Trang

14/09/2015

Mênh mông thế sự 11 : “VẪY & CHÀO”


Tương Lai


Vẫy và chào” là chuyện cơm bữa trong giao tiếp hàng ngày, sao lại phải viết để bận mắt, làm mất thì giờ người đọc điểm tin. Ngặt một điều chuyện này lại mang tính thời sự cập nhật vì vừa rộ lên trước màn hình. Vì vậy, tuy là chuyện thường ngày nhưng lại dồn chứa trong đó một nghịch lý gợi nên nhiều suy ngẫm. Mà đã suy và ngẫm, ngẫm rồi suy thì cứ chuyện nọ xọ chuyện kia, kết nối lại trong dòng chảy của cuộc sống để rồi phơi bày những nghịch lý buộc phải viết ra.

 
Vẫy”, thì đã có “Những bàn tay vẫy những bàn tay
 Những đôi mắt ướt tìm đôi mắttrong thơ Nguyễn Bính quá đẹp. Đẹp của cái thật cô đặc lại, tình cảm thật, xúc động thật, hình ảnh thật, khó có thể hay hơn.

Còn “Chào” thì có lời chào nào hoành tráng hơn trong thơ Tố Hữu

          Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng

          Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng

          Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau

          Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu

khiến cho có vị đứng trên lễ đài mà cứ lâng lâng như trong mơ nhìn xuống đám thần dân đang ngước lên chào mình.

Vậy là vẫy ai, ai vẫychào ai, ai chào xem ra có chuyện phải nói rồi đây.

Hãy tính đến chuyện “chào” trong cái cơ chế “vẫy chào” trước đã. Nhưng liệu có cái cơ chế quy định ai thì được vẫyai thì phải chào không đã. Trên văn bản thì e là không. Nhưng các cụ ta lại dạy “dao năng liếc năng sắc, người năng chào năng quen”.

Quen, cũng có cái hay và e cũng có cái dở khi quen đã trở thành tập quán. Vậy mà “tính chuyên chế của tập quán là chướng ngại thường trực cản trở con người tiến lên phía trước luôn không ngừng đối kháng với xu thế hướng tới cái gì đó tốt đẹp hơn thói thường, cái xu thế mà tùy theo tình hình vẫn được gọi là tinh thần tự do"*. Đáng suy nghĩ hơn nữa, khi “bằng cơ chế lây nhiễm, chứ không bao giờ bằng cơ chế suy luận, mà những ‎ý kiến và niềm tin của đám đông được truyền bá" cho nên "trong đám đông, tư tưởng, tình cảm xúc cảm, niềm tin có khả năng lây nhiễm mãnh liệt như khả năng của vi trùng"**.

Liệu cái chào của đoạn diễu binh và diễu hành khiến cái vị đứng trên lễ đài cứ lâng lâng như trong mơ có chịu tác động bởi những điều vừa nói không nhỉ?

Đã trong đội ngũ diễu binh, đi qua lễ đài thì phải chào, cũng tựa như trên ngực phải có huân, huy chương và đeo quân hàm cỡ nào sao cho “cho thống nhất”! Chào ai, ai xứng đáng được chào, cái “cơ chế suy luận” cũng như “ý kiến và niềm tin” ấy thì xin miễn bàn nhé. Diễu binh, diễu hành mà. Giả dụ vì một “cơ chế  nào đó, chẳng phải “cơ chế lây nhiễm” mà cũng chẳng phải “cơ chế quy định”, mà là một “cơ chế gì gì” ấy, có ông giành vợ của con rồi ngứa gan đòi từ con, phơi ra tấm gương quá xấu có sức phá hoại uy tín của Đảng hơn bất cứ bọn “phản động diễn biến” nào, lại lọt được vào khán đài để “vẫy” thì cánh ta, quân ta cũng cứ phải “chào” chứ sao giờ? Chả trách mà Einstein, người từng phẫn nộ lên án “sự ngạo mạn của quyền lực là kẻ thù lớn nhất của chân lý” đã giận dữ khi ông biểu tỏ một thái độ có phần cực đoan: Tôi hết sức kinh rẻ kẻ nào có thể vui sướng mà đi theo nhịp quân hành, nếu họ có một khối óc thì quả là nhầm lẫn rồi, một cái tủy xương sống là đủ cho họ”.

Nhưng, giả dụ Einstein nghe được khúc quân hành của Văn Cao thì nhà khoa học vĩ đại ấy có bớt đi sự bất công trong nhìn nhận về tính kỷ luật và khuôn mẫu của một đội quân không nhỉ:

Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về
    Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng
    Cờ ngày nào tung bay trên phố.
    Trùng trùng say trong câu hát, lấp lánh lưỡi lê sáng ngời

….

Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
   Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào
   Chảy dòng sương sớm long lanh.

Liệu Einstein có xúc động về dự cảm thiên tài của người nghệ sĩ tài hoa đi trước thời đại, khi mà hình ảnh tuyệt vời này ra đời trước ngày Thủ Đô sạch bóng quân thù đến 5 năm ở Chợ Đại, làng Đào Xá huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nôi 50 cây số.

Văn Cao kể: “anh Lê Quang Đạo đã nắm chặt tay tôi và nói: "chất lãng mạn của cậu vẫn không thay đổi. Riêng bài sông Lô có đoạn như "Đoàn quân thời chinh chiến ca rằng: Đây Vôn-ga, đây Dương Tử, đây sông Lô, đây sóng căm hờn vút cao..." không những lời ca hay mà nét nhạc lại rất du dương và hùng tráng nữa chứ! Vậy nếu cậu yêu Hà Nội nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé". Khi anh Đạo tiễn tôi ra về, anh đã khoác tay tôi đi trên đường làng một quãng dài, anh thủ thỉ nói với tôi "Khẩu hiệu của Trung ương là tất cả cho tổng phản công nhưng nếu có một bài hát cho Hà Nội đầy tình cảm cũng là mơ ước của những người dân thủ đô đấy". Đêm hôm ấy tôi ra về, đi dọc đường làng trăng sáng lung linh bên những bụi tre xanh và những nét nhạc đầu tiên của bài "Tiến về Hà Nội" đã đến với tôi, "Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về".

Chao ôi, ước gì trên khán đài kia có người nhạc sĩ thiên tài ấy đứng vẫy đội hình những người đang bước theo khúc quân hành đã được ấp ủ và sinh thành trong trái tim mình từ cách nay hơn nửa thế kỷ. Bừng tỉnh cơn mơ lãng mạn, tôi sực nhớ sự khẳng định cũng của Einstein: “Ðìều tuyệt đối duy nhất trong cái thế giới của chúng ta, đó là sự khôi hài”. Cha đẻ của “thuyết tương đối” lại nói về “cái tuyệt đối”, hàm chứa một ẩn ý súc tích dồn nén chất triết lý trong cách thẩm bình về cuộc sống đáng được suy ngẫm. Ông nói tiếp: còn chính trị tuy phù du nhưng là một phương trình vĩnh cửu”.

Quả là đáng phải suy ngẫm để tự chế diễu về sự ngây ngơ xuẩn ngốc của mình trong cơn mơ vừa kịp bừng tỉnh! Tỉnh, để tự đặt ra câu hỏi : Khôi hài trong “chào” và “vẫy”? Hay khôi hài trong sự phù du của chính trị dưới con mắt của Einstein? Có phải là thứ chính trị mà M.Gorki phê phán đã dẫn ra trong mênh mông thế sự 10: “Chính trị là miếng đất trên đó các loại cây gai của sự thù địch độc hại, các nghi kỵ xấu xa, các sự lừa dối trơ trẽn, vu khống, các thói háo danh bệnh hoạn và sự khinh thường nhân cách phát triển nhanh chóng và um tùm” không?

Thì chẳng phải bằng cái “phương trình vĩnh cửu” ấy mà hiểu ra cái nghịch lý của chính thiên tài âm nhạc Văn Cao: cái dự cảm thiên tài ấy đã bị một vị cấp trên của Lê Quang Đạo phán một câu xanh rờn: “lạc quan tếu” đó sao? Miệng nhà quan có gang có thép, dân gian nói vậy cấm có sai. Như thế phải hiểu ngay ra là “cấm lưu hành” hoặc chí ít là “không được hát”. Hơn thế, còn có một cái cơ chế đáng sợ hơn nhiều: không dám hát do sợ bóng sợ vía chuyện “mất lập trường, quan điểm”. Mất cái này là mất hết đấy. Sự “lây nhiễm” này khủng khiếp gấp bội.

Không biết có phải vì lý do trên mà suốt 26 năm tiếp sau đó, trong im lặng và cô đơn, tác giả của bài hát bất hủ ấy vẫn làm thơ, vẽ, để sống nhưng tuyệt đối không sáng tác âm nhạc nữa. Thế rồi, theo lời kể của con trai ông: “Vào một ngày giáp Tết Bính Thìn (1976), trở về nhà, sững sờ với tiếng đàn dương cầm vọng ra, một điệu valse mượt mà, dìu dặt, rồi là cảnh tượng mà lâu lắm rồi anh không được chứng kiến: “Cha ngồi bên đàn. Đôi bàn tay khô gầy của ông đang lướt trên những phím đàn ố vàng, loang lổ. Tiếng đàn ấm áp, ngọt ngào âm vang đầy ắp căn phòng”.  Cha sáng tác bài hát này mừng xuân đầu tiên đất nước mình thống nhất” - Văn Cao đáp lại con trai ông bằng đôi mắt sáng lấp lánh. Và Mùa xuân đầu tiên đã ra đời. Nhưng đâu chỉ có thế. Nghịch lý vẫn đeo đẳng với thiên tài.

Người ta không thể chấp nhận nổi, không thể hiểu nổi tầm nhân văn vượt lên mọi thù hận, chất người thấm sâu vào trong ngôn từ, cảm xúc, giai điệu của thiên tài âm nhạc Văn Cao:

Từ đây người biết quê người 
    Từ đây người biết thương người 
    Từ đây người biết yêu người. 
    Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về 
    Mùa bình thường, mùa vui nay đã về. 

Sao lại kêu gọi thương người chung chung! Giai cấp tính ở đâu, khí thế cách mạng ở đâu mà chỉ  uỷ mị tiểu tư sản

             nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh”.

Rồi nữa, sao lại

Mùa Xuân mơ ước ấy xưa có về đâu.
    Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên song.
     Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông….”

trong ngày vui đại thắng bừng bừng khí thế cách mạng? Nghe ra có vẻ mơ hồ, lạc điệu với cái hoành tráng còn hơn cả “đỉnh cao muôn trượng” dạo nào của 15 năm về trước. Không được! Dẹp. Thế là, một lần nữa, cái cơ chế khủng khiếp trên đây lại đè nặng lên số phận người nghệ sĩ tài hoa của đất nước.  

Phải đến sau ngày Văn Cao mất (10-7-1995), Mùa xuân đầu tiên mới được phổ biến rộng và được công chúng nồng nhiệt đón chào, thời gian so với 26 năm của ca khúc bất hủ “Tiến về Hà Nội” có giảm đi được 6 năm!

       Vậy thì gọi đây là gì? Là cái “tuyệt đối duy nhất trong cái thế giới của chúng ta: sự khôi hài”. Hay là cái “chính trị tuy phù du nhưng là một phương trình vĩnh cửu” đây? Hoặc cả hai ?

        Từ đỉnh cao muôn trượng” cách đây hơn nửa thế kỷ, hôm nay “đứng đây, mắt nhìn bốn hướng” đau đớn và phẫn nộ mà nhận rõ rằng chúng ta đã tụt hậu so với khu vực và thế giới ra sao để luận bàn về cái tương đốicái tuyệt đối, về cái phù du của một ảo vọng duy ý chí, chẳng phải là cái “khôi hài” mà Einstein nói đó sao! Cố tạo ra một tinh thần lạc quan giả tạo để quên bớt đi những bức xúc chồng chất chẳng phải là sự “phù du của chính trị” thì là cái gì?

Phải nhìn thẳng vào cái sự thật cay đắng của cuộc sống đất nước để có một tầm nhìn xa hơn với thời cơ đang lộ diện, quyết liệt hơn với những lực cản ghê gớm trì kéo sức vươn tới của đất nước. “Trông lại nghìn xưa” để học bài học giữ nước của ông cha ta trước một kẻ thù chưa lúc nào dứt tham vọng bành trướng. “Trông tới mai sau” để dám vượt lên chính mình, chớp lấy thời cơ, mở ra một đột phá, đưa đất nước bứt khỏi những ràng buộc hôm nay.

Thời gian không chờ đợi. Hãy vẫy chàomột trưa nắng thôi hôm nay mênh mông”.

 
_____

*J.Stuart Mill. “Bàn về tự do”. NXB Tri thức. 2006, tr.160

**Gustave le Bon. “Tâm lý học đám đông”. NXB Tri thức. 2008, tr.187, 184

Quảng Cáo

1 commentaire:

  1. Bác Tương Lai ơi Einstein còn nói câu này nữa:
    "Để có thể là một thành viên hoàn hảo của một đàn cừu thì trước hết người ta phải là một con cừu thực thụ"

    RépondreSupprimer