Trang

28/04/2016

9 thợ lặn biển đi khám, 1 người bị nhiễm độc đồng

 

HOÀNG TUẤN - BẢO SƯƠNG

(GDVN) - Một thợ lặn được xác định bị nhiễm độc đồng nặng sau khi tiến hành xét nghiệm kiểm tra tại Bệnh viện Trung ương Huế.
 
 


Nhiều thợ lặn phải kiểm tra sức khỏe

Nguồn tin của Báo GDVN tại BV Trung ương Huế cho biết, chiều ngày 26/4, phía bệnh viện có tiếp nhận kiểm tra sức khỏe định kỳ theo yêu cầu đối với 9 trường hợp là thợ lặn của Công ty CP Xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế (Cty Nibelc, một nhà thầu của Formosa, có chi nhánh tại tỉnh Quảng Bình).

Trong số này, có 7 thợ lặn đăng ký khám bệnh các chuyên khoa thông thường nhưng không phát hiện người nào bị nhiễm bệnh.

Riêng có 2 trường hợp thấy trong người có những dấu hiệu sức khỏe không được bình thường, nghi ngờ bị nhiễm độc nên đã yêu cầu bệnh viện xét nghiệm đồng và chì. 

Kết quả xét nghiệm cho thấy, một trong hai trường hợp này có anh T. sinh năm 1977, quê ở Khánh Hòa có tỷ lệ đồng trong cơ thể cao gấp đôi so với chỉ số bình thường.
 
Đê chắn sóng cảng Sơn Dương của Formosa, nơi đội thợ lặn Nibelc làm việc lâu nay. (Ảnh Duy Tuấn)
 
Trước đó, vào chiều 24/4, sau khi lặn xuống biển để thi công xây dựng đê chắn sóng ở cảng Sơn Dương, Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, anh Lê Văn Ngày (SN 1970, quê ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) có dấu hiệu khó thở, mệt mỏi nên đã được đưa đi khám.

Sau khi sơ cứu, mọi người chuyển anh lên bệnh viện Ba Đồn. Tuy nhiên nạn nhân đã tử vong trên đường đi cấp cứu.

Trong khi phải đợi kết quả khám nghiệm pháp y mới xác định được độc tố khiến một thợ lặn của công ty Nibelc tử vong bất thường.

Liên tiếp đó là 9 thợ lặn của công ty phải nhập viện kiểm tra sức khỏe khiến nhiều người nghi ngờ mức độ nhiễm bẩn của nước biển khiến cá chết hàng loạt trong thời gian vừa qua.. Người dân đang cảm thấy thực sự lo lắng trước mức độ an toàn của nước biển.

Cần kiểm tra xét nghiệm kim loại nặng

Theo một bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân bị nhiễm độc đồng thường có các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy và quặn đau ở vùng bụng.

Nếu không theo dõi, điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ bị nhiễm độc ở nhiều cơ quan như gan, thần kinh, mắt, thận, tim, máu và có thể tử vong. 

Được biết, sau khi tiến hành kiểm tra sức khỏe, nhóm thợ lặn tại Vũng Áng không ở lại điều trị, chữa bệnh tại BV Trung ương Huế mà đã quay trở về nhà.
 
Một con cá vẩu 35kg trôi dạt vào bờ biển Vinh Mỹ, Phú Lộc được người dân đưa đi chôn. (Ảnh Bảo Sương)
 
Các bác sĩ tại BV Trung ương Huế đã đưa ra khuyến cáo, nhóm thợ lặn làm việc tại Vũng Áng nên quay trở lại làm xét nghiệm kim loại nặng để phát hiện kịp thời và có hướng điều trị cụ thể.

Theo một nguồn tin riêng của PV Báo GDVN được biết, khoảng 3h sáng 28/4, sẽ có một nhóm thợ lặn khác của Công ty CP Xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế (Cty Nibelc) được lãnh đạo Cty đồng ý đưa vào BV Trung ương Huế để khám bệnh.

Vợ của thợ lặn Lê Văn Hoa (SN 1985, trú tại thôn Minh Huệ, xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh,Hà Tĩnh) một thợ lặn được Cty Nibelc thuê làm việc tại cảng Vũng Áng gần 3 năm nay cho biết: “Mấy ngày nay, chồng tôi sau khi lặn về thì luôn kêu mệt, tức ngực, khó thở nên đề xuất lãnh đạo Cty cho đi kiểm tra sức khỏe vào sáng mai”.

HOÀNG TUẤN - BẢO SƯƠNG

Nguồn: Theo GDVN

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire