Trang

04/01/2016

Vì sao ông Nguyễn Phú Trọng có thể lộng hành trong Đảng về nhân sự?


Ông Nguyễn Đông Sương, cán bộ nghỉ hưu, tiếp tục có ý kiến về tình hình nhân sự cấp cao của Đảng trước thềm Đại hội XII. Những lời tâm huyết của ông Sương là sự thật đang diễn ra ngay trong nội bộ Đảng.

 

Đọc bài “Ông Nguyễn Phú Trọng đang lựa chọn nhân sự chức danh chủ chốt như thế nào?” của ông Nguyễn Quốc Huy tôi thấy đánh giá của ông Huy không thể thêm được gì nữa bởi vì ai cũng nhận thấy ông Trọng đang cướp đi quyền dân chủ của Bộ Chính trị và ban chấp hành TW rất nghiêm trọng. Có một điều mà ông Huy không biết (không biết cũng phải thôi vì chúng ta không còn sinh hoạt trong TW nữa), gần đây tôi gặp nhiều đồng chí trong Ban chấp hành TW, họ cho biết từ Hội nghị TW 8 ông Nguyễn Phú Trọng đã thành công thuyết phục được các ông trong Bộ Chính trị và Ban chấp hành TW chấp nhận ra một Nghị quyết rất mất dân chủ mà thực chất là cướp quyền của Ban chấp hành TW về vấn đề ứng cử và đề cử. Nghị quyết này tôi không biết rõ số mấy, chỉ nhớ nội dung quy định là những người không được Bộ Chính trị giới thiệu ứng cử thì khi ra Hội nghị TW hoặc Đại hội có ý kiến đề cử thì người đó phải rút. Nghe đâu nghị quyết này ban hành sau khi không kỷ luật được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và quyết định này chỉ dành được hơn 50% tán thành trong Ban chấp hành TW có nghĩa là gần ½ ban chấp hành TW không ủng hộ.
 

Tại HNTW 8, ông Nguyễn Phú Trọng đã ban hành được Nghị quyết: Người không được Bộ Chính trị giới thiệu ứng cử thì khi ra Hội nghị TW hoặc Đại hội có ý kiến đề cử thì người đó phải rút

Sau Hội nghị TW 8, một số ủy viên TW mới bừng tỉnh thấy rằng do không suy xét kỹ nên đã tự đánh mất quyền của mình. Chưa dừng lại đó, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục bàn bạc trong nhóm cơ hội nếu chỉ dựa vào Nghị quyết trên thì chưa đủ để loại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì biết rằng ông Dũng qua các đợt thăm dò gần đây đều đạt tín nhiệm rất cao, ông Trọng phải đưa ra thêm một Nghị quyết nữa với nội dung là không chấp nhận phương án Đại hội bầu trực tiếp Tổng Bí thư mà thực hiện phương án: Ban chấp hành TW bầu Bộ Chính trị rồi lựa chọn những người trong Bộ chính trị để bầu Tổng Bí thư. Nghị quyết này là một sự tính toán của ông Trọng để phòng ngừa ông Nguyễn Tấn Dũng chiếm ưu thế và được giới thiệu làm Tổng bí thư. Có thể nói việc mất dân chủ trong Đảng còn có ở nhiều chỉ thị nữa. Nhưng 2 nghị quyết nói trên là cơ bản nhất. Dựa vào đó ông Nguyễn Phú Trọng thực hiện sự phong tỏa đối thủ. 



Bài viết của ông Lương Thanh Sở và ông Nguyễn Quốc Huy đã phân tích rõ ý đồ của ông Trọng và nhóm cơ hội chiếm quyền lãnh đạo của Đảng tại Đại hội XII là quá rõ, song một câu hỏi chưa ai đặt ra là nhiều người trong Bộ Chính trị và TW biết ông Nguyễn Phú Trọng có ý đồ như thế nhưng không ai phản đối. TW thì rõ hơn về chính kiến bằng chứng là có gần 50% Ủy viên TW không tán thành với nghị quyết ông Trọng đưa ra về nhân sự và có 2 lần TW không chấp nhận ý kiến của Bộ Chính trị như tán thành kỷ luật Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và không chấp nhận bầu ông Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ vào Bộ chính trị giữa nhiệm kỳ. Nhìn vào thành viên Bộ chính trị khóa XI có nhiều người từng vào sinh ra tử, dám đấu tranh, được coi là có bản lĩnh. Có người còn hơn ông Nguyễn Phú Trọng về nhiều mặt, thậm chí vào Bộ Chính trị trước ông Trọng nhưng những gì diễn ra vừa qua cho thấy họ đã mất những đức tính tốt ấy, dư luận Đảng viên đang có nhiều ý kiến rất thất vọng về họ. 

Từ đó có thể nhận thấy trong Bộ Chính trị khóa XI là một tập thể yếu kém, không chỉ riêng vấn để chuẩn bị nhân sự hiện nay mà vấn đề bảo vệ chủ quyền Biển Đông là một kiểm nghiệm thực tế. Thử hỏi ông Nguyễn Phú Trọng và những người có vị trí quan trọng trong Đảng đã nói gì và không dám nói gì khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 ở vùng biển nước ta? Chẳng những họ không dám nói gì mà còn bàn nhau cử người đi làm lành với Trung Quốc. Gần đây ông Nguyễn Sinh Hùng đi gặp Tập Cận Bình cũng là theo chỉ đạo của ông Nguyễn Phú Trọng để nhằm báo cáo cho giới lãnh đạo Trung Quốc biết Bộ Chính trị Việt Nam chủ trương đại cục “tình hữu nghị” để giải quyết tình hình. Điều đó chẳng khác nào là chịu sự tuân phục Tập Cận Bình. Ngoài ra Sinh Hùng có thể còn tìm kiếm sự ủng hộ cho bản thân ông từ cuộc đi thăm này. Sự bạc nhược này kéo theo ảnh hưởng đến các công việc khác của Đảng đến nay có thể điểm huyệt đạo nguyên nhân dẫn đến thủ tiêu đấu tranh trong Bộ Chính trị là: 

Thứ nhất, nhiều thành viên trong Bộ Chính trị đã quá tuổi, nhưng còn nuối tiếc thời kỳ vang son bổng lộc, phần lớn đều xác định trong đơn: “tuy quá tuổi nhưng còn sức khỏe, trí tuệ còn minh mẫn, còn phục vụ được đất nước” nếu được tái cử. Căn cứ vào đây ta có thể thấy sự im lặng của họ là để đổi lấy sự ủng hộ của TBT Nguyễn Phú Trọng, theo đó, mặc nhiên họ đã bị khống chế và mọi vấn đề bề ngoài đều phải tỏ ra ủng hộ Nguyễn Phú Trọng và những phần tử cơ hội, không còn biết phải trái là gì nữa!  

Thứ hai, trong cuộc sống anh nào cũng có tật phải che nhưng anh nào cũng khéo đậy. Muốn giữ được mình thì không dại gì tấn công người khác. Trong thời điểm đang bàn tới tái cử thì lại càng phải che dấu. Kết quả thực hiện NQTW4 như đánh giá của ông Nguyễn Phú Trọng có tác dụng rất lớn là răn đe và mặt khác lại càng sợ là từ các vụ án Nguyễn Phú Trọng đã biết tật của anh này anh khác, nên hậu quả là Nguyễn Phú Trọng muốn gì đều phải theo để được yên thân. 

Thứ ba, số ít những người được xem là nổi trội hơn thì còn lo chống đỡ những đòn tất công vu cáo, suốt ngày phải giải trình, thanh minh chẳng còn đầu óc đâu nghĩ tới việc đấu tranh các việc làm sai trái của ông Trọng, thậm chí chấp nhận phương án rời bỏ chính trường, bỏ mặc các động thái của ông Trọng và nhóm cơ hội của ông ta. 

Những diễn biến trong Bộ Chính trị trên đây có ảnh hưởng lớn đến các Ủy viên TW, họ đang lựa chọn phương án nào an toàn nhất cho bản thân. Một số ý lên tiếng phản biện thì các ban của Đảng và các đồng chí cấp cao cho là người của ông này ông kia. Việc họ chấp nhận thông qua một số Nghị quyết mất dân chủ do ông Nguyễn Phú Trọng áp đặt cũng là do tình trạng nêu trên. 

Đến đây thì ta có thể hiểu được vì sao ông Nguyễn Phú Trọng và số cơ hội trong Đảng thao túng được tình hình nhân sự trong Đảng theo ý đồ của họ. Vậy làm thế nào để ngăn chặn được những việc làm mất dân chủ của ông Nguyễn Phú Trọng? Tôi hoàn toàn tán thành với những kiến nghị được nêu trong các bài viết góp ý với Đảng với Đại hội của các cá nhân và tổ chức về cần một thái độ đúng đắn của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành TW nhưng như thế vẫn chưa đủ. Theo tôi, Ban Chấp hành TW cần thảo luận để kiên quyết kiến nghị việc cho phép giới thiệu thêm nhân sự cho các chức danh quan trọng tại các kỳ Hội nghị Trung ương và Đại hội, như thế mới đảm bảo sự dân chủ trong bầu cử, ứng cử đã được xác định trong điều lệ Đảng.  

Ủy ban Kiểm tra TW là cơ quan độc lập với Ban chấp hành TW và Bộ Chính trị thì phải cần thể hiện hết trách nhiệm của mình trong công tác kiểm tra, theo đó, phải tiến hành kiểm tra ngay quy trình làm nhân sự của ông Nguyễn Phú Trọng, đồng thời yêu cầu những nhân sự có quá nhiều vấn đề tiêu cực dư luận đã nêu ra phải kiểm điểm giải trình như ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm và công bố cho Ban Chấp hành biết trước khi vào Đại hội.

 

Nguyễn Đông Sương (Cán bộ nghỉ hưu)

 

(Ý kiến Đảng viên về Đại hội XII)


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire