Trang

07/08/2015

Tượng Chủ tịch HCM ở nước ngoài


Một trong những lí do để xây dựng tượng đài HCM ở một địa phương nào đó là vì kỉ niệm. Đọc báo thấy có người nói như mếu máo là “Bác Hồ đã từng về đây, vậy mà cho đến nay tỉnh vẫn chưa có tượng đài của bác.” Do đó, chúng ta hay thấy những tên tượng đài kiểu như “Bác Hồ với XYZ”, trong đó XYZ là một sự kiện hay biến cố nào đó liên quan đến ông. Nhưng một lí do “lợi hại” khác là họ cho rằng khắp nơi trên thế giới chỗ nào cũng dựng tượng ông. Nước ngoài mà còn như thế thì chẳng lẽ VN, quê hương của ông, mà lại kém sao. Nhưng trong quá trình tìm hiểu sự thật thì tôi ghé qua trang fb của Hoàng Ngọc Diêu, và mới biết là việc dựng tượng HCM ở nước ngoài không hẳn là xuất phát từ lòng tôn kính đối với ông cụ.



Chẳng hạn như ở Nga, người ta có dựng một bức tượng HCM theo hình dạng cái đĩa bay (1). Tượng được khánh thành vào năm 1990, với cái giá 1.06 triệu Rúp (thời giá 1976). Có người viết trên báo Nga phản đối việc chi nhiều tiền cho bức tượng, vì họ cho rằng với số tiền đó thì Nga có thể xây được một chung cư. Vài người khác thì cho rằng xây dựng tượng ở đó làm ... tàn phá môi trường. Ngay cả chính quyền Moscow cũng không mặn mà với bức tượng, vì vào thập niên 1990 (tức sau khi xây tượng) họ muốn dẹp bức tượng, nhưng chẳng hiểu sao họ quyết định giữ cho đến nay.

Còn ở Pháp, một bản tin trên báo "chính thống" cho biết "ngày 19/5/2005, chính quyền thành phố Montreuil đã dựng tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 'Không gian Hồ Chí Minh' tại Bảo tàng Lịch sử của thành phố" (2). Nghe thì rất trang trọng, nhưng trong thực tế không hẳn như thế. Hoá ra, đây là bức tượng Chính phủ VN tặng cho thành phố Montreuil vào năm 2005 để đánh dấu lần 115 nhân ngày sinh của ông, chứ thành phố không có tự nguyện dựng tượng Chủ tịch HCM. Điều thú vị khác là 85% tên đường ở Montreuil mang tên những người cộng sản (3). Thế thì đã rõ, bức tượng đó là sản phẩm của VN tặng cho một thành phố có nói trắng ra là thần tượng các nhân vật cộng sản.

Chile. Năm ngoái, báo chí VN cho biết bên Chile khánh thành tượng đài Chủ tịch HCM ở quận Cerro Navia ở thủ đô Santiago, như là một sự "tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh". Theo đài VOV thì buổi khánh thành có mặt bà Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Nhưng trong thực tế thì cũng khác với những gì báo chí VN đưa tin. Báo chí Chile viết rất rõ rằng quận Cerro Navia không có dựng tượng HCM, mà là “Bức tượng bán thân của nhà lãnh đạo cách mạng do Đại sứ quán Việt Nam tặng” (4). Điều đáng nói là cái quận Cerro Navia lại là một trong những quận nghèo nhất với nhiều "ổ chuột" của thủ đô. Tôi nghĩ viết rằng Chile "tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh" là một sự bôi bác ở đây.

Singapore. Báo Tiền Phong số ra ngày 4/11/2014 "Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước đã dự lễ khánh thành tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Văn minh Châu Á - một biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước." Còn đài VOV thì viết "Ủy ban Di sản Quốc gia Singapore đã đặt tấm bia tưởng niệm Người trong khuôn viên bảo tàng." Nhưng sự thật thì cũng không phải như thế. Bên Singapore người ta có chương trình "Friends to our shore" mà theo đó, họ cho phép người nước ngoài tiến cử một nhân vật nào đó được kính trọng ở quê hương họ và đã từng đến Singapore. Ngày 20/5/2008, ông Phạm Gia Khiêm (lúc đó là phó thủ tướng) tiến cử HCM cho chương trình. Thế là phía VN đặt điêu khắc gia Trần Văn Lắm làm một bức tượng, và đem sang cho Ủy ban Di sản Quốc gia Singapore. Thế đó. Không có chuyện phía Singapore đặt bia để tưởng niệm Chủ tịch HCM (5).

Nói tóm lại, qua 4 câu chuyện trên, dễ dàng thấy rằng việc dựng tượng Chủ tịch HCM ở nước ngoài là kết quả của những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam. Cụ thể là Chính phủ Việt Nam đem những bức tượng đi tặng cho một địa phương hay cơ quan nào đó ở nước ngoài. Không có chuyện Chile, Pháp, hay Singapore vinh danh ông cụ. Riêng việc dựng tượng HCM ở Nga thì không rõ là phía nào chủ động. Điều thứ hai là các bức tượng đó được đặt ở những chỗ khá "khiêm tốn", nghèo nàn, có khi chỉ là trong vườn quanh chung cư, chứ không phải là ở những địa điểm trang trọng và nổi tiếng.

Tôi không hiểu sao các đài radio và báo chí Nhà nước không đưa tin trung thực mà lại dùng những từ hoa mĩ rất dễ gây hiểu lầm cho người đọc trong nước không có cơ hội và điều kiện để kiểm chứng. Chẳng hạn như trong bản tin "Chiêm ngưỡng tượng đài Bác Hồ trên khắp hành tinh", vtc viết rằng "Nhiều nước trên thế giới đã dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh để bày tỏ sự trân trọng đối với một vĩ nhân của lịch sử thế giới thế kỷ 20" (6). Ngay cả chữ 'hành tinh' đã là quá đà, nhưng đến 'bày tỏ trân trọng' thì không đúng với sự thật chút nào.

Nhưng những cách đưa thông tin như thế gieo một niềm tự hào dỏm, giả tạo, cho người dân. Cách đưa tin như thế làm cho người Việt Nam nghĩ rằng chủ tịch HCM là một vĩ nhân của thế giới, được khắp nơi ngưỡng phục và dựng tượng. Nhưng trong thực tế thì không hẳn như thế. Có vài nơi ghi nhận ông là một nhà cách mạng, một người khai sinh ra Việt Nam hiện đại; nhưng có nhiều nơi khác thì chứng minh rằng ông đã phạm nhiều sai lầm và họ còn xếp ông trong danh sách những người xấu (mà tôi không muốn nói ở đây, nhưng các bạn có thể tự tìm hiểu). Điều cực kì ngạc nhiên với tôi là ngay cả một số người xem ra "có học" mà cũng bị lừa gạt như thế (hay là họ chỉ muốn tin những gì họ muốn tin?)

Một trong những "huyền thoại" mà báo chí (và quan chức) trong nước hay nhắc đến là Liên hiệp quốc vinh danh Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, và Nguyễn Du. Có lần về Hội An dự hội nghị, tôi lang thang ở khu phố cổ và thấy 2-3 biểu ngữ nền đỏ chữ vàng rất lớn đề rằng UNESCO vinh danh Chủ tịch HCM là một danh nhân văn hoá thế giới. Tôi chỉ biết thở dài lầm bầm "Nói vậy mà nói được"!

Trong thực tế, trên giấy trắng mực đen, UNESCO chưa bao giờ vinh danh Chủ tịch HCM. Trong danh sách 55 danh nhân và sự kiện được vinh danh (7) không có ai tên là HCM cả. Nhưng danh sách này có Khổng Tử, Albert Einstein, Mahatma Gandhi, Jawaharlal Nehru, v.v. Tương tự, chưa có bất cứ một chứng từ nào cho thấy UNESCO vinh danh Nguyễn Trãi và Nguyễn Du.

Xưa kia, thuở còn ở trong nước và có dịp đọc báo VN tôi cảm thấy mình rất tự hào. Tự hào vì sự tài giỏi của người Việt thành công vang dội khắp thế giới trong mọi lĩnh vực từ khoa học đến văn hoá. Tự hào vì có những chính khách được cả thế giới vinh danh và ngưỡng phục. Tự hào vì có người tận đâu đâu muốn làm người Việt Nam. Vân vân. Nhưng đến khi ra nước ngoài, có dịp tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin khác nhau, thì tất cả những niềm tự hào thuở xưa của tôi biến mất rất nhanh. Sau này, nhờ internet, càng có dịp kiểm chứng sự thật, tôi mới biết là mình đã bị lừa gạt. Hi vọng rằng các bạn không bao giờ bị lừa gạt như thế hệ chúng tôi trước đây.

====

(1) https://www.facebook.com/notes/849006915121617

(2) http://citinews.net/…/chiem-nguong-tuong-dai-bac-ho-tren-k…/

[3] http://tempsreel.nouvelobs.com/…/20…/montreuil-memories.html

(4) https://www.facebook.com/notes/ho%C3%A0ng-ng%E1%BB%8Dc-tu%E1%BA%A5n/s%E1%BB%B1-th%E1%BA%ADt-sau-nh%E1%BB%AFng-b%E1%BB%A9c-t%C6%B0%E1%BB%A3ng-ph%E1%BA%A7n-3/10152868102353674

(5) https://www.facebook.com/notes/ho%C3%A0ng-ng%E1%BB%8Dc-di%C3%AAu/s%E1%BB%B1-th%E1%BA%ADt-sau-nh%E1%BB%AFng-b%E1%BB%A9c-t%C6%B0%E1%BB%A3ng-ph%E1%BA%A7n-4/850170145005294

(6) http://vtc.vn/chiem-nguong-tuong-dai-bac-ho-tren-khap-hanh-…

(7) http://portal.unesco.org/…/ev.php-URL_ID=26018&URL_DO=DO_TO…




Sự thật sau những bức tượng

 

Hôm trước có một bạn trẻ gởi cho mình một cái link có tiêu đề "Chiêm ngưỡng tượng đài Bác Hồ trên khắp hành tinh" [1] và hỏi mình xem những thông tin ấy có thật không? Đây không phải là lần đầu tiên mình nhận được những câu hỏi như vậy và lần nào mình cũng trả lời: "thật hay không thì phải tìm hiểu và chuyện này khá mất thời gian". Mình gác lại chuyện này một bên nhưng rồi lại nhận được những câu hỏi tương tự. Bởi vậy, mình quyết định dành ít thời gian tìm hiểu dần.


Hãy thử tìm hiểu bức hình thứ nhất, ở Moscow, Russia. Một nơi đã từng là thành trì vĩ đại của khối cộng sản.




- Trước tiên, mình nhờ anh Gúc (Google) và sử dụng tiện ích Google Street View của anh ấy để xem thử cái "nơi giao nhau giữa phố Dmitri Ulianov (anh trai nhà cách mạng V. I. Lenin) và phố "Sáu mươi năm Cách mạng Tháng Mười" là ở đâu. Lại dùng anh Gúc và sử dụng tiện ích Translator và hình thành cụm "Россия, город Москва, площадь Хо Ши Мина" [2] để tìm trong Google Street View thì thấy, theo Google lần cuối cùng anh Gúc lưu bức hình này là năm 2012. Tượng đài ấy vẫn còn ở đấy, thấp thoáng sau lùm cây và ngay phía trước là một bích chương về "hữu nghị dầu khí Liên Xô - Việt Nam".


Россия, город Москва, площадь Хо Ши МинаРоссия, город Москва, площадь Хо Ши Мина

Hữu nghị dầu khí LX - VNHữu nghị dầu khí LX - VN

- Tìm hiểu thêm nguồn gốc tượng đài này theo những thông tin tiếng Nga (hầu như không có thông tin tiếng Anh hay tiếng Pháp về tượng đài này) thì thấy tượng đài này được xây dựng trong những năm 80' của thế kỷ trước và chính thức mở vào năm 1990. Tuy nhiên, trước khi xây dựng dân và sinh viên địa phương đã biểu tình phản đối vì theo họ, với chi phí của tượng đài là 1,060,090 rúp (thời 1976) thay vì dựng tượng đài của Hồ Chí Minh, mảnh đất ấy có thể xây dựng được một chung cư với 150 căn hộ [3]. 

- Sinh viên Nga ở Moscow thời đó còn lên tiếng phản đối vì dựng đài Hồ Chí Minh nơi đó sẽ tàn phá môi trường [4].

- Dân địa phương gọi tượng đài này là "đĩa bay" (UFO) hoặc tệ hơn nữa, họ chế giễu đó là biểu tượng "300 năm bị Mông Cổ thống trị"(скорее всего памятник 300-летнему татаро-монгольскому иго.) (đã dẫn ở [4]).

- Dưới tượng đài là câu: "На бронзовом основании высечена надпись «Нет ничего дороже независимости и свободы. Хо Ши Мин»", dịch ra là "Không có gì hơn độc lập tự do". (chớ chẳng phải không có gì "quý hơn").

- Trên trang onfoot.ru, một trang danh bạ chỉ dẫn lối đi rất lớn và phổ biến ở Nga, có thông tin:

 "В 1990-х гг. московские власти хотели снести монумент, но с вьетнамской стороны было принято решение, в таком случае перенести памятник на территорию вьетнамского посольства." [5]

Đại khái, thông tin này nói:

"Trong thập niên 90, chính quyền Mạc Tư Khoa muốn dẹp bỏ tượng đài này nhưng phía Việt Nam muốn rằng nếu có dẹp bỏ thì để cho họ mang về khu vực tổng lãnh sự của họ".

- Điều lý thú là dân "москвичи" (dân Mạc Tư Khoa) không biết mấy về tượng đài ấy nhưng nếu nhắc đến "tượng đài 300 năm Mông Cổ thống trị" thì họ biết [6].


Bình luận:


1) Rõ ràng chuyện đặt tượng đài Hồ Chí Minh ở Moscow là chuyện giữa hai chính quyền Việt Nam và Liên Xô thời đó vì dân địa phương đã biểu tình chống chuyện này chớ chẳng phải do họ "yêu mến Hồ Chí Minh" và "mong muốn làm như thế."

2) Sau khi tượng đài được dựng lên, dân địa phương cũng chẳng hề tôn trọng, ngược lại họ chế giễu đó là "đĩa bay" và tệ hại hơn nữa, chính vì hình ảnh một người dân Việt Nam quỳ trước cái "đĩa bay" ấy mà họ chế nhạo rằng đó là biểu tượng của "300 năm bị Mông Cổ thống trị". Đây là cách nhìn khinh thường. Đó là chưa kể biểu tượng "đĩa bay" ám chỉ cho một thứ "bên ngoài", một thứ lạ lẫm và không được tiếp nhận.

3) Chính quyền Mạc Tư Khoa đã từng muốn dẹp bỏ tượng đài này nhưng vì lý do "không có lợi cho hợp tác Nga - Việt" cho nên họ tạm dừng lại. Quan trọng nhất là họ chẳng tôn trọng tượng đài này cho nên muốn dẹp bỏ và chưa dẹp là vì chuyện làm ăn chớ chẳng phải vì tôn trọng Hồ Chí Minh. 

4) Trước tượng đài Hồ Chí Minh này, họ đặt ngay một bích chương nói về "hữu nghị dầu khí Việt - Xô". Hoá ra giữa Việt và Xô chỉ có thứ hữu nghị "dầu khí", còn chuyện tượng đài chỉ là chuyện chính trị giữa hai phía trong khi nhân dân Mạc Tư Khoa chẳng mấy quan tâm mà có biết về tượng đài ấy thì phần lớn là giễu cợt.

Thử hỏi, một tượng đài như vậy ở ngay trong lòng một đất nước đã từng là thành trì cộng sản của thế giới mà bị xem như vậy thì cái gọi là "chiêm ngưỡng  tượng đài Bác Hồ trên khắp hành tinh" (bằng tiếng Việt) nhằm mục đích gì?


Chú thích:


[1] Đây là một trong nhiều link tương tự: http://citinews.net/xa-hoi/chiem-nguong-tuong-dai-bac-ho-tren-khap-hanh-tinh-EAF4QTQ/

[2] "Россия, город Москва, площадь Хо Ши Мина": "Nga, Mạc Tư Khoa, khu vực Hồ Chí Minh"

[3] http://tonkosti.ru/%D0%9F%D0%B0%D0%BC%D1%8F%D1%82%D0%BD%D0%B8%D0%BA_%D0%A5%D0%BE_%D0%A8%D0%B8_%D0%9C%D0%B8%D0%BD%D1%83_%D0%B2_%D0%9C%D0%BE%D1%81%D0%BA%D0%B2%D0%B5

[4] http://artemspec.livejournal.com/291116.html

[5] http://onfoot.ru/sights/monuments/268.html

[6] http://bg.ru/blogs/posts/6284/


Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire