Trang

11/02/2016

Địa chính trị thế giới 2016 và/với Việt Nam


  Đinh Hoàng Thắng

Chủ nhật, 07 Tháng 2 2016 02:15

Bính Thân về, trong tâm tưởng ai chẳng mong đợi các dự báo có nhiều gam màu sáng cùng tân xuân. Nhưng qua thông điệp đầu năm từ các nguyên thủ quốc gia, đặc biệt lướt nhanh bản quyết toán thường niên của kinh tế-chính trị thế giới, chẳng mấy nhà bình luận thời cuộc nào cảm thấy lạc quan khi Xuân sang.
 


 “Liệu chúng ta sẽ đối mặt với những lựa chọn của thời đại này với nỗi sợ hãi, để rồi cả nước lại tụt hậu và quay sang đấu đá lẫn nhau? Hay chúng ta sẽ hướng tới tương lai với tất cả sự tin tưởng vào chính mình, tự tin vào những giá trị mà chúng ta đấu tranh để gìn giữ và tự tin vào những điều phi thường mà chúng ta có thể làm được cùng nhau?”[1] Với những lời gan ruột từ thông điệp liên bang cuối cùng trong tư cách là người đứng đầu hành pháp, ở đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama dường như không chỉ đơn thuần nói với công dân Mỹ. Còn Tổng thống Nga V. Putin, bằng chất giọng ai oán, như một người tình bị phụ bạc khi ông ca thán về mối quan hệ Nga-Thổ, cũng trong thông điệp liên bang: “Có lẽ chỉ có thánh Allah mới biết Thổ hành động như vậy để làm gì. Và có lẽ thánh Allah đã quyết định trừng phạt những người cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách làm cho họ mất hết trí khôn và sự tỉnh táo.”[2] Lời đe dọa này, hơn cả một biểu tượng, khiến mọi quốc gia, không kể lớn hay nhỏ, đều phải tính đến các hiểm họa địa-chính trị trong năm tới đối với các mối bang giao quốc tế.

Thời đại cuốn màn sương

Nhưng có lẽ cú sốc lớn nhất lại đến từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phải đối mặt với sự khởi đầu tồi tệ chưa từng có ngay trong những ngày đầu năm 2016, khi toàn thị trường bốc hơi hơn 7% giá trị và buộc phải đóng cửa[3]. Thị trường chứng khoán với số lượng vốn hóa lên tới 7,1 nghìn tỉ USD của Trung Quốc có sự khởi đầu đầy u ám như thế trong những ngày mở cửa, sau khi số liệu thống kê cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp của nước này giảm tháng thứ 5 liên tiếp. Theo Tổng Cục thống kê Trung Quốc, tăng trưởng của kinh tế nước này năm 2015 chỉ đạt 6,9%, mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Như thế kinh tế Trung Quốc có nguy cơ “hạ cánh cứng”, được hiểu là nền kinh tế của một nước chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp và sau đó sẽ suy thoái. Đấy là chưa kể đến những lây lan khác có thể xảy như giai đoạn khủng hoảng châu Á những năm 1997-1998. Để đối phó với khủng hoảng trong nước, Trung Quốc có thể thổi phồng chủ nghĩa dân tộc cực đoan và leo thang tranh chấp trên vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Nếu điều này xảy ra thì chuyện sụp đổ thị trường chứng khoán chỉ là chuyện nhỏ.

Những năm qua, Trung Quốc luôn tự cho rằng, với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc có những ưu điểm vượt trội thiên hạ. Đó là lý do để Trung Quốc đòi mình phải “trỗi dậy” ngang tầm Âu-Mỹ và đưa ra luật chơi khác cho thế giới để thay thế trật tự hiện nay, từ vùng Đông Á trở đi. Trong khi đó, cũng chính tại thông điệp liên bang, khi nói về tương lai của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP), Tổng thống Obama đã tuyên bố thẳng thừng: với Hiệp định TPP, từ nay Hoa Kỳ vẫn là người đề ra luật chơi, chứ không phải Trung Quốc. Có thể có hai điểm trong tuyến bố của ông Obama khiến không chỉ một mình Trung Quốc phải suy nghĩ. Thứ nhất, “Hoa Kỳ hiện là nước mạnh nhất trái đất. Chấm hết! Nói thế vẫn chưa sát. Chúng ta chi tiền cho quân đội nhiều hơn 8 nước tiếp theo cộng lại”. Thứ hai, các khảo sát đều cho thấy, “vị thế của nước Mỹ trên thế giới cao hơn so với thời điểm tôi được bầu vào chức vụ này và khi nói đến các vấn đề quốc tế quan trọng, mọi người trên thế giới không trông chờ Bắc Kinh hay Mátxcơva lãnh đạo. Họ mời gọi chúng ta!”[4] Ông Obama khẳng định không úp mở.

So sánh như vậy để chúng ta hình dung ra các đợt sóng ngầm địa-chính trị trong khu vực cũng như trên thế giới vào năm tới. Cuộc chiến tranh lạnh hay nền hòa bình nóng sẽ đến với bang giao Mỹ-Trung? Trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc đề xướng mô hình “quan hệ cường quốc kiểu mới”, vừa nhằm thuyết phục Mỹ đừng “ngăn chặn” Trung Quốc trỗi dậy, vừa muốn đạt được vị thế ngang ngửa với Mỹ, qua đó phân chia khu vực ảnh hưởng với Washington. Chính các nước Đông Nam Á đang hết sức lo lắng trước viễn tượng này. Điều ASEAN quan ngại nhất trong những năm tới là, hai nước Mỹ và Trung Quốc liệu có trượt sang cách tiếp cận vấn đề theo kiểu: hoặc anh theo tôi hoặc anh chống lại tôi như chính Ngoại trưởng Singapore Shanmugam từng cảnh báo[5]. Bởi vì các nước ASEAN nhận thấy rằng, Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng và cứng rắn hơn trong các tranh chấp biển và lãnh thổ với láng giềng, mà ví dụ tiêu biểu là hàng loạt các vụ tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản, Việt Nam và các thành viên ASEAN khác. Điều này làm lộ diện xu thế chung trong chính sách đối ngoại của tập đoàn Tập Cận Bình, trong đó, nhà lãnh đạo đầy quyền uy này muốn giương cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc Đại Hán để tìm kiếm sự ủng hộ của người dân trong bối cảnh tính chính danh trong nước của ĐCSTQ ngày càng bị thách thức.

Việc năm tới Mỹ có thể quyết đoán hơn ở Biển Đông hay không tùy thuộc vào hai yếu tố: 1) Thái độ và chính sách của Trung Quốc; 2) Phản ứng của các quốc gia Đông Nam Á trong ASEAN. Một mặt, nếu không có gì đặc biệt xẩy ra, tới đây Mỹ sẽ tiếp tục củng cố thế và lực của mình trên dãy đảo thứ nhất, từ Guam đến eo biển Malacca, tức là vòng ngoài của Biển Đông. Mặt khác, Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ quốc phòng với các đối tác khác, đồng thời vừa cạnh tranh, vừa cộng tác với Trung Quốc, với mục đích là cố gắng tối đa để Trung Quốc không hoàn toàn độc chiếm Biển Đông, gây cản trở lưu thông và an toàn trên biển. Năm bầu cử dĩ nhiên có ảnh hưởng tới các quyết tâm của Mỹ, bởi vì buộc các chính khách phải dồn tất cả cố gắng của mình vào cuộc chạy đua và bớt đi sự chú ý trên những vấn đề khác, trừ những vấn đề thật nóng cần phải giải quyết. Nhưng nếu nhìn vào dàn lãnh đạo mới, dù ai lên làm Tổng thống, thì chính sách đối với Trung Quốc đều sẽ mạnh mẽ hơn chính quyền hiện nay.

Theo nhiều dự báo, rồi đây “ngọn lửa Prômêtê” huyền thoại sẽ tiếp tục chiếu sáng qua các thung lũng, từ vùng núi Mỹ-La tinh hẻo lánh và xa xôi đến tận vành đai Thái Bình Dương đông đúc và gần gũi. Cu Ba, Venezuela, cả Myanmar, Đài Loan lẫn Hong Kong nữa… Phải chăng không một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào bị dân chủ bỏ rơi nếu nó thực sự có ý thức vun trồng và chờ ngày đơm hoa kết trái. Lần đầu tiên, một phụ nữ Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi đã đưa đất nước tiến lên con đường chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Cũng lần đầu tiên, một phụ nữ Đài Loan, bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), biểu tượng cho sức mạnh bền bỉ qua nhiều năm tháng đã được người dân chọn vào vị trí quyền lực cao nhất xứ sở thông qua phổ thông đầu phiếu. Tốt nghiệp Đại học Quốc gia Đài Loan, theo học tiếp tại Đại học Cornell Hoa Kỳ, rồi sang Anh làm luận án Tiến sĩ tại London School of Economics năm 1984, bà Thái đã tiến lên đỉnh cao không dựa vào lý lịch gia đình, mà bằng chính năng lực của bản thân. Tuy nhiên, dân chủ dù thành tựu ở góc trời nào thì cũng không phải là bữa trưa miễn phí! Như các cuộc chiến chồng lấn hiện nay ở Trung Đông cho thấy, dân chủ nhiều khi đùa bỡn chúng ta với sự đối lập giữa lý tưởng và hiện thực của nó, giữa các khả năng huy hoàng và những thành tựu thảm bại[6]. Dù sao mặc lòng, thời đại đã cuốn màn sương!

Trong nguy có cơ…

Với Việt Nam, bước sang Bính Thân này, câu hỏi đặt ra là địa – chính trị thế giới liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào, liệu đà củng cố và tăng cường quan hệ Mỹ-Việt trong năm 2015 vừa qua có được duy trì tiếp tục hay không. Ngay vào những ngày đầu năm, một số tín hiệu theo chiều hướng tích cực đã được phát ra, cho thấy là khả năng bang giao giữa Mỹ với Việt Nam nói riêng, với khối ASEAN nói chung, sẽ được tăng cường và củng cố thêm. Đối với Việt Nam, theo nhật báo Mỹ New York Times ngày 2/1, một chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng Năm tới là điều có thể diễn ra. Còn đối với Đông Nam Á, thì vào ngày 15 và16 tháng Hai sắp đến, một Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN sẽ mở ra tại California, Hoa Kỳ. Cho dù vậy, cũng có phân tích cho rằng đà thúc đẩy quan hệ Mỹ-Việt có thể sẽ gặp một số lực cản do việc Tổng thống Obama, một người rất quan tâm đến việc khôi phục vai trò của Mỹ tại Châu Á sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ hai của mình. Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ, theo thông lệ, sẽ có tác động trì hoãn các hoạt động đối ngoại của nước Mỹ.

Hẳn nhiên là sau Đại hội XII, Việt Nam sẽ lần lượt bầu lên cả một ban lãnh đạo mới, từ đảng, chính quyền đến quốc hội và chắc chắn sẽ tiếp tục kiên định chính sách đối ngoại tự chủ – đa phương đã được xác lập. Theo GS. Nguyễn Mạnh Hùng[7], trong bối cảnh thay đổi nhân sự ấy, có 5 nội dung liên quan đến các chuyển động trong quan hệ Việt-Mỹ đầy duyên nợ sẽ được thế giới quan sát kỹ: 1) Vấn đề được quan tâm nhất là chính sách của Việt Nam như thế nào trong tam giác chiến lược Mỹ-Hoa-Việt. 2) Mức độ hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ sẽ đi đến đâu? Việt Nam sẽ làm gì để gia tăng hợp tác đó và Mỹ giúp Việt Nam tăng cường năng lực phòng thủ đến mức độ nào? Liệu Mỹ có bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí hay không? 3) Việc ký kết và thi hành Hiệp định TPP sẽ mang lại kết quả nào? Mỹ giúp Việt Nam đến đâu? và Việt Nam sẽ đổi mới đến đâu? TPP có giúp Việt Nam bớt lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc hay không? 4) Thái độ của Việt Nam nhân kỳ họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Sunnylands (California-Hoa Kỳ) vào tháng 2/2016 sẽ ra sao? và 5) Chuyến thăm của ông Obama tới Việt Nam liệu có diễn ra hay không (Việt Nam và Lào là hai nước Đông Nam Á duy nhất ông Obama chưa tới thăm)? Và nếu diễn ra thì kết quả chuyến thăm đạt đến mức độ nào?

Vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngõ cho quan hệ Việt – Mỹ trong năm tới. Tuy nhiên, trên cấp độ khu vực, trang mạng Diplomat ngày 17/1 đã đăng tải các khuyến nghị cho rằng, Mỹ nên thực hiện các nhóm giải pháp để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông[8]. Các nhóm giải pháp này được đưa ra trên cả ba bình diện: ngoại giao, kinh tế và quân sự. Các khuyến nghị nhấn mạnh các biện pháp tổng hợp nhằm nâng cấp quan hệ ngoại giao với một số nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, lên cấp đối tác chiến lược. Một khi quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập thì “lòng tin chiến lược” sẽ được nâng cao và đồng thời mở ra cơ hội cho việc hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Về kinh tế, Mỹ cần hỗ trợ cho các công ty sản xuất dầu mỏ trong việc lập ra các liên doanh để khai thác tại các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước có cùng tuyên bố chủ quyền. Bằng cách làm như vậy, Mỹ không chỉ tăng cường cam kết cao với các nước trong khu vực mà còn làm suy yếu các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Đối với quan hệ kinh tế Việt – Trung, việc Bắc Kinh phá giá và mở ra trận chiến ngoại tệ với các bạn hàng của mình trong năm ngoái là một cơ hội cảnh tỉnh đối với Việt Nam. Sau biện pháp chống đỡ mau lẹ là cũng mở rộng biên độ giao dịch, nhà nước Việt Nam nên có những biện pháp và kế hoạch giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng tiêu cực từ nền kinh tế Trung Quốc một cách bài bản. Thứ nhất là nên bít lỗ hổng trong luồng giao dịch với Trung Quốc, như loại tiểu ngạch hay ngoại ngạch mậu biên, mà thực chất là buôn lậu. Thứ hai là thiết lập chiến lược kinh doanh nhằm kéo Việt Nam ra khỏi tình trạng làm gia công cho Trung Quốc để xuất cảng nguyên nhiên vật liệu của Trung Quốc dưới dạng “hàng chế biến tại Việt Nam”, và như vậy là phải tìm nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu khác để thay thế. Thứ ba, trong chiều hướng đó, cố gắng đẩy mạnh cải cách, sau khi ký kết gia nhập Hiệp định TPP trong năm tới. Khi đã gia nhập thì đừng làm “con ngựa thành Tơ-roa cho Trung Quốc”, tức là tiếp tục làm gia công để bán hàng của Trung Quốc cho 11 thành viên còn lại trong TPP dưới cái nhãn “Made in Vietnam”[9].

*

Một nội dung trong Báo cáo Chính trị của Đại hội XII là “chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hoá dân tộc; hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hoá”[10]. Xem vậy có thể thấy trong nguy có cơ và ngược lại. Việc thị trường chứng khoán Việt Nam “hoảng loạn, rơi thẳng đứng” sau 11 phiên giao dịch đầu năm với thiệt hại ước hàng tỷ USD, trái với dự đoán của các báo cáo 5 năm từ VnIndex, cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực trong và ngoài nước đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Cũng dịp này, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sỹ) đang bàn những vấn đề mang tầm toàn cầu, trong đó chủ đề chính là “Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”[11]. Đây sẽ là sự kết hợp của nhiều loại công nghệ, từ thông minh nhân tạo, quá trình số hóa đến cách mạng sinh học… Vấn đề đại bức xúc giờ đây là phải đưa Việt Nam chuyển sang thời kỳ phát triển mới, với chất lượng phải hoàn toàn khác trước trong một thế giới thách thức và thời cơ đan xen quyết liệt. Sau 30 năm Đổi Mới, đất nước cần thoát khỏi tình trạng tụt hậu để vươn lên trở thành một quốc gia phát triển.

Từng đóng vai trò như một “bộ cảm biến” trong tiến trình xác định thế cân bằng tại khu vực, Việt Nam giờ đây phải tìm cách thoát khỏi thế lưỡng nan – “trên đe dưới búa” trước khi “cuộc chơi địa-chính trị” của các cường quốc trong khu vực có thể có chuyển làn. Vì vậy, cải cách để phát triển trở thành mệnh lệnh sống còn. Vì an ninh và phát triển của chính mình, con tàu Việt Nam, một lần nữa cần những tay lái vững để vươn khơi. Và chúng ta lại tiếp tục hy vọng… Bởi vì, không thể sống mà không có niềm tin và hy vọng, dù trong những tháng ngày khó khăn nhất./.

Đinh Hoàng Thắng

*********

Nguồn:






[5] http://www.straitstimes.com/asia/se-asia/adroit-diplomacy-needed-to-tackle-pressure-from-big-powers Foreign Minister K. Shanmugam said: While Singapore enjoys good relations with China as well as Japan and the US, I’m not sure if we have the luxury of space as we had in the past of being friends with everyone. In the next few years, because of their competition, they, as major powers are wont to do, will soon be talking to us in terms of either you’re “with us” or “against us”.

[6] Democracy forever teases us with the contrast between its ideals and its realities, between its heroic possibilities and its sorry achievements (Agnes Repplier, 1855-1950, nhà văn Mỹ)





[11] Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ nhất bắt đầu tại Anh vào cuối thế kỷ 18, với sự ra đời ngành công nghiệp dệt. CMCN lần thứ hai bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, khi Henry Ford phát minh ra những “cỗ máy biết đi” với động cơ đốt trong, mởđường cho sản xuất hàng loạt. CMCN lần thứ ba là quá trình số hóa sản xuất, nó thay đổi không những hoạt động kinh doanh, mà còn nhiều vấn đề chính trị-xã hội khác nữa (WIKI).

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire