Trang

29/09/2015

'Không thể giới thiệu một ông bí thư tỉnh uỷ là giáo sư'


Ủng hộ việc trường ĐH được bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo Trần Hữu Tá cho rằng nếu Trường ĐH Tôn Đức Thắng hội đủ các điều kiện nên để trường làm.

 
 PGS Trần Hữu Tá: "Chủ trương của ĐH Tôn Đức Thắng được ủng hộ, chuẩn thuận, phản đối, phản đối vĩnh viễn phải chờ thời gian. Nhưng việc làm của họ đã gieo tiếng vang chấn động vì đây là bước đột phá"


Ông có suy nghĩ gì về quyết định tự bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư của Trường ĐH Tôn Đức Thắng?

- Việc bổ nhiệm giáo sư nội bộ nhà trường là chuyện cũ người mới ta. Ở phương Tây, việc này được thực hiện từ lâu. Nếu để ý trên namecard các trí thức nước ngoài liên hệ với ta sẽ thấy họ giới thiệu là giáo sư của trường nào. Căn cứ vào tên trường để biết người đó giá trị đến đâu. Phương Tây làm như vậy vì có lý lẽ riêng. Khi giảng dạy người đó là GS, PGS, hết giảng dạy họ còn lại học vị tiến sĩ, thạc sĩ. Tên gọi giáo sư chỉ mang tính thời vụ.

Ở Việt Nam chưa có tiền lệ nên vấn đề trở nên quá mới và thành dư luận phân cực. Chức danh GS,PGS được nhà nước phong hẳn hoi. Nhiều người không làm công tác giảng dạy vẫn là giáo sư, phó giáo sư nên có chuyện giáo sư bộ trưởng, giáo sư thứ trưởng, giáo sư vụ trưởng.. rất buồn cười!

Chuyện ĐH Tôn Đức Thắng làm có cơ sở, suy nghĩ và thực hiện. Đây là một trong những nội dung của quyền tự chủ đại học. Tất nhiên, việc tự chủ phải đứng dưới dự giám sát của nhà nước. Nhưng trường phải tính toán, cân nhắc đã đủ điều kiện để tự bổ nhiệm chưa. Việc quan trọng nhất, hội đồng giáo sư trường mạnh hay yếu, có bao nhiêu người thực sự có trình độ cao, có học vị, học hàm đàng hoàng.

Nếu trường có đủ điều kiện nên để cho họ làm. Nếu chưa đủ điều kiện nên khuyên họ xây dựng đội ngũ vững vàng, chờ thời gian, không nóng vội. Đây là chuyện không nên cấm.

Về hội đồng chức danh giáo sư nhà nước vẫn tồn tại. Có những giáo sư do nhà nước phong và có những giáo sư trong phạm vi trường bổ nhiệm. Lúc này đề nghị chức danh do nhà nước phong để tên gọi giáo sư. Chức danh do trường bổ nhiệm phải ghi rõ tên trường.

Theo ông một trường ĐH tự quyết định bổ nhiệm chức giáo sư có tác động như thế nào hệ thống giáo dục đại học và những cá nhân được hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công nhận?

- Nếu một trường đại học làm việc này sẽ động mạnh đến toàn bộ hệ thống đại học công lập. Ý kiến có thể phân cực. Những trường “đại gia” lâu nay sẽ mỉm cười, thậm chí chế diễu. Những trường bình thường, trường đàn em cảm thấy đây là sự động viên.

Đối với những cá nhân được nhà nước phong, ai thiển cận sẽ chế diễu, chê bai. Nhưng cá nhân bình tĩnh, chín chắn thấy đây là một nhân tố mới. Một biểu hiện tốt nếu chỉ đạo chặt chẽ, hướng dẫn đến nơi đến chốn. Người được phong trong phạm vi trường cũng thể hiện vinh dự được hưởng nếu thật sự xứng đáng. Càng có điều kiện để hội nhập quốc tế.

Căn cứ vào sự phân loại của dư luận trong 400 trường ĐH, CĐ ở nước ta số vững vàng tự chủ, tự lập về mặt chuyên môn chỉ được 1/3. Điều đó có nghĩa 66% số trường rơi vào tình trạng yếu. Trước đây có tình trạng “cơm chấm cơm”- tốt nghiệp đại học dạy đại học. Nay vẫn lặp lại tình trạng này. Chúng ta không quá coi trọng học vị nhưng học vị là một chuẩn để phân biệt người đó đang ở đâu, như thế nào không loại trừ có thạc sĩ giấy, tiến sĩ dởm. Nhưng không vì hiện tượng này để phủ nhận những học vị kia.

Tôi xin nhắc lại trường muốn làm phải có điều kiện. Không thể các trường ồ ạt cùng làm dẫn đến tình trạng giáo sãi quá nhiều, giáo sư quá ít.

Rất nhiều ý kiến e ngại danh hiệu giáo sư do ĐH Tôn Đức Thắng công nhận sẽ đánh đồng với danh hiệu do nhà nước công nhận. Bản thân ông thế nào?

- Tôi không có gì để e ngại điều này. Gọi giáo sư, phó giáo sư tức là ông thầy dạy học. Một chuyên gia nông nghiệp trên truyền hình có thể gọi giáo sư vì họ làm ở viện nghiên cứu, nhưng không thể giới thiệu một ông bí thư tỉnh uỷ là giáo sư…

Tên gọi phải đi với đặc thù nghề nghiệp, dạy học, nghiên cứu hay làm công tác quản lý hành chính. Nếu làm công tác quản lý hành chính nên gọi học vị không dùng chức vụ khoa học và trân trọng danh hiệu của họ.

Quyết định của ĐH Tôn Đức Thắng bị hội đồng chức danh giáo sư nhà nước và nhiều nhà khoa học phản đối. Theo ông quyết định của trường này có thuận lợi?

- Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước phản đối quyết liệt trước việc làm của trường Tôn Đức Thắng. Trong giới khoa học nhiều người tán thành, nhiều người phản đối và thứ ba là tán thành nhưng có điều kiện. Tôi thuộc người thứ ba. Tôi nghĩ, vấn đề này Bộ GD-ĐT không giải quyết được mà phải chờ ý kiến những người cấp cao hơn từng có thời gian làm công tác giáo dục.

Chủ trương của ĐH Tôn Đức Thắng được ủng hộ, chuẩn thuận, phản đối, phản đối vĩnh viễn phải chờ thời gian. Nhưng việc làm của họ đã gieo tiếng vang chấn động vì đây là bước đột phá. Bước đột phá này có thể hấp tấp, vội vàng nhưng là bước đột phá cần thiết.

Tất nhiên, trường đột phá, mở đầu luôn phải hứng chịu những điều chê trách, phản bác những cũng là đối tượng nhận được những lời khích lệ, khen ngợi. Việc làm này công luận sẽ xem xét. Nếu không đột phá sẽ không mở hướng cho giáo dục phát triển.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng trường được quyền bổ nhiệm giáo sư vì được quyền tự chủ, làm những gì pháp luật không cấm. Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cho rằng khi pháp luật chưa cho phép là phạm luật, ông nghĩ sao?

Nhà giáo Trần Hữu Tá năm nay 78 tuổi. Trước khi nghỉ hưu, nhà giáo Trần Hữu Tá công tác tại Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Nhà giáo học vị tiến sĩ, chức danh phó giáo sư.

- Theo tôi, chỗ này rơi vào khoảng tù mù, không rành mạch. Vì nội dung, khái niệm tự chủ đại học được quy định chưa rành mạch. Quy định không rành mạnh có được làm hay không nên bên nào cũng có lý.

ĐH Tôn Đức Thắng nói có lý, hội đồng chức danh giáo sư nhà nước nói cũng có lý. Điều này cũng như “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”. Vì vậy phải có sự can thiệp của cấp cao hơn, phải có văn bản chỉ đạo rành mạch đồng ý hay không đồng. Vì sao? không đồng ý vĩnh viễn hay không đồng ý tạm thời.

Theo ông uy tín, vai trò của hội đồng chức danh giáo sư nhà nước như thế nào nếu trường đại học được quyền tự công nhận chức danh giáo sư?

- Tôi cho rằng uy tín của hội đồng chức danh giáo sư nhà nước không giảm gì. Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước vẫn làm việc của ho. Các trường được phép làm việc của trường. Cũng như bên cạnh hệ thống siêu thị, đại siêu thị có những cửa hàng tiện ích, siêu thị mini. Nếu bây giờ mới mẻ phân tâm, phân cực sau này sẽ diễn ra bình thường phổ biến.

Chỉ sợ việc này “té nước theo mưa”, chúng ta sẽ được một mùa bội thu nhưng cũng là mùa thóc lép. Việc xem xét, bổ nhiệm chính xác rất có ích, nhưng nếu làm để có danh, có vai vế khoa học giống như con dao hai lưỡi. Đã có rất nhiều tiến sĩ, sẽ có rất nhiều giáo sư, danh không xứng với thực. Tình trạng hữu danh vô thực rất nguy.

Nhiều ý kiến sẵn sàng ủng hộ trường đại học được quyền công nhận, bổ nhiệm giáo sư nhưng e ngại ĐH Tôn Đức Thắng. Ý ông ra sao?

- Chúng ta rất cần những hoạt động đột phá, tiên phong mở đường nhưng các đơn vị muốn đột phá phải xem lại mình. Điều kiện cơ bản không phải thời gian xây dựng nhiều hay ít mà lực lượng như thế nào. Có thể một trường mới 5 năm đã xây dựng đủ, nhưng một trường có lịch sử 20-30 năm vẫn sống vất vưởng như người thiếu máu.

Có ý kiến cho rằng trong trường đại học, đội ngũ giảng viên là bộ khung dựng. Trong đội ngũ giảng viên có các giáo sư đóng vai trò chủ chốt Theo ông vai trò của hai đội ngũ này như thế nào?

- Một trường đại học được tín nhiệm của xã hội căn cứ vào kết quả đào tạo. Kết quả đào tạo phụ thuộc vào tổ chức trường, thực lực đội ngũ giảng dạy… Có những trường có nhiều giáo sư nhưng không ra sao. Ngược lại những trường chưa có giáo sư nhưng có đội ngũ tiến sĩ, thạc sĩ tốt vẫn có kết quả cao. Việc giáo sư do trường bổ nhiệm là điều kiện cần nhưng chưa đủ, cũng không phải điều kiện quyết định.

Có giai đoạn, chúng ta có những cá nhân không phải cử nhân, càng không phải thạc sĩ, tiến sĩ nhưng được thế giới cực kì nể trọng như giáo sư Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Nghiêm Toản, Giản Chi… Bên cạnh đó số cá nhân ra nước ngoài học có trình độ cao như GS Phạm Huy Thông, Nguyễn Mạnh Tường… Hai nguồn này một tự học và một được đào tạo thực chất, bằng cấp đáng giá, đáng tin cậy hoà hợp với nhau tạo nên thế hệ vàng trong trí thức Việt Nam.

Tôi nhấn mạnh trình độ chuyên môn quyết định tất cả. Xã hội và đặc biệt những nhà khoa học sẽ phân biệt được đâu là hạt châu - mắt cá; vàng giả- vàng thật.

Cảm ơn ông đã trao đổi

Lê Huyền (thực hiện)

Nguồn: Theo Vitnamnet


Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire