Trang

08/01/2016

Kinh tế thị trường không cần ai 'chủ đạo'


Bà Phạm Chi Lan
Đã là kinh tế thị trường thì không cần tới bất cứ thành phần nào là chủ đạo, kể cả là 'nhà nước', đó là quan điểm của một chuyên gia kinh tế từ Việt Nam.
Mặt khác, kinh tế thị trường hiện nay ở Việt Nam nên chăng cần được xác định là theo định hướng 'phát triển hiện đại' hơn là 'theo định hướng xã hội chủ nghĩa' như lâu nay vẫn được quy định, vẫn theo ý kiến này.
 
 


 
Trao đổi với BBC hôm 06/01/2016, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thời các ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nói: "Tôi nghĩ rằng khi phát triển kinh tế thị trường thì không nên đặt khu vực nào là chủ đạo cả, kể cả khu vực kinh tế nhà nước. Còn nhà nước có trách nhiệm của mình trong việc lãnh đạo đất nước, quản lý nền kinh tế, định hướng phát triển cho nền kinh tế thì điều đó là đương nhiên. Nước nào thì nhà nước hay chính phủ cũng có vai trò ấy cả, chứ không phải chỉ trong một nền kinh tế theo cách định hướng xã hội chủ nghĩa như Việt Nam”.

Kinh tế theo định hướng nào?

Về định hướng của 'kinh tế thị trường' ở Việt Nam hiện nay, bà Phạm Chi Lan nêu quan điểm: "Bản thân tôi cũng tán thành hướng là nên định hướng cho kinh tế Việt Nam là 'kinh tế thị trường định hướng phát triển theo hướng hiện đại' hoặc là 'kinh tế thị trường định hướng phát triển... Định hướng xã hội chủ nghĩa thì như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có lần giải thích trong thông điệp đầu năm 2014 của ông ấy là phải hiểu chủ yếu là trên việc phân bổ các nguồn lực và phân phối lợi ích cho xã hội. Thì như vậy kinh tế thị trường trước hết phải có kinh tế thị trường đã, thế còn về định hướng đó thì định hướng làm sao cho nó theo tiêu chí công bằng và bao dung cho tất cả mọi người đều hưởng lợi."

Lưu ý về môi trường hội nhập ngày càng sâu của Việt Nam hiện nay và đường lối phát triển kinh tế của Đảng cộng sản ứng dụng cho Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói: "Tôi nghĩ là hiện nay rất cần xem xét đến bối cảnh mới của hội nhập quốc tế mà Việt Nam đang tham gia, phải tính toán đầy đủ những nhân tố bên ngoài và những cam kết của Việt Nam với cộng đồng các nước mà Việt Nam có FTA (hiệp định thương mại tự do).

"Để làm sao cho định hướng của Việt Nam phải đúng với tất cả cam kết đó, tôi nghĩ những cam kết ví dụ như với TPP, hoặc FTA với EU có những cam kết rất cao, kể cả về thể chế kinh tế, cũng như những thay đổi cần thiết, thì có thể văn kiện Đại hội lần này, do chuẩn bị trước khi Việt Nam kết thúc tất cả những đàm phán đó chưa phản ánh được đầy đủ.

"Nhưng tôi mong rằng ra Đại hội thì tất cả các đại biểu xem xét đến những điều đó và đưa ra những điều chỉnh cần thiết trong văn kiện."

Tân quan, cựu chính sách?

Cũng hôm thứ Tư, một nhà quan sát thời sự Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, chia sẻ bình luận và kỳ vọng về kỳ Đại hội sắp diễn ra vào hạ tuần tháng này. Về mối quan hệ giữa nhân sự và đường lối của Đảng và nhà nước, ông nói: "Bởi vì người Việt nói là 'cờ đến tay ai người ấy phất', tôi mong những người trẻ hãy dũng cảm lên và hãy vì đất nước. Hãy phất một lá cờ làm sao đấy cho đất nước tiến bộ, đất nước giải phóng qua tất cả những khó khăn, giải phóng qua công nợ, giải phóng qua những (vấn đề) dân trí và đặc biệt phải đi song hành với một thế giới mới."

Nhân dịp này, nhà thơ, nhạc sỹ cũng nêu kỳ vọng về cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đang được đảng cộng sản Việt Nam chỉ đạo chuẩn bị mà theo dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5/2016.

Ông Nguyễn Trọng Tạo nói: "Người ta có thể bàn thế này, hoặc là bàn thế kia, cái đấy là quyền của người ta, nhưng tôi - một nhà văn của đất nước này, thì tôi phải nhìn theo chiều sâu của một xã hội. Nhưng có một cái lạ là lúc nào tôi cũng có một tin tưởng là những người mới lên họ sẽ vì đất nước hơn," - ông nói với BBC hôm 06/1/2016. (BBC)
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire