Trang

14/02/2016

Tự ứng cử trong chế độ toàn trị


Vũ Đông Hà


..."Đã nhiều năm tháng trôi qua với nhiều khổ đau chồng chất trên đất nước cong quằn chữ S này. Mỗi chúng ta mất quyền làm người và đất nước mất quyền tự chủ. Con đường tranh đấu lúc nào cũng thấp thoáng cửa lao tù. Nhưng vẫn nhiều người tiến bước, ngày đêm suy nghĩ các phương thức khác nhau và biến những suy tư thành hành động. Cho đến nay và đến khi nào chế độ độc tài còn cai trị thì những phương thức tranh đấu, những nỗ lực của mỗi người đều vẫn bị cho là những thất bại. Từ những thất bại đó, không ai có tư cách để nói rằng phương thức đấu tranh của mình là phương thức tốt nhất. Nhưng mỗi người đều tin vào phương cách của mình và hy sinh thì giờ, công sức, an lành bản thân để thực hiện và thuyết phục nhiều người đồng hành. Phương thức dễ thực hiện nhất là phương thức tự mình cặm cụi làm. Phương thức khó khăn nhất là phương thức thuyết phục người khác cùng làm. Phương thức có xác suất thành công nhất là phương thức huy động được quần chúng nhiều nhất. "...


Ts Nguyễn Quang A, blogger Đoan Trang, Ls Võ An Đôn... là những người đã có nhiều hoạt động tranh đấu cho nhân quyền, tự do, dân chủ. Trong số họ, có người tôi được dịp tiếp xúc và từ những gì cảm nhận được, cá nhân tôi tin rằng việc tự ứng cử của họ xuất phát từ nỗi trăn trở đi tìm kiếm một phương thức hiệu quả để tạo động lượng cho xã hội Việt Nam thoát ra khỏi bóng đêm độc tài.

Tôi cũng quan niệm rằng trong một xã hội mà sự thờ ơ, lãnh cảm đối với mọi vấn đề của đất nước, với con vi khuẩn "Mackeno" đang luân lưu trong dòng máu của đại đa số 90 triệu người thì mọi nỗ lực tìm cách thay đổi nguyên trạng đều có giá trị và cần được trân trọng.

Từ tinh thần trên, tôi có vài ý kiến đóng góp cho chuyện tự ứng cử trong chế độ toàn trị.

Chế độ toàn trị tại Việt Nam tồn tại và đảng CSVN tiếp tục "chính danh" độc quyền lãnh đạo là nhờ dựa vào Điều 4 Hiến pháp. Đảng cộng sản đã bỏ nhiều công sức, nỗ lực tuyên tuyền, thực hiện muôn vàn trò mị dân để tạo ra "sự thật búa liềm" rằng Hiến pháp là do nhân dân góp ý, và được tuyệt đại nhân dân đồng thuận.

Điều 4 đã cướp đi cơ hội bình đẳng phục vụ đất nước, quyền tự do chọn lựa lãnh đạo quốc gia của hơn 90 triệu người. Thay vào đó, Điều 4 đã trao vận mạng Việt Nam vào tay đảng cộng sản gồm 4,5 triệu đảng viên. Nó giao cho đảng cộng sản "chính danh" cai trị.

Từ 4,5 đảng viên, với quyết định 244 được ký vào ngày 9.6.2014 bởi tổng bí thư đảng cộng sản, số mạng của Việt Nam lại lọt vào tay chỉ 10 người đa số trong một Bộ Chính trị với 19 ủy viên. Bằng những quy định của quyết định 244 này, Chủ tịch nước, Thủ tướng, và Chủ tịch Quốc hội tương lai của một đất nước hơn 90 triệu dân đã được chọn lựa theo ý hướng của 10 người trong một đảng chính trị, trước khi người dân đi bầu đại biểu Quốc hội khóa mới.

Do đó, những gì xảy ra sau Điều 4 và Quyết định 244 chỉ là những màn kịch mị dân. Người dân bị lùa ra khỏi nhà, bị cưỡng bức đi bầu, phải chọn lựa từ một danh sách ứng viên do đảng cử ra. Những đại biểu đảng viên cộng sản mà dân "bị bầu" cho họ sau đó cũng sẽ tiếp tục vai trò làm kiểng khi họ bỏ phiếu "gật" cho Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội từ danh sách ứng viên - 1 người cho 1 chức vụ - đã được đảng chọn từ mấy tháng trước.

Đó là toàn cảnh của chế độ bầu bán CHXHN Việt Nam, là màn kịch mị dân do đảng dàn dựng và diễn liên tục từ ngày Hồ Chí Minh từ Tàu sang cướp chính quyền. Tôi nghĩ những người đấu tranh kinh nghiệm như Ts Nguyễn Quang A, Ls Võ An Đôn, Ls Lê Văn Luân, các blogger Đoan Trang, Nguyễn Tường Thụy, Đặng Bích Phượng, Nguyễn Thúy Hạnh, Nguyễn Đình Hà, Hoàng Cường, Nguyễn Kim Anh, Hoàng Cường, nhà văn Phạm Thành biết rõ những thủ đoạn lừa đảo này hơn ai hết.

Do đó, logic trong suy nghĩ để dẫn đến hành động đúng ra phải là: tẩy chay bầu cử. Tẩy chay đồng nghĩa với thái độ chính trị không chấp nhận từ căn bản về Điều 4 Hiến Pháp, về vai trò của đảng và cách tay nối dài của đảng là Mặt trận Tổ quốc trong việc khống chế toàn bộ tiến trình bầu cử. Quan trọng hơn cả, tẩy chay bầu cử là thông điệp chính trị mạnh mẽ nhất để phủ nhận cái "chính danh" mà cộng sản ăn cướp của toàn dân kể từ sau ngày Hồ Chí Minh và đồng bọn cướp chính quyền.

Nhưng tại sao một số người hoạt động ngày hôm nay không chọn phương hướng này, không những không đứng ngoài, không tẩy chay mà lại chấp nhận tham gia màn kịch dân chủ lừa bịp và xung phong "tự ứng cử". Nói cách khác, họ tình nguyện trở thành một thành phần, một "con cờ" hay tệ hơn - theo cách nói của những người không đồng ý với họ - "con rối" - trong trò chơi mị dân của đảng cầm quyền?

Tôi không biết và không thể trả lời cho người khác, cho những người hoạt động nhân quyền dân chủ đang tự nguyện tham gia vào cuộc bầu cử mị dân, gian xảo của đảng. Đây là suy đoán của riêng tôi dựa vào những năm tháng làm việc, hoạt động với các bạn trong nước:

Việc tẩy chay bầu cử sẽ không khó nếu tự bạn muốn làm một mình. Muốn "kêu gọi" nhiều người thì cũng rất dễ dù bạn ở Sài Gòn, Hà Nội có thể bị công an hỏi thăm sau đó, hay ngồi tận Los Angeles, Paris bình an viết xong lời kêu gọi và... quăng qua bên kia bờ đại dương bằng một nút bấm "send." Chỉ cần bỏ ra vài giờ cho một bài viết là xong. Chỉ cần một ấn nhẹ trên bàn phím là được. Nhưng để có nhiều người nghe theo bạn, thực sự tẩy chay bầu cử, biến nó thành một phong trào bất tuân dân sự thì lại là chuyện khác. Cho đến nay thực tế (phũ phàng) chứng minh rằng chẳng bao nhiêu người nghe bạn cả. Họ vẫn ngoan ngoãn nghe theo cái loa phường và lật đật chạy ra phòng phiếu sau lời thúc giục, hăm doạ của tổ dân phố. 

Lý do chủ yếu của sự thất bại là những bài viết, những lời kêu gọi "quăng ra đó" sẽ không thể nào chuyển động được những con người đã bị đảng thuần hóa trong hơn nửa thế kỷ qua. Nếu chỉ đơn giản theo kiểu nói một tiếng là "toàn dân nổi dậy" thì Việt Nam đã đổi đời từ lâu. Muốn thay đổi thì theo sau những bài phân tích, vạch trần sai trái, những người chủ xướng tẩy chay bầu cử phải "tiếp cận" với quần chúng, đi gặp người dân để trình bày thuyết phục họ đừng đi bầu. Muốn thuyết phục được thì phải trình bày cho người dân thấy những sai trái, xảo trá của cái gọi là đảng cử dân bầu. Tức là phải nói đến và chứng minh sự đểu cáng của chế độ. Người dân nghe chưa hết chuyện thì sẽ lên cơn sốt vì vi trùng sợ hãi trong người đang nổi dậy tấn công vào từng tế bào, huyết quản của họ. Tóm lại, hành động đi thuyết phục người dân tẩy chay bầu cử dễ làm người dân có cảm tưởng mình đang vận động họ chống lại chế độ; nhà cầm quyền cũng ghép ta vào tội chống phá chế độ, đi ngược lại chuyện mà cả nước đang "hồ hởi phấn khởi tham gia". Cho đến nay chẳng có điều luật nào cấm chúng ta làm chuyện đó, nhưng dưới chế độ toàn trị thì mặc áo có hàng chữ Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam vẫn bị bắt như thường nói chi đến việc "xách động" nhân dân không làm tròn "nghĩa vụ" công dân.

Ngược lại, nếu đặt mục tiêu  tiếp cận quần chúng, lấy chuyện ứng cử làm"phương tiện", làm lý cớ để thực hiện những chuyện sau đây thì có thể chúng ta nhìn vấn đề tham gia ứng cử khác hơn: 

1. Vận động bạn bè, người thân, những người hoạt động cùng chí hướng thành một nhóm vận động tranh cử. Mục tiêu chính trị: xây dựng thực lực cụ thể dựa trên sự đồng hành tham gia bằng hành động chứ không chỉ là những lời nói ủng hộ suông hay những cái "like" trên Facebook.

2. Đưa ra chương trình hành động nếu mình trúng cử để trình bày, thuyết phục người dân, đồng thời qua đó (và quan trọng hơn cả) cho thấy sự khác biệt giữa mình và các đảng viên cộng sản được đảng chỉ định nhưng hoàn toàn không có một chương trình hành động gì rõ ràng (ngoài một hành động duy nhất và cần thiết cho vai trò nghị gật: gật). Mục tiêu chính trị: cho người dân thấy được sự vượt trội của người ngoài đảng so với những đảng viên cộng sản.

3. Nhân danh là người ứng cử và đi vận động quần chúng, chúng ta sẽ tạo ra"thương hiệu tự do" của mình và nhóm vận động tranh cử. Thương hiệu xuất hiện trên áo, trên bảng đeo, trên bảng cầm tay, biểu ngữ, tài liệu, truyền đơn... Mục tiêu chính trị: xây dựng chính danh và đoàn ngũ hóa quần chúng.

3. Trong chương trình hành động, dành một phần cho vấn đề "cải tổ hệ thống và quy luật bầu cử" để qua đó gián tiếp cho người dân thấy chúng ta không đồng ý với hệ thống và những quy định bầu cử hiện hành mà chúng ta đang phải... đành lòng tham gia; chúng ta sẽ tranh đấu để thay đổi nó nếu thắng cử. Qua việc này, những người tự ứng cử cũng xác định việc tham gia bầu cử không đồng nghĩa với sự đồng ý về "chính danh" của đảng cầm quyền. Mục tiêu chính trị: gieo mầm cho công cuộc tranh đấu loại bỏ trò "đảng cử dân bị cưỡng bức bầu".

4. Từ người ra ứng cử đến toàn bộ nhóm vận động đi gõ cửa từng nhà, tìm mọi cách đến các trường đại học để nhắm vào thành phần sinh viên, phân phát chương trình hành động trên hè phố để thu phục cảm tình, tìm kiếm cảm tình viên, hỗ trợ viên. Mục tiêu chính trị: tiếp cận quần chúng và tạo ra sinh hoạt chính trị độc lập (không phải của đảng cộng sản) một cách công khai.

Mấu chốt của những bước trên là hoạt động chuyên nghiệp và tiếp cận quần chúng cho dù chế độ có tạo ra muôn vàn khó khăn, cản trở. Bản chất của các bước là chúng ta đến với quần chúng và tất cả cùng nhau "hoạt động chính trị" mà chế độ công an trị sẽ khó làm gì được, vì mọi người đang cùng tham gia vào sinh hoạt chính trị mà chế độ khởi xướng, tất cả đang thực hiện Điều 27 của Hiến pháp do chính chế độ viết ra: "Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định."

Nếu nhìn như vậy thì chúng ta không nên lấy chuyện "chứng minh chế độ là xảo trá" làm mục tiêu. "Chế độ xảo trá" thì đã nhiều người biết, nhưng biết rồi vẫn ù lì. Nếu "chế độ tốt đẹp" (!) thì nó sẽ luôn tốt đẹp trong cái đầu nhiều bùn của những kẻ cuồng tin; chúng ta không thể làm sáng mắt những người quyết tâm mù. Khi tham gia vào trò chơi mị dân của đảng, không ít thì nhiều chúng ta đã vô hình chung góp phần gia tăng thế chính danh của đảng độc tài. Do đó, đổi lại "món quà chính danh" chỉ để chứng minh một điều mà nhiều người đã biết, hay nhiều người nhất định cuồng tin thì chúng ta... lỗ. Quan trọng hơn là nếu chỉ mang mục tiêu cho bà con thấy tụi nó xạo thì chúng ta khó mà hoạt động chuyên nghiệp, khó mà xem đây là một cuộc dấn thân chính trị đàng hoàng giống như mọi ứng cử viên ở các nước văn minh. Và nếu không hoạt động chuyên nghiệp thì người dân sẽ nhìn chúng ta như thế nào trong vai trò một ứng cử viên? Chúng ta có khác gì các ông bà cộng sản dốt chuyên tu, ngu tại chức?

Không thể "lỗ". Chúng ta phải "lời" nếu - và chỉ nếu - sau cuộc bầu cử nhìn lại:

1. Mỗi ứng viên "bị loại" có vài chục người nằm trong ban vận động bầu cử vừa qua và tiếp tục sát cách cùng ứng viên đó tranh đấu cho một nền chính trị dân chủ, minh bạch, một hệ thống bầu cử công bằng cho tất cả công dân. Tạm gọi đây là lực lượng vòng trong.

2. Sau cuộc bầu cử này, thành quả đạt được của lực lượng vòng trong này là khả năng soạn thảo một chương trình ứng cử/vận động quần chúng, chương trình hoạt động của một dân biểu quốc hội, khả năng tiếp cận, trình bày, thuyết phục quần chúng, và những kinh nghiệm, bài học rút tỉa được.

3. Mỗi ứng viên đó được nhiều người dân ủng hộ và kết quả cụ thể là một "database" danh sách những người hỗ trợ được phân loại: tình nguyện viên, mạnh thường quân, cảm tình viên, hỗ trợ viên... Tạm gọi đây là lực lượng quần chúng.

Thành quả cao nhất và quý nhất là lực lượng quần chúng tin rằng ứng viên này xứng đáng được ra ứng cử và được tín nhiệm vào vai trò đại biểu, đại diện cho họ tại Quốc hội. Niềm tin của họ có được nếu chương trình hành động của ứng viên thể hiện ước mơ của chính họ. Từ đó, niềm tin cậy của họ đối với ứng viên không những chỉ thể hiện ở việc họ sẽ bầu cho ứng viên mà còn ở việc họ tình nguyện tham gia vào công việc đi vận động thêm cho ứng viên - vì thật ra họ đang đi vận động cho giấc mơ của họ.

Một số người cứ nói rằng biết chắc là sẽ bị loại và như thế rồi... thôi. Điều chúng ta muốn đạt được và đó sẽ là chiến thắng, là thành quả bù lại cho việc phải tham gia vào trò chơi chính trị mị dân này là: lực lượng quần chúng ủng hộ cho ứng viên sẽ phẫn nộ, bất mãn, vì "giấc mơ" của họ - được thể hiện qua chương trình hành động của ứng viên mà họ ủng hộ - bị đảng cộng sản - qua bàn tay nối dài Mặt trận Tổ quốc - quăng vào thùng rác. Và từ đó, hy vọng rằng họ sẽ tiếp tục cùng với thành phần vòng trong tiếp tục tranh đấu. Họ sẽ tranh đấu mà không sợ hãi như trước đây vì trong thời gian qua những ứng viên đã khôn khéo chọn lựa một cuộc chiến mà công an không thể còng đầu được bất kỳ ai. 

Do đó, cho dù có chắc chắc bị loại, đã ra ứng cử thì phải nghiêm túc và chứng minh mình là ứng viên chuyên nghiệp, sẽ là một dân biểu đúng nghĩa, hiểu rõ những vấn nạn của đất nước, có sẵn những phương hướng giải quyết và ý chí giải quyết, xứng đáng được sự tin cậy của quần chúng. Nếu không, tất cả chỉ là một trò chơi chính trị ngẫu hứng, ăn xỗi ở thì và... câu view chính trị.

Các bạn thân mến,

Đã nhiều năm tháng trôi qua với nhiều khổ đau chồng chất trên đất nước cong quằn chữ S này. Mỗi chúng ta mất quyền làm người và đất nước mất quyền tự chủ. Con đường tranh đấu lúc nào cũng thấp thoáng cửa lao tù. Nhưng vẫn nhiều người tiến bước, ngày đêm suy nghĩ các phương thức khác nhau và biến những suy tư thành hành động. Cho đến nay và đến khi nào chế độ độc tài còn cai trị thì những phương thức tranh đấu, những nỗ lực của mỗi người đều vẫn bị cho là những thất bại. Từ những thất bại đó, không ai có tư cách để nói rằng phương thức đấu tranh của mình là phương thức tốt nhất. Nhưng mỗi người đều tin vào phương cách của mình và hy sinh thì giờ, công sức, an lành bản thân để thực hiện và thuyết phục nhiều người đồng hành. Phương thức dễ thực hiện nhất là phương thức tự mình cặm cụi làm. Phương thức khó khăn nhất là phương thức thuyết phục người khác cùng làm. Phương thức có xác suất thành công nhất là phương thức huy động được quần chúng nhiều nhất

Trong niềm tin về sự đa nguyên, chúng ta không vì phương thức này mà loại trừ phương thức kia. Hãy tiếp tục tìm mọi cách, mọi sáng kiến, mọi thử nghiệm để thuyết phục nhau, vận động người thân, bạn bè, bà con hàng xóm tẩy chay bầu cử. Hãy góp ý xây dựng, ủng hộ và tin tưởng vào tấm lòng của những con người lý tưởng đang tìm cách tham gia vào hệ thống sắp đặt sẵn của chế độ - mà chúng ta đang chống - để tìm cách thay đổi. Nếu sau cuộc bầu cử này, bên cạnh những ứng viên độc lập là hàng trăm, hàng ngàn quần chúng ủng hộ, hình ảnh của những ứng viên là hình ảnh nổi bật của những người hoạt động chính trị nghiêm túc, tiến trình ứng cử được thực hiện một cách chuyên nghiệp không thua gì các ứng cử viên tại các nước văn minh, thì tôi cho rằng cái giá mà chúng ta phải trả cho việc phải chui vào cái chuồng heo dơ bẩn "đảng cử dân bị bầu" để tìm cách chùi rửa hay dẹp bỏ nó, sẽ được bù đắp xứng đáng bởi những thành quả mà những người hoạt động can trường trong chế độ toàn trị đã dấn thân xông vào.

Và bạn biết gì không? Nếu lúc đó, sau khi đã ra ứng cử một cách chuyên nghiệp, có trách nhiệm, có bài bản, rồi bị gạch tên bởi Mặt trận tổ cò của đảng thì không có lý do gì mà những ứng cử viên cùng những người ủng hộ họ lại không là những người đứng lên mạnh mẽ nhất để phát động một phong trào tẩy chay bầu cử Quốc hội 2016


. Nguồn : DLB

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire