Trang

16/06/2016

“Đầy tớ” dám bán đứng “ông chủ”?

 Duy Chiến thực hiện

Câu chuyện PPP nói chung hay BOT nói riêng của VN quy trình thường không rõ ràng, thêm vô số thứ “dưới gầm bàn” không thể xác định và giám sát được. Cuối cùng hậu quả ai chịu?
 
 


LTS: Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo chưa tăng phí đường bộ trong năm 2017! Quyết định này khiến nhiều người dân đồng tình. Song có lẽ vẫn chưa thể yên lòng, bởi qua năm 2017 phí qua BOT giao thông sẽ tăng. Xu thế tăng có thể còn kéo dài cho đến khi nhà đầu tư thu hồi vốn. Nhưng bao giờ họ mới thu hồi được vốn? Câu hỏi này chỉ có nhà đầu tư biết!

Xung quanh những vô lý của câu chuyện phí qua trạm của các dự án BOT ở nước ta, Tuần Việt Nam có cuộc phỏng vấn thẳng thắn cởi mở với ông Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright.    


Thưa ông Du, có vấn đề bức xúc thế này, BOT là hình thức nhà đầu tư bỏ tiền ra làm rồi thu lại. Người trả tiền là người dân nhưng họ không có quyền gì cả. Giá cả bị áp đặt, nhà đầu tư muốn tăng thì tăng mà không có lý do rõ ràng. Nhà nước quy định phải 70 km mới được đặt trạm nhưng người ta làm trạm dày đặc v.v… Người dân bức xúc, các doanh nghiệp, hiệp hội phản đối gay gắt. Quyền lợi người dân nộp thuế và bỏ tiền mua vé qua trạm thu phí chưa được quan tâm đúng mức. Rất vô lý, vô lý một cách bất công! Ông thấy vấn đề này như thế nào?

Ông Huỳnh Thế Du: Có nhiều vấn đề đáng bàn trong chuyện này lắm. Mô hình hợp tác công tư xuất hiện khi nhu cầu thì lớn mà nguồn lực của khu vực công thì có hạn nên cho khu vực tư làm bớt. Có một số hoạt động như đường sá giao thông có thể thu phí. Lúc đó những người sử dụng trực tiếp con đường đó sẽ trả phí như hiện nay.

Về nguyên tắc, vai trò của người dân rất lớn. Tất cả mọi người dân đều có quyền có tiếng nói về con đường đó. Bởi với hầu hết các dự án theo mô hình PPP, về cơ bản đều sử dụng một phần tiền thuế của người dân và một phần tiền trực tiếp của người sử dụng. Các dự án này, về nguyên tắc, cũng phải thực hiện theo quy trình ngân sách. Tuy nhiên, trên thực tế “không gian” của chúng thường lớn hơn nhiều.

Với một dự án ngân sách, nếu chỉ định thầu là đã “có vấn đề” rồi. Có thể vì cấp bách hay lý do nào đó đành phải chỉ định thầu nhưng là cực chẳng đã. Bởi nó không minh bạch. Còn với dự án hợp tác công tư thì có rất nhiều trường hợp còn hơn cả chỉ định thầu. Bởi với một con đường độc đạo hay một dự án độc nhất vô nhị thì tôi chẳng có gì so sánh. Có so sánh thì cũng rất xa.  

Với cơ chế hợp tác công tư như hiện nay, vấn đề nổi cộm là không có sự minh bạch rõ ràng. Cán bộ công chức đại diện cho nhà nước, nhưng chắc gì anh đã vì mục tiêu công, vì lợi ích chung? Hay là anh vì các lợi ích khác? Khó ai tin vào việc này là vậy.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo chưa tăng phí đường bộ trong năm 2017! Quyết định này khiến nhiều người dân đồng tình. Song có lẽ vẫn chưa thể yên lòng, bởi qua năm 2017 phí qua BOT giao thông sẽ tăng. Ảnh: atgt.vn
 
 
Và việc thiết kế ra một hợp đồng hợp tác công tư, cụ thể là phương thức BOT rất là khó. Theo kinh nghiệm quốc tế, có nơi thì thành công nhưng cũng có nơi thất bại. Điển hình là ở các nước châu Mỹ La tinh. Ở đó, vào cuối những năm 80 và đầu thập niên 90 họ cực kỳ hào hứng với mô hình hợp tác công tư. Họ tư nhân hóa mọi thứ, đưa tư nhân vào làm. Nhưng vì những trục trặc từ khu vực công lại chuyển qua thất bại thị trường, trục trặc qua khu vực tư. Bởi độc quyền và đủ thứ chuyện khác xoay xung quanh.

Ví dụ, người ta thấy hợp đồng rất béo bở nên họ muốn làm thầu công trình này. Bình thường thì rất là khó cho nên họ vẽ ra mô hình hợp tác công tư để có quyền thiết kế tất cả và chỉ định thầu. Thực ra lấy thầu xong họ xây con đường này nhưng không quan tâm gì tới hiệu quả xã hội. Hay một dự án cấp nước, thoát nước cũng vậy.

Câu chuyện về hệ thống cấp thoát nước ở Cancun – Mexico là một ví dụ điển hình. Những thứ đó gây ra một trào lưu ngược. Tức là mọi người nghĩ Nhà nước làm không hiệu quả, thì theo mô hình hợp tác công tư chuyển cho tư nhân làm. Nhưng tư nhân làm còn tệ hơn, gây bất bình trong xã hội. Vì thế mới xảy ra trào lưu quốc hữu hóa như ở Venezuela và một số nước châu Mỹ Latinh. Tức là nó chuyển từ thái cực này sang thái cực kia rất cực đoan. Cuối cùng nó ra một cái mô hình điển hình như Venezuela và một số nước khác như đang xảy ra.

Trở lại câu chuyện PPP nói chung hay BOT nói riêng của VN, thật sự quy trình rất là không rõ ràng. Mặc dù có quy trình và các quy định đầy đủ mọi thứ nhưng mỗi dự án là một trường hợp đặc biệt. Nên cơ chế giám sát cũng như các cơ chế khác rất tù mù. Khi có dự án khổng lồ, bản chất là siêu dự án, nếu anh là chủ thầu xây dựng, thì anh muốn được thi công dự án đó.

Nếu anh là công chức tham gia vào đó, anh sẽ muốn tính thành tích cho nhiệm kỳ của anh. Đó là cái thứ nhất. Thứ hai là có vô số thứ ở trong đó, có những thứ “dưới gầm bàn” mà không thể xác định và giám sát được. Cuối cùng hậu quả ai chịu?

Mỗi khi cả xã hội bất bình, bức xúc lên tiếng thì quan chức lên truyền hình giải thích đều theo hướng “thông cảm”, “chia sẻ” bảo vệ quyền lợi cho DN một cách quá đáng, bất chấp quyền lợi của nhân dân. Và gần như phát biểu giải thích của quan chức có trách nhiệm  luôn biện hộ cho nhà đầu tư và cài sẵn câu “khả năng còn phải tăng nữa mới đủ chi phí cho nhà đầu tư!”! Có cảm giác như cơ quan chức năng nhà nước không giữ được vài trò khách quan chứ đừng nói chi là đại diện cho nhân dân?

Ông Huỳnh Thế Du: Nguyên nhân khách quan là thế này, các dự án luôn có nguy cơ đội vốn. Đầu tiên là do nhà đầu tư phải bằng mọi giá để giành cho được dự án. Ví dụ dự án đó phải 100 tỷ thì mới làm được.

Nhưng để thực hiện, đầu tiên họ sẵn sang bỏ thầu thật thấp, chỉ làm vài chục tỷ. Tức là cốt làm sao đặt vào thế đã rồi. Khi đã đầu tư vào 20 tỷ, nếu nhà nước không cấp vốn tiếp mấy chục tỷ nữa, thì dự án phải bỏ dở.

Mà bỏ thì sao? Cán bộ liên quan phải mất chức! Nó cứ như thế bắt buộc đã vào thế là phải nhắm mắt chạy theo!

Kiểu này chẳng khác chi thủ thuật để thắng thầu?

Ông Huỳnh Thế Du: Đúng rồi! Đầu tiên, phải bằng mọi cách giành cho được dự án cái đã. Cách hay nhất là chào giá thật thấp với điều kiện ưu đãi. Họ biết tỏng tòng tong là nói như thế chứ  chẳng có khả năng làm được. 

Ví dụ họ nói sẽ làm các điều a,b,c gì đó với điều kiện 3 năm sau Nhà nước phải giải phóng mặt bằng cho họ. Nhưng họ biết rõ rằng, với những dự án như thế này thông thường phải 5 năm mới giải phóng được mặt bằng. Tới năm thứ 3  không giải phóng được mặt bằng thì sẽ có vô số thứ nảy sinh.

Doanh nghiệp đầu tư biết năng lực không làm được những cái đó và  nhà nước không làm được, họ sẽ có lý do đổ trách nhiệm cho nhà nước. Rõ ràng tôi đã làm phần tôi, còn nhà nước không làm phần trách nhiệm của nhà nước nên mới xảy ra như vậy, tôi thu phí không đủ, nhà nước phải bồi thường v.v…

Như vậy cũng không loại trừ cả hai, cán bộ công chức của nhà nước và nhà đầu tư tư nhân đều biết và đều đóng kịch diễn với nhau?

Ông Huỳnh Thế Du: Chính xác như vậy!

Ông nhà đầu tư thì muốn tham gia, muốn có lợi dù năng lực hạn chế. Ông đại diện nhà nước thì bắt tay với ông nhà đầu tư, biết tỏng tòng tong nhau rồi, muốn cho được nên cả hai cũng diễn kịch. Họ đều biết hết và cùng bắt tay, cùng “quyết tâm”, “tăng cường”, “cũng cố” làm điều nay điều kia. Nhưng họ đều đã biết tiến độ đặt ra 3 năm nhưng phải 5 năm hoặc thậm chí hơn nữa mới xong.   

Khu vực công bị một khiếm khuyết chưa có cách nào khắc phục được là cuối cùng không có người chịu trách nhiệm thực sự, không có người có lợi ích liên quan! Về nguyên tắc, lợi ích  là cho người dân. Nhưng người dân không có gì trong trường hợp này. Chỉ ông quan chức mới có lợi ích riêng rất là lớn. Về mặt nguyên lý đây là mâu thuẫn giữa ông chủ và người thừa hành.  Ông chủ là nhân dân giao cho công chức làm việc đó. Nhưng ông công chức không đứng trên lợi ích của nhân dân mà đi ngược lại.

Điều trớ trêu nhất là “ông chủ”, người trả tiền bị gạt ra ngoài của mô hình này!



Khái niệm PPP (hợp tác công tư) và BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao):

PPP là viết tắt của ba từ tiếng Anh Public Private Partnership mà theo ngôn ngữ thông thường gọi là hợp tác công tư và ngôn ngữ văn bản ở Việt Nam gọi là đối tác công tư. Đây là hình thức mà khu vực công và khu vực tư cùng hợp tác với nhau để triển khai các dự án hay dịch vụ có tính chất công cộng.

BOT là viết tắt của Build – Operate – Transfer, có nghĩa là xây dựng – vận hành – chuyển giao. BOT là một loại hình của hợp tác công tư hay hiểu một các đơn giản PPP là trái cây, BOT cũng như một số loại hình khác như BOO chẳng hạn là cam, táo … Việc nhầm lẫn PPP và BOT là hai loại hình khác nhau hiện nay là khá phổ biến ở Việt Nam.

Còn nữa

Duy Chiến thực hiện

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire