Trang

11/04/2016

Hội nghị Cử tri: chấp nhận hay không?

Năm năm một lần, Việt Nam tổ chức các kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.                



Hai nhân vật tự ứng cử Đại biểu Quốc hội Việt Nam ở Hà Nội bình luận các Hội nghị cử tri mới được tổ chức với họ và chia sẻ về việc họ sẽ chấp nhận hay không các kết quả này.
Trao đổi với BBC hôm 10/4/2016, một ngày sau khi dự Hội nghị cử tri đối với trường hợp của mình ở địa phương cư trú, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà vận động cho xã hội dân sự ở Việt Nam, nói:

"Buổi tiếp xúc có 75 người dự. Tôi có 6 phiếu thuận và 69 phiếu phản đối. Nhận xét là hoàn toàn như dự tính của tôi và những anh em tự ứng cử mà hoạt động về nhân quyền và dân chủ.
 




Tôi sẽ không có động thái kiện với cái cuộc gọi là hội nghị hôm qua cả. Bởi vì mục tiêu của tôi là làm cho mọi người thấy rõ sự thật đã đạt được rất là mỹ mãnTiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A

"Đại biểu cử tri ở đây thì đều là những người có lẽ là ngoài báo Nhân Dân, bên ti vi và các con đường, mặt trận của Đảng thì họ không có nguồn tin nào khác cả. Mà đối với tôi thì họ được cung cấp thông tin rất là xấu."

Ông Quang A chia sẻ dự kiến của mình sau Hội nghị cử tri:

"Thứ nhất, tôi sẽ không có động thái kiện với cái cuộc gọi là hội nghị hôm qua cả. Bởi vì mục tiêu của tôi là làm cho mọi người thấy rõ sự thật đã đạt được rất là mỹ mãn. Tôi có trên 10 GB (gigabytes) băng hình và âm thanh của toàn bộ diễn tiến.

"Việc làm này không bị cản trở vì trước đó, tôi đã đặt vấn đề như thế và tôi cũng đặt vấn đề các báo nước ngoài cũng như báo trong nước và họ sẽ đến.

"Và cái việc mà họ đến là việc của họ với các ông tổ chức này và nếu các ông không đưa ra một qui định nào là cấm báo giới vào tham dự thì lúc đó là việc của các ông với phóng viên, cho nên họ đành mời Hà Nội Mới, Hà Nội TV đến".

'Bất công, loại hết'

Bình luận về diễn biến xảy ra xung quanh các Hội nghị cử tri đối với nhiều người tự ứng cử Đai biểu Quốc hội Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói:

"Thứ nhất là đến ngày hôm nay, tất cả những người ứng cử độc lập thật sự đều bị loại, hoặc là một số anh em thấy cái sự rất là bất công.

"Ví dụ như Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, người ta đọc cái thư tố cáo ở đâu đâu đấy, đọc tại Viện (Nghiên cứu) Hán Nôm, một cái việc làm hoàn toàn bất hợp pháp bởi vì việc giải quyết tố cáo là của Ủy ban bầu cử Hà Nội, chứ không phải của hội nghị cử tri nơi công tác là viện nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

"Nhưng mà bất chấp, người ta vẫn làm những việc hoàn toàn trái luật như thế. Và trong những trường hợp đấy, tôi nghĩ là Tiến sĩ Diện phải có phản kháng vì việc làm đấy là trái pháp luật và còn nhiều việc làm trái khác nữa.

Nếu xã hội Việt Nam vẫn cứ như thế này, với quyết tâm chính trị như thế này, thì tôi sẽ không để cho mình ra ứng cử lần nữa
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện

"Rồi cũng có một số những người tự ứng cử thì công an đến từng nhà, rồi theo dõi rồi này kia đối với việc tổ dân phố ở đấy làm những trò rất là bỉ ổi. Thì những anh em đó hoặc là sẽ phản ứng bằng cách tẩy chay việc họp hội nghị cử tri.Vậy thì tôi nghĩ những người đó về mặt thực tế là sẽ bị loại vì những người đó là tự ứng cử nhưng chưa trở thành ứng cử viên."

Theo Tiến sỹ Quang A, các ứng viên tự ứng cử Đại biểu Quốc hội là những người trong nhóm đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền đã bị 'loại hết ra' trong các Hội nghị cử tri tại Hà Nội, nơi mà con số người tự ứng cử lên tới 48.

Ông nói về việc tự ứng cử và thành phần của những người này: "Việc tự ứng cử vào Quốc Hội ở Việt Nam là một cái chuyện đã có từ lâu, không có gì mới lạ cả… Có những người tự ứng cử nhưng được chính quyền bật đèn xanh là tự ứng cử đi. Những người đó cũng gần như là người được Đảng cử mà thôi.

"Rồi dịch chuyển sang một chút thì có những người tự ứng cử là người ứng cử độc lập, rồi sang một chút nữa thì là độc lập nhưng mà đấu tranh mạnh mẽ cho nhân quyền và dân chủ…

"Tức là cái giải phổ nó rộng như thế nên trong số 48 người ở Hà Nội tôi không thể biết bao nhiêu người ở vị trí nào trong cái phổ rộng như vậy. Nhưng mà số anh em đấu tranh cho nhân quyền dân chủ thì tôi biết rất kỹ và số đấy bị loại hết ra rồi."

Cũng hôm 10/4, từ Hà Nội, một người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khác, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, nhà nghiên cứu văn hóa và blogger chia sẻ về kết quả của hai Hội nghị Cử tri vừa diễn ra các hôm 08 và 09/4/2016 đối với ông, mà kết quả lần lượt ông nhận được các phiếu và tỷ lệ ủng hộ là 15/58 (25%) ở cơ quan và 6/66 (10%) ở nơi cư trú.

Khi được hỏi ông có phản ứng gì trước các Hội nghị này, Tiến sỹ Diện nói ông đã có thư kiến nghị tới các cơ quan liên quan của chính quyền trung ương và địa phương ở Việt Nam, nhưng cho hay:

"Cơ quan công quyền của Việt Nam, kể cả Quốc Hội thì trước đến nay không có truyền thống trả lời đơn thư. Đơn khiếu nại tôi đã gửi rồi nhưng vẫn chưa có trả lời."

Trước câu hỏi sau lần tự ứng cử Đại biểu Quốc hội này, với một kỳ bầu cử tương tự vào khóa sau trong tương lai, liệu có ra tái ứng cử nữa hay không, blogger, nhà nghiên cứu từ Việt Nghiên cứu Hán Nôm, nói:

"Nếu xã hội Việt Nam vẫn cứ như thế này, với quyết tâm chính trị như thế này, thì tôi sẽ không để cho mình ra ứng cử lần nữa.

Tôi nghĩ rằng chuyện sẽ có một bước tiếp theo ở trong quá trình này là sẽ ra ứng cử của 5 năm tới hay không, thì tôi nghĩ bây giờ nói thì hơi sớm. Nhưng tôi tin chắc rằng sẽ có nhiều anh em trẻ, chứ không phải là những người già như tôi, sẽ tiếp tục ra ứng cử
Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A

"Còn khi tình hình xã hội khác, quyết tâm của những nhà chính trị là mở rộng dân chủ, cải cách thể chế và mong muốn một sự thay đổi để những người có tâm với đất nước, và có trình độ và có hiểu biết muốn đem sức lực và tâm huyết ra ghánh vác việc dân việc nước… Nếu như cái đó không còn nữa thì tôi sẽ không ra ứng cử một lần nữa."

Nhìn lại diễn biến xung quanh hàng loạt hội nghị cử tri đã đang diễn ra với nhiều trường hợp ra tranh cử ở Việt Nam, mà tổng số các trường hợp lên tới 154 người trong cả nước, Tiến sỹ Xuân Diện nói:

"Qua quan sát tôi thấy tất cả hội nghị cử tri và những ứng cử viên tham gia như là một cuộc đấu tố man rợ và bỉ ổi của cải cách ruộng đất. Tối hôm qua đã đến hội nghị cử tri của tôi như là đi vào pháp trường với sự thị uy của lực lượng chức năng, công an, rồi công an chìm băng đỏ các thứ nhưng rồi cái kết quả là thứ nhất, những ứng cử viên độc lập đều nếm trải cuộc đấu tố.

"Thứ hai, các kết quả là được rất là ít phiếu, ngay như tối nay ông ứng cử viên Phan Phong ở Tràng Tiền chỉ được 1 phiếu thôi. Hôm qua thì ông Nguyễn Kim Môn được 3/81 phiếu...," blogger và nhà nghiên cứu nói với BBC.

'Vẫn còn nhiều bước khác'

Nhiều người trẻ tuổi đã bước ra tự ứng cử Đại biểu Quốc hội Việt Nam trong số 154 trường hợp trong cả nước.

Cũng hôm Chủ nhật, Tiến sỹ Nguyễn Quang A chia sẻ thêm với BBC về đợt tự ứng cử của bản thân và nhiều trường hợp khác ở Việt Nam kỳ này, ông nói:

"Việc ứng cử của tôi và một số người trong đợt này là một bước trong một quá trình học tập dài dài mà chúng tôi đã khởi động từ lâu rồi.

"Đây là một bước và như thế là sẽ còn rất nhiều bước khác và những bước tiếp theo không phải là nó chấm dứt ở ngày 12/4, mà cũng không phải là nó chấm dứt ở ngày 22/5.

"Và nó còn tiếp tục liên quan đến việc bầu cử, rồi sau bầu cử, thì nó lại có nhiều bước tiếp tục khác ở trong quá trình đó.

"Tôi nghĩ rằng chuyện sẽ có một bước tiếp theo ở trong quá trình này là sẽ ra ứng cử của 5 năm tới hay không, thì tôi nghĩ bây giờ nói thì hơi sớm.

"Nhưng tôi tin chắc rằng sẽ có nhiều anh em trẻ, chứ không phải là những người già như tôi, sẽ tiếp tục ra ứng cử.

"Và nếu đấu tranh mạnh mẽ, thì có thể hy vọng rằng Luật Bầu cử nó phải thay đổi thì mới được, chứ Luật Bầu cử mà nó đã được thiết kế để cái việc Đảng (CSVN) quyết định, Đảng chọn dân bầu, thì sẽ không bao giờ có kết quả tốt cả," Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A nói với BBC.
 
Nguồn: Theo BBC

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire