Tương Lai: "Vậy thì để đuổi kịp thì là thế này đây: muốn đuổi kịp họ, nghĩa là sao cho GDP bình quân đầu người của Việt Nam bằng mức của họ hiện nay, thì phải 5 năm nữa mới bằng Indonesia, 8 năm nữa mới bằng Philippine, 20 năm nữa mới bằng Thái Lan, 24 năm mới bằng Malaysia, 38 năm mới bằng Brunei còn với Singapore thì phải 40 năm nữa.
Nhưng, lại một chữ “nhưng” tai quái, chỉ có thể đuổi kịp với một điều kiện là các nước này đứng yên tại chỗ để đợi Việt Nam rồi cùng tiến một thể, cho nó vui."
Thật ra, biện chứng cũng không “biện
chứng” như người ta tưởng. Càng sính biện chứng khi không hiểu về nó lại càng dễ
nguỵ biện. Cứ tưởng là biết nhưng lại không biết được rằng người đời thường biết nhiều hơn những cái họ hiểu. Và khi hiểu ra thì mới thấy là dốt
ơi là dốt.
Cho nên với bài viết này, vì tự biết
là mình dốt nên không dám mon men vào lĩnh vực lý luận để dông dài về nguồn gốc
tiếng Hy Lạp cổ của từ biện chứng, rồi
dần hình thành cái mà sau này gọi là phương
pháp luận, khởi đầu từ những cuộc đối thoại
kiểu Socrates của Plato. Càng
không dám so sánh phương pháp nguỵ biện với các
nhà ngụy biện Hy Lạp cổ [Sophist] dạy cho
các môn đệ sự dối trá, quanh co, và những mẹo vặt trong hùng biện để giành phần
thắng với mục đích rất thực dụng chứ không nhằm khai minh như Socrates hay
Plato. Lại càng không liều mạng lạm bàn về phép biện chứng duy tâm từ
Kant đến Hégel, rồi phép biện chứng duy vật với K.Marx và Engels. Là nói liều mạng
na ná như “chúng tôi không cho rằng định hướng xã hội chủ nghĩa mâu
thuẫn với kinh tế thị trường. Trái lại, đó là sự kết hợp biện chứng, cần thiết,
phù hợp với thực tiễn Việt Nam”*
Mà vì không dám
“liều mạng” nên chỉ lý sự vụn về những cái na ná như là thực tiễn theo cách mà cụ Lênin dạy là “thực tiễn cao hơn nhận thức [lý luận]vì nó có ưu điểm không những của tính phổ biến, mà cả của tính hiện
thực trực tiếp”**
còn cụ Mác thì khẳng định “chính trong thực tiễn mà con người phải
chứng minh chân lý”*** để nói về một vài con số sống động của “thực tiễn Việt Nam” thử xem cái “chân lý” của “sự kết hợp biện chứng” ấy có mặt mũi ra
sao.
Hãy chỉ lấy con số so sánh Việt Nam
với Thái Lan láng giềng có dân số gần tương
đương, vào thập niên 50, đều có cùng trình độ phát triển như nhau. Năm 1954 GNP
bình quân đầu người của Việt Nam là 117 USD còn năm 1952 Thái Lan là 108 USD.
Và rồi, nhờ “sự kết hợp biện chứng, cần thiết, phù hợp
với thực tiễn Việt Nam”*và cũng là do Thái Lan chỉ vận dụng kinh tế thị
trường “chay” mà không định hướng XHCN như Việt Nam, khiến cho thu nhập
bình quân đầu người của Việt Nam thụt lùi 20 năm so với Thái Lan.
Và rồi, nhờ “chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài
chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hay
nói cách khác, đó là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ
chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”*
mà thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thụt lùi so với
Hàn quốc khoảng 30-35 năm, Malaysia khoảng 25 năm, Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm. Nhờ cái nhìn biện chứng ấy mà thấy ra được “đây là một tìm tòi
sáng tạo của Việt Nam, vừa theo quy luật chung vừa phù hợp với thực tiễn Việt
Nam” *. Nhờ “sự kết hợp biện chứng” của sự “tìm tòi sáng tạo Việt Nam” ấy mà dẫn đến
những con số cay đắng về GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 chỉ bằng
3/5 của Indonesia, 2/5 của Thái Lan; 1/5 của Malaysia; 1/4 của Hàn Quốc và 1/27
của Singapore!
Nhưng kìa, sao chỉ nói thụt lùi mà
không nói tiến lên cho nó khí thế, diệt ngay luận điệu có vẻ mang hơi hướng thù
địch bôi đen chế độ hử? Thế thì nói tiến lên để vượt những nền kinh tế thị trường
không chịu định hướng XHCN nhé.
Dưng mà để vượt thì trước hết phải
đuổi kịp đã chớ.
Vậy thì để đuổi kịp thì là thế này
đây: muốn đuổi kịp họ, nghĩa là sao cho GDP bình
quân đầu người của Việt Nam bằng mức của họ hiện nay, thì phải 5 năm nữa mới bằng
Indonesia, 8 năm nữa mới bằng Philippine, 20 năm nữa mới bằng Thái Lan, 24 năm
mới bằng Malaysia, 38 năm mới bằng Brunei còn với Singapore thì phải 40 năm nữa.
Nhưng, lại một chữ
“nhưng” tai quái, chỉ có thể đuổi kịp với một điều kiện là các nước này đứng yên tại chỗ để đợi Việt Nam rồi cùng tiến một thể,
cho nó vui.
Nói chuyển “đuổi kịp” rồi “vượt” những nước chỉ theo kinh thế thị trường “chay” mà không có
cái đuôi XHCN thì còn phải kể dài dài. Thật gọn thì chỉ cần nói đến một điểm được
cụ Lênin xem là cái chủ yếu nhất, cơ bản
nhất cho sự thắng lợi của chế độ xã hội mới đó là năng suất lao động. Thế nhưng năng suất lao động hiện nay của Việt
Nam đang thấp hơn 18 lần so với Singapore, thấp hơn Hàn Quốc 11 lần, Malaysia 7
lần, Thái Lan 3 lần, Indonesia và
Philippines 2 lần! Ấy vậy mà trong “Sáng kiến vĩ đại” cụ Lênin lại đã dạy: “vô luận thế
nào… cũng mất nhiều năm mới giải quyết được vững chắc nhiệm vụ nâng cao năng suất
lao động”**. Nhưng ngặt một nỗi, “đến hết thế kỷ này
không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” như chính ngài Tổng Bí thư phân vân. Vậy làm sao đây
khi phải “mất nhiều năm mới giải quyết được”, mà “Sáng kiến vĩ đại” thì
Lênin viết vào tháng 6 năm 1919 rồi in thành sách vào tháng 7 năm
1919, nghĩa là đã gần một trăm năm rồi!
Sao giờ? Phải có “sự tìm tòi
sáng tạo” chứ sao nữa. Để gì? Để chứng minh cho bằng được tính ưu việt của
chế độ XHCN ở Việt Nam hiện nay vẫn hơn hẳn các chế độ theo kinh tế thị trường
“chay” chứ còn gì nữa. Và nếu thế thì chưa chừng phải cảnh giác xem lại cụ Lê
nin có tiếp tay cho bọn thoái hoá, biến chất, tự diễn biến hoặc diễn biến hoà
bình khi từ một thế kỷ trước đã bấm đúng vào cái tử huyệt là năng suất lao động để đến nay nó ám vào
cái “thực tiễn Việt Nam” đâm ra không
biết “ăn làm sao nói làm sao bây giờ”!
Mà đâu chỉ với cụ
Lênin, cũng phải cảnh giác với cả cụ Mác nữa, vì cụ nói chăm bẵm “chính trong thực tiễn mà con người phải chứng minh chân
lý” đấy thôi. Phải cảnh giác vì cái thưc tiễn này nó khác với cái
“thực tiễn Việt Nam” quá đi. Là nói
cái “thực tiễn” mà cụ Tổng vừa đúc kết
ấy. Nó “vừa theo quy luật chung vừa phù hợp
với thực tiễn Việt Nam” trong cả quá trình “tìm tòi sáng tạo của Việt Nam” mà ngài và bộ sậu của ngài lao tâm
khổ tứ lâu nay. Quả là “công trình kể biết
mấy mươi, vì ta khăng khít cho người dở dang”[Nguyễn
Du]! Còn ai khăng khít với hai cụ bằng chính ta đây, sao các cụ lại
hiến cho sự tìm tòi sáng tạo rất biện chứng của ta lại châng hẫng trước cái thực
tiễn đáng sợ này hử? Có khi chính các cụ tự diễn biến rồi chứ chẳng bỡn! Không
thế thì làm sao để chứng minh những con số cay đắng của “thực tiễn Việt Nam” vừa dẫn ra là chân lý được cơ chứ.
Chỉ có điều, đánh
tráo khái niệm về chân lý trong sự
dối trá của nguỵ biện thì cho dù sự dối trá không có chân để chạy, nhưng tai
tiếng thì có cánh để bay đấy. Khốn nỗi, khi đã trơ tráo bất chấp dư luận
thì sự ngạo mạn của quyền lực vốn là
kẻ thù lớn nhất của chân lý nào có sá
gì tai tiếng. Cho dù quyền lực đã tha hoá đến thế nào chăng nữa thì nó vẫn còn
đủ sức để biến sự nguỵ biện thành
biện chứng. Đó chính là “biện chứng”
của “tìm tòi sáng tạo của Việt Nam” để
cho ra đời cái “thực tiễn Việt Nam”
kia!
Thì chẳng thế sao. Nhớ lại lời phán truyền đanh thép dạo
nào ai đòi “tam quyền phân lập” thì
đích thị là “suy thoái về đạo đức tư
tưởng” nhất thiết phải “xử lý”,
nếu không là “biện chứng” của sự tìm tòi
sáng tạo thì là gì nào? Sự liều mạng trong lời phán truyền này xem ra chẳng
nhằm nhò gì so với sự tìm tòi sáng tạo
của Việt Nam, vừa theo quy luật chung vừa phù hợp với thực tiễn Việt Nam để
qua báo chí Nhật mà quảng bá với thế giới. Nhưng xét cho cùng, cũng phải “biện chứng” thế thôi chứ chẳng khác được.
Để gì? Để thoát ra khỏi tình thế “nhả
chẳng ra cho nuốt chẳng vào” mà quyết sách, giải pháp cứ như gà mắc tóc vì
tâm bất an! Bất an như tâm Tào Tháo ở hang Tà Cốc trong cuộc chiến với Lưu Bị
để tranh giành ngôi báu.
Ai
đã đọc truyện “Tam Quốc” chắc không thể quên số phận thảm khốc của Dương Tu. Do
quá thông minh, thấu tỏ gan ruột của Tào Tháo nên Tu bị Tháo chém đầu. Chuyện
là Tháo biết không thể trụ lại ở Tà Cốc vì tương quan lực lượng quá chênh lệch
nên đã muốn lui quân nhưng lại sợ bị chê cười. Tâm trạng Tháo dùng dằng, chưa
quyết. Ngồi trước bát canh gà nhà bếp vừa dâng lên đúng lúc Hạ Hầu Đôn xin ban
khẩu lệnh ban đêm, Tháo buột miệng phán hai chữ “kê cân”. Quan hành quân chủ bộ Dương Tu nghe khẩu lệnh bèn cho quân
sĩ thu xếp hành trang chuẩn bị để rút. Hạ Hầu Đôn cũng làm theo sau khi nghe
Dương Tu giải thích: “Cứ xem khẩu lệnh
vừa ban thì mấy bữa nữa Nguỵ Vương tất phải rút lui thôi. “Kê cân” nghĩa là gân
gà, ăn thì không có mùi vị gì mà bỏ thì tiếc”.
Quả nhiên một ngày
sau khi giết Dương Tu, Tháo hạ lệnh rút quân. Trên đường rút chạy, Tháo bị Nguỵ
Diên bắn gãy răng, ngã ngựa. Lúc dưỡng thương, Tháo nghĩ lại lời Dương Tu bèn
sai thu nhặt thi hài của người thông minh xấu số ấy để làm ma chôn cất rất linh
đình. Xem ra thì Tào Tháo cũng còn có được một điểm khả thủ. Cho dù có là thủ
đoạn mị dân nhằm trấn an quân tướng đi nữa, thì coi bộ Tháo cũng còn chút lương
tâm để ân hận về hành vi tàn bạo của mình. Nếu kể ra trong hành trạng của Tào
Tháo thì không chỉ một lần mà còn nhiều lần khác như vậy.
Thế nhưng, dù với bất kỳ sự suy đoán nào thì “bạo lực chỉ có thể được che đậy với một lời nói dối, và
lời nói dối chỉ có thể được duy trì nhờ bạo lực. Ai từng đem bạo lực ra làm cứu
cánh rồi chắc chắn sẽ buộc phải lấy dối trá làm nguyên tắc”. Đấy là lời
khẳng định của Aleksandr Solzhenitsyn. Trong Diễn
văn nhận Giải Nobel Hòa bình năm 1971 (diễn
văn được đọc thay, vì ông vắng mặt), ông -"một trong những lương tâm
vĩ đại nhất của nước Nga trong thế kỷ 20" đã cảnh báo rằng:
“Một khi dối trá bị lật tẩy, bạo lực trần
trụi sẽ lộ nguyên bộ mặt thô bỉ của nó, và rồi bạo lực khi ấy đã đuối sức, sẽ
sụp đổ tan tành”.
Chắc Aleksandr Solzhenitsyn không chỉ cảnh báo cho chế độ toàn trị phản dân chủ của
Liên Xô lúc đó.
_____________
*Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn của Báo Nikkei, Nhật Bản ngày 12.9.2015 trước chuyến đi Nhật.
** Lênin Toàn tập. Tập 29. NXB Tiến bộ
Matxcơva, 1981, tr.230. Tập 36, tr. 229
***C.Mác và Ph Ăngghen. Toàn tập. Tập 3.
NXBST, 1986, tr. 120 .
Quảng Cáo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire