Trang

18/03/2016

GS Nguyễn Minh Thuyết: “Xúc phạm nghệ sỹ ứng cử đại biểu Quốc hội là không có tình, không có lý“


Nguyễn Hà - Phạm Dung

 
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ về vấn đề ứng cử đại biểu Quốc hội.

Tính đến hiện tại, quá trình bầu cử đại biểu quốc hội khóa 14 nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã trải qua vòng hiệp thương lần thứ nhất. Chúng ta đang ghi nhận rất nhiều thành phần xã hội, nhiều lứa tuổi đang tham gia ứng cử đại biểu quốc hội. Nên đón nhận điều này như thế này, PV Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với GS Nguyễn Minh Thuyết để hiểu rõ hơn về vấn đề này. 
 


PV: Xin chào giáo sư, cảm ơn ông đã nhận lời mời phỏng vấn của chúng tôi ngày hôm nay. Thưa giáo sư, ông đánh giá như thế nào về việc hiện nay ngày càng có nhiều người thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi trong xã hội tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Việc công dân tự ứng cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân là thực hiện đúng Hiến pháp và Pháp luật. Tuy nhiên từ trước tới nay, người dân vẫn luôn quan niệm đây là việc của tổ chức, tổ chức chọn ai thì người ấy vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đến giờ nhiều người dân đã có ý thức hơn về vai trò và trách nhiệm của mình đối với những vấn đề quốc gia nên ngày càng nhiều người tự ứng cử. Tôi cho rằng đây là một tín hiệu tốt, thể hiện được việc ý thức công dân được nâng cao.

PV: Với tư cách là đại biểu Quốc hội khóa 11, 12, theo ông một người đại biểu Quốc hội cần có những tố chất gì?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Những tiêu chuẩn của một người đại biểu Quốc hội, các luật của chúng ta đã nói rất rõ, tuy nhiên đó chỉ là những quy định trên nguyên tắc chung. Đi vào thực tế, người dân mong muốn lựa chọn được những người đáp ứng được yêu cầu của mình. Theo tôi người đại biểu trước hết phải có đức, cái tâm với công việc, với cử tri. Đã ra gánh vác công việc đại biểu Quốc hội thì cần hết sức tâm huyết với công việc này, tâm huyết lắng nghe và truyền tải ý kiến, tâm nguyện của cử tri. Ngoài ra người đại biểu phải là một công dân gương mẫu, chấp hành pháp luật, có đời sống riêng lành mạnh và trong sáng. Thứ hai, người đại biểu phải là người có tài, hiểu biết về các hoạt động xã hội, các vấn đề chính trị và nhiều vấn đề của cuộc sống. Đồng thời người đại biểu phải là người biết cách truyền tải ý kiến của nhân dân đến cơ quan nhà nước. Nhưng trong hai tiêu chuẩn này, tôi cho rằng đức quan trọng hơn.

PV: Như chúng ta đã nói, ngày càng có nhiều thành phần xã hội tham gia vào việc ứng cử đại biểu Quốc hội, trong đó gần đây có một số nghệ sỹ như nghệ sĩ Công Vượng (Vượng râu), ca sỹ Mai Khôi... Việc các nghệ sỹ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi cho rằng nếu như Quốc hội có được đầy đủ thành phần nhân dân là rất tốt, việc các nghệ sỹ tham gia ứng cử là một điều đáng hoan nghênh, chứng tỏ ý thức công dân của họ rất cao. Việ c ứng cử là quyền công dân, việc lựa chọn là quyền của cử tri, tôi nghĩ rằng nếu các nghệ sỹ này trúng cử và có những chương trình hành động thiết thực sẽ có thể có nhiều đóng góp tốt. Đối với dư luận trái chiều là chuyện bình thường, tuy nhiên tôi thấy có những ý kiến có phần hơi quá khi cho rằng những nghệ sỹ này muốn đánh bóng tên tuổi của mình, thậm chí có nhiều bài báo xúc phạm nghệ sỹ. Tôi cho rằng điều này không có lý và không có tình. Chúng ta không có quyền xúc phạm người khác và tôi phản đối những sự xúc phạm này.

PV: Thưa giáo sư, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng có nhiều đại biểu Quốc hội trong cả nhiệm kỳ hầu như không phát biểu hay đóng góp ý kiến gì, điều này có đúng không thưa ông?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Nhận xét này là đúng, đây cũng là vấn đề khiến không ít cử tri bức xúc. Người dân khi bầu đại biểu, rất muốn người đại biểu của mình có thể phát biểu ý kiến trên nghị trường và nêu lên được những vấn đề lớn đáng quan tâm. Tôi cho rằng chúng ta cần giảm bớt những thành phần mà họ khó có thể phát biểu, đó là những người trong bộ máy hành pháp, tư pháp. Thứ hai là những người ngẫu nhiên trở thành đại biểu cũng nên giảm bớt. Để làm được điều đó, chúng ta cần tổ chức tranh cử thực sự, qua tranh luận, qua thảo luận, qua chất vấn cử tri chúng ta sẽ biết được nên gửi gắm niềm tin vào ai. Hiện nay việc tranh cử này chưa thực sự được thực hiện tốt, nhiều cử tri không tiếp xúc được với đại biểu, không được nghe chương trình hành động của đại biểu. Tôi cho rằng chúng ta cần chú ý đến những người tham gia nhiều công tác xã hội, hoạt động từ thiện bởi họ chính là những người có kinh nghiệm xã hội, kinh nghiệm tập hợp quần chúng và họ là những người có tâm với công việc xã hội.

PV: Hiện nay chúng ta cũng đang ghi nhận nhiều bạn trẻ đã tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội thể hiện được việc người trẻ đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề chính trị, theo ông chúng ta nên đón nhận điều này như thế nào?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Thế hệ trẻ là lực lượng nòng cốt quyết định sự phát triển của đất nước, việc ngày càng có nhiều người trẻ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội là việc đáng hoan nghênh và khuyến khích.

PV: Người trẻ với lợi thế là sức trẻ, sư nhiệt huyết tuy nhiên kinh nghiệm lại là điều mà người trẻ đang thiếu. Vậy theo giáo sư, cơ hội để người trẻ trúng cử vào đại biểu Quốc hội như thế nào?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Thế hệ trẻ muốn trúng cử, một mặt phải phát huy được phẩm chất ưu tú của thế hệ trẻ đồng thời nên học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để có thể có được chương trình hành động tốt. Bên cạnh đó, các bạn trẻ nên nghiên cứu những hoạt động của Quốc hội khóa trước để làm giàu thêm kinh nghiệm cho mình.

PV: Với sự tham gia ứng cử của nhiều thành phần xã hội, ông hi vọng gì về lớp đại biểu Quốc hội của chúng ta trong tương lai?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Với cách bầu cử như thế này, thực sự tôi chưa dám hi vọng nhiều tuy nhiên tôi mong mỗi khóa Quốc hội sẽ có những đại biểu rất xứng đáng, được nhân dân mến mộ và có nhiều đóng góp tích cực cho những vấn đề của đất nước.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của giáo sư!

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire