Trang

16/09/2015

Sáng Kiến Của Một ‘Con Vẹt’



 

Trong cuốn Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1' có bài học dạy trẻ bước trên thủy tinh vỡ để thể hiện lòng dũng cảm.

Cả tháng qua, dư luận vẫn chưa dừng bàn qua tán lại về câu chuyện “quyển sách dạy kỹ năng cho trẻ em tiểu học” đã cổ súy giá trị của lòng dũng cảm bằng cách “đi trên mảnh thủy tinh”. Đáng nói hơn, quyển sách là một sản phẩm của một “ông tiến sĩ” với tham vọng làm thay đổi tư duy của những đứa trẻ về sự can đảm, vốn bị “hóa phép” và trở nên hết sức phiến diện và xa xôi. Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã gửi công văn yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục thu hồi cuốn sách Thực hành kĩ năng sống dành cho học sinh lớp 1 có bài học “Vượt qua nỗi sợ”. Tuy nhiên, có không ít vấn đề vẫn phải bàn thảo thêm để làm rõ sự dũng cảm.
 


Dũng cảm hay sự dốt nát?

Khi đọc thấy mẫu sách của ông tiến sĩ, tôi thấy buồn cười về sự méo mó của lòng dũng cảm trong con mắt của một người có học thức. Chẳng biết ông tiến sĩ học đâu ra cái trò đi trên mảnh thủy tinh chính là sự dũng cảm, riêng tôi, đó là sự dốt nát một cách lố bịch. Dũng cảm không chỉ là một khái niệm ở chỗ “dám làm” hay “không dám làm”, mà nó còn nằm ở bối cảnh và ý nghĩa mang tính thực tiễn, nhân văn của hành động. Nói cách khác, “trong tình huống cấp bách, không còn cách nào khác, con người ta phải chọn sự mạo hiểm để bảo vệ một giá trị tốt đẹp hơn, đó chính là dũng cảm”.

Tôi lấy ví dụ, có người sẵn sàng cầm súng tiến lên để ngăn chân địch không tiếp cận đến căn cứ, phá hủy cơ đồ. Đó chính là dũng cảm. Nhưng nếu lấy súng chỉa vào đầu người khác, và bảo “đừng sợ”, rồi trấn an rằng đó là lòng dũng cảm, theo kiểu “đi trên mảnh thủy tinh” thì đó quả thật là một phép so sánh khập khiễng, nếu không muốn nói là ngu ngốc. Hoàn cảnh nguy hiểm phải mang tính khách quan, khi đó buộc con người phải chọn lựa một cách quyết đoán, đó là lòng dũng cảm. Còn việc tự tạo ra mối nguy hiểm cho bản thân một cách “ảo thuật”, thì đó là một trò đùa dại hơn là một phép toán của sự can trường hay lòng dũng cảm. Chẳng ai tự chuốc lấy cái nguy hiểm để cố vượt qua rồi bảo rằng mình can đảm. Ranh giới giữa lòng dũng cảm và sự dốt nát không phải là quá rộng. Thế nên, hiểu sai một chút thì người vốn được xem là dũng cảm, thật ra lại là dốt nát.

Hậu quả của việc học vẹt

Chuyện dạy trẻ em đi trên mảnh thủy tinh thể hiện lòng dũng cảm của vị tiến sĩ này khiến tôi nhớ đến giai thoại học vẹt. Trên thực tế, có những khóa học dành cho người lớn về việc ăn dao lam, phun lửa, đi trên thủy tin, thậm chí là bước trên than hồng. Mục tiêu của khóa học là giúp bạn thay đổi tư duy về sự nguy hiểm, rằng nếu nguy hiểm bị kiểm soát, sắp xếp một cách hợp lý và logic thì câu chuyện nhanh chóng được giải quyết.

Tuy nhiên, câu chuyện này không mang lại một giá trị thực tế nào nếu áp dụng với trẻ em – vốn là những mầm non tiêu biểu và gia đình gặp khó khăn. Trẻ tiểu học vốn là những mảnh giấy trắng và vô nghĩa. Khi đưa thông điệp “đi trên thủy tin tức là dũng cảm”, trẻ em chỉ hiểu một cách đơn nghĩa theo cơ học, tức là ai dám đi trên thủy tin thì người đó dũng cảm. Tai hại có thể xảy ra khi các em học sinh bắt chước y chang những gì người lớn đang làm mà không hề biết nó đang thách thức an toàn thân thể, sức khỏe của các em.

Như vậy, dường như có một sự “copy” (hay còn gọi lại đạo văn) từ một chương trình đào tạo kỹ năng cho người lớn sang áp dụng cho trẻ em. Mới nghe qua cứ tưởng sáng kiến, nhưng nhìn lại sẽ thấy nó đang âm ỉ và có khả năng giết người một cách đầy tiếc nuối. Tính máy móc một cách rất “vẹt” của ông tiến sĩ khiến người ta càng thấy buồn về nền giáo dục quốc gia – vốn vẫn còn không ít kẻ lạc hậu, chỉ biết áp dụng các bài học một cách lý thuyết và máy móc.

Trách nhiệm của người quản lý

Một cuốn sách đầy tranh cãi và thiếu phù hợp như vậy, chẳng hiểu sao vẫn được duyệt xuất bản trong sự ngỡ ngàng của không ít người. Đây không phải là lần đâu các ấn phẩm sách giáo khoa, sách giáo dục tại Việt Nam gây ra các cuộc tranh cãi lớn. Rõ ràng, có một sự lơ là trong khâu quản lý, để rồi sau đó ngành chức năng lại phải thu hồi vội vàng từng quyển sách “vô lý đùng đùng” – vốn đã làm dậy sóng dư luận. Đến người dân bình thường cũng thấy không ổn với một vài nội dung trong sách kỹ năng sống. Do đó không lý gì các thầy các cô, được đào tạo bài bản, lại không nhận ra điều đó.

Bên cạnh đó, rõ ràng ngành giáo dục hiện vẫn còn thiếu sự hiện diện của các chuyên gia về mặt khoa giáo. Có thể họ chưa phải là tiến sĩ như ông tác giả của quyển sách vô lý lần này, nhưng những gợi ý của họ ít nhất cũng sẽ chỉn chu, dễ hiểu, không phải theo kiểu “đập đầu vào tường là can đảm hay dũng cảm”. Như vậy, việc chọn một bộ sách giáo khoa nhưng không có sự đánh giá sát sao, suy cho cùng cũng không thể mang về hiệu quả. Trách nhiệm chính thuộc về nhà trường, đơn vị chọn bộ sách tham khảo ấy để sử dụng.

Cuối cùng, phải thừa nhận thị trường sách giáo khoa, sách hướng dẫn tăng cường phát triển kỹ năng cho trẻ em hiện nay rất thiếu. Đó là lý do các bộ sách được xuất bản một cách ồ ạt và thiếu sự kiểm soát, dẫn đến các trang sách thiếu sự chín chắn, chuẩn xác, ý nghĩa và bao dung. Nếu đa dạng hóa thị trường sách, việc chọn lựa của phụ huynh và các em học sinh sẽ khiến các quyển sách “đi trên thủy tinh” sẽ không có cơ hội để tồn tại.

 
Nguồn: Theo VOA
 
 

Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire