Trang

07/09/2015

“MANG CHỨNG BỆNH NGOÀI DA VÀO BÊN TRONG NỘI TẠNG”

                                          Mênh mông thế sự 10


Tương Lai

Đây chính là nỗi đau văn hoá gợi lên trong “mênh mông thế sự 9” tuần rồi. Mà bàn đến văn hoá thì thật mênh mông! Đâu phải chỉ bây giờ mới bàn.

Để tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, đã có “Đề cương Văn hoá Việt Nam” do Trường Chinh khởi thảo nhằm biểu tỏ quyết tâm “không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa…Văn hóa mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung”.
 
 


Bảy ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong buổi tiếp các nhân sĩ trí thức tại Bắc bộ phủ, Hồ Chí Minh đã khẳng định “Dân tộc chúng ta đã bước sang một giai đoạn mới tất nhiên phải có một chính thể mới và một văn hoá mới”.

Rõ ràng là trong ý thức của những người lãnh đạo cuộc cách mạng Tháng Tám 1945, văn hoá đã chiếm lĩnh một vị trí xứng tầm. Chẳng những thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn xác định rằng Chúng mình là cái men thôi, gây nên được rượu là nhờ vào cơm nếp, phải có đông đảo quần chúng tham gia mới thành cách mạng”. Đấy là lời của Vũ Đình Huỳnh thuật lại trong “Hồi Ký”, ông còn viết rõ “Ông Cụ coi nhân sĩ, trí thức là thứ men tốt, cần phải kéo họ về mình”. Vì thế, “việc đầu tiên của Ông Cụ sau khi đặt chân lên đất Hà Nội là nhanh chóng xây dựng bộ máy chính quyền cách mạng trung ương gồm những người có danh tiếng, đại diện cho tinh hoa đất nước”. Thế nhưng, từ ý thức chuyển thành đường lối, chiến lược và sách lược lại là cả đại vấn đề!

Và rồi, xác định cho rõ thế nào là, và những ai là “tinh hoa đất nước” còn khó hơn nữa, có khi đây lại chính là “vấn đề của vần đề” gắn liền với vận mệnh của dân tộc, với con đường đi tới của đất nước. Mà cũng chẳng riêng gì của một dân tộc, một quốc gia. Bộ phận tinh hoa luôn là nơi phát ra “ánh sáng tỉnh thức”* để từ đó khơi dậy trí tuệ và sức mạnh của cả một thời đại, khởi đầu cho bước đột phá của nền văn minh. Nhưng rồi, sự trớ trêu của lịch sử luôn đưa tới những bất ngờ không sao tính hết được trên hành trình con người đi tìm con đường tự giải phóng cho chính mình, đi tìm những chân trời mới. Vậy đã ai tìm thấy chân trời mới ấy khi càng đi tới thì nó càng xa ra mãi?

Cũng chính sự trớ trêu đó đã khiến cho cỗ xe cách mạng Việt Nam luôn được đẩy tới trong tình thế “vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh” mà đã có phen chiềng hẳn bên miệng vực ngay cả vào lúc tưởng như đang ngon trớn. Rồi với thời gian trôi chảy, ngoái nhìn lại lịch sử mới ngộ ra được nhiều điều để rồi tự vấn “giá mà”… Thế nhưng lịch sử làm gì có chuyện giá mà! Không thể chỉnh sửa được lịch sử, song phải nghiêm cẩn suy nghĩ về những ý tưởng hàm chứa trong dòng ánh sáng tỉnh thức đó, rồi bằng những trải nghiệm của thời gian mà người ta nhận ra dấu ấn thiên tài. Sự cảnh báo của Maxim Gorki là một ví dụ.

Từng được xem là “con chim báo bão” của cách mạng vớiniềm khát khao bão táp, mãnh lực của phẫn nộ, lửa sáng của say mê, và niềm tin vào chiến thắng…”, đã được tụng ca là cha đẻ của “chủ nghĩa hiện thực XHCN” chi phối toàn bộ đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam một thời, nhưng rồi chính nhà văn lớn ấy cũng đã nói lên tiếng nói của sự thật, tiếng nói của lương tri mà M Gorki tự nhận là “những ý tưởng không hợp thời”:

Cách mạng đã đánh đổ nền quân chủ, điều đó đúng! Nhưng điều đó có lẽ cũng có nghĩa rằng cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong bên trong nội tạng. Người ta không được phép tin rằng cách mạng đã chữa trị và làm phong phú cho nước Nga về mặt tinh thần. Một câu tục ngữ cổ nhưng không phải dở nói rằng“Căn bệnh đến bằng một lạng, nhưng nó đi bằng cả một cục chì”. Quá trình mở mang trí thức của đất nước diễn ra vô cùng chậm chạp; nhưng chính vì thế lại càng cần thiết hơn bao giờ hết cho chúng ta, và cuộc cách mạng bây giờ, thông qua những lực lượng lãnh đạo của nó, nhất định phải tự nhận lãnh trách nhiệm lập ra những tổ chức và định chế lo cho việc phát triển các lực lượng trí thức của đất nước một cách kiên trì và tức khắc”. Vì lẽ gì?

Vì, “chúng ta sống trong một cơn bão của các xúc cảm chính trị, trong sự hỗn độn của một cuộc chiến đấu giành quyền lực; cuộc chiến đấu này đánh thức bên cạnh các tình cảm tốt đẹp còn cả những bản năng đen tối. Điều đó là tự nhiên, nhưng lại đe dọa bẻ cong đi tính cách của chúng ta, và làm cho nó phát triển một cách giả tạo theo một hướng nhất định.

Chính trị là miếng đất trên đó các loại cây gai của sự thù địch độc hại, các nghi kỵ xấu xa, các sự lừa dối trơ trẽn, vu khống, các thói háo danh bệnh hoạn và sự khinh thường nhân cách phát triển nhanh chóng và um tùm. Nếu đếm hết những cái xấu chứa trong con người – thì tất cả những thứ đó đều phát triển đặc biệt rất nhanh trên miếng đất của cuộc đấu tranh chính trị…Cuộc cách mạng của chúng ta đã làm cho tất cả bản năng tồi tệ và dã man có dịp phát triển tự do, những bản năng đã tích tụ dưới áp lực nặng nề của nền quân chủ; đồng thời nó đã vứt bỏ sang một bên không thương tiếc tất cả lực lượng trí thức của nền dân chủ, tất cả năng lượng đạo đức của đất nước”. Ấy vậy mà, “Tổ quốc sẽ ít bị đe dọa hơn, nếu có nhiều văn hóa hơn”như M.Gorki đã nghiêm khắc cảnh báo.

Cứ ngỡ như văn hào Nga đang nói về cuộc cách mạng của chúng ta. Một cuộc cách mạng được khơi mào bằng sự tỉnh thức văn hoá, nhưng rồi dần dần bị đắm đuối và ngày càng bị dìm sâu vào luận điểm “chính trị là thống soái” của chủ nghĩa Mao để rồi “vứt bỏ sang một bên không thương tiếc tất cả lực lượng trí thức của nền dân chủ, tất cả năng lượng đạo đức của đất nước”. Sẽ là quá dài nếu liệt kê ra đây quá trình “mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong bên trong nội tạng” bởi sự thao túng của luận điểm cực “tả” Mao ít.

Bởi lẽ, đâu chỉ sau này, mà ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, tuân theo chỉ dẫn của Staline, tại Hội nghị Trung ương tháng 10.1930, Trần Phú đã nghiêm khắc phê phán Nguyễn Ái Quốc “chỉ lo đến việc phản đế mà quên mất lợi ích giai cấp đấu tranh, ấy là một sự rất nguy hiểm”. Sau Hội nghị Trung ương 10.1930 ấy, trong thư gửi Quốc tế Cộng sản ngày 17.04.1931, Trần Phú còn phê phán nội dung Hội nghị hợp nhất “mang nặng dấu ấn các tổ chức cách mạng cũ, các vấn đề cơ bản đều mâu thuẫn với đường lối Quốc tế cộng sản [Văn kiện Đảng, tập II, tr.110-112]. Thậm chí trong bài viết như điếu văn khi tưởng rằng Nguyễn Ái Quốc đã mất ở Hồng Kông, Hà Huy Tập vẫn gay gắt lên án: “Công lao mà ông đã đóng góp cho Đảng chúng ta thật là lớn. Song các đồng chí chúng ta trong lúc này không được quên những tàn dư dân tộc chủ nghĩa của Nguyễn Ái Quốc, các chỉ thị sai lầm của ông về những vấn đề cơ bản của phong trào cách mạng khuyến dụ một sách lược cải lương và hợp tác sai lầm: trung lập hóa tư sản và phú nông, liên minh với trung và tiểu địa chủ”. [Văn kiện Đảng, tập V, tr.204]. Xem ra khẩu hiệu “trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ” ra đời trong “Xô viết Nghệ Tĩnh” đã có gốc gác từ “Nghị quyết thủ tiêu Chính cương, Sách lược và Điều lệ cũ của Đảng”[do Nguyễn Ái Quốc chủ trương và đã được nhất trí tán thành tại Hội nghị hợp nhất 3.2.1930].

Hãy chỉ gợi lên hai sự kiện. Một là những sai lầm của “cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức” với sự dẫn dắt của các cố vấn Trung Quốc đã tàn phá dữ dội truyền thống văn hoá được lưu giữ và nuôi dưỡng trong nền văn hoá làng như thế nào. Và hai là cuộc chiến “Nhân văn-Giai phẩm” đánh trực diện vào lực lượng trí thức văn nghệ sĩ, bộ phận tinh hoa của sáng tạo và xây đắp đời sống tinh thần. Đây là hành động huỷ hoại và làm thui chột mọi sáng tạo về điều mà M. Gorki tha thiết mong chờ. Đó là "văn hoá" - sự nhận thức đạo đức và tinh thần về giá trị và tiềm năng của bản chất con người- sẽ có tầm quan trọng lớn hơn với thành công của cách mạng so với những sự sắp xếp chính trị hay kinh tế”.

Vậy là tầm vóc văn hoá mang tính thời đại của Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945 dần dần bị khúc xạ qua lăng kính của tư tưởng đấu tranh giai cấp là động lực của cách mạng, cũng là động lưc của sự phát triển xã hội đã làm băng hoại một lý tưởng hướng tới mục tiêu cao cả “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” để hình thành nên "một xã hội mà công dân không được quyền sống thật, nói thật, nhà văn cũng không được quyền bộc bạch tâm sự riêng tư của mình trên trang giấy là một xã hội không có chân móng" như nhà văn Nguyễn Khải đã đau đớn viết ra.

Mà đâu chỉ Nguyễn Khải. Nhà thơ Chế Lan Viên, người đã từng cảm khái “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng… Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả” và rồi cuối đời tự ngẫm mà day dứt phẫn nộ với chính mình,

Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ

Có phải tôi viết đâu! Một nửa

Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi

Giết một tiếng đau - giết một tiếng cười

Giết một kỷ niệm - giết một ước mơ - tôi giết

Cái cánh sắp bay - trước khi tôi viết

Tôi giết bão ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ

Và giết luôn mặt trời lên trên biển - Giết mưa

Và giết cả cỏ trong mưa luôn thể

Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế

Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình

Và thơ này rơi đến tay anh

Anh bảo đấy là tôi.

Không phải!

Nhưng cũng chính là tôi - Người có lỗi

Đã phải giết đi bao nhiêu cái

Có khi không có tội như mình

Cứ cho là, bay bổng để rồi hư cấu theo sự thăng hoa cảm hứng của chủ thể sáng tác tuỳ thuộc vào cá tính nghệ sĩ, thì hãy suy ngẫm về những ý tưởng của một nhà chính trị. Đây là người đã tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, vào đảng năm 17 tuổi, vào tù, vượt ngục về hoạt động bí mật vào những ngày “tiền khởi nghĩa” tháng Tám 1945, chính ủy Mặt trận Hà Nội những ngày Thủ đô rực lửa năm 1946, tiếp đó là chính ủy trung đoàn, chính ủy đại đoàn, chính ủy quân khu, rồi phó chính ủy và phó bí thư quân ủy Quân Giải phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương, tướng Trần Độ, viết :

Tự do là chìa khoá của phát triển. Tôi nghĩ thế này: nước Việt Nam ta hiện nay, sau bao nhiêu năm đấu tranh và chiến tranh gian khổ, cần phải hoà bình phát triển và cần phải phát triển nhanh, để bù lại những thời gian đã mất, và để theo kịp các nước chung quanh. Đó là mục đích và yêu cầu quan trọng nhất của đất nước. Những cái khác là phụ. Do đó, để phát triển đất nước thì rõ ràng ta phải tìm đường lối nào, học thuyết nào phục vụ được yêu cầu đó.

Nếu thật sự coi phát triển đất nước là quan trọng nhất thì Đại đoàn kết dân tộc là quan trọng hơn đấu tranh giai cấp; trí thức quan trọng hơn công nhân và nông dân; phát triển sức sản xuất là quan trọng hơn mọi thứ; để dân làm chủ mọi lĩnh vực quan trọng hơn các trò chuyên chính đàn áp; nghe và thu thập được nhiều ý kiến khác nhau và trái ngược nhau kể cả về đường lối chính sách, quan trọng hơn là bắt mọi người phải tuân theo một quan điểm, một ý kiến”. Vì thế mà trả lời cho câu hỏi nhà văn Nguyễn Khải đặt ra một môi trường xã hội ngột ngạt vì cái bóng quyền lực phủ lên tất cả, quyết định tất cả thì số phận những cá nhân sẽ ra sao?” trưởng ban Văn hoá Văn nghệ TƯ Trần Độ chua xót thốt ra: “Đây là nỗi niềm cay đắng của một cuộc cách mạng, và của một kiếp người”!

Nỗi niềm cay đắng” của Trần Độ liệu có phải là cùng chung nỗi niềm của văn hào Nga M.Gorki [trong tiếng Nga Максим Горький nghĩa là cay đắng], một biểu tượng của “lương tâm Nga”, một nhân chứng dũng cảm trong quan sát và phân tích hiện thực cách mạng Nga để đưa ra những cảnh báo sâu sắc : “Và trong giai đoạn này, giai đoạn khủng khiếp cho chúng ta, khủng khiếp cho đất nước chúng ta, đất nước đã được lập nên bởi nhiều thế hệ, những thế hệ đã làm cho chúng ta hôm nay như thế, trong giai đoạn của điên loạn, kinh hoàng, của chiến thắng sự ngu muội và đê tiện, trong giai đoạn đó tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất: tất cả những cái đó đều do con người mà ra, là sản phẩm của nó….

Đó là con người, trong những ngày bi thảm, những ngày của đau khổ và dày vò, luôn kiên trì tin vào sự chiến thắng của các nguyên lý tốt đẹp mới mẽ đối với những cái cũ kỹ và xấu xa; đó là con người bất khuất đã mang chúng ta đến cuộc nói chuyện hòa hợp và đầy nhân tính ở đây. Chúng ta hãy đến với con người đã gây ra nhiều tội lỗi, nhưng sám hối sự dơ bẩn và tội lỗi bằng những đau khổ lớn lao và cùng cực. Chúng ta có thể tạo ra một không khí để con người có thể dễ thở hơn được chăng? Chúng ta phải và có thể được làm điều đó!**


Đúng vậy, “chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi” là một “cuộc chiến đấu khổng lồ”, người từng đòi hỏi “phải có một chính thể mới và một văn hoá mới” ngay sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập dẫn ra ở trên, vào những giờ phút tỉnh táo nhất, nghiêm cẩn nhất để nhìn lại sự nghiệp cách mạng của mình đã khẳng định sự thật khắc nghiệt đó. Khắc nghiệt, vì để cứu chữa “chứng bệnh ngoài da đã vào bên trong nội tạng” của cơ thể xã hội thì không thể bằng liều thuốc an thần, mà như M.Gorki cảnh báo: “phải được trui rèn trong ngọn lửa cháy không dứt của văn hóa, tinh thần nô lệ đã hằn sâu trong nó phải bị tẩy sạch đi”.

Để làm được điều đó thì không thể chỉ “học tập và làm theo đạo đức” như người ta chỉ muốn vậy, mà “phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân” như Hồ Chí Minh đã ghi trong Di chúc.

*Xem “Mênh mông thế sự 9”, Điểm tin số 54

** M.Gorki. Diễn văn trước buổi họp công khai của Hội ‘Văn hóa và Tự do’ ở Matxcơva. 30.6.1918
 

 

Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire