Hẹn nén nhang ngày mai.../Dù sao tiếng thét vẫn vang lên.../ Gạc Ma – Sài Gòn 14/3/2016
Hẹn nén
nhang ngày mai...
LƯU TRỌNG VĂN
Sáng qua gã uống trà, nhấm
mứt gừng với GS. Tương Lai và GS. Đào Công Tiến. Gã độp hỏi theo GS. Tương Lai
thì sáng 14.3 này Lễ Tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma có bị ai đó cản trở
không? GS hỏi ngược lại gã, theo cậu thì sao?
Gã vòng vo một đẫn, nào là
sau Đại hội 12 rõ ràng báo chí của Đảng có mạnh mẽ hơn khi lên án Trung Quốc quấy
phá ở Biển Đông. Nào là lần đầu tiên gã nghe ông Nguyễn Phú Trọng và ông Vương
Đình Huệ khi tiếp Tống Đào đặc phái viên của Tập Cận Bình đã yêu cầu Trung Quốc
phải nói đi đối với làm.
Nào là chú Đinh La Thăng
chắc chắn nhận ra có kẻ nào chơi xỏ mình làm mất mặt mình ngay những ngày mình
vừa nhận chức bí thư thành ủy đã xua quân đàn áp và trơ tráo đến tàn nhẫn, đến
mất liêm sỉ phá nát những vòng hoa của nhân dân Sài Gòn tưởng niệm ngày 17.2 -
ngày Trung Quốc đem 600.000 quân xâm chiếm nước ta.
Tóm lại, theo gã là các bố
lãnh đạo Sài Gòn sẽ để yên như Hà Nội đã từng để yên.
Thế rồi chiều nay, tức thì
gã được tiếp một đoàn cán bộ Phường tới...thăm.
Gã quá biết lý do rồi. Gã
cười, chuyện ngày mai 14.3, Gạc Ma phải không? Mấy chú cán bộ Phường hê hê cười.
Gã nói một lèo về ba quả bom khổng lồ anh bạn Trung cộng đang cài giờ cho nổ và
đã cho nổ ở VN.
1.Biển Đông.
2.Kinh tế bẩn với hàng triệu
tấn thực phẩm, hóa chất giết người độc hại.
3.Những con đập khổng lồ
chặn nguồn nước ngọt trên thượng nguồn sông Mê Kông.
Mấy chú cán bộ Phường đều
có gốc dân miền Tây ào ào tố quê mình đang bị quá trời hạn. Gã bảo: Nước sông
là của Trời cho dân ta bao đời nay. Một chú cán bộ Phường nổi đóa: Đâu phải của
tụi nó mà tụi nó chặn? Chết! Lúa chết! Quê mình là vựa lúa mà lúa chết thì dân
mình sống sao hở Trời?
Gã chuyển kênh, chốt hạ:
Mai 9 g anh sẽ đi thắp nhang ở Tượng đài Trần Hưng Đạo cho các anh hùng chống bọn
Trung cộng xâm lược đã hy sinh bảo vệ Trường Sa. Có chú nào muốn thắp nhang thì
đi theo anh nhá!
Chia tay. Những cái tay bắt
chặt ra phết.
Dù sao tiếng thét vẫn vang lên...
LƯU
TRỌNG VĂN•MONDAY, MARCH
14, 2016
Sáng, gã nhét vội củ khoai
lót dạ, chuẩn bị ra cổng thì đứa cháu gái mà gã hay đùa là tiểu thư con ....trưởng
thôn, vốn rất ghét đám đông nói: Cháu đi với! Chả nói chả rằng gã vừa mở cổng
hè thông đường thoáng nó bèn tót lên xe.
Dọc đường Nguyễn Tất Thành
nghèn nghẹt người, xe. Gã nói:Cháu coi hàng triệu người ra đường, nhưng chả mấy
ai cùng đích đến với chú cháu nhà mình đâu.
CSGT, CSCĐ. Nhiều xe mô-to
phân khối lớn.
- Người đi tưởng niệm đâu
hả chú?
- Hề hề, tản mát, nấp khắp
nơi chung quanh đây thôi. Tẹo nữa tới giờ sẽ xuất hiện.
Gã tìm chỗ gửi xe xung
quanh khu tượng Trần Hưng Đạo, không thấy. Ủa mấy bãi giữ xe xưa nay sao hôm
nay biến mất đâu rồi? Gã tấp xe vào một bãi đầy xe bên sông Sài Gòn, thì bị một
trai trẻ có khuôn mặt dễ thương ỏn ẻn:
- Đây không phải bãi giữ
xe chú ơi!
- Uả sao lại có nhiều xe vậy?
- Dạ, của lực lượng làm
nhiệm vụ ạ.
-À...
Gã hiểu và lại nổ máy đi
tìm bãi gửi xe khác. Cuối cùng cũng tìm được bãi gửi xe mãi sau lưng Nhà hát Lớn.
Hì, hoàn thành công đoạn đầu tiên là không bị loại khỏi vòng gửi xe, theo cách
nói của bác Nguyễn Quang A khi làm hồ sơ tự ứng cử ĐBQH.
9 g thiếu ba phút, già có,
trẻ có từ đâu đâu các con hẻm, các vỉa hè, các mái hiên, các vòm cây ẩn nấp kéo
nhau ra sau lưng tượng Trần Hưng Đạo, người từng sang sảng Hịch tướng sĩ oai
hùng:
“Ta
thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa chỉ
căm tức chưa xẻ thịt lột da quân giặc.”
Đâu nhỉ những khuôn mặt
thân quen: Tương Lai, Huỳnh Kim Báu, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Võ Văn Thôn,
Kha Lương Ngãi, Huỳnh Ngọc Chênh, Phạm Đình Trọng, Lê Phú Khải...
Nhà thơ Phan Đắc Lữ gầy gò
tuổi 80 ôm lấy gã mừng rơn mà nước mắt chảy: Các ông ấy được mời nồng nhiệt...
uống cafe rồi. Tớ phải bỏ nhà trốn từ 2 ngày trước nếu không thì cũng bị
say.... cafe đấy.
“Dẫu
cho trăm thây này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta vẫn cam
lòng.”
Một chàng trai gã chưa từng
quen biết đưa cho gã một khẩu hiệu: ND ghi ơn tử sĩ Gạc Ma. Một người đàn bà có
nét lam lũ đưa cho cô cháu của gã một bông hồng trắng. Thu Mỹ, cựu biệt động
thành, em gái của Thu An cựu tù Côn Đảo và là vợ của ca sĩ Quốc Hương vội trao
cho gã một nụ cười .Chút chút thôi mà ấm lòng.
Tới giờ! Một ai đó nói.
Mọi người kéo nhau ra phía
trước nơi có ngón tay của Trần Hưng Đạo chỉ xuống những con sóng Bạch Đằng ùa
ra Biển Đông. Từ đâu không biết nữa những băng-rôn lớn ghi tên 64 anh hùng đã
hy sinh ở Gạc Ma cùng hàng chục khẩu hiệu tưởng nhớ các liệt sĩ được giương
lên.
Giáo sư Vũ Trọng Khải và
nhà sử học Đinh Kim Phúc đề nghị gã phát biểu bắt đầu buổi lễ. Gã nhìn Sương Quỳnh
cô nàng nhà báo luôn hăng hái trên hàng đầu các cuộc biểu tình chống Trung cộng
xâm lược rồi bảo: “Em nói bắt đầu đi!” . Sương Quỳnh gật đầu.
Nhà báo Sương Quỳnh (thứ 3 từ phải qua) |
Sương Quỳnh tên thật là
Ngô Kim Hoa, xinh đẹp, từng làm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mê mẩn rồi làm bài hát
“Hoa xuân ca” tặng nàng.
“Cây sẽ
cho lộc và cây sẽ cho hoa
Em
cứ bay trong đời, dịu dàng cơn gió”
Thưa bà con, hôm nay 14
tháng 3 chúng ta tập họp ở đây dưới anh linh Đức thánh Trần này để tưởng nhớ 28
năm trước...
“Đời sẽ
cho lộc và đời sẽ cho hoa...”
64 người lính của chúng ta
đã bị bọn xâm lược Trung Quốc thảm sát tại Gạc Ma...
“Em cứ
bay nhưng đừng để lại tôi một mình...”
Phút mặc niệm tưởng nhớ
các anh hùng liệt sĩ của tổ quốc bắt đầu!
Một tiếng thét vang lên:
Hoàng Sa!
Những tiếng thét đáp trả:
Việt Nam!
Trường Sa!
Việt Nam!
Sau khi thắp nén nhang gã
ngước nhìn lên vời vợi Đức thánh Trần. Trong gã không thôi rạo rực lời Hịch tướng
sĩ:
Nay
các ngươi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn,
làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức, nghe nhạc thái thường
đãi yến sứ ngụy mà không biết căm...
Gã như bao người khác lúc
này có mặt ở đây không ai là khanh tướng, công hầu, mà chỉ vốn là dân ấp, dân
lân nước Việt , Đức thánh Trần ngài ôi, vậy mà nỗi nhục Gạc Ma, Hoàng Sa, Biển
Đông bị bọn quân man cướp mất, lòng đau quặn thắt.
Một tiếng thét dân lành
vang lên: Chúng ta thề quyết đòi lại những gì của tổ tiên bị quân xâm lược
Trung Quốc cướp mất!
Xin thề! Xin thề! Xin thề!
Bao nhiêu con người đang
thét lên tiếng “xin thề” ấy nhỉ? Vâng vỏn vẹn chưa tới 100.
Chao ơi, dòng người đang
cuộn trôi. Sài Gòn 10 triệu dân sao cô đơn vậy tiếng “xin thề”?
Hoàng Dũng
“Em bị chặn ở nhà, không đi được. Các anh em
khác thế nào?”. “Chưa biết. Đang đứng đón anh Lê Công Giàu đây” – tôi trả lời
Phạm Chí Dũng. Nào chỉ Phạm Chí Dũng, anh em cho biết Tô Lê Sơn, Hạ Đình
Nguyên, Huỳnh Tấn Mẫm, Tương Lai và nhiều người khác nữa đều bị an ninh ngăn
cản, không thể ra khỏi nhà.
Anh Giàu đã ra, quay lại lập cập khóa cửa, khó
nhọc leo lên xe máy. Khổ thân anh! Tuổi đã cao và ốm chưa khỏi. Vừa yên vị, anh
Giàu nói nhỏ: “Mấy cậu an ninh đấy, toàn người quen cả”. Tôi quay lại: năm
thanh niên khỏe mạnh mặc thường phục với ba xe máy đang chờ sẵn. Tôi chở anh
Giàu đi khá ngoằn ngoèo qua vài con phố, rồi vào một quán ăn. Năm cậu an ninh
đi theo cũng dừng lại, đứng bên kia đường chờ.
Ăn sáng xong, là dắt xe đi ngay; trước khi nổ
máy, tôi hướng về phía năm anh an ninh chào thân thiện. Đến cầu Kênh Xáng, nhìn
trước mặt lố nhố một rừng mũ bảo hiểm của người đi đường, tôi thở một hơi: Kẹt
xe! Lại chọn hôm nay mà kẹt!
“Anh Huỳnh Kim Báu đang phải túc trực bên ông
cụ, bệnh rất nặng”, anh Lê Công Giàu thủ thỉ. Nhớ hôm uống cà phê với với anh
Báu; có tiếng chuông điện thoại reo, anh Báu cầm điện thoại trao đổi gì đó,
bỗng nhiên nói rất to: “Các anh có thể đánh tôi, có thể giết tôi, nhưng việc
tôi tôi cứ làm”. Tắt điện thoại, anh nhìn tôi, nét mặt giãn ra, buông rất gọn:
“An ninh!”. Lần này không phải an ninh, mà chính hoàn cảnh gia đình không cho
anh nhập cuộc cùng với anh em.
Vượt qua được đám đông, chui vào một con hẻm
nhỏ, rồi lách ra đường Trần Hưng Đạo thênh thang, đàng sau vẫn năm anh an ninh
đeo bám. Tôi chỉ thấy khó chịu: khổ cho họ mà bực cho mình. Mãi không chú ý,
tôi chạy ra đường Võ Văn Kiệt và chạy luôn vào đường dành cho ô tô. May mà
nhanh chóng phát hiện nhầm đường, tôi xuống xe, dắt bộ trở lui vào đường dành
cho xe máy, cách đó vài mét. Một chàng an ninh đẹp trai, chắc là chỉ huy, đến
đỡ xe, nói thân tình: “Bác không cần chạy nhanh; chậm chậm cũng được mà!”. Tôi
cười: “May mà có an ninh hộ tống. Rất yên tâm!”. Nhưng yên tâm cách mấy thì
cũng chỉ còn cách chui hầm Thủ Thiêm để qua bên kia sông, vì đây là đường một
chiều, không thể quay xe đi ngược.
Đến được chỗ tượng đài Trần Hưng Đạo, đi gửi
xe, theo sau vẫn là năm anh an ninh cũ. Kiên trì “một tấc không đi một ly không
rời” nhưng luôn luôn hòa nhã và không có biểu hiện gì ngăn cản hai anh em tôi
tham gia cuộc biểu tình đang diễn ra.
Anh Giàu nói, giọng trầm trầm: “Anh Báu vừa
điện: Ông cụ đã đi vào lúc 8g! Anh Báu đang tất bật lo tang sự”.
“Đả đảo Trung Quốc xâm lược!”, tiếng thét khào
khào có lẽ vì đã khản cổ là từ một chị đã đứng tuổi, đầu bịt dải băng xanh,
trên ghi dòng chữ Gạc Ma – Vòng tròn bất tử. Lại nhìn quanh: hóa ra
rất nhiều dải băng xanh trên đầu người biểu tình. Một chị thân thiết ôm vai tôi
thay lời chào và tự tay đeo cho tôi một dải băng xanh có dòng chữ Hoàng
Sa – Biên Giới – Trường Sa. Nhà thơ Phan Đắc Lữ nói rổn rảng: “Tôi ra được
đây là nhờ trốn ra khỏi nhà từ hai hôm trước!”. Rồi nói với một cậu bên cạnh:
“Chụp hộ tớ với ông giáo sư một kiểu ảnh nào!”.
Nhà thơ Phan Đắc Lữ (đeo dải băng xanh) |
Kia là Đỗ Đức Hợp mặc áo vàng, người hôm
17/2/2016 ôm những gì còn lại của vòng hoa bị an ninh giật tan nát, vẻ mặt căm
phẫn, thét lớn: “Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy mới của TP HCM này
đâu! Ông nhìn đi! Các người! Như vầy các người mới hài lòng hay sao!”.
Còn bây giờ, Đỗ Đức Hợp hai tay căng tấm băng rôn ghi đủ 64 liệt sĩ Gạc Ma, vẻ
mặt không còn căm phẫn, nhưng rất kiên quyết. Lực lượng an ninh dày đặc nhưng
chỉ đứng vòng ngoài quan sát, chứ không can thiệp gì. Anh Lê Công Giàu kể: “Hồi
nãy có một cậu mặc thường phục, bịt khẩu trang, định giật vòng hoa nhưng bị anh
em ngăn được. Lưu Trọng Văn mắng liền: “Các anh đổ máu vì Tổ quốc, cậu không
thắp một nén hương thì thôi, còn giật vòng hoa là sao!”. Thấy mọi người la ó,
một cậu khác, có lẽ là chỉ huy, kêu cậu manh động kia lại chấn chỉnh, từ đó thì
yên!”. Tốt quá! Phải biết “rút kinh nghiệm” chứ!
Trên đường đến chỗ gửi xe, tôi hỏi anh Giàu:
“Anh đi cà phê hay về nhà?”. Anh Giàu than mệt, muốn về ngay. Tôi quay sang anh
an ninh “tháp tùng”, nói: “Anh em về đi, chúng tôi cũng về mà!”. Rồi không dừng
được, tôi nói: “Tôi là thầy giáo. Học trò tôi có em đi học sau đại học ở Singapore,
một hôm bị một nghiên cứu sinh Trung Quốc nói như tát nước vào mặt. Rằng Việt
Nam xâm lược Trung Quốc, rằng Việt Nam vong ân bội nghĩa với Trung Quốc, rằng
Trung Quốc phải phản kích tự vệ. Không trách thanh niên Trung Quốc: Từ lúc còn
học ở nhà trường phổ thông, họ đã bị nhồi vào đầu tất cả những luận điệu dối
trá đó. Trong khi ở Việt Nam, bao nhiêu năm dài chính người bị xâm lược chủ
động che giấu tội ác của kẻ xâm lược. Nếu chiến tranh xảy ra, thanh niên Trung
Quốc sẽ hăng hái ra trận; còn người Việt Nam liệu có đủ dũng khí bắn vào những
kẻ vẫn được tuyên truyền “bốn tốt mười sáu chữ vàng” hay không? Xóa trắng lịch
sử không chỉ là sai lầm, mà thực sự đắc tội với đất nước. Cuộc biểu tình hôm
nay là để la lớn lên rằng người Việt Nam không quên lịch sử và máu của các liệt
sĩ Gạc Ma không vô ích! Như thế, tại sao lại ngăn chặn?”. Anh an ninh chỉ trầm
ngâm, không trả lời.
Đang chở anh Giàu, tôi bỗng nhớ đến anh Huỳnh
Kim Báu, liền nói với anh: “Hay ta đến thăm anh Báu đi, anh”. Anh Giàu không
còn nhớ gì đến mệt nhọc, hăng hái hưởng ứng: “Phải đó! Đến nhá!”. Tôi dừng lại,
nói với anh em an ninh: “Ba của anh Huỳnh Kim Báu vừa mất! Chúng tôi không về
nhà nữa, mà đi thăm anh Báu”.
Nhà bố anh Báu ở trong một con hẻm đường Tô
Hiến Thành. Ông cụ vừa mất, chưa phát tang, nên không cắm cờ tang chỉ dẫn cho
người đến viếng. Hai anh em đi lạc, vừa đi vừa hỏi thăm đường. Các anh em an
ninh đi theo cũng nhiệt tình hỏi thăm hộ.
Rồi cũng tìm được nhà. Anh Báu ra mời anh em
an ninh vào nhà nhưng họ cảm ơn, chỉ đứng bên ngoài. Ngồi bên bàn nước kể cho
anh Báu nghe chuyện xảy ra sáng nay và buộc lên đầu anh dải băng xanh. Không
được biểu tình ở tượng đài Trần Hưng Đạo, thì biểu tình tại nhà vậy. Đức Thánh
Trần hiểu lòng con cháu mà!
Thì anh Lê Phú Khải cũng ứng xử tương tự. Bị ngăn cản không đi được, anh viết trên một mảnh giấy trắng:
GẠC MA 14.3.1988
64 LIỆT SỸ
Nhân dân không quên.
Và ra trước cổng ôm mảnh giấy để tỏ ý phản đối
cơ quan an ninh. Rồi sau đó vào nhà lập bàn thờ.
Ôm vai anh Báu để chia sẻ và chào anh để ra
về. Chở anh Giàu đến nhà, chờ anh anh Giàu vào hẳn rồi mới đi, quay lại vẫn
thấy đủ năm anh em an ninh.
Chiều anh Báu cho ô tô chở anh Tương Lai, anh
Lê Công Giàu và mình đến nhà anh ấy để cùng nhau đi Thủ Đức viếng giáo sư Lý
Chánh Trung. Lên xe, quay lại đàng sau thấy lần nay số an ninh đi theo lên đến
sáu người. Anh Tương Lai cười: “Ba cậu đi theo mình. Ba cậu đi theo anh Giàu”.
Và anh kể chuyện anh bị ngăn cản đi biểu tình. Đầu tiên là phái đoàn gồm có các
chức sắc của Phường như bí thư Chi bộ, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc đến “làm công
tác tư tưởng”! Sau đó, từ 3 giờ hôm qua là lực lượng an ninh đến bảy người; năm
người ngồi ngay trước căn hộ của anh, hai người ở bên dưới. Đó là chưa kể có
hai xe mô tô cảnh sát giao thông túc trực! Bây giờ thì biểu tình đã xong, anh
có thể ra khỏi nhà nhưng vẫn bị theo dõi.
Tại sao lại có người bị ngăn cản, có người lại
không? Và ngăn cản lòng yêu nước để làm gì? Báo chí lề phải đăng hà rầm chuyện
Gạc Ma cơ mà. Các bác ơi, làm sao mà ngăn được tất cả! Thì cũng buộc ngăn người
này mà phải lơi lỏng người kia chứ sao. Và chế độ toàn trị nào mà không sợ bất
cứ cái gì họ không kiểm soát được. Lòng yêu nước của nhân dân cũng phải có kỷ
luật, nghĩa là phải được phép. Chưa được phép mà phản đối người bạn lớn là cách
chức ngay: Nguyễn Trung Dân, người phụ trách báo Du lịch năm xưa, đăng bài nói
về ải Nam Quan và chuyện biển đảo mà bị bay ghế, tờ báo cũng bị đóng cửa. Yêu
nước cũng như kinh doanh, phải có môn bài, phải có giấy phép. Không có là yêu
nước lậu! Oan nỗi gì!
Xe dừng lại một cửa hàng bên đường để mua vòng
hoa viếng. Sáu anh em an ninh lặng lẽ dừng xe. Chủ quán đưa vòng hoa ra. Tôi
nhắc anh Báu: “Chữ Lê Hiếu Đằng thiếu dấu huyền anh ơi!”. Anh
Báu làm như không nghe, cứ đưa tiền cho chủ quán, rồi giục xe chạy. Quay sang
tôi, anh nói: “Thiếu dấu cũng không sao. Cứ lằng nhằng nhỡ đâu bị cướp băng
giấy như hồi đám tang Lê Hiếu Đằng thì phải mất công làm cái khác”. Ôi, ông anh
khéo lo! Lần này mà lại cướp thì trăm dâu cứ đổ đầu ông Tân Bí thư Thành ủy!
Anh Báu làm tôi tỉnh mộng ngay lập tức: “Thì lần trước, Bí thư Thành ủy Lê
Thanh Hải đến viếng Lê Hiếu Đằng, mà băng giấy vẫn bị giật cướp đấy chứ!”. Ừ
nhỉ! Biết đâu đấy. Thôi thì cứ cẩn tắc vô áy náy.
Xe vừa ra khỏi nhà giáo sư Lý Chánh Trung một
đoạn thì điện thoại anh Huỳnh Kim Báu reo. Người nhà giáo sư Lý Chánh Trung báo
hình như xe các bác bị an ninh đi theo “hộ tống”. “Không sao đâu! Tụi mình quen
rồi!”, anh Báu trả lời.
Nhìn qua cửa xe, thấy sáu anh an ninh cứ cần
mẫn bám theo mà lòng trĩu nặng. Bao nhiêu tiền thuế của dân bị hoang phí. Và
càng ngày càng có nhiều người dân tỉnh thức, thì lực lượng an ninh tăng đến đâu
mới đủ! Hay là nói như Bertolt Brecht, phải thay dân!
H. D.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire