Trang

20/02/2016

Quốc tế nói về Chiến tranh Biên giới năm 1979

Lê Hùng (dịch )


 (Hồ sơ) - Mấy lời giới thiệu của người dịch

Cách đây đã lâu, giới phóng viên nước ngoài thường trú tại Hà Nội có tiến hành một cuộc thăm dò nhỏ trong giới với câu hỏi “Ai trong số các phóng viên nước ngoài trong các giai đoạn lịch sử quân sự từ các năm 40 đến các năm 70 của thế kỷ XX đã viết đầy đủ nhất, nhiều nhất và khách quan nhất về các sự kiện ở Đông Dương?”.

Có 4 người được lựa chọn là: Nữ nhà báo Pháp M. Riffo, nhà báo Úc R. Burchett và 2 phóng viên chiến trường Nga là I. Shedrov và M. Ilinski. Năm 2000, M.Ilinski là viện sỹ của 3 Viện hàn lâm Nga và thế giới, 3 người còn lại đều đã mất.
 

Nhân tháng hai, xin trích dịch một phần nhỏ nói về cuộc chiến này của M.Ilinski trong quyển hồi ký “Đông Dương, đống tro tàn của bốn cuộc chiến tranh” của ông do nhà xuất bản “Veche” Matxcova ấn hành năm 2000 thuộc seri sách “Những bí mật quân sự thế kỷ XX”. Xin nói thêm là M.Ilnski là người đã trực tiếp có mặt tại chiến trường biên giới phía Bắc suốt thời gian chiến sự. Do dịch từ tiếng Nga nên một số địa danh và tên rất có thể không chính xác, kính mong bạn đọc thông cảm và bổ sung.
 
 


Phần mở đầu của tác giả

Các phóng viên nước ngoài thường trú tại Hà Nội được triệu tập đến Vụ báo chí Bộ ngoại giao Việt Nam (không rõ ngày tháng –ND). Tại đây, một từ khủng khiếp lại được nhắc đến: “Chiến tranh!”. Các phóng viên được thông báo:

“Cần phải chuẩn bị sẵn sàng để làm việc tại các trận địa chiến đấu. Các gia đình (của các phóng viên) cần phải sơ tán ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Những ai không kịp sơ tán cần chuẩn bị đổ đầy xăng vào xe để chí ít cũng chạy được khoảng 700 km”. Con trai tôi (Ilinski) là Vasili lúc ấy mới 8 tuổi không có ý định sơ tán. Không những thế, cậu còn đòi cấp cho cậu một khẩu súng ngắn. Quả là một chàng trai thực sự. Nhưng dĩ nhiên, không ai cấp súng cho cậu.
 

1.     Khiêu khích tại khu vực biên giới
 

Từ đầu tháng 8/1978, khi các cuộc đàm phán cấp thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề Hoa kiều bắt đầu được tiến hành, chính quyền Trung Quốc cũng đồng thời bắt đầu tăng cường các hoạt động khiêu khích quân sự chống Việt Nam trên suốt dọc tuyến biên giới Trung- Việt.

Thực ra, các hành động xâm nhập biên giới đã được phía Trung Quốc tiến hành một cách có hệ thống ngay từ năm 1974. Năm 1975, đã có tới 294 lần các nhóm vũ trang Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Việt Nam.

Năm 1976, con số các vụ vi phạm đường biên giới là 812, năm 1977- là 873 và đến năm 1978, con số trên đã là 2.175 vụ. Tháng 1/1974, Lực lượng vũ trang Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Năm 1978, số vụ quân đội Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam tăng lên từng ngày.

Hoạt động gián điệp, khiêu khích quân sự, phá hoại kinh tế, đe dọa dạy cho “ Việt Nam vô ơn một bài học”, kêu gọi Hoa kiều rời Việt Nam- đây là tất cả những biện pháp phá hoại (nhiều mặt) mà các cơ quan đặc biệt Trung Quốc sử dụng để chống Việt Nam. Họ đã chuẩn bị chiến tranh như thế đấy.
 

2. Trích từ thông báo của Bộ tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam
 

“ Ngày 10, 15 và 23/8 năm 1978, các cơ quan đặc biệt (tình báo) Bắc Kinh đã điều hàng trăm tàu đánh cá Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Việt Nam tại khu vực các đảo thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh), Bình Trị Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế) ngăn cản ngư dân Việt Nam hành nghề và đe dọa an ninh Việt Nam. Các máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận Việt Nam tại các tỉnh Quảng Ninh và Cao Bằng”.
 

3.     Trích từ sổ tay công tác (của M.Ilinski)
 

Thứ hai 24/10 (1978). Tại khu vực biên giới tỉnh Hoàng Liên Sơn, lính Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động trinh sát vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam, bắt cóc công dân Việt Nam.

Thứ năm 22/12. chính quyền Trung Quốc đơn phương chấm dứt việc vận chuyển hành khách và hàng hóa theo tuyến đường sắt quốc tế nối Trung Quốc với Việt Nam. Lý do được đưa ra là: "tuyến đường sắt khu vực biên giới trên lãnh thổ Trung Quốc bị hư hỏng nặng và gây nguy hiểm cho việc vận hành các đoàn tàu”. Thực ra đây chỉ là cái cớ để che đậy chính sách chống Việt Nam của giới cầm quyền Trung Quốc.

Thứ năm 28/12. Lực lượng khiêu khích Trung Quốc đã tấn công làng Lũng Nội ( ?? ) và đã sát hại một lính biên phòng Việt Nam.

Chủ nhật 31/12. Các phóng viên và các nhà ngoại giao, tập trung đón tết tại khách sạn “ Bờ Hồ” ven Hồ Hoàn Kiếm đều cho rằng chiến tranh là không tránh khỏi. Họ chỉ không thống nhất được với nhau về thời điểm bắt đầu chiến tranh. Có người còn đưa ra thời điểm cụ thể: giữa tháng hai năm 1979.

Thứ hai, 8/01/1979. Một tàu vận tải Trung Quốc có lượng giãn nước 40 tấn đã xâm nhập sâu vào lãnh hải Việt Nam tại khu vực đảo Trà Cổ huyện Móng Cái. Lính biên phòng Việt Nam yêu cầu tàu ngay lập tức ra khỏi lãnh hải Việt Nam. Nhưng tàu này không những không chấp hành mà còn bắn về phía lính biên phòng Việt Nam. Đến 11 giờ thì có thêm 2 tàu quân sự Trung Quốc đến hỗ trợ cho con tàu trên. Liệu đây có phải là một “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” mới như CIA đã từng tiến hành năm 1964?

Thứ bảy 11/01. Vào lúc 5 giờ sáng, lính Trung Quốc xâm nhập sâu đến 500 m vào lãnh thổ Việt nam ở tinh Móng Cái, 01 công nhân Việt Nam bị giết hại và 2 người khác bị thương nặng. Lính Trung Quốc cũng bắt đi một nữ công nhân lâm trường.

Thứ bảy 27/01. Những kẻ khiêu khích Trung Quốc đã xả súng vào lính biên phòng và dân thường Việt Nam tại tỉnh Hoàng Liên Sơn. 3 chiến sỹ biên phòng Việt Nam bị thương nặng.

Chủ nhật 28/01. Phát hiện Trung Quốc tập trung đông quân ở khu vực Móng Cái tỉnh Quảng Ninh. Những kẻ khiêu khích ném lựu đạn và tung hàng nghìn truyền đơn.

Thứ hai 29/01. Hơn 150 lính Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Việt Nam qua cửa “Hữu Nghị” tại tỉnh Lạng Sơn. 10 g30, những kẻ xâm nhập bắt đầu bắn đạn cối và súng máy. Một số lính biên phòng Việt Nam bị thương. Lính biên phòng Việt Nam buộc phải nổ súng bắn trả và đánh bật các kẻ xâm nhập sang bên kia biên giới.

Thứ ba 30/01. Trong thời gian “Tết” (cả Việt Nam và Trung Quốc đều đón tết âm lịch), những kẻ khiêu khích Bắc Kinh vẫn không chấm dứt các hành động xâm nhập vũ trang, bắn phá các điểm dân cư trên dọc toàn bộ tuyến biên giới. Tại các đèo, các cửa qua lại trên biên giới, phía Trung Quốc bố trí rất nhiều các loa phóng thanh và phát nhiều lần trong ngày, nội dung: dọa dẫm dân chúng Việt Nam là sẽ phát động chiến tranh và trừng phạt “bọn Việt Nam vô ơn”. …..

Thứ ba, 06/02 . Một đại đội lính Trung Quốc tấn công một đồn biên phòng gồm 13 lính biên phòng Việt Nam. 3 chiến sỹ biên phòng hy sinh, 6 bị thương và 3 bị bắt đưa về Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên một sự việc như vậy xảy ra tại tinh Lai Châu.

Mười một ngày sau đó, rạng sáng ngày 17/02/1979, Trung Quốc tấn công Việt Nam.

Trung Quốc chọn thời điểm ngày 17/02 không phải là ngẫu nhiên. Bắc Kinh đã hoàn thành công tác chuẩn bị chính trị- tâm lý và quân sự. Không những thế, còn tiến hành thăm dò ngoại giao. Trước đó, Đặng Tiểu Bình đã có chuyến thăm Washington và Tokyo.

Trung Quốc muốn trừng phạt Việt Nam vì sự sụp đổ của chế độ Polpot; nắn gân lực lượng phòng thủ biên giới của Việt Nam, và nếu có thể được thì tiến thẳng vào Hà Nội; một lần nữa đưa ra đòi hỏi về lãnh thổ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 

4. Thông tin bổ sung để biết và suy ngẫm (cũng của tác giả M.Ilinski)
 

Trong thời kỳ thuộc địa, cả 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đều là lãnh thổ của xứ Đông Dương thuộc Pháp. Tại các nơi đó đã có các đơn vị đồn trú bảo vệ do lính Việt Nam đảm nhiệm. Năm 1927, con tàu “ De Lanessan (Pháp) đã đưa một đoàn thám hiểm- tìm kiếm Pháp đổ bộ lên quần đảo Trường Sa.

Năm 1930, với sự có mặt của tàu tuần tiễu La Malises, quần đảo Trường Sa chính thức thuộc quyền quản lý của Pháp. Năm 1933, sau chuyến thám hiểm do 3 tàu Pháp tiến hành, Pháp chính thức tuyên bố chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Sau đó, Trường Sa được sát nhập vào tỉnh Ba Rịa, còn trên đảo Thái Bình, Pháp đã xây dựng một trạm khí tượng

Vào năm 1951, tại Hội nghị San Fransisco, các bên tham dự Hội nghị đã công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đó mấy năm, khi Pháp rút quân viễn chinh ra khỏi Việt Nam, chính phủ Sài Gòn đã thành lập các cơ quan chính quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ năm 1961, về mặt hành chính Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Quảng Nam của Cộng hòa Việt Nam. Việt Nam đã tiến hành kiểm soát, thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên trên cả 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trong tuyên bố ngày 30/12/1978, Bộ ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tái khẳng định là Hoàng Sa và Trường Sa là phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.
 

5. Một vài ý kiến của các nhà nghiên cứu và dư luận Mỹ (do tác giả trích)
 

Giáo sư R.Hager thuộc Trường đại học Jacson ( Mỹ), trong thời gian chiến tranh (chống Mỹ) là sỹ quan tình báo Không quân Mỹ trực tiếp tham chiến tại chiến trường Việt Nam khẳng định rằng: theo các dữ liệu của Tình báo Không quân và Lục quân Mỹ thì Trung Quốc đã lấy hết những loại vũ khí tốt nhất (mà Liên Xô) cung cấp cho Việt Nam quá cảnh qua Trung Quốc.

Những ví dụ cụ thể: Trung Quốc đã biển thủ các tên lửa Liên Xô cung cấp cho Việt Nam để đánh trả các cuộc không kích của Không quân Mỹ. Bằng những hành động trên, theo nhận xét của R. Hager, Trung Quốc đã bán đứng Việt Nam, chứ không phải là “dành cho Việt nam sự giúp đỡ vô tư hào phóng” như vẫn thường rêu rao.

Theo tờ “Christian Science” ( Mỹ) thì Trung Quốc đã tìm mọi cách để ngăn cản Việt Nam đấu tranh chống lại các âm mưu của Mỹ phá hoại Hiệp định Paris. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã khuyến cáo Mỹ không nên rút quân ra khỏi Đông Nam Á.
 

6. Vài nhận xét của tác giả
 

Tiến hành một cuộc phiêu lưu quân sự chống Việt Nam, các nhà cầm quyền Trung Quốc đã để lộ bộ mặt thật là những kẻ thừa kế tư tưởng bành trướng Đại Hán, ép nước này thay đổi đường lối chính trị, dọa dẫm Lào, ủng hộ lực lượng Polpot còn sót lại ở Căm Pu Chia. Đây là ba mục tiêu chính của cuộc chiến chống Việt Nam.

Chiến tranh đã kéo dài một tháng, kết thúc bằng thảm bại của Trung Quốc cả về chính trị lẫn quân sự. 1/10 số lính Trung Quốc (trong số 600.000 quân tham chiến) đã bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Cuộc chiến này cũng làm lộ rõ bộ mặt thật của những kẻ xâm lược. Trong thời gian từ 17/02 đến 18/3, lính Trung Quốc đã giết và làm bị thương hàng trăm trẻ em Việt Nam, cắt cổ tất cả các thành viên của nhiều gia đình. Tôi (Ilinski ) thường liên tưởng tới vụ thảm sát Sơn Mỹ. Trong suốt thời gian xảy ra chiến sự, tôi (Ilinski) đã có mặt trên tuyến biên giới Việt- Trung (và được trao tặng giải thưởng của Hội nhà báo Liên Xô vì những bài phóng sự viết tại đây).

Và đây là những gì tôi đã chứng kiến:

Lính Trung Quốc đã giết 43 phụ nữ và trẻ em, thiêu sống 27 người ở Cao Bằng. Xóa sổ 164 làng, phá hủy 25 hầm mỏ, 55 xí nghiệp công nghiệp (trong số 68 xí nghiệp bị chúng tấn công). Các hầm mỏ khai thác apatit và thiếc có ý nghĩa kinh tế quan trọng bị hư hại nặng. Phá hủy hoàn toàn xí nghiệp dệt ở Lào Cai.

Mạng lưới giao thông ở phía Bắc Việt Nam bị hư hại nặng. Các cầu, công trình thủy lợi, 10 nhà máy thủy điện và các trạm bơm nước đều bị phá hỏng hoặc phá hủy; lính Trung Quốc dùng mìn đánh hỏng 90 km đường sắt. Phá hủy và cướp 500 xe ô tô, 20.000 con trâu bò và ngựa, đốt 34 khu rừng , thiêu trụi hàng nghìn hecta rừng ở Lai Châu, Hà Tuyên, Cao Bằng, Quảng Ninh và Lạng Sơn.

Trung Quốc khởi động chiến tranh vào mùa gieo cấy vụ xuân, chính vì vậy mà nông dân không thể trồng trọt được trên 85.000 hecta đất canh tác. Bọn xâm lược đã ăn cướp của nông dân gạo và các loại lương thực khác, dụng cụ sinh hoạt gia đình, thậm chí cả khung cửa sổ và cánh cửa.

Trong 6 tỉnh phía bắc Việt Nam đã có 45.000 ngôi nhà ở nông thôn và 600.000 m2 nhà ở tại các thành phố thị xã bị phá hủy. 350.000 người sống cảnh màn trời chiếu đất. Phá hủy 32 trường chuyên nghiệp, hơn 900 trường phổ thông; 180.000 học sinh không được đến trường; tài sản của 428 bệnh viện, trạm y tế và hiệu thuốc bị chúng cướp đi.

Thêm một nỗi đau riêng của giới làm báo. Ngày 7/3/1979, tại Lạng Sơn, người đồng nghiệp, đồng chí và là người bạn rất thân của tôi – phóng viên Nhật Bản Isao Takano đã bị sát hại.

Một viên đạn bắn tỉa của lính Trung Quốc đã bắn xuyên thái dương từ phải sang trái của Takano. Tôi là người cuối cùng nhìn thấy Takano còn sống trên mặt trận. Chính tôi đã đưa xác anh vào xe. (sau này, nhà nước Việt Nam đã truy tặng I. Takano huấn chương “ Hữu nghị” (chú thích là của tác giả).
 

 
7. Bọn xâm lược đã bị đánh trả đích đáng như thế nào
 

Sáng sớm ngày 19/3/1979. Phòng trực trụ sở báo “ Izvestia” tại Hà Nội vang lên tiếng chuông điện thoại. Trực ban Vụ báo chí Bộ ngoại giao Việt Nam thông báo là chiều nay, vào lúc 14 h, tại Câu lạc bộ quốc tế sẽ diễn ra cuộc họp báo do tướng Cao Văn Khánh, Phó tổng tham mưu trưởng QĐNDVN chủ trì phân tích kết quả tình hình quân sự từ 17/2 đến 18/3.

Có lẽ chưa bao giờ tại Câu lạc bộ quốc tế Hà Nội lại tập trung nhiều phóng viên nước ngoài đến như vậy. Có cả những phóng viên tự xưng là trung lập vừa bay đến Việt Nam để dự cuộc họp báo này, nhưng có lẽ không khó để nhận ra rằng, trong một chừng mực nào đó, các phóng viên nói trên có “quan hệ” với các cơ quan đặc biệt Mỹ và Trung Quốc.

Mở đầu cuộc họp báo, tướng Cao Văn Khánh đưa ra một số đánh giá về khía cạnh chính trị của cuộc xâm lược của Trung Quốc…

Tuy mới chỉ có bộ đội biên phòng, bộ đội địa phương, dân quân và toàn bộ nhân dân vùng biên giới tham chiến đánh trả bọn bành trướng xâm lược vàViệt Nam chưa đưa bộ đội chủ lực vào tham chiến (chữ in nghiêng là của tác giả -ND) nhưng đã làm cho địch phải chịu những thất bại nặng nề .

Trong ba mươi ngày đêm chiến sự cực kỳ khốc liệt, quân dân Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 tên xâm lược (hơn 1/10 lực lượng tham chiến), xóa sổ 3 trung đoàn và 18 tiểu đoàn, bắn cháy 550 xe chiến đấu, trong đó có 280 xe tăng và xe vận tải bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối, thu nhiều vũ khí và đạn dược. Bắt nhiều tù binh.

Một phóng viên Phương Tây yêu cầu làm rõ con số tù binh. Tướng Khánh chỉ về phía nhóm phóng viên truyền hình Mỹ và nói: “ Xin hãy hỏi họ. Họ mới ở một trại tù binh về. Chỉ riêng trong trại đó đã có 104 tù binh Trung Quốc”.

Phóng viên “ France Press” hỏi về nguyên nhân tại sao tốc độ xâm nhập của quân Trung Quốc lại chậm như vậy, và tại sao quân Trung Quốc chỉ có thể vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam tối đa là 10 đến 50 km. Tuy nhiên, sau đó ông đã tự nhận xét ngay tại cuộc họp báo là chiến dịch quân sự của Trung Quốc là một thất bại thảm hại cả về khía cạnh chính trị lẫn quân sự.

Khi xâm nhập Việt Nam, quân Trung Quốc cũng đi qua 30 eo núi và đèo mà hàng nghìn năm nay quân xâm lược Phương Bắc đã từng đi qua để tới đồng bằng Sông Hồng. Tính toán ban đầu của Trung Quốc là trong vòng 2 đến 3 ngày đêm sẽ quét sạch lực lượng biên phòng Việt Nam, chiếm Hoàng Liên Sơn mà không phải chịu tổn thất nào đáng kể .

Trung Quốc còn lên kế hoạch là tại các khu vực biên giới, nơi Trung Quốc đã cài cắm rất nhiều gián điệp, các dân tộc thiểu số sẽ nổi loạn chống chính quyền và đòi tách ra khỏi Việt Nam.

Thế nhưng bọn xâm lược đã thất bại trên tất cả các mặt. Tốc độ hành quân sâu vào nội địa không vượt quá 2 đến 3 km một ngày đêm. “ Biển người Trung Quốc” đã bị chững lại trước ý chí sắt thép của quân dân Việt Nam.

Bộ đội biên phòng, bộ đội địa phương, dân quân du kích đã đánh lùi quân xâm lược. Trung Quốc đã tung hơn 20 sư đoàn vào cuộc chiến và 1/10 trong số đó đã nằm lại trên đất Việt Nam, không vào sâu được quá 50 km (đấy là các nhóm biệt kích, còn lực lượng chủ lực chỉ tiến đến Phố Lu là tối đa- cách biên giới 34 km).

Tính toán về việc nhân dân các dân tộc thiểu số nổi loạn cũng không thành. Các cơ quan an ninh quốc gia , bộ đội biên phòng kết hợp với nhân dân địa phương đã bắt giữ bọn gián điệp. Nhân dân các dân tộc Việt Nam một lần nữa thể hiện ý chí thống nhất dân tộc.

“Đối với nhân dân Việt Nam, mỗi tấc đất của tổ quốc là thiêng liêng- tướng Khánh nói,- Kẻ thù sẽ không báo giờ có thể cướp được dù một mẩu đất của chúng tôi. Chúng tôi phải luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng đánh trả bọn xâm lược, nếu như chúng không từ bỏ các âm mưu bành trướng”.

Nhưng không nên nghĩ rằng, sau khi chịu thất bại mùa xuân năm 1979, giới lãnh đạo Bắc Kinh sẽ từ bỏ các kế hoạch bành trướng. Bắc Kinh vẫn tiếp tục đưa ra các lời đe dọa “dạy cho Việt Nam một bài học thứ hai”. Các đơn vị quân đội (Trung Quốc) được tăng cường ở khu vực biên giới, gồm cả các đơn vị tăng và pháo binh .
 
Thêm một nỗi đau riêng của giới làm báo. Ngày 7/3/1979, tại Lạng Sơn, người đồng nghiệp, đồng chí và là người bạn rất thân của tôi – phóng viên Nhật Bản Isao Takano đã bị sát hại.
Một viên đạn bắn tỉa của lính Trung Quốc đã bắn xuyên thái dương từ phải sang trái của Takano. Tôi là người cuối cùng nhìn thấy Takano còn sống trên mặt trận. Chính tôi đã đưa xác anh vào xe. (sau này, nhà nước Việt Nam đã truy tặng I. Takano huấn chương “ Hữu nghị” (chú thích là của tác giả).
 

 
8. Gieo gió…
 

Ngày 5/3/1979, Bắc Kinh tuyên bố bắt đầu rút quân. Còn nhớ vào thời kỳ căng thẳng nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam (chống Mỹ), khi một số quan chức Mỹ đã nhận thức được là không thể thắng trong cuộc chiến này, thượng nghị sỹ Mỹ J.Iken đã khuyên chính phủ Mỹ: “ Hãy tuyên bố với toàn thế giới là Mỹ đã thắng trong cuộc chiến và rút quân ra khỏi Việt Nam”. Rất tiếc là chính quyền lúc đó đã không nghe theo lời khuyên và sau này đã rất hối tiếc.

Có lẽ, lời khuyên của Thượng nghị sỹ Mỹ này rất có ích cho Bắc Kinh. Việc rút quân được tuyên truyền ầm ỹ như một thắng lợi của Trung Quốc. Báo “ Quang minh nhật báo” còn “chúc mừng” Quân đội (Trung Quốc) đã giành được “một chiến thắng lớn”.

Nhưng toàn thế giới đều biết rằng, Việt Nam chưa cần sử dụng quân chủ lực đã đập tan đội quân tấn công của Trung Quốc.
 
 

Lê Hùng (dịch )

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire