- Willy Lam
China Brief, 11/5/2016
Lê Minh Nguyên dịch
Tranh chấp quyền lực không phải là một buổi party chiều. Cấu xé lẫn nhau và
đâm sau lưng giữa các phe nhóm và các cá nhân đang gia tăng trong Đảng Cộng sản
Trung Quốc (ĐCSTQ) khi đảng này đang chuẩn bị cho Đại hội 19 năm 2017. Ngoài
việc xây dựng hình ảnh như một giáo chủ, theo phong cách của chủ nghĩa Mao,
xung quanh mình, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đang làm mọi cách hầu loại bỏ mối đe
dọa lớn để củng cố quyền lực của ông - cánh Đoàn Thanh niên Cộng sản (ĐTNCS),
là một cánh lớn nhất trong ĐCSTQ.
Các đảng viên xuất thân từ ĐTNCS, được dẫn dắt bởi cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào,
hình thành một khối lớn nhất trong 25 thành viên Bộ Chính trị (BCT) thông qua
tại Đại hội lần thứ 18 ĐCSTQ năm 2012. HCĐào, cựu Bí thư thứ nhất của
ĐTNCS, thường được xem là một chính trị gia nhút nhát, quan liêu. Tuy nhiên,
ông phục vụ trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị (TVBCT) 20 năm cho đến khi ông
nghỉ hưu năm 2012, trong thời gian đó ông đã có nhiều cơ hội để phát triển sức
mạnh của phe nhóm ông cũng như sự nghiệp của các bạn đồng hành của ông. Các
đoàn viên ĐTNCS đặc biệt mạnh ở các vùng miền, dẫn đến điều mà nhiều người nói
rằng ông HCĐào đã theo chiến thuật "các vùng miền bao vây trung tâm"
trong việc chống lại khuynh hướng độc đoán của xếp ông, cựu chủ tịch Giang
Trạch Dân, người đứng đầu cánh Thượng Hải (VOA 12/1; Oriental Daily
4/7/15).
Chiến thuật cứng rắn của CT TCBình hiện đang thúc cù chỏ đẩy cánh ĐTNCS
sang một bên, nó được tóm lược bằng một tài liệu đánh giá nội bộ màcông rộng
rãi cho loan truyền, nói rằng ĐTNCS đã "bị liệt từ cổ trở xuống." Tại
hội nghị quốc gia giữa năm 2015 của những cán bộ làm việc trong các tổ chức
quần chúng như ĐTNCS, Hiệp hội Thương mãi Toàn quốc, Hội Phụ nữ Toàn quốc, ông
Tập cảnh báo rằng ĐTNCS có nguy cơ "bị gạt ra ngoài lề bởi những người trẻ
cũng như bị gạt ra ngoài lề bởi đảng và nhà nước" (VOA 29/4, Ming Pao
25/10/2015). ĐTNCS cũng bị chỉ trích là quá "quan liêu, máy móc, quý tộc
và có khuynh huớng ham vui". Từ cuối năm 2015, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật
(UBKT) đã đóng đô một đội làm việc bên trong ĐTNCS để điều tra vấn đề tham
nhũng và những vi phạm kỷ luật đảng (South China Morning Post 9/2, New Beijing
Post 7/7/2015 ).
Trong một bài báo gần đây trên trang web của UBKT - được giải thích như một
lời thú tội quy mô và đầy đủ - của Uỷ ban Đảng vụ ĐTNCS thừa nhận rằng các đoàn
viên "yếu kém trong lãnh đạo, chệch huớng trong xây dựng đảng, và thất bại
trong việc điều hành (các đơn vị) một cách nghiêm chỉnh". Lãnh đạo của
Đoàn cam kết sẽ duy trì "Bốn tầng Ý thức" có nghĩa là "ý thức
chính trị, ý thức về tình hình tổng thể, ý thức về sự tuân theo 'cốt lõi' [lãnh
đạo] và ý thức về duy trì sự phục tùng [lãnh đạo tối cao của đảng]." Bốn
tầng Ý thức này được hiểu như là một khẩu hiệu cam kết lòng trung thành tuyệt
đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, người được coi như là "cốt lõi của lãnh
đạo" (xem China Brief 7/3). Các lãnh đạo cấp cao của ĐTNCS cũng thực hiện
việc tự kiểm điểm cái tiêu chí mà họ đề ra để đào tạo các quan chức tương lai,
họ tự phê là đã gặp trở ngại bởi "chủ nghĩa ưu tú, bỏ rơi giới bình dân,
thiếu tính đại diện, và chỉ phục vụ một diện hẹp [của các thành phần khác nhau
trong xã hội ' "(Straits Times 29/4, CCDI.gov.cn 25/4).
TCBình phần lớn đã xoá bỏ vai trò của ĐTNCS - mà nó đặc biệt nổi bật trong
thời đại Hồ Cẩm Đào - như là một phương pháp để đào tạo các nhà lãnh đạo đảng
và chính phủ trong tương lai. Đầu năm 2016, Tập ra lệnh cắt giảm thành phần
nhân sự nền tảng của ĐTNCS từ cấp trung ương đến các khu vực địa phương. Ngân
sách của ĐTNCS cho năm 2016 là 306.27 triệu nhân dân tệ - tiêu biểu cho sự cắt
giảm khoảng 50% so với năm 2015 (Xinmin.cn 2/5, CCYL.org 15/4).
Hơn nữa, trường Đại học Thanh niên Trung Quốc Bộ môn Chính trị (ĐHTN) - có
trách nhiệm đào tạo cán bộ trong hệ thống ĐTNCS - dự kiến sẽ phải cắt giảm số
sinh viên ghi danh kể từ tháng Chín năm 2016. Một số giảng viên ĐHTN đã bày tỏ
lo ngại rằng tổ chức này, đôi khi được coi như là tương đương với Trường Đảng
Trung ương, sẽ bị hạ cấp nghiêm trọng (RFA 23/4, RFI 22/4).
Đòn bẩy chống lại các phe đối thủ
Vụ tai tiếng của Lệnh - và những lời chỉ trích nặng nề của Tập cho ĐTNCS -
đã phủ bóng tối lên vận mệnh chính trị của thành viên TVBCT, Thủ tướng Lý Khắc
Cường cũng như các thành viên Bộ Chính trị như Lý Nguyên Triều; Phó Thủ tướng
Lưu Diên Đôn và Uông Duơng; Vụ trưởng Văn phòng Đảng vụ Lưu Kỳ Bảo; và Bí thư
tỉnh Quảng Đông Hồ Xuân Hoa (không có liên hệ gia đình với cựu chủ tịch HCĐào).
Thủ tướng Lý đã bị ông Tập gạt ra bên lề và không còn quyền lực trong chính
sách kinh tế. Trong khi ông Lý có thể giữ lại được chân thành viên trong TVBCT
tại Đại hội Đảng thứ 19, ông có thể sẽ phải di chuyển qua làm Chủ tịch Quốc
hội. Có khả năng là các ông Lý Nguyên Triều, Lưu Diên Đôn và Lưu Kỳ Bảo sẽ được
trao cho các công việc chuẩn nghỉ hưu ở Quốc hội hoặc Hội nghị Chính hiệp TQ
(tuơng tự Mặt trận Tổ quốc). Trên lý thuyết, ông Uông Duơng, thành viên duy
nhất của cánh ĐTNCS có khuynh hướng cải cách vững chắc, sẽ vào TVBCT. Nhưng
không chắc là Tập có muốn hai thành viên của ĐTNCS nằm trong vùng cấm của quyền
lực này hay không, đặc biệt là khi có khả năng thành viên của TVBCT có thể giảm
từ mức hiện tại 7 xuống còn 5 (Apple Daily 29/11/2015, United Daily News
29/8/2015).
Có lẽ ý nghĩa hơn nữa là sự nghiệp chính trị của ông Hồ Xuân Hoa. Hồ và Bí
thư Trùng Khánh Tôn Chính Tài, cả hai đều sinh năm 1963, đã được đưa vào Bộ
Chính trị bởi TVBCT mãn nhiệm do cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào và cựu Thủ tướng Ôn
Gia Bảo lãnh đạo. Chỉ có hai nguời này là cán bộ thế hệ thứ 6 (những
người sinh vào thập niên 1960s) trong Bộ Chính trị hiện nay. Tương tự như ông
Hồ Cẩm Đào, ông Hồ Xuân Hoa từng là Bí thư thứ nhất của ĐTNCS, và cũng như
HCĐào làm cựu bí thư Tây Tạng, HXHoa xây dựng sự nghiệp của ông ở khu tự trị.
Tuy nhiên, điều được biết là ông Tập đánh giá thấp khả năng của HXHoa. Và khả
năng HXHoa vào TVBCT năm 2017 được coi là rất mong manh (RFI 29/11/2015, RFA
17/8/2015).
Xào bài
Trước hết, trong số những người đang phục vụ và cựu quan chức tỉnh Chiết
Giang, những người đã từng nắm các bộ - và được bật mí để mà tiến lên nữa trong
Đại hội 19 - là Bí thư Chiết Giang ông Hạ Bảo Long (sinh năm 1952) và Chủ tịch
Ủy ban Nhân dân Chiết Giang ông Lý Cường (1959). Cũng nổi bật là Quyền bí thư
Thiên Tân ông Hoàng Hưng Quốc (1954), từng là Phó Chủ tịch UBND Chiết Giang;
Phó Giám đốc Điều hành Ban Tuyên giáo ông Hoàng Côn Minh (1956), người từng
đứng đầu Ban tuyên giáo Chiết Giang; và Bí thư Quý Châu ông Trần Mẫn Nhĩ
(1960), cũng là một cựu Phó chủ tịch UBND Chiết Giang. (BBC 31/7/2015, Apple
Daily 31/12/2014).
Đặc biệt quan trọng là trong thực tế, một số lượng quá lớn các quan chức
Chiết Giang thân cận Tập đã được chọn vào các vị trí chủ chốt của các
Nhóm lãnh đạo Trung ương hay các Uỷ ban Trung ương, như Nhóm lãnh đạo Trung
uơng về Cải cách Sâu sắc Toàn diện; Nhóm lãnh đạo Trung ương về Kinh tế
và Tài chính, và Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương. Thí dụ, nguyên Phó bí thư
Chiết Giang ông Thư Quốc Tăng (1956) hiện là Phó Giám đốc của Văn phòng Tổng
quản Nhóm lãnh đạo Trung ương về Kinh tế và Tài chính. Cựu Phó chủ tịch
UBND Chiết Giang ông Thái Kỳ (1955) đã được thăng chức làm Phó Giám đốc Điều
hành của Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương. Cuối năm 2015, cựu thành viên của
Ủy ban Thường vụ Tỉnh ủy Chiết Giang và là Bí thư Ôn Châu ông Trần Nhất Tân
(1959) được giữ chức Phó giám đốc của Tổng văn phòng Nhóm lãnh đạo Trung uơng
về Cải cách Sâu sắc Toàn diện (Guancha.cn 3/12/2015,
Ta Kung Pao 3/12/2014, South China Morning Post 24/3/2014).
Hơn nữa, Tập đã bắt chuớc chiến thuật của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, cài đặt
các nhân vật thân tín của ông trong các vị trí chính yếu của các tỉnh thành.
Hai cựu thành viên của Ủy ban Thường vụ Tỉnh ủy Chiết Giang và các cựu bí thư
của thành phố quốc tế Ninh Ba (Chiết Giang) đã được nâng lên các chức vụ lãnh
đạo trong khu vực. Họ giờ là Bí thư Cát Lâm ông Bayin Chaolu (1955) và Phó bí
thư Giang Tây ông Lưu Kỳ (1957). Tương tự, ông Lou Yangsheng (1959), cựu Truởng
ban Tổ chức và cũng là cựu lãnh đạo Mặt trận Thống nhất tỉnh Chiết
Giang, năm 2014 được thăng lên làm Phó Bí thư tỉnh Thiểm Tây. Ông Cung
Chính (1960), một cựu thành viên của Ủy ban Thường vụ Tỉnh ủy Chiết Giang và là
bí thư Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh, tháng tám 2015 được thăng chức Phó Bí thư
tỉnh Sơn Đông. Tháng 4/2016, thành viên của Ủy ban Thường vụ Tỉnh ủy Chiết
Giang và là Trưởng ban Tổ chức tỉnh, ông Hồ Hoà Bình (1962) đã thăng lên Chủ
tịch UBND tỉnh Thiểm Tây (People Daily 28/4, Ming Pao 3/3).
Những nhân vật thân tín ở Chiết Giang của Chủ tịch Tập cũng đã được bổ
nhiệm vào các vị trí quân sự cấp cao. Thí dụ rõ nhất là ông Chung Thiệu Quân
(1968), là cánh tay phải của Tập khi Chung phục vụ như thư ký riêng của Tập và
làm Phó ban Tổ chức Chiết Giang. Năm 2013, Chung, một người không có kinh
nghiệm quân sự, được cho nhảy dù vào Quân đội Giải phóng Nhân dân với tư cách
Phó Giám đốc Văn phòng tổng quản của Quân ủy Trung ương. Quyền lực của Quân uỷ
trung ương đã được gia tăng vô cùng lớn sau các cải cách về cơ cấu quân sự,
được thực hiện vào cuối năm 2015 (China Brief 7/3).
Đặc biệt đáng chú ý trong số các tân tòng của Nhóm Chiết Giang là các thành
viên của thế hệ lãnh đạo thứ 6, tức những viên chức sinh vào khoảng
năm 1960 hoặc sau đó một chút. Họ bao gồm Trần Mẫn Nhĩ, Lý Cuờng, Chung Thiệu
Quân, Hồ Hòa Bình, Công Chính, và Trần Nhất Tân.
Phần Kết
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire