Trang

09/06/2015

CHỌN CHỖ ĐỨNG CỦA LƯƠNG TRI HAY CHỖ NGỒI CỦA TRÍ NGỦ ?

  Bùi Minh Quốc


Đăm San, người dám nghĩ điều không ai dám nghĩ
Đăm San, người dám làm điều không thể làm!

 (TRƯỜNG CA ĐĂM SAN)

Tôi đứng về phía những người chưa bao giờ khuất phục
Về phía những người đàn ông và đàn bà mà tính khí không bao giờ khuất phục 
(WALT WHITMAN)

Đại hội 4 Hội nhà văn Việt Nam (mà tôi có tham dự, họp tháng 10 năm 1989 tại Ba Đình) hội trường nóng lên từng giờ.Ngay phút đầu, khi nghe giới thiệu xong danh sách đoàn chủ tịch, tiến sĩ Phan Hồng Giang liền đứng dậy chất vấn : “Ông Tô Hoài ngày mai bay đi Cai-rô họp hội nghị nhà văn Á – Phi, tại sao lại để ngồi ở đoàn chủ tịch ? Cần dành vị trí ấy cho người khác thực sự làm việc”.Đại hội dấy lên làn sóng phản đối.Thế là ông Tô Hoài phải tuyên bố rút khỏi đoàn chủ tịch.
 


Theo đề cử và biểu quyết tức thì của đại hội, nhà thơ nữ Ý Nhi được bổ sung vào đoàn chủ tịch .Sự kiện này là cú đột phá chưa từng có, bứt ra khỏi một cái nếp cố hữu bấy lâu - mọi việc từ nội dung đến nhân sự đều được sắp đặt trước dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Ban bí thư trung ương Đảng, còn những người dự đại hội chỉ là những con rối bỏ phiếu hoặc giơ tay để hợp thức hoá cho sự sắp đặt ấy (Vào giờ giải lao, đã diễn ra một cuộc đối thoại bình đẳng cởi mở thẳng thắn giữa nhà thơ Ý Nhi với cố vấn Lê Đức Thọ  - một nhân vật đầy quyền uy chi phối chính trường Việt Nam nhiều thập niên - về vấn đề đại hội nên hay không nên bầu trực tiếp Tổng thư ký Hội).Không khí đại hội càng nóng dữ bởi lời lẽ không chút kiêng dè của nhà văn nữ Dương Thu Hương nhằm thẳng vào điều cấm kỵ số 1  : “Cần nhấn mạnh rằng Đảng phải biết ơn Nhân Dân chứ không nên chỉ nói Nhân Dân biết ơn Đảng!” (Ít năm sau, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu có nhắc lại, rằng công ơn của Nhân Dân đối với Đảng là công ơn sinh thành, nhưng ông nói chỉ để mị dân chứ chưa bao giờ tiến hành sinh hoạt đảng thật rốt ráo cho đảng viên, trước hết là đảng viên thuộc bộ phận mà cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An gọi là  “Vua tập thể ” thấm nhuần tư tưởng cực kỳ quan trọng này, nên bao năm ròng chỉ thấy “Vua tập thể ” trả ơn đấng sinh thành bằng hành động dùng công an quân đội và ngầm kết hợp hợp cả xã hội đen cướp đất Dân, bịt miệng Dân).Nhà thơ Trần Mạnh Hảo lên diễn đàn chất vấn : nhà văn đâu phải con gà con vịt mà Đảng khi thì trói, khi thì cởi trói, rồi lại trói trở lại, bằng chứng nóng hổi là vụ khai trừ cách chức cắt lương hai cán bộ chủ chốt của Hội Văn Nghệ Lâm Đồng -.nhà thơ Bùi Minh Quốc và nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự  - chỉ vì đi lấy chữ ký đòi đổi mới triệt để, không đổi mới nửa vời, đòi chấm dứt tình trạng lời nói không đi đôi với việc làm. Nhà văn Trần Thùy Mai lên diễn đàn tập trung nói (trong nước mắt uất ức) về vụ kỷ luật phi lý nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự và yêu cầu Đảng phải tôn trọng tính độc lập về tổ chức của các hội đoàn (như chính nghị quyết trung ương 6 khoá 6 đã đề ra; đến đại hôi 5 họp tháng 3 năm 1995, nhà thơ Trần Mạnh Hảo cùng các nhà văn Hoàng Minh Tường, Hoàng Bình Trọng vẫn kiên trì tiếp tục nhắc lại vụ này).Liên tiếp dậy lên những tràng vỗ tay rầm rộ dành cho những tiếng nói mạnh mẽ của lương tri lần đầu tiên cất lên tại một đại hội của Hội nhà văn Việt Nam.Rồi nhà văn Bửu Tiến lên diễn đàn xin lỗi anh em nhóm Nhân văn – Giai phẩm vì ông đã tham gia viết bài “đánh” Nhân văn.Ồng thành tâm bộc bạch : Tôi đã cao tuổi, tôi phải nói lên được những lời này trên chính diễn đàn này cho được nhẹ lòng khi nhắm mắt xuôi tay…Rồi một sự kiện đặc biêt : Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh, phó trưởng Ban Văn hoá Văn nghệ trung ương lên diễn đàn với bài phát biểu của trưởng ban Trần Độ vì vắng mặt nên ủy nhiệm cho ông đọc.Hơn một lần bài phát biểu của Trưởng ban Trần Độ bị ngắt quãng bởi những tràng vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt và kết thúc với một tràng vỗ tay dài nhất, vang động nhất.Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh nói lớn : “Tôi thấy tại đại hội này hiện ra sự thức tỉnh lương tri của một bộ phận dân tộc ta, bộ phận tinh hoa của dân tộc, là các nhà văn chúng ta !”.

Sự thức tỉnh của lương tri dân tộc biểu thị qua các nhà văn, tại đại hội của Hội nhà văn vốn bao lâu đã trở thành chốn ngủ lịm của lương tri  ! Thật là một tín hiệu đáng mừng, lại càng đặc biệt đáng chú ý là xuất hiện không lâu sau khi“Vua tập thể ” đàn áp lực lượng đổi mới bằng biện pháp buộc nhà văn Nguyên Ngọc thôi giữ chức Tổng biên tập báo Văn Nghệ tờ báo đi đầu trong đổi mới, đồng thời khéo léo vô hiệu hoá Trưởng ban Trần Độ bằng thủ đoạn sáp nhập Ban Văn hoá Văn nghệ vào Ban Tuyên huấn trung ương.

Sự thức tỉnh của lương tri tại đại hội 4 đã đạt được một kết quả quan trọng : xác định Hội nhà văn Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp chứ không phải tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, đồng thời (lẳng lặng) bãi bỏ nguyên tắc “văn nghệ phục vụ chính trị”.

Nhưng từ sau đại hội 4, sự thức tỉnh của lương tri trong Hội nhà văn Việt Nam mạnh lên hay lịm dần đi ?

Đại hội 5 trở lại xác định Hội nhà văn Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và đến nay vẫn thế.Đáp lại các ý kiến đề nghị Hội trở lại là tổ chức xã hội nghề nghiệp như đại hội 4 đã xác định, chủ tịch Hội Hữu Thỉnh cho biết : phải khó khăn lắm ông mới xin cho Hội được là tổ chức chính trị vì tổ chức chính trị được cấp kinh phí cao hơn nhiều các tổ chức xã hội nghề nghiệp.Nhiều nhà văn hội viên gạo cội tỏ ra phấn hứng về việc đó và bảo nhau : Hữu Thỉnh xin tiền giỏi, nên ủng hộ Hữu Thỉnh làm khoá nữa.Quả nhiên, sau hai khoá 6 và 7, đến đại hội 8 (họp tháng 8.2010) Hữu Thỉnh tiếp tục ngồi ghế chủ tịch thêm khoá thứ ba.Mới đây, tại đại hội của Hội nhà văn Việt Nam khu vực miền Đông Nam Bộ và Đồng Bằng sông Cửu Long họp ở Mỹ Tho hôm 04.05.2015, khi phát biểu về chuẩn bị nhân sự lãnh đạo Hội cho khoá 9, chủ tịch Hữu Thỉnh nêu tấm gương bên Hội Văn Nghệ dân gian : giáo sư Tô Ngọc Thanh đã làm Tổng thư ký,  Chủ tịch 4 khoá nay ngoài 80 tuổi vẫn đang làm tốt chức trách chủ tịch khoá thứ năm và có thể làm tiếp khoá thứ sáu.Có vẻ Hữu Thỉnh đang chuẩn bị tâm lý cho các hội viên được bầu đi đại hội đại biểu toàn quốc sẵn sàng chấp nhận ông – một người được coi là giỏi xin tiền – làm chủ tịch khoá thứ tư.

Vậy đó, chính trị của Hội nhà văn Việt Nam hiện nay là như thế.

Chưa cần phải là những tinh hoa của dân tộc, chỉ với một lương tri bình thường, cũng đủ thấy rõ rằng nơi đây không còn chút gì của truyền thống VĂN HOÁ CỨU QUỐC – tổ chức tiền thân của Hội nhà văn Việt Nam, không còn chút gì của chính trị yêu nước vì dân, nơi đây không một ai dám khẳng định lập trường chính trị TỔ QUỐC TRÊN HẾT QUYỀN DÂN TRÊN HẾT nữa.

Với một lương tri bình thường cũng đủ thấy rõ rằng : cái tổ chức chính trị này - Hội nhà văn Việt Nam – mà “Vua tập thể ” lấy tiền thuế của dân để chăm nuôi hậu hĩnh là cốt dùng nó làm bệ đỡ cho chiếc ngai quyền lực của mình (hãy nhấp chuột một giây vào mạng mà ngắm cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh ngồi ngai rồng, ông này làm Tổng tới hai khoá đấy).Nhân dân coi đây là tổ chức nô bộc của“Vua tập thể ”, có oan không ?  Với một lương tri bình thường cũng đủ thấy rõ rằng : không oan !

Với một lương tri bình thường, tha thiết muốn bớt đi một gánh nặng chi phí lớn cho nhà nước (lấy từ tiền dân đóng thuế),  tại đại hội 8 (tháng 8 năm 2010) có 28 nhà văn đứng đầu là giáo sư Nguyễn Huệ Chi ( tiếp theo là các nhà văn Lại Nguyên Ân, Trần Nhương, Trần Thùy Mai, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Khắc Phê, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Bùi Minh Quốc, Ngô Minh, Đoàn Tử Huyến, Võ Văn Trực, Võ Thị Hảo, Trần Kỳ Trung, Dư Thị Hoàn, Trịnh Hoài Giang, Nguyễn Khắc Thạch, Nguyễn Đắc Xuân, Cao Duy Thảo, Trần Công Tấn, Nguyễn Võ Lệ Hà, Hoàng Tiến, Thanh Thảo, Nguyễn Quang Lập, Trần Ninh Hồ, Thái Thăng Long) đã cùng nhau ký kiến nghị yêu cầu đại hội quyết định dứt khoát rời bỏ cơ chế bao cấp, chuyển từ hội xin tiền nhà nước thành hội tự nuôi tự quản. Báo Văn Nghệ khăng khăng nhất định không chịu đưa thông tin cực kỳ quan trọng này mặc dù hai nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Bùi Minh Quốc nhiều lần gặp trực tiếp tổng biên tập Nguyễn Trí Huân yêu cầu đăng.

Chỉ với một lương tri bình thường, các đảng viên hội viên HNVVN Nguyễn Thị Ngọc Trai, vào Đảng năm 1963, nhà báo, nhà văn, nguyên Phó Tổng biên tập báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội, Tô Nhuận Vỹ, vào Đảng năm 1967, nhà văn, nguyên Bí thư Đảng Đoàn kiêm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế, Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên – Huế, TP. Huế., Nguyễn Đắc Xuân, vào Đảng năm 1973, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên Trưởng Đại diện báo Lao Động tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, TP. Huế., Ngô Minh, vào Đảng năm 1975, nhà báo, nhà văn, TP. Huế., Trần Đình Sử, vào Đảng năm 1986, Giáo sư Tiến sĩ Ngữ văn, Hà Nội đã tham gia ký thư ngỏ của 61 đảng viên phản đối đường lối cách mạng XHCN, khẳng định lập trường cách mạng dân tộc dân chủ của mình.

Chỉ với một lương tri bình thường, giờ đây các hội viên HNVVN hẳn phải thấy rõ rằng “Vua tập thể ”đang lôi cả cái đảng cầm quyền này cùng các tổ chức nô bộc của nó vào một cuộc tự sát về chính trị và văn hoá.

Chỉ với một lương tri bình thường, giờ đây các hội viên HNVVN hẳn phải thấy rõ rằng mình đang lâm vào cảnh nếu giữ tư cách hội viên thì mất tư cách của người cầm bút có lương tri.

Đã đến lúc các hội viên HNVVN phải dứt khoát chọn chỗ đứng của lương tri hay chỗ ngồi của trí ngủ (thực ra phần lớn là giả vờ ngủ) !

 
Đà Lạt 07.06.2015
BMQ

Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire