Nghề của chúng ta là một nghề đặc biệt. Đó là: khi hoả hoạn xảy ra thì dân chúng chạy ra, còn chúng ta chạy vào. Vào nghề này, các anh chỉ cần nhớ ngần ấy thôi."

Trong số 2.977 nạn nhân thảm kịch 11/9 ở Mỹ, có 414 sỹ quan và lính cứu hoả New York đã chết khi họ đi xông vào chỗ những người khác chạy ra.

Những thành viên Việt Nam “thoát nạn đầu tiên, về nước an toàn” không phải lính cứu hỏa, nhưng cái chữ thập màu đỏ họ gánh trên vai, đặt cho họ trách nhiệm hơn cả của một công dân hạng nhất.

Nhưng những công dân “đáng lẽ phải là hạng nhất”, đáng lẽ phải “xông vào” như một bản năng của người cứu giúp giống lính cứu hỏa, thì họ lại “chạy ra” một cách nhanh nhẹn và hoàn hảo nhất.

Cũng đã có những người nói rằng truyền thông, mạng xã hội Việt Nam quá tàn nhẫn, khi đay nghiến nụ cười của một nữ quan chức đoàn này, khi bà chỉ tay vào những căn nhà đổ nát ở Nepal.

Đúng, đó có thể là một “khoảnh khắc không chủ đạo” trong tâm trạng của bà ta, nhưng tại sao truyền thông lại giận dữ như vậy?

Nếu nụ cười ấy, nở trên môi của một người đang lăn xả với cơn bĩ cực của dân Nepal, chắc chắn cũng sẽ được thể tất và không gây bão đến như vậy.

Nếu chủ nhân của “nụ cười trên đống đổ nát”, biết có một lời xin lỗi công chúng về sự bất cẩn của mình, thay vì đâm đơn đến văn phòng luật sư để “bảo vệ hình ảnh cá nhân”, thì chắc chắn gạch đã đã không dội nhiều đến thế xuống đầu.

Sau khi bức ảnh “tự sướng” trong lễ tang Đại tướng được phát tán, chàng trai là cộng tác viên của VTV lúc đó đã cúi đầu: "Bản thân mình, khi xem lại những hình ảnh đó, cũng thấy phản cảm lắm, ân hận lắm...!".

Thiếu niên đăng ảnh cười trước đám cháy của Trung tâm thương mại Hải Dương và hai cô gái rất trẻ chụp ảnh tự sướng trong một đám tang ông nội, đều biết xin lỗi:

"Đời người ai cũng có lỗi lầm, quan trọng là nhìn thấy cái sai để khắc phục. Em thành thật xin lỗi".

Thế nhưng, không ai trong số 10 người “thoát nạn” sớm nhất thấy mình cần phải xin lượng thứ. Rất nhiều lý do được họ đưa ra để chứng minh công chúng đã sai như thế nào khi “hiểu lầm” họ:

Vì họ chỉ là quan chức, không phải là thợ cứu hộ, nên nếu làm chỉ vướng chân người khác.

Vì phía Nepal khuyên đoàn về nước.

Vì vé máy bay khứ hồi và visa định sẵn ngày về.

Vì về nước có thể giúp đỡ được nhiều hơn ở bên đó…

Một đoàn 4 người ở TP. HCM đi du lịch Nepal đúng dịp thảm họa, không gánh trên vai chữ thập đỏ, nhưng lại âm thầm trở thành những công dân hạng nhất.

Họ chẳng đưa ra một lý do gì để tháo chạy. Họ đi hiến máu. Họ đi vận động quyên góp. Họ gõ cửa các cơ quan cứu trợ. Một thành viên trong đoàn, chị Lê Kim Chi viết:

“Tôi ở đây, ở một trong những nơi đang đau khổ nhất thế gian. Chúng tôi mò mẫm đi tìm những tổ chức từ thiện để góp chút gì đó cho người dân Nepal”.

Không biết, khi đọc tiếp những dòng này của chị Chi, đoàn Chữ thập đỏ có lấy tay che mặt:

“Một ngày ở lại Kathmandu không nhiều thời gian cho chúng tôi làm nhiều việc hơn thế.

Mọi chuyến đi đến ngày trở về thường sẽ có cảm giác hân hoan, no nê niềm vui và trở về mái nhà ấm cúng với người thân.

Nhưng lần trở về này mọi thứ dường như dang dở. Và chúng tôi ra đi khi không khí tang tóc buồn thảm bao trùm Nepal.

Tôi thấy mình chia tay đất nước này vào thời điểm này vẫn còn nhiều day dứt”.

Thời thế tạo anh hùng và là thuốc thử để phân biệt công dân hạng nhất, hạng hai, hạng ba.

Tuyệt đại đa số những anh hùng đều là người bình thường, vụt sáng khi vượt lên những hoàn cảnh thử thách bản lĩnh ngặt nghèo.

Vụ động đất ở Nepal chính là thuốc thử tốt nhất cho cái tâm, cho nhiệt huyết và cho cả năng lực tư duy, năng lực hành động của những quan chức của đoàn Chữ thập đỏ Việt Nam.

Dù công chúng mong muốn họ vụt sáng giữa cái nền u ám của thảm họa, nhưng không ai bắt họ phải trở thành anh hùng hay “anh hùng hạng nhất” theo cái nghĩa Napoleon nói.
Ai cũng muốn họ lành lặn trở về.

Nhưng ngay cả “cú sát hạch” để trở thành công dân hạng nhất ở Nepal, họ đã không vượt qua.

Đã có những câu hỏi: “Liệu họ có chọn nhầm nghề?”. Có lẽ hơi sớm để đưa ra câu trả lời. Là cán bộ một tổ chức nhân đạo, chắc chắn họ có quá trình đóng góp cho xã hội.

Nhưng chọn làm việc trong tổ chức nhân đạo, không chỉ là chọn một nghề, mà là chọn sứ mệnh.

Sứ mệnh là cái luôn đặt trên vai và ở trong tim

Sứ mệnh không bao giờ là bánh xe patin lắp dưới chân, để trượt nhanh nhất khỏi vòng thử thách.

-----------------------------------------

Nguồn: Theo Trí Thức Trẻ

Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire