Trang

21/09/2015

Mỹ làm được thì Nhật cũng làm được

Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản)

 

Đổi mới đã đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy nghèo và trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. Nhưng so với tiềm năng, kể cả những thời cơ thuận lợi bị bỏ lỡ và so với kinh nghiệm của các nước Đông Á thì tốc độ phát triển của Việt Nam thấp và kém hiệu suất.

Các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã phát triển nhanh đưa nền kinh tế lên giai đoạn cao trong thời gian ngắn nhờ khát vọng của lãnh đạo, của quan chức muốn đưa đất nước theo kịp các nước tiên tiến, từ đó chủ nghĩa phát triển và tinh thần dân tộc được đề cao, người tài được trọng dụng, tinh thần doanh nghiệp (DN) được phát huy. DN tư nhân là động lực đưa nền kinh tế phát triển.
 
 

Hiện nay Việt Nam trực diện ba thách thức lớn. Thứ nhất là nguy cơ chưa giàu đã già. Cơ cấu dân số vàng sắp qua đi, giai đoạn lão hóa dân số sẽ đến gần kề mà thu nhập đầu người còn rất thấp. Thứ hai là nguy cơ có sự phân hóa nền kinh tế thành hai khu vực, FDI và tư bản trong nước. Thứ ba là nguy cơ mắc vào bẫy thu nhập trung bình thấp (bẫy thu nhập trung bình đến sớm khi thu nhập đầu người còn thấp).

Kết quả phân tích ở trên đã gợi nhiều ý khi bàn về phương châm, chiến lược, chính sách cần thiết trong tương lai trung và dài hạn của Việt Nam. Xuất phát quan trọng nhất, có tính cách quyết định là khát vọng, khí khái của những người lãnh đạo trong giai đoạn sắp tới. 

Đánh giá thành quả phát triển của Việt Nam từ sau Đổi mới  


Nhật Bản: Quan chức năng lực, thanh liêm

Hai giai đoạn quan trọng đã làm thay đổi nước Nhật là thời kỳ Minh Trị duy tân (1868-1911) và thời kỳ phát triển cao độ còn gọi là thời đại phát triển thần kỳ (1955-1973). Hai thời kỳ có những đặc điểm chung là tố chất yêu nước và tinh thần trách nhiệm cao độ của lãnh đạo chính trị, và năng lực, đạo đức của quan chức nhà nước.

Cuối thập niên 1950, nhà chính trị Ikeda Hayato thai nghén một ý tưởng về việc đưa nước Nhật vào thời đại phát triển mới, đáp ứng nguyện vọng của đại đa số dân chúng. Trong lúc tìm kiếm ý tưởng, ông đọc được bài viết của Giáo sư kinh tế Nakayama Ichiro về khả năng tăng gấp đôi tiền lương thực chất tức mức sống của người dân trong vòng 10 năm. Ông lập nhóm nghiên cứu qui tụ các trí thức, các nhà kinh tế tâm huyết và có năng lực để bàn bạc, nghiên cứu việc triển khai ý tưởng đó. Chính Ikeda trực tiếp tham dự nhiều buổi họp thâu đêm của nhóm này.

Cuối cùng kết luận của nhóm là hiện nay tiết kiệm trong dân đang tăng, đất nước đang mở cửa hội nhập với thế giới nên công nghệ nước ngoài sẽ được du nhập dễ dàng; đó là hai tiền đề để đầu tư tích lũy tư bản. Đầu tư có hai hiệu quả là vừa tăng tổng cầu vừa tăng khả năng cung cấp (sản xuất) của nền kinh tế. Do đó kinh tế Nhật hy vọng sẽ bước vào thời đại bột phát mạnh mẽ.

Được nhóm chuyên viên, trí thức triển khai về mặt lý luận và các chính sách cụ thể, Ikeda tự tin và đã quyết định lấy Chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân làm cam kết chính trị trong cuộc tranh cử vào vị trí chủ tịch đảng. Ikeda thắng cử và trở thành thủ tướng vào tháng 7/1960.

Cốt lõi của kế hoạch bội tăng thu nhập quốc dân (từ 1960 đến 1970) là toàn dụng lao động, làm cho dân chúng thấy cuộc sống được cải thiện rõ rệt, và đưa Nhật lên hàng các nước tiến tiến.

Phương châm cơ bản là tạo điều kiện để DN tư nhân tích cực đầu tư. Công việc của chính phủ chỉ là cố gắng tiết kiệm công quỹ để có thể giảm thuế nhằm kích thích đầu tư, đầu tư xây dựng hạ tầng, và bảo đảm an sinh xã hội. Phát triển là công nghiệp hóa, là phát triển ngành dịch vụ nên lao động phải chuyển dần từ nông nghiệp sang các khu vực phi nông. Do đó Ikeda đã nhấn mạnh phải ra sức giáo dục bậc cao đẳng và hướng nghiệp để quá trình chuyển dịch lao động không bị gián đoạn.

Ikeda đã thổi vào xã hội một không khí phấn chấn, tin tưởng vào tương lai. DN tích cực đầu tư, mọi người hăng hái làm việc. Kết quả là kinh tế đã phát triển nhanh, vượt xa kế hoạch rất nhiều. Bình quân kinh tế phát triển trên 10%, thay vì 7% như kế hoạch, chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân đạt được mục tiêu chỉ trong 7 năm, thay vì 10 năm như kế hoạch ban đầu.

Theo giá thực tế năm 2000, tổng thu nhập quốc dân trên đầu người của Nhật vào năm 1960 là 7.700 USD, đến năm 1970 tăng lên 16.600 USD. Mức chi tiêu của một gia đình giới lao động vào năm 1960 trung bình mỗi tháng là 32.000 yen, đến năm 1970 đã tăng lên 83.000 yen. Lương tháng của công nhân trong ngành công nghiệp đã tăng từ 23.000 yen năm 1960 lên 72.000 yen năm 1970.

Trừ đi độ trượt giá mỗi năm vài phần trăm, trên thực chất thu nhập của giới lao động đã tăng gấp đôi hoặc hơn. Ngoài ra, số lao động có việc làm tăng nhiều hơn so với kế hoạch và số giờ làm việc mỗi tháng của giới lao động giảm từ 203 giờ còn 187 giờ. Thập niên 1960 cũng là giai đoạn người Nhật chứng kiến nhà nhà có tủ lạnh, quạt máy, máy giặt, TV...
 

Tầm nhìn chiến lược về dân tộc

Tại sao kế hoạch bội tăng thu nhập quốc dân thành công ngoài dự kiến? Một là bản lĩnh, tầm nhìn chiến lược về dân tộc, về đất nước của lãnh đạo, từ đó có khả năng qui tụ người tài chung quanh mình trong việc hoạch định chiến lược, chính sách cụ thể. Hai là đội ngũ quan chức có năng lực và thanh liêm, đầy tinh thần trách nhiệm với đất nước. Do 2 yếu tố cơ bản này, ta thấy họ đã đưa ra nhiều chính sách rất thiết thực và thực hiện các chính sách rất có hiệu quả. Đơn cử vài thí dụ:

Thứ nhất, tạo sân chơi bình đẳng cho mọi DN, yểm trợ DN nhỏ và vừa bằng chính sách tín dụng, thủ tục hành chính đơn giản, hầu như không có tham nhũng nên đầu tư tăng rất nhanh.

Tỉ lệ đầu tư trên GDP tăng từ 20% năm 1955 lên 30% năm 1960 và 35% năm 1970. Trong tổng đầu tư có tới 75% là của DN tư nhân. Những công ty tư nhân nổi tiếng sau này như Honda, Sony, Toyota, v.v. đều lớn mạnh trong giai đoạn này. DN nhỏ và vừa vay vốn đầu tư dễ dàng, thậm chí những DN có số lao động dưới 20 người vẫn dựa chủ yếu vào vốn vay ở các ngân hàng và cơ quan tín dụng hiện đại.

Thứ hai, ngoại tệ được quản lý chặt chẽ và tiết kiệm tối đa, hạn chế việc đi du lịch nước ngoài và kiểm soát gắt gao việc quan chức dùng ngoại tệ đi tham quan nước ngoài.

Thay vào đó, ngoại tệ chủ yếu để nhập thiết bị, nguyên liệu và công nghệ cần thiết cho đầu tư. DN hăng hái cách tân công nghệ, sản xuất sản phẩm đã có với giá thành và phẩm chất tốt hơn hoặc sản xuất những sản phẩm mới, cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới.

Do cách tân công nghệ và do việc quản lý hành chánh, quản trị doanh DN có hiệu suất, nên kinh tế phát triển rất có hiệu suất. Tuy đầu tư nhộn nhịp như vậy nhưng độ cống hiến của tư bản trong tăng trưởng chỉ có độ 25%, trong khi cống hiến của công nghệ, của quản lý tức năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) là 65%.

Ngoài ra còn nhiều chính sách khác về giáo dục, khoa học công nghệ, về đẩy mạnh xuất khẩu, về tổ chức thị trường… Nói chung lãnh đạo và quan chức khẩn trương triển khai thực hiện các chính sách để đạt mục tiêu của kế hoạch bội tăng thu nhập quốc dân; và DN đã hưởng ứng tạo nên khí thế đầu tư mạnh mẽ.

Nói về tố chất của quan chức Nhật Bản, tôi muốn giới thiệu trí tuệ, hành động và tác phong của các quan chức Bộ Công Thương (MITI) vào giữa thập niên 1950 mà tôi gọi họ là những anh hùng trong thời đại phát triển.

Lúc đó một chiếc xe hơi nhập khẩu từ Mỹ vào giá rất đắt, tương đương 5 năm tiền lương của một quan chức trung cấp. Các quan chức ở Bộ Công Thương lúc đó mơ ước có ngày người dân bình thường cũng sẽ có xe hơi và cho rằng phải phát triển ngành xe hơi mới làm cho Nhật giàu mạnh.

Có nhiều ý kiến khác nhau về điểm này, kể cả một số lãnh đạo trong đảng cầm quyền sợ kế hoạch sản xuất xe hơi sẽ không thành công và có thể gây va chạm trong quan hệ Nhật-Mỹ. Nhưng các quan chức Bộ Công Thương đã tích cực vận động lãnh đạo chính phủ và DN để thực hiện cho được kế hoạch này vì tin sự quan trọng của ngành xe hơi đối với Nhật trong tương lai.

Nhưng ý chí là một chuyện còn khả năng có thực hiện được không và làm sao để thực hiện có hiệu quả là một chuyện khác. Lợi thế so sánh của Nhật lúc đó là các hàng công nghiệp dùng nhiều lao động giản đơn như vải vóc, giày dép… 

Đang phân vân về khả năng sản xuất của nước mình, các quan chức đọc được bài viết của giáo sư Shinohara Miyohei (1919-2013) bàn về lợi thế so sánh động (lợi thế so sánh trong tương lai) và các điều kiện để biến lợi thế so sánh động thành hiện thực. Họ vui mừng và liên lạc ngay với giáo sư Shinohara xin gặp để hỏi chi tiết hơn.

Trong hồi ký viết hồi tháng 6/2009, Shinohara kể như sau: “Hồi đó 4-5 quan chức Bộ Công Thương đến nhà tôi vào buổi tối. Chúng tôi trò chuyện mãi đến khuya vẫn còn muốn tiếp tục, cuối cùng gần 5 giờ sáng họ mới ra về”.

Còn rất nhiều câu chuyện tương tự về sự cầu thị, nhiệt tình lo việc nước của quan chức Nhật thời đó.  

Sau đó, Bộ Công Thương tự tin là Nhật có thể sản xuất xe hơi được và đã đặt ra các chính sách yểm trợ DN xúc tiến sản xuất. Những chiếc xe đầu tiên ra đời còn xấu về hình dáng nên một số người Mỹ trong ngành xe hơi có vẻ chế nhạo. Nhưng quan chức Bộ Công Thương kiên quyết với phương châm “Mỹ làm được thì Nhật cũng làm được”. Như ta đã biết, ngành xe hơi Nhật phát triển mạnh mẽ từ thập niên 1960.

Có thể nói tinh thần dân tộc là động lực đưa đến hành động của quan chức nhà nước và kết quả là nền công nghiệp Nhật đã phát triển mạnh mẽ.

GS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản)
 

Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire