Trang

13/05/2016

Hãy lên tiếng bảo vệ ngư dân, ngư trường,


 HỮU LONG - TÂM THƯ - THUỲ TRANG
 
Niềm vui vỡ òa của người thân khi thuyên viên đều mạnh khỏe trở về.

Chiều 5.5, 34 ngư dân tàu QNa 95959 TS bị tàu lạ đâm chìm trên vùng biển Hoàng Sa đã trở về trong những giọt nước mắt hạnh phúc của người thân. Sau gần 3 tháng hành nghề câu mực, gần 10 tỉ đồng bao gồm hải sản và nhiều tài sản trên tàu đã mãi nằm lại giữa lòng biển khơi. “Lần đầu tiên trong đời tôi trở về đất liền với những giọt nước mắt của người thân. Con tàu của tôi đã nằm lại dưới đáy biển. Đó là điều đau đớn nhất của tôi. Xin hãy lên tiếng, xin hãy hành động để bảo vệ ngư trường của chúng ta, bảo vệ ngư dân để chúng tôi tiếp tục bám biển của tổ quốc” - lời chia sẻ xúc động của ông Phạm Phú Thành - chủ tàu cá bị đâm chìm. 
 


Tàu cá QNa 95959 TS do ông Phạm Phú Thành (50 tuổi, ngụ xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) làm thuyền trưởng đang câu mực ở khu vực Hoàng Sa thì bị một tàu lạ chưa rõ lai lịch đâm chìm trong đêm ngày 3.5. Rất may, tàu cá QNa 94998 do ông Phạm Phú Trung (cùng ngụ xã Bình Minh) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng đang hành nghề gần đó đã nhanh chóng đến hiện trường ứng cứu, đưa 34 ngư dân lên tàu và hướng về Đà Nẵng. Theo Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Trung tâm II), lúc sự việc xảy ra, vị trí tàu cách TP. Đà Nẵng hơn 370 hải lý thuộc đông bắc Hoàng Sa. Ngay sau khi nhận được thông tin cứu nạn khẩn cấp, tàu SAR 412 của đơn vị đã khởi hành trong sáng 4.5 và khuya cùng ngày mới tiếp cận được tàu QNa 94998. Đúng 16h ngày 5.5, toàn bộ 34 ngư dân gặp nạn đã về đến Đà Nẵng.

Xóm nghèo rúng động

Đầu giờ chiều ngày 5.5, khu vực đón ngư dân gặp nạn tại Trung tâm II rất đông người thân của các thuyền viên tập trung về chờ tin . Nhiều người trong số đó đã không còn giữ được bình tĩnh, ngất lịm trong tay họ hàng. Hàng trăm đôi mắt của họ liên tục dõi ra biển, chờ đợi người thân.

Bà Bùi Thị Luận - vợ thuyền trưởng Phạm Phú Thành nói trong tiếng nấc: “Khoảng 20h đêm ngày 3.5, gia đình chúng tôi còn điện thoại cho chồng để hỏi thăm sức khỏe các anh em và chuẩn bị nhu yếu phẩm gửi ra cho anh em ngoài đó. Thế mà chỉ vài tiếng sau, người thân điện lại thì liên lạc không được nữa. Mãi đến gần 24h cùng ngày, bà con ở xóm đều bàng hoàng nghe tin dữ báo về tàu cá của mình bị tàu lạ đâm chìm. Lúc đó tôi không còn biết trời đất gì nữa”.

Trên tàu cá QNa 95959 TS ngoài chồng bà Luận còn 6 người thân trong gia đình. Trong đó, đứa con út là em Phạm Phú Nhân chỉ mới 16 tuổi. “Đây là chuyến biển đầu tiên của nó. Thằng Nhân con tôi học hết lớp 9 thì nghỉ ngang ở nhà theo cha đi biển. Có cha mẹ nào muốn con mình nghỉ học đi làm nghề biển vất vả này đâu. Nhưng tính thằng Nhân giống cha nó, thích đi biển từ nhỏ. Nó còn bảo đây là chuyến đi đầu tiên của nó rồi sau đó nó sẽ thay cha bám biển, nào ngờ…” - bà Luận nói như mếu.

Gần đó, bà Bùi Thị Lợi (trú tổ 5, thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh) có 2 người thân trên tàu cá là anh Bùi Viết Khá (SN 1967) và em Bùi Viết Hưng (SN 1992, anh trai và em trai bà Lợi) từ khi bước vào khu vực nhà chờ, bà Lợi liên tục khóc nức nở. Theo lời bà Lợi, đầu tháng 1 âm lịch, tàu cá QNa 95959 ra khơi chuyến biển đầu năm. Trước khi sự việc xảy ra khoảng vài ngày, không hiểu sao bà Lợi luôn có linh cảm bồn chồn lo lắng. Mãi đến khoảng 5h sáng ngày 4.5, bà nghe người dân trong xóm hối hả chạy sang báo tin thì bà ngất lịm.

“Các thuyền viên trên tàu cá như anh và em trai tôi sau chuyến đi này thiệt hại rất lớn. Trước chuyến đi, gia đình tôi vay góp ngân hàng khoảng 30 triệu để sắm sửa đồ nghề đi biển. Giờ đây khi toàn bộ con tàu đã nằm chìm dưới đáy biển thì coi như mất trắng. Thật sự, bây giờ tôi không biết xoay xở ra sao nữa” - bà Lợi tâm sự.
 

Người thân thuyền viên gặp nạn thấp thỏm đợi tin người thân.
 

Nhiều ngành chức năng hỗ trợ cho các thuyền viên gặp nạn. Ảnh: Đ.N
 
“Xin hãy lên tiếng mạnh mẽ vì ngư dân chúng tôi”

Đúng 16h ngày 5.5, tàu cứu nạn SAR 412 từ từ cập vào cầu cảng tại Trung tâm II trong niềm vui vỡ òa của hàng trăm con người đứng chờ đợi nhiều giờ liền. Nhiều thân nhân của ngư dân gặp nạn chạy ào đến chân cầu cảng ôm chặt người thân. Bà Luận chạy ào đến, đứng trước thềm cầu thang, ôm bất cứ người nào vừa bước lên bờ. Bà nói trong nước mắt: “Sống rồi! Giờ thì chồng, con, anh em chúng tôi đã quay về rồi”.

Vừa trở về sau chuyến biển kinh hoàng, ông Phạm Phú Thành và nhiều thuyền viên vẫn còn vẻ mệt mỏi, cần sự trợ giúp của lực lượng cứu nạn. Thế nhưng lời đầu tiên khi đứng lên phát biểu, ông không giấu được sự xúc động: “Lần đầu tiên trong suốt mấy chục năm đánh bắt thủy sản ở biển Hoàng Sa tôi gặp sự cố đau lòng này. Chúng tôi không còn trở về trong tiếng cười của người thân như bao lần mà giờ đây là những giọt nước mắt. Trước tất cả bà con nhân dân, tôi mong muốn mọi người hãy lên tiếng, xin hãy hành động mạnh mẽ để bảo vệ ngư trường cho ngư dân. Để dù trước những việc làm ngang ngược của tàu nước ngoài, ngư dân chúng tôi cũng không lo sợ, chúng tôi vẫn quyết tâm bám biển”.

Cũng theo lời kể của ông Thành, khoảng thời gian từ 19 - 23h ngày 3.5, tàu cá của ông thả thuyền thúng đánh câu mực cách khu vực tàu cá thả neo gần 2 hải lý. Trên tàu cá lúc đó còn ông và 2 thuyền viên khác thì bất ngờ phát hiện một chiếc tàu lao đến rất nhanh rồi đâm trực diện vào mũi thuyền. “Ngay sau khi bị đâm, tôi vội chụp lấy bộ đàm thông báo cho 31 anh em đang câu mực quay trở về ứng cứu nhanh. Chỉ chưa đầy 10 phút, hơn 10 tấn mực khô và toàn bộ trang thiết bị trên tàu trị giá gần 10 tỉ đồng đã chìm xuống biển. Chúng tôi chới với cố bám vào những gì còn sót lại. Một lúc sau, các thuyền viên khác mới đến cứu vớt lên”.

Theo lời kể của các thuyền viên trên tàu của ông Thành, chiếc tàu lạ đâm chìm tàu cá của ông có màu xám, vỏ sắt và lớn hơn tàu cá của ngư dân Việt Nam rất nhiều. “Vì sự việc diễn ra trong đêm khuya nên chúng tôi không thể nhận biết được con tàu vỏ sắt đã đâm là tàu của nước nào và có số hiệu là gì” - ông Thành cho biết. Tuy nhiên, ông Thành khẳng định: “Cuộc đời của chúng tôi gắn với biển nên ngay khi có đủ điều kiện và cơ hội, chúng tôi sẽ tiếp tục ra khơi”. Dù vậy, trước những khó khăn của hiện tại cũng như việc bị uy hiếp bởi các tàu lạ của nước ngoài thì giờ đây, ngoài bão tố, nhiều ngư dân như ông Thành sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm rình rập.

Ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết, cùng với việc lãnh đạo tỉnh đón, thăm hỏi và động viên các ngư dân trở về sau tai nạn, trước mắt, Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/ngư dân, và UBND huyện Thăng Bình hỗ trợ 1 triệu đồng/ngư dân, sau đó sẽ thống kê thiệt hại để đề xuất hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành thu thập thông tin ngay sau khi 34 ngư dân vào bờ, để tỉnh có báo cáo gửi Bộ Ngoại giao can thiệp.

Trước thiệt hại của ngư dân tàu QNa 95959, Hội Nghề cá tỉnh đã chính thức lên tiếng phản đối hành động vô nhân đạo của tàu cá nước ngoài đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Nam khi đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ông Ngô Tấn - Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh - nói: “Hội Nghề cá cũng như ngư dân địa phương hết sức bức xúc và cực lực lên án hành vi vô nhân đạo đâm chìm tàu cá của ngư dân và bỏ đi, mặc cho sự sống chết của 34 ngư dân nghèo. Tàu của ngư dân đã đánh bắt hơn 2 tháng, chuẩn bị về đất liền thì gặp nạn, toàn bộ tài sản, công sức mồ hôi nước mắt của ngư dân bị mất trắng. Sau khi các ngư dân về địa phương, lực lượng biên phòng sẽ tìm hiểu, làm rõ sự việc và đối tượng có hành vi dã man này để có biện pháp bảo vệ quyền lợi ngư dân bị hại”.

Trước đó, ngày 4.5, Nghiệp đoàn Nghề cá (NĐNC) VN đưa ra tuyên bố về việc tàu lạ đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Nam. NĐNC khẳng định: Đây là một hành vi vô nhân đạo của tàu cá nước ngoài, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, gây thiệt hại lớn đến tài sản của ngư dân, đoàn viên NĐNC đang khai thác thủy hải sản trên vùng biển thuộc chủ quyền của VN. NĐNC hết sức lên án và phản đối hành vi nói trên và đề nghị các cơ quan chức năng của VN cần có các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân trong các hoạt động trên biển; kiên quyết, kịp thời phối hợp ngăn chặn và xử lý những hành động tương tự để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển lao động sản xuất.

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire