Trang

13/09/2015

Mổ xẻ siêu quyền lực của Tập Cận Bình


Nguồn: Roderick MacFarquhar, “China: The Superpower of Mr. Xi”, New York Review of Books,
13/08/2015.
[1]

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

 
 
Trong gần một trăm năm tồn tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tổng bí thư đương nhiệm Tập Cận Bình mới là người thứ hai được chọn lựa rõ ràng bởi các đồng nghiệp của mình. Người đầu tiên là Mao Trạch Đông. Cả hai người đều đánh bại các đối thủ, và do đó có được tính chính danh mà những người tiền nhiệm không có.[2] Vậy tại sao ông Tập lại được chọn?



Các tin đồn ở Bắc Kinh từ lâu cho thấy các vị lãnh đạo cao niên sắp từ nhiệm đã tìm kiếm một người thay thế trong thế hệ “thái tử Đảng”, nghĩa là con của những lãnh đạo cách mạng thế hệ đầu. Các “thái tử” được xem là có nhiều quyền lợi gắn với cách mạng hơn phần lớn mọi người, và vì thế họ sẽ là những người kiên định nhất trong việc bảo vệ quyền lực của Đảng.

Cha của Tập, Tập Trọng Huân, từng là một phó thủ tướng có uy tín, thành viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, và được biết đến với những quan điểm ôn hòa, nhưng ông làm mất lòng Mao vào năm 1962 và bị thanh trừng, rồi sau này được phục chức và nắm lại quyền lực sau khi Mao chết. Thế là Tập Cận Bình còn có thêm tính chính danh khác là “con cháu cách mạng” (born red), như Evan Osnos viết trong tờ The New Yorker.

Không thể chối cãi rằng những di sản này lý giải một phần cho sự tự tin rõ ràng của Tập. Nhưng một yếu tố khác có thể là sự rèn luyện mà ông đã trải qua khi còn là một thiếu niên, phải tự lo cho mình trước những đe dọa của Hồng Vệ Binh và sau đó lao động ở vùng quê trong 6 năm. Theo một tiểu sử chính thức, “ông đến làng khi còn là một thiếu niên ít nhiều mất phương hướng, và rời làng khi là một người đàn ông 22 tuổi với quyết tâm làm một điều gì đó cho nhân dân”. Khác với người tiền nhiệm Giang Trạch Dân, người được hưởng nền giáo dục trong khối Xô-viết và rồi thăng tiến thông qua sự nghiệp công chức trong ngành công nghiệp tương đối ổn định, và Hồ Cẩm Đào, người khởi nghiệp làm công chức trong ngành công nghiệp và rồi thăng tiến thông qua Đoàn Thanh niên Cộng sản, ông Tập không có những bao bọc như thế trong những năm đầu tiên. Lý lịch này có thể giải thích vì sao ông Tập chấp nhận nhiều biện pháp rủi ro sau khi trở thành Tổng Bí thư hơn Giang hay Hồ. Điều được công nhận rộng rãi trong giới am hiểu Trung Quốc là Tập Cận Bình là lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình, với xu hướng phát triển sự sùng bái cá nhân.

Tập không phải là người trội nhất trong số những người bằng vai phải lứa như Giang hay Hồ, mà ông trội hơn hẳn. Trong cuốn sách mới xuất bản gần đây Chinese Politics in the Era of Xi Jinping (Chính trị Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình), Willy Wo-Lap Lam, một nhà quan sát giới tinh hoa Trung Quốc kỳ cựu, giải thích rằng từ khi lên nắm quyền Tổng Bí thư vào năm 2012 và Chủ tịch nước vào năm 2013, Tập đã tập trung quyền lực vào tay mình đến mức phi thường. Ông thành lập và lãnh đạo Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương, có thẩm quyền phụ trách quân đội, công an, và tất cả các cơ quan an ninh quốc gia và đối ngoại, đồng thời làm bí thư Quân ủy Trung ương, ví trí gắn liền với chức Tổng Bí thư của ông. Trong một nước đi chắc chắn sẽ cắt bớt quyền lực của nhân vật số hai của chế độ, thủ tướng Lý Khắc Cường, người được cho là điều hành nền kinh tế, Tập đã thành lập và lãnh đạo một Nhóm lãnh đạo Trung ương về Thúc đẩy Cải cách Toàn diện. Tập cũng nắm quyền lãnh đạo các nhóm lãnh đạo trung ương về ngoại giao, an ninh mạng và công nghệ thông tin.

Thật sự là Tập có thể được xem là quyền lực hơn cả Đặng nữa, mặc dù tác giả Lam không nói rõ như thế. Khi thúc đẩy cải cách, Đặng còn phải chịu xuống nước và len lỏi dưới áp lực của những đồng nghiệp cấp cao không mặn mà với cải cách. Mối đe dọa duy nhất của ông Tập là một thái tử Đảng khác là Bạc Hy Lai, nhưng ông này đã bị thanh trừng một cách thuận tiện bởi Hồ Cẩm Đào trong một vụ án màu mè liên quan đến việc vợ ông ta giết một người nước ngoài. Những đồng nghiệp của Tập trong Bộ Chính trị và Ban thường vụ, những người không được cân nhắc cho chức vụ cao nhất, được xem là bớt nguy hiểm hơn một ông Bạc từng rất lôi cuốn.

Đằng sau chiến dịch chống tham nhũng

Một nhiệm vụ vô cùng khó khăn mà ông Tập đặt ra cho mình là trấn áp nạn tham nhũng trong Đảng. Cả Giang Trạch Dân lẫn Hồ Cẩm Đào đều đã cảnh báo về những mối đe dọa xuất phát từ vấn nạn rộng khắp này. Theo như ông Hồ nói, thất bại trong việc trấn áp tham nhũng sẽ “như một cú đấm mạnh vào Đảng và có thể dẫn đến sự sụp đổ của Đảng và đất nước”. Tập cũng nói giống Giang và Hồ, rằng “giữ vững sự liêm chính và chống tham nhũng là điều quan trọng cho sự sống còn của Đảng và nhà nước”. Trong một dịp khác, ông noi theo Mao bằng cách trích lời một triết gia cổ đại “Nhiều mối mọt sẽ làm mục gỗ, và một vết nứt đủ lớn sẽ làm sập tường”. Nhưng khác với những gì Giang và Hồ đã làm để ngăn chặn tham nhũng, ông Tập đã phát động một chiến dịch rất lớn. Theo lời ông  “Chúng ta phải thật quyết tâm chống tham nhũng…, bền bỉ trong nỗ lực chống tham nhũng cho đến khi chúng ta giành thắng lợi cuối cùng, chứ không đầu voi đuôi chuột.” Ông có thể sẽ hối hận vì đã hứa là sẽ không đầu voi đuôi chuột.

Ông Tập đã tuyên truyền về sự cần thiết của việc chống tham nhũng từ rất lâu trước khi ông trở thành lãnh đạo Đảng. Tại một hội nghị chống tham nhũng vào năm 2004, ông cảnh báo các quan chức: “kiềm chế vợ chồng, con cái, họ hàng, bạn bè và thuộc cấp, và thề là sẽ không sử dụng quyền lực cho lợi ích riêng”. Tập biết điều ông nói. Em gái Tập và gia đình bà đang thâu tóm những khoản đầu tư trị giá hàng trăm triệu đôla khi ông Tập đang thăng tiến trên con đường lãnh đạo, cho dù các phóng viên điều tra phương Tây không tìm ra bằng chứng nào cho thấy gia đình riêng của ông Tập liên quan trực tiếp dến những khoản đầu tư trên. Nhưng đây không phải là chuyện riêng lẻ trong giới lãnh đạo tối cao. Sau khi thủ tướng Ôn Gia Bảo nghỉ hưu vào tháng 3/2013, một nguồn tin phương Tây khác tường thuật rằng gia đình ông Ôn, chỉ tính mẹ, vợ, con và anh em, có tổng giá trị tài sản lên đến 2,7 tỉ đôla. Những bài báo điều tra của nước ngoài như vậy cần nhiều tháng nghiên cứu khó khăn, nhưng trong hàng ngũ tối cao của Đảng thì việc nắm rõ thông tin về tài sản của các lãnh đạo khác sẽ dễ dàng hơn.

Để đối phó với tham nhũng, ông Tập đã cất nhắc Vương Kỳ Sơn, một đồng nghiệp lâu năm mà ông Tập tin dùng trong nhóm 7 người của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, để điều hành Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương. Ủy Ban có nhiệm vụ truy  tìm cả “hổ” lẫn “ruồi”, để đánh bật gốc tham nhũng ở mọi cấp độ. Vào năm 2014, nỗ lực của các nhà điều tra dưới quyền Vương đã dẫn đến hơn 71 ngàn quan chức bị trừng phạt vì vi phạm 8 quy định chống tham nhũng. Nhiều người chắc chắn mắc tội chỉ vì sống xa hoa bằng công quỹ, không hạn chế bữa tiệc xuống chỉ còn “4 món ăn và một món súp”, biện pháp truyền thống của Đảng nhằm kiềm chế chi tiêu. Nhưng hàng tá quan chức cao cấp đã bị cách chức, thậm chí trong một tỉnh, hàng ngũ của Đảng đã bị kỷ luật từ trên xuống dưới. Có thể xem thành tích lớn nhất của Ủy ban Kiểm tra là việc hồi hương 500 quan chức chạy trốn và thu hồi tài sản bất chính có giá trị lên đến 500 triệu đôla. Ông Vương mong có thể thuyết phục được nhiều quốc gia, trong đó có cả Mỹ, quốc gia mà Trung Quốc chưa ký hiệp định dẫn độ, hỗ trợ ông trong nỗ lực này.

Con hổ lớn nhất bị sa lưới đến thời điểm này là Chu Vĩnh Khang, một ủy viên thường vụ Bộ Chính trị cho đến khi ông ta phải nghỉ hưu vì lý do tuổi tác vào năm 2012. Ông ta từng phụ trách Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, cơ quan giám sát các bộ máy an ninh và thực thi pháp luật, trong đó có cảnh sát, dân quân và tình báo nội địa: đây không phải là một cá nhân có thể bị thanh trừng dễ dàng kể cả khi họ đã về hưu. Vì thế, trước khi bắt, Ủy ban Kiểm tra phải đánh bật gốc rễ của ông ta bằng cách bắt giữ những người thân cận với Chu trong các cơ quan cấp trung ương và cấp tỉnh mà ông ta từng điều hành. Tháng trước, Chu bị phạt tù chung thân, trở thành quan chức cao cấp nhất bị thanh trừng vì tham nhũng trong lịch sử nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Cho đến thời điểm này, hình như có một thỏa thuận “mang tình đồng chí” rằng các cựu thành viên của Ban Thường vụ được phép nghỉ hưu trong an bình, vì thế các quan chức cao cấp có thể hy vọng rằng Chu bị bắt vì lý do bè phái hơn là tham nhũng, vì ông ta từng ủng hộ Bạc Hỷ Lai, kẻ đối địch một thời của Tập Cận Bình. Trong trường hợp đó thì các cựu thành viên của Ban Thường vụ trước đây và trong tương lai có thể thở phào nhẹ nhõm. Nhưng nếu Chu không phải là con hổ cuối cùng mà là đầu tiên trong danh sách thì những lo lắng căng thẳng trong các cấp cao nhất của Đảng sẽ tăng lên. Các đồng nghiệp của Mao quá sợ ông ta nên không dám hợp nhất chống lại Mao và thậm chí còn rơi rụng dễ dàng trong Cách mạng Văn hóa: thêm vào đó, nếu họ hạ bệ Mao, người được xem như là Lenin và Stalin của cách mạng Trung Quốc, thì họ sẽ làm mất tính chính danh của ĐCSTQ. Ông Tập không có tầm cỡ đến mức đó, nên ông ấy cần sự can đảm nếu ông muốn tiếp tục săn hổ.

Như Mao trước kia, Tập dựa vào Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) làm hàng phòng thủ cuối cùng của mình. Một năm trước, mười tám vị tướng đương chức, trong đó có những tướng lãnh đạo các tổng cục của PLA, và bảy chỉ huy địa phương, hứa trung thành với Tập trong tư cách chủ tịch Quân Ủy Trung ương. Nhưng việc PLA công khai thể hiện sự trung thành với Tập là dấu hiệu của cả sức mạnh lẫn thế yếu. Mao không cần phải công khai chứng minh sự trung thành đến mức này. Và kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng nhắm đến một số tướng lĩnh cao cấp, trong đó có một cựu phó chủ tịch Quân Ủy Trung ương và ủy viên Bộ Chính trị, các chức cao nhất mà một người lính có thể nhận được, những lời hứa này có thể được đưa ra như một cách để tránh bị vào tù. Vẫn còn chưa rõ mức độ trung thành của các vị tướng đến đâu nếu chiến dịch mở rộng điều tra đến thêm nhiều vị tướng nữa.

Diệt ruồi cũng đem đến nhiều rủi ro. Trong nhiều phương diện, đây là việc quan trọng hơn đả hổ. Người dân Trung Quốc có thể vui mừng khi một con hổ bị tiêu diệt, nhưng những con ruồi, những người cấp thấp hơn, có những hoạt động mang tính trấn lột ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Nếu tham nhũng trong 80 triệu Đảng viên rộng khắp như theo ngụ ý của các lãnh đạo Trung Quốc và như người dân Trung Quốc vẫn tin, thì hàng chục triệu người có thể liên quan.

Giả sử như 10 phần trăm đảng viên thông thường tham nhũng (chắc chắn đây là tính ở mức thấp), thì con số này đã lên đến 8 triệu người. Thêm tiếp các thành viên gia đình, những người cũng có thể được xem là tham nhũng như trường hợp của Ôn Gia Bảo cho thấy. Thêm vợ chồng, con số này tăng lên 16 triệu, thêm một đứa con, 24 triệu, thêm một người anh chị em, 32 triệu, và thêm vợ chồng người đó nữa, thế là có 40 triệu người đáng bị truy tố. Và đó chỉ là ở mức tham nhũng 10%. Tinh thần của Đảng viên sẽ sụp đổ song song với sự gia tăng sức mạnh tổ chức của Đảng như trong Cách mạng Văn hóa. Ngay bây giờ, các cuộc thăm hỏi bắt buộc tới các đồng nghiệp trong tù của các quan chức chắc chắn làm họ rất kinh sợ.

Phiên bản “cách mạng văn hóa” của ông Tập

Quả thực là ông Tập đang cố gắng tạo nên một cuộc cách mạng văn hóa. Nếu như Mao từng muốn cách mạng hóa giới lãnh đạo, Tập muốn họ trở nên ngay thẳng, bởi vì sự trong sạch đạo đức là rất quan trọng để giữ các đảng theo chủ nghĩa Marx trong sạch, và đạo đức liêm chính là một đặc điểm cơ bản giúp các quan chức không dính chàm, thật thà và liêm khiết. Trong thập niên 1980, các quan chức Đảng đi theo con đường “làm giàu là vinh quang” của Đặng Tiểu Bình và nhiều người trong số họ lạm dụng quyền hành để tham nhũng.

Trong thời của Mao, các quan chức được hướng dẫn là phải “phục vụ nhân dân”, nhưng Mao đã phản bội họ vì đã biến họ thành nạn nhân của Hồng Vệ Binh. Tham nhũng, bắt đầu vào thời của Đặng, nhưng bây giờ còn tệ hơn, được xem là sự đền bù cho những gì họ đã chịu đựng. Bây giờ Tập muốn rút lại quyền lợi đó của đảng viên. Liệu các đảng viên sẽ tuân theo hay sẽ tìm cách chống phá? Ảnh hưởng đến các đảng viên tương lai sẽ như thế nao?

Vấn đề trở nên khó khăn hơn vì ông Tập không có một hệ tư tưởng thuyết phục để lôi cuốn các Đảng viên. Ông đã tạo nên hình ảnh “giấc mơ Trung Quốc” (Trung Quốc mộng) và “trẻ hóa Trung Quốc” và theo một văn bản chính thức của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ thì “chúng ta đang nhanh chóng khơi dậy lòng nhiệt tình, công bố rằng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc cùng Giấc mơ Trung Quốc sẽ là chủ đề chính của thời đại chúng ta”. Nhưng giấc mơ Trung Quốc quá xa vời để “khơi dậy lòng nhiệt tình” trong những người mà giấc mơ riêng của họ là việc có thể mua được một căn hộ hoặc là con trai họ có một công việc tốt sau khi tốt nghiệp. Còn với “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”, khái niệm mà Đặng Tiểu Bình sử dụng để biện minh cho việc cất chủ nghĩa Marx lên giá, những người Trung Quốc có giáo dục đều biết rằng bản sao gần nhất chỉ có thể tìm thấy ở Singapore. Đài Loan có thể được coi là nền dân chủ mang đặc sắc Trung Quốc. Còn tư bản mang đặc sắc Trung Quốc? Là Hồng Kông. Còn Trung Quốc thì sao? 1,3 tỉ người mang đặc sắc Trung Quốc nhưng không có một tư tưởng để dỗ dành.

“Giấc mơ Trung Quốc” lẫn “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc” đều không phù hợp về mặt tri thức với chủ nghĩa Marx-Lenin, và chắc chắn là nó sẽ không khơi dậy lòng nhiệt tình như là tư tưởng Mao Trạch Đông trong thời đỉnh cao của nó. Chủ nghĩa Marx-Lenin, giống như Khổng Giáo, là một triết lý bao quát về nhà nước và xã hội, dẫn dắt các quan chức và đưa ra các quy định cho các gia đình. Đây là một chủ nghĩa nhằm gắn kết đảng viên với nhân dân. Nhưng mặc dù phần lớn giới lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố rằng chủ nghĩa Marx-Lenin vẫn là kim chỉ nam của họ, và Tập Cận Bình đề nghị nghiên cứu chủ nghĩa Marx trong các trường đại học, thực tế thì những tác phẩm của Paul Samuelson và những môn đồ của ông mới liên quan đến việc tìm cách xây dựng giấc mơ Trung Quốc hơn so với các tác phẩm của Marx và Engels. Hàng chục triệu người Trung Quốc tìm cách lấp khoảng trống tâm linh đã tìm đến một giáo lý phương Tây khác, đó là Thiên Chúa Giáo. Sự lan truyền của một tôn giáo phương Tây là một ví dụ điển hình của những vấn đề Tập đang đối mặt trong mục tiêu đẩy lùi các học thuyết phương Tây, cho dù Đảng vẫn tự tin rằng họ có thể hạn chế đạo với chính sách đánh đổ Thập Giá và đánh sập nhà thờ.

Bởi vì không có một hệ tư tưởng tích cực tầm cỡ, ông Tập buộc phải hành động tiêu cực, bằng cách liệt kê những chủ nghĩa ngoại bang là phải bị triệt hạ tận gốc. Theo một văn bản trọng tâm của Đảng, có tổng cộng 6 “xu hướng tư tưởng và hành động sai”, xuất phát từ phương Tây và được tán thành bởi những người bất đồng chính kiến, đó là: dân chủ theo hiến pháp, các giá trị toàn cầu, xã hội dân sự, chủ nghĩa tân tự do kinh tế, báo chí kiểu phương Tây, chống lại nguyên tắc là các phương tiện truyền thông và hệ thống xuất bản phải theo kỷ luật của Đảng, và vận động phủ nhận lịch sử, hay cố gắng làm suy yếu lịch sử của ĐCSTQ bằng cách nhấn mạnh những sai lầm trong thời của Mao.

Danh sách này không có gì quá bất ngờ trừ sự xác nhận mức độ mà “mở cửa” đã dẫn đến việc các tư tưởng phương Tây lan truyền trong người dân Trung Quốc. Nhưng mối lo ngại thứ 6, “phủ nhận lịch sử”, là một nỗi lo đặc biệt về việc ngăn ĐCSTQ đi vào vết xe đổ của ĐCS Liên Xô. Ông tin rằng sự mục nát bắt đầu ở Liên Xô khi lãnh đạo Đảng Nikita Khuruschev lên án Stalin vào năm 1956, qua đó chia lịch sử Liên Xô thành thời kỳ xấu (Stalin) và thời kỳ tốt (hậu Stalin).

Đối với ông Tập, sẽ là phủ nhận lịch sử nếu lên án thời kỳ của Mao, với việc coi nạn đói Đại Nhảy Vọt và Cách mạng Văn hóa – “những dấu tích tàn phá mà Mao để lại”, như Andrew Walder viết trong cuốn sách mới China Under Mao: A Revolution Derailed (Trung Quốc trong thời kỳ Mao: Một cuộc cách mạng bị trật bánh) – là xấu, vì Tập sợ rằng như vậy là bôi nhọ Mao, và như chân dung của Mao ở Thiên An Môn cho thấy, Mao Chủ tịch vẫn là người mang lại tính chính danh cho chế độ.

Làm sao để không đi vào vết xe đổ của Liên Xô?

Theo ông Tập, một lý do quan trọng vì sao Liên Xô tan rã và ĐCS Liên Xô sụp đổ là

Những lý tưởng và lòng tin của họ lung lay… cuối cùng, tất cả chỉ cần một lời nhỏ nhẹ của Gorbachev công bố Đảng Cộng sản Liên Xô giải thể, và thế là một đảng vĩ đại đã biến mất. Cuối cùng thì không ai trở thành một người đàn ông thực thụ, không ai dám kháng cự.

Ông Tập rõ ràng muốn các thành viên ĐCSTQ phải củng cố lý tưởng và lòng tin của họ và ông sẽ là “người đàn ông thực thụ” lãnh đạo sự kháng cự chống lại những tư tưởng phương Tây thâm nhập vào.

Điều mà Tập không công nhận là khi Gorbachev lên nắm quyền vào năm 1985, mục đích của ông là vực dậy Đảng và đất nước sau hai thập niên mục nát và trì trệ dưới thời Brezhnev. Ông tin vào chủ nghĩa cộng sản, nhà nước làm chủ, và kế hoạch hóa tập trung, có lẽ còn sâu sắc hơn cả Tập. Như Đặng Tiểu Bình, Gorbachev khởi động cải tổ (perestroika) và mở cửa (glasnost). Nhưng khác với Trung Quốc, bộ máy hành chính Liên Xô đã nắm quyền trong nhiều thập niên và chưa từng bị khủng bố và làm cho suy yếu bởi một cuộc cách mạng văn hóa. Perestroika bị chống đối mạnh mẽ, thậm chí ngay trong Bộ Chính trị. Glasnost trở thành con đường quan trọng hơn để thay đổi bộ máy Liên Xô. Những cuốn sách bị cấm lúc bấy giờ được xuất bản. Những nhóm không chính thức được tạo nên để ủng hộ perestroika. Dư luận xã hội trở nên quan trọng. Chế độ bị công kích công khai. Và dần dần Gorbachev trở nên quyết liệt hơn trong cố gắng gây sốc để đồng bào của ông thay đổi. Nhưng kết cục thì ĐCS Liên Xô giải thể và Liên Xô sụp đổ.

Tập Cận Bình cũng lo như Gorbachev đã từng trong việc thay đổi ĐCS ông lãnh đạo và để ngăn sự sụp đổ của nhà nước Cộng hòa Nhân dân. Ví dụ của Liên Xô chứng minh cho ông rằng glasnost không phải là hướng đi đúng. Với khoảng 500 cuộc biểu tình mỗi ngày ở Trung Quốc, với 60% trong số đó là bởi các quan chức địa phương “cướp đất”, việc mở cửa thêm nữa chắc chắn sẽ là bất cẩn. Ngược lại, đóng cửa trở nên chương trình hành động. Môi trường học thuật trở nên lạnh lẽo hơn thời Hồ Cẩm Đào. Thậm chí những người “tuýt còi” chống tham nhũng cũng bị trừng phạt. Ông Tập muốn một chiến dịch được trung ương quản lý, chứ không phải một cuộc loạn đả không rõ kết cuộc.

Thế là Tập đã lựa chọn phương thức perestroika của riêng mình. Thêm vào chiến dịch chống tham nhũng là việc cải cách nền kinh tế triệt để. Nhưng gần 40 năm sau khi kết thúc Cách mạng Văn hóa, các quan chức Trung Quốc đã lấy lại sự tự tin của họ. Chừng nào mà cải cách kinh tế bây giờ còn gây tổn thương đến lợi ích riêng của họ thì họ sẽ còn cố ý trì trệ. Những chính quyền địa phương không có hy vọng được tăng trợ cấp từ trung ương cũng ngày càng trở nên cứng đầu.

Cách mà trì trệ có thể xảy ra được khắc họa trong sự giận dữ của Thủ tướng Lý Khắc Cường đối với các bộ trưởng trong tháng 4 năm nay khi ông quở trách họ vì họ cho phép các quyết định của chính phủ bị mắc kẹt giữa các thuộc cấp (trong quá trình triển khai). Một lý do sâu xa hơn mà thủ tướng không nhắc đến có thể là sự miễn cưỡng không muốn thực hiện các sáng kiến vì lo sợ chiến dịch chống tham nhũng.

Nếu so sánh chiến dịch này với perestroika của Gorbachev, những mối nguy cho hệ thống trở nên rõ ràng. Gorbachev phải sử dụng những vũ khí của người yếu thế, đó là những trí thức tình nguyện trong hàng ngũ phóng viên, biên tập viên, nhà xuất bản và học giả. Ông Tập thì ngược lại, sử dụng một tổ chức Đảng trung ương uy quyền và lâu đời có thể trừng phạt bất kỳ tổ chức cấp tỉnh hoặc cấp bộ mà họ muốn. Trong Cách mạng Văn hóa của Mao, nạn nhân thường được lựa chọn ngẫu nhiên. “Cách mạng Văn hóa” của Tập thì không hề ngẫu nhiên, và bởi vì phần lớn Đảng được cho là tham nhũng, họ chắc chắn rất lo sợ khi một đoàn cán bộ nào đó thuộc Ủy ban Kiểm tra đến khu vực của họ. Theo nguyên tắc, không gì có thể cản trở các điều tra viên khỏi việc chỉ trích, cách chức và buộc tội một số hổ và ruồi đủ lớn để làm tê liệt ĐCSTQ.

Các lựa chọn tương lai

Rõ ràng là ông Tập không muốn như thế. Nhưng ông không có nhiều lựa chọn. Ông có thể từ từ giảm nhịp độ của chiến dịch chống tham nhũng, cho phép nó từ từ phai nhạt đi, chỉ đạo Vương Kỳ Sơn cử ít các nhóm điều tra hơn, và chỉ rượt theo những người vi phạm quá mức. Cùng lúc đó, ông có thể nói với giới tinh hoa rằng họ có thể giữ những gì họ có, nhưng từ giờ trở đi những trường hợp tham nhũng mới sẽ bị trừng phạt nặng nề. Cuộc săn hổ sẽ chấm dứt và những con ruồi sẽ bay đi an toàn. Ông Tập phải chịu mất mặt vì ông kết thúc chiến dịch theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”.

Đấy chắc chắn không phải là một kết quả thỏa đáng. Người dân sẽ biết là những người giàu có và quyền lực lại trốn thoát một lần nữa. Họ sẽ coi chiến dịch đơn thuần là đấu đá bè phái ở cấp cao, vì họ đã để ý là chiến dịch của ông Tập đến bây giờ chưa nhắm đến các “thái tử Đảng”. Và họ sẽ tiếp tục biểu tình chống ruồi. Còn “giấc mơ Trung Quốc” sẽ bị coi là một trò hề.

Mặt khác, Tập có thể theo đuổi chiến dịch một cách mạnh mẽ, nếu không phải đến kết cục cay đắng cuối cùng, thì cũng ít nhất thêm một vài năm nữa. Những mối nguy lại rất rõ ràng: một cuộc đảo chính chống lại ông bởi những con hổ lo sợ, hay sự mất tinh thần ở những con ruồi và hàng ngũ của Đảng từ thấp tới cao, và giới tướng lĩnh sẽ ngưng ủng hộ khi họ tiếp tục bị đeo bám bởi Ủy ban Kiểm tra.

Hoặc là ông Tập sẽ cố lái sự chú ý đến chuyện khác bằng cách châm ngòi cho chủ nghĩa dân tộc bằng những nước đi khiêu khích ở biển Hoa Đông và Biển Đông hoặc là kết hợp chống tham nhũng với một chiến dịch mới có lợi cho nhân dân và quốc gia. Đây sẽ là cuộc tấn công nhắm vào thảm họa thứ ba mà ĐCSTQ đem đến cho dân Trung Quốc, đó là ô nhiễm môi trường, một thảm kịch mà tác hại sẽ còn lâu dài hơn nạn đói và Cách mạng Văn hóa. Vì những miếng đất bị lấy đi từ nông dân bởi các quan chức thường bị bán cho các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, nên tham nhũng vẫn sẽ trong tầm ngắm. Và nếu ông Tập nắm ghế lãnh đạo Ủy ban Quốc gia mới về bảo vệ môi trường, thì cuối cùng sẽ có một cố gắng nghiêm túc để thanh lọc đất đai, không khí, và nguồn nước của Trung Quốc.

Roderick Macfarquhar là giáo sư nghiên cứu ngành lịch sử và khoa học chính trị tại Đại học Harvard.

Các tiểu mục do Nghiencuuquocte.net tự đặt.

——————

[1] Đây là bài điểm các cuốn sách: The Governance of China, by Xi Jinping, Beijing: Foreign Languages Press, 515 pp., $16.95 (paper); và Chinese Politics in the Era of Xi Jinping: Renaissance, Reform, or Retrogression? by Willy Wo-Lap Lam, Routledge, 323 pp., $145.00; $50.95 (paper).

[2] Trước Mao, các lãnh đạo được lựa chọn bởi các nhà hoạt động của Quốc tế Cộng sản ở Trung Quốc. Trong cuộc Vạn Lý Trường chinh, đại diện Quốc tế Cộng sản bị gạt qua một bên, và Mao trở thành lãnh đạo tương lai. Từ đó trở đi, những người nối nghiệp được Mao lựa chọn, thậm chí cả Đặng, mặc dù ông bị thanh trừng hai lần trong Cách mạng Văn hóa, được lựa chọn trong thực tế bởi Mao, vì Đặng được Mao phục hồi quyền lực khi Chu Ân Lai sắp mất, một tín hiệu cho mọi người thấy rằng Đặng là người duy nhất có khả năng điều hành đất nước. Sau Mao thì Đặng lựa chọn lãnh đạo. Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của Tập, là người cuối cùng mà Đặng chọn.

Nguồn: Theo Nghiên Cứu Quốc Tế
 

Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire