Trang

07/06/2016

Bài thơ "Đất nước mình ngộ quá phải không anh” của cô giáo Trần Thị Lam, một câu hỏi lớn không lời đáp…


Đặng Văn Sinh

Buồn quá phải không ông? Đất nước mình ( Ảnh minh họa)
 
Điều dễ nhận thấy là bài thơ ra đời vào thời điểm những bất cập xã hội đã vượt quá giới hạn chịu đựng của con người. Đó là những dòng cảm xúc bất chợt dâng trào mà điểm nhấn của nó là hàng loạt câu hỏi như những dòng cảm thán được hình thành từ tâm thức của một công dân quá yêu đất nước mình.




Bố cục bài thơ gồm năm khổ, trong đó, mỗi khổ đều mở đầu bằng một câu hỏi tu từ được thiết lập trong mối quan hệ đồng đẳng. Câu hỏi tu từ, nghĩa là, hỏi chỉ để tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ, không cần phải trả lời, bởi câu trả lời đã nằm sẵn trong cấu trúc nội tại văn bản. Đây chính là nét đặc trưng của thi pháp thơ truyền thống, không chỉ với người Việt mà cả với cộng đồng nhân loại.

Các câu hỏi mở đầu cho mỗi khổ thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh”, “Đất nước mình lạ quá phải không anh”, Đất nước mình buồn quá phải không anh, Đất nước mình thương quá phải không anh, Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh?”, được xem như cùng một cấu trúc ngữ pháp, sử dụng nhuần nhuyễn lớp từ vựng thông tục, rất gần gũi với đời sống thường nhật, không chú ý đến các biện pháp tu sức nhưng lại có khả năng biến thái linh hoạt, tạo nên giá trị biểu cảm không giới hạn. Thông thường, với thể loại thơ thế sự cảm thán, những câu hỏi tu từ, luôn được bố trí theo trình tự từ cụ thể đến trừu tượng, khái quát (hoặc ngược lại) để diễn tả một hiện tượng xã hội, lịch sử hay văn hóa, cuối cùng, ý tưởng được “gói” lại trong câu kết làm bài thơ bỗng sáng lên, tạo ấn tượng mạnh với người tiếp nhận gọi là thủ pháp nghệ thuật ngôn từ. Ta có thể kiểm chứng đặc điểm này qua bài “Chợ” của Nguyễn Duy với lời đề từ khá hài hước “Kính tặng vợ nhân đầu năm Con Khỉ”. Bài có bốn khổ thì ba khổ đầu sử dụng câu hỏi tu từ ở cấp độ phi đồng đẳng tăng tiến theo trình tự từ cụ thể đến trừu tượng tạo ra không gian cảm xúc đa chiều với nhiều cung bậc tâm trạng: “Có món ngon nào giá rẻ không em?”, Có đam mê nào giá rẻ không em?”, Có yêu thương nào giá rẻ không em”, Có hạnh phúc nào giá rẻ không em?”. Và, cứ sau mỗi câu lại là một diễn ngôn trần tình đầy chất bi hài, diễn tả tâm trạng ai oán của một nhà thơ được mẹ trót sinh ra gắn với “câu sấm mệnh con cò”.

Như vậy, về mặt bố cục tổng thể cũng như đặc trưng thi pháp, “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” có vẻ như không mấy đúng với “niêm luật” của loại hình thơ “thế sự” dùng các câu hỏi tu từ làm phương thức biểu đạt ý tưởng thẩm mỹ nếu nhìn nhận nó qua cách phân tích quan phương. Sẽ rất sai lầm, nếu chỉ tiếp cận bài thơ qua cái nhìn xã hội học dung tục, rồi vận dụng phương pháp phê bình chỉ điểm. Bằng “công nghệ” này, người ta có thể chọn ra không ít câu chữ vốn hiền lành nằm trong hệ thống logique ngữ nghĩa, nhưng được cho là có dấu hiệu “vượt đèn đỏ”, phạm “kỵ húy”, rồi gán cho nó đủ thứ tội danh, thậm chí còn dùng cả bộ máy công quyền răn đe tác giả. Đó luôn là cách hành xử của những thể chế độc tài toàn trị, ở tầm văn hóa thấp nhưng lại đầy quyền lực, muốn thâu tóm mọi lĩnh vực xã hội để dễ bề cai trị, trong đó có văn học nghệ thuật, một loại hình được xếp vào lĩnh vực tư tưởng nên rất dị ứng với chủ trương “đồng phục”.

Một vấn đề được đặt ra là, bài thơ bình thường như “Đất nước mình ngộ quá phải không anh”, vì sao làm thổn thức hàng triệu con tìm người dân đất Việt, vì sao tạo ra cơn chấn động tâm lý, qua đó hâm nóng tình yêu đất nước, lay động cả dân tộc bỗng chốc bừng tỉnh về thân phận mình sau bao nhiêu năm choáng ngợp bởi ánh hào quang quá khứ thẩm thấu vào mỗi đường gân thớ thịt bằng đủ chiêu thức tinh vi của công nghệ tuyên truyền? Câu trả lời quá đơn giản. Bài thơ được sáng tác trong một khoảnh khắc xuất thần được nâng đỡ bởi niềm cảm xúc chân thành và lòng yêu nước vô bờ bến cộng với một chút năng khiếu trời cho. Cái năng khiếu ấy chính là sự dung dị của những khổ thơ không cầu kỳ làm dáng, không cố gò từ, ép vận, không làm lạ hóa câu chữ mà mấu chốt của nó là sự liên kết đa chiều qua lớp từ vựng dân dã, tạo nên sự bùng nổ hiệu ứng thẩm mỹ. Cũng cần phải nói, ý tưởng về bài thơ chắc là đã được tác giả ấp ủ từ lâu, nhưng chất xúc tác làm đẩy nhanh quá trình hình thành tác phẩm có lẽ là hội chứng Formosa. Thứ chất độc không qua xử lý hàng ngày thải ra làm tuyệt đường sinh sống của cả triệu ngư dân vùng biển miền Trung, qua ngôn ngữ thơ, đã làm thức dậy phẩm giá con người vốn vẫn tiềm tàng trong ý thức cộng đồng dân tộc.

Nếu đọc bài thơ bằng con mắt khác, tâm thế khác, ví như dưới góc độ lịch sử hay triết lý dân gian, chắc chắn sẽ còn tìm ra được những thông điệp mới, trong đó có một vấn đề rất đáng quan tâm đó là “hằng số dân tộc”. Để làm được điều này, trước hết chúng ta phải có đủ sự lương thiện của người tử tế, không lệ thuộc vào câu chữ vốn luôn được các nhà kiểm dịch coi là nhân tố quan trọng để đánh giá lập trường, tư tưởng người sáng tác, mà biết nhìn vào cấu trúc tổng thể, loại trừ những định kiến xã hội, bài thơ sẽ hiện ra dưới một diện mạo khác, hàm chứa yếu tố nhân văn, nhân ái như là một chiều kích văn hóa. “Hằng số lịch sử” hay “hằng số dân tộc” là một khái niệm khá trừu tượng nhưng có thật và rất quan trọng, nó song hành và chi phối mọi suy nghĩ, hành động của cộng đồng Việt tộc suốt chiều dài mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Hằng số ấy chính là đặc trưng của nền văn hóa bao hàm các giá trị sống, trong đó có không ít mặt khuyết tật cha ông ta di truyền lại. Có lẽ cũng vì thế mà, Chế Lan Viên, sau mấy chục năm viết “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”, trước khi qua đời ông lặng lẽ phản tỉnh bằng “Ảo tưởng” và “Bánh vẽ” hoặc “Ai? Tôi?”, còn Tố Hữu thì ngậm ngùi với “Một tiếng đờn” vào tuổi xế chiều sau khi đã mất hết mọi chức tước. Từ đó có thể thấy, cô giáo Trần Thị Lam không phải là người đầu tiên và chắc chắn cũng không phải là người cuối cùng, hình tượng hóa cái nét “đậm đà bản sắc” ấy thành thơ, đem đến cho công chúng một cái nhìn khác về bản chất dân tộc mình.

Cái khác lạ của bài thơ chính là ở chỗ chỉ có các câu hỏi mà không có lời đáp như Huy Cận đã từng viết trong “Các vị La Hán chùa Tây Phương” vào những năm sáu mươi của thế kỷ XX. Đó là những câu hỏi không chỉ dành cho lịch sử, nghĩa là một thời đã qua, mà còn hỏi về tương lai, một tương lai đầy bất trắc khiến những kẻ lạc quan nhất của thời hiện tại cũng phải lắc đầu. Nói một cách hình ảnh, “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” chính là sự ẩn dụ tư cách của dân tộc Việt về nỗi cay đắng cho số phận cứ mỗi thế hệ lại tự làm mình lu mờ đi trước nền văn minh nhân loại. Xin đừng đổ cho vị trí địa chính trị, thiên tai hay “suy thoái kinh tế toàn cầu” sau khi đã véo von tự nâng lên mình lên “đỉnh cao muôn trượng” phóng tầm mắt thiển cận nhưng đầy ngạo mạn “Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng/ Trông lại ngàn xưa trông tới mai sau/ Trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu”. Về khoa “tướng số dân tộc”, có thể nói, không ai vượt mặt Tản Đà. Cách đây 84 năm, nhà thơ từng công khai “đem văn chương đi bán phố phường” này đã có lời phán “xanh rờn” gói gọn trong một mệnh đề đơn giản những làm lạnh gáy các nhà cách mạng đang cổ xúy cho phong trào giữ gìn quốc hồn quốc túy:

Dân hai nhăm triệu ai người lớn

Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con

(Mậu Thìn xuân cảm, Khối tình con thứ ba, Tản Đà thư cục tùng thư, 1932)

Tuy nhiên, trước đó năm năm, ít ai biết được, nhà thơ ngông ngạo xứ Đoài lại có lời tiên tri cho số phận dân tộc trong một bài thơ chống tham nhũng đầu tiên ở Việt Nam, chỉ ra cái “hằng số” oái oăm đó:

Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn

Cho nên quân nó dễ làm quan

(Xem tiểu thuyết Tờ chúc thư cảm đề, An Nam tạp chí, số 8, năm 1927)

Như vậy, trong bài thơ của mình, Trần Thị Lam đã sử dụng ý tưởng của bậc tiền nhân để làm sáng tỏ một hiện tượng văn hóa Việt bằng hai câu thơ đầy cảm khái:

Bốn ngàn tuổi mà không chịu lớn

Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm

Đấy là sự thật nhưng không dễ chấp nhận bởi xưa nay người Việt thường chỉ thích được khen, nếu không được khen thì sáng tác những lời văn hoa mỹ, kêu như chuông khánh để tự sướng. Từ thói quen ấy đương nhiên người ta xếp những đối tượng chê mình vào loại “suy thoái đạo đức” thậm chí “thế lực thù địch”. Từ đó mới nảy nòi ra hàng loạt cây bút suốt đời chỉ viết tụng ca đến nỗi có kẻ độc mồm độc miệng gọi là…bút nô!

Trong các giá trị sống được tích hợp từ nhiều thành tố, đa số trong chúng ta có cái “đức” cao tót vời so với dân tộc khác là ít khi dám nhận cái sai về mình, thường là đổ lỗi cho khách quan theo phương châm “Mất mùa là bởi thiên tai/ Được mùa bởi tại thiên tài…”. Khi ta cúi đầu chân thành nhận lỗi trước người khác, nghĩa là, trong sâu thẳm tâm hồn vẫn còn ý thức được phẩm giá. Không có cái đó con người trở thành ích kỷ và vô cảm. Một dân tộc liệu có được xếp vào loại “tiên tiến, đậm đà bản sắc” khi giẫm đạp lên nhau giành mảnh giấy in hình chiếc ấn ngụy tạo, hay thẳng tay nện vào mặt nhau tranh cướp phẩm vật trong lễ hội Đền Hùng mà có vị quan chức gọi là “cướp có văn hóa”? Hội chứng đám đông, những cơn lên đồng tập thể từ hàng ngàn lễ hội phù phiếm nặng mùi chụp giật dường như đã đẩy cả một cộng đồng người vào cơn mê muội. Đương nhiên, chính chúng ta, chứ chẳng cần phải đợi đến các thế hệ mai sau sẽ lãnh đủ những hệ lụy theo quy luật nhân quả nếu như trong tâm thức mỗi người vẫn nuôi ảo tưởng về những công trình thế kỷ hoành tráng hay kỷ lục Guiness bệnh hoạn:

Rừng đã hết và biển thì đang chết

Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…

Bài thơ không quy “tội” cho ai mà chỉ nêu ra hàng loạt câu hỏi tạo ra chuỗi liên kết ngoài văn bản ngôn từ. Lịch sử không thể lặp lại cũng như không thể sửa chữa bởi nó đã thuộc về phía bên kia của trục thời gian. Nhưng lịch sử là tấm gương phản ánh hiện thực xã hội để con người hiện tại và tương lai nhìn vào đó điều chỉnh hành vi của mình. Trớ trêu thay, đôi khi lịch sử của dải đất hình chữ S này lại hiện diện không giống với chính nó mà được phóng đại nhiều lần, làm mờ đi những tì vết, chỉ còn ánh hào quang rực rỡ. Bệnh vĩ cuồng đang trở thành mốt thời đại. Ở một mức độ nào đấy, bài thơ ngầm chỉ ra, chúng ta đang gặm nhấm dần thứ vinh quang ảo như một liều thuốc an thần xoa dịu cơn đau có thật của hiện tại đắng chát bằng liệu pháp AQ.

Lịch sử nhân loại đã từng chứng kiến, một dân tộc muốn “cất cánh” thành rồng thành hổ, sánh vai cùng cường quốc năm châu, trước hết không phải bằng sức mạnh quân sự mà bởi các giá trị văn hóa. Văn hóa suy đồi, đạo đức xuống cấp, cho dù sở hữu vũ khí hạt nhân, dân chúng vẫn nhếch nhác đói nghèo. Ấy là chưa tính đến cấu trúc xã hội lại xây dựng trên nền tảng học thuyết lạc hậu, không tưởng, chủ trương kích động bạo lực. Thứ học thuyết ấy chính là liều doping tuyệt hảo, giống như có dại gặp mưa xuân, tha hồ sinh sôi nảy nở những giá trị tiêu cực trong môi trường chính trị vốn là sản phẩm nối dài của hệ ý thức phong kiến tập quyền. Đây cũng chính là nỗi trăn trở của tác giả về một tương lai đầy bất trắc:

Di sản mai sau có gì để cháu con trang trải

Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu…

Về vấn đề danh dự quốc thể này, Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đã công khai phát biểu trong cuộc họp với UBND thành phố Hà Nội vào ngày 20 tháng 9 năm 2008, để rồi sau đó nhà cầm quyền Thủ đô cắt xén câu chữ, hoán đổi nội hàm, dùng “quần chúng tự phát” công kích, gây sức ép, buộc Đức Cha phải rời nhiệm sở: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng”.

Tệ ăn cắp, thói ích kỷ và bệnh vô cảm chẳng những làm cho cộng đồng người Việt mất đi sự gắn bó cho một dự án tương lai chung mà còn khiến bạn bè quốc tế nhìn nhận chúng ta với thái độ nghi ngại. Quan chức ngoại giao lợi dụng hộ chiếu đỏ buôn lậu sừng tê, ngà voi không còn là chuyện cá biệt. Có ngài lãnh sự chẳng thèm “nghĩ mình phương diện quốc gia” mò trộm sò ở vùng biển cấm rồi bao biện với cảnh sát sở tại rằng không biết tiếng Anh (!?). Nữ phóng viên KT, nếu không phải là con gái rượu của Tổng giám đốc Đài Truyền hình, chắc chắn sẽ ngồi bóc lịch dài dài trong nhà lao Thụy Điển hay Anh Quốc vì trò chơi… đạo chích. Còn phi công, tiếp viên hàng không thì lập hẳn một đường dây tiêu thụ hàng mỹ phẩm chôm chỉa được từ các siêu thị xứ Phù Tang. Tình hình nghiêm trọng đến mức, không chỉ Nhật Bản mà cả Hàn Quốc, Mã Lai, Singapore đến Thái Lan… đâu đâu cũng có những tấm biển cảnh báo người Việt về tội trộm cắp bằng tiếng Việt, rất mất thể diện.

Trong năm câu hỏi tu từ thì bốn câu đầu có chung nội hàm với chức năng ngữ pháp và ngữ nghĩa ngang nhau nhưng sắc thái biểu cảm khác nhau, tạo nên sự liên kết bề mặt. Nếu chỉ dừng lại ở mức độ ấy thì bài thơ không có mấy giá trị. Điểm mấu chốt tạo nên cái “thần” của tác phẩm lại nằm ở ba câu tiếp sau như là sự nới rộng biên độ thẩm mỹ. Có thể xem đây chính là sự trả lời qua thủ pháp ẩn dụ bằng một loạt sự kiện, hình ảnh được liệt kê, tác động khá mạnh vào thị giác, thích giác, tri giác và linh giác người nghe.

Về mặt ngôn ngữ, đọc “Đất nước mình ngộ quá phải không anh”, ta rất khó tìm được những câu chữ cầu kỳ, mới lạ. Những con chữ hiển hiện trước mắt người đọc hầu hết đều dân dã, hiền lành như hạt lúa, củ khoai trong đời sống thường nhật của người nông dân. Cấu trúc mỗi khổ xem ra lại càng “cũ” chả khác gì thơ Huy Cận, Tố Hữu, Tế Hanh cách đây gần sáu mươi năm. Vậy thì cơn cớ gì tác giả Trần Thị Lam bỗng chốc trở thành một hiện tượng trong làng thơ Đất Việt? Câu trả lời là, ngoài những phần chúng tôi đã kiến giải về thi pháp ở trên, còn có một yếu tố rất quan trọng đó là tâm thức người viết trung thực đến tận cùng, đồng điệu với tâm thức nhân dân trong một thời điểm lịch sử nhạy cảm của dân tộc. Cái độc đáo ở tác giả là chị đã dùng một thể thơ cũ, kết hợp với số lượng từ ngữ phổ thông tối thiểu, nhưng lại tạo ra một cấu trúc văn bản với hiệu ứng thẩm mỹ tối đa qua kỹ năng sắp đặt đầy sáng tạo. Rất dễ nhận thấy, bài thơ không có câu chữ thừa. Tất các thành tố ngữ pháp, ngữ nghĩa luôn móc xích mới nhau theo một trật tự tối ưu để cuối cùng có được một văn bản nghệ thuật hoàn mỹ vừa gửi đi một thông điệp xót xa, đau đớn vừa uyển chuyển ở vần điệu, nhạc điệu làm lay động biết bao trái tim bạn đọc.

Bài thơ sẽ sống mãi cùng với thời gian, bởi đã hơn một lần nó làm cho cả dân tộc thức tỉnh sau cơn mê sảng triền miên bằng loạt câu hỏi được coi như lương tâm thời đại:

Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước

Ai trả lời giùm đất nước sẽ về đâu…

Chí Linh, 2/6/2016
Đ.V.S.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire