Trang

25/07/2016

PV bị hành hung vì điều tra chất thải Formosa, lâm tặc phá rừng rất tự tin, bị chồng Trung Quốc đánh vì không giúp làm HDV chui


Hoàng Văn Minh (tổng hợp)


Ông Lê Trí Thanh bàng hoàng trước hiện trường Pơmu bị lâm tặc đốn hạ. Ảnh: Tiền Phong

Bàng hoàng là cảm giác khi nghe ông Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam bàng hoàng thừa nhận rằng "lâm tặc phá rừng rất tự tin" sau khi chứng kiến hàng trăm cây pơ mu trăm tuổi ở biên giới Việt Lào bị đốn hạ, khi ông thượng tá công an bị tố cáo nhận cả chục tỉ để "chạy học" vào trường công an và phóng viên bị hành hung khi điều tra về rác thải độc hại của Formosa Hà Tĩnh. Tin khó tin hôm nay toàn những chuyện được chiết ra từ sự vô pháp vô thiên, mọi chuyện cứ lung tung xòe hết cả lên quý vị ạ.



1. Lâm tặc phá rừng rất tự tin

Ngay sau khi được công nhận rừng di sản, hàng trăm và có thể nhiều hơn cây pơ mu cổ thụ trăm tuổi tại khu vực vành đai biên giới Việt – Lào của huyện Nam Giang (Quảng Nam) đã bị “lâm tặc” thảm sát không thương tiếc.

“Lâm tặc phá rừng rất tự tin” - ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói như vậy khi thực địa chứng kiến những gì diễn ra trước mắt mình.

Ông Thanh đặt ra một loạt câu hỏi với các đơn vị liên quan: Đây là khu vực biên giới, nằm trong vùng “lõi” được kiểm soát chặt chẽ, nhất cử nhất động phải được sự cho phép của bộ đội biên phòng. Biên phòng có tuần tra, có phối hợp tuần tra định kỳ với nước bạn, chủ rừng cũng tuần tra kiểm tra tại sao không phát hiện được mà từ tin báo người dân?

Các phách gỗ lâm tặc cưa ra có quy cách, vận chuyển về nơi cất giấu giữa bao nhiêu tai mắt, bao nhiêu lực lượng mà vận chuyển ra được? Tại sao lâm tặc lại tự tin đến mức độ như vậy?”

Vì sao “lâm tặc” lại “phá rừng tự tin” như vậy? Đây là một trong những gợi ý trả lời:

“Sau khi có tin báo của người dân, Phòng phối hợp với Công an huyện đưa tổ trinh sát lên kiểm tra thì phát hiện hàng trăm phách gỗ pơmu trong nhà kho. Sau đó đề nghị lực lượng biên phòng phối hợp làm việc, nhưng phía biên phòng nói đây là vùng cấm nên không cho lực lượng vào mà phải đợi có ý kiến cấp trên. Đến hôm nay lên lại thì số gỗ đã không cánh mà bay” - thượng tá Nguyễn Trung - Phó phòng Cảnh sát Kinh tế PC 46 nói.

Đây nữa: “Dù là đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ rừng nhưng việc kiểm tra truy quét thường bị lực lượng biên phòng làm khó, đưa ra hàng loạt quy định, quy chế ngay cả khi vụ việc rất gấp”, lời ông A Lăng Mai – Chủ tịch UBND huyện Nam Giang.



2. Vợ Việt bị đánh vì từ chối giúp chồng Trung Quốc làm hướng dẫn viên chui

Cảm giác phát điên khi đọc bản tin cho biết cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) vừa nhận được trình báo của chị Phi Thị Mai Anh (26 tuổi; trú tại Vạn Ninh; tạm trú số 136 Vĩnh Điềm Trung, Vĩnh Hiệp, Nha Trang) về việc bị chồng người Trung Quốc bạo hành.

Chị Mai Anh kết hôn với Jin Rui (28 tuổi; quốc tịch Trung Quốc). Jin sống cùng vợ ở Khánh Hòa và làm nghề hướng dẫn viên du lịch nhưng không có giấy phép hành nghề, hay còn gọi là hướng dẫn chui – một trong những thành phần chuyên “múa gậy vườn hoang” xuyên tạc lịch sử Việt Nam cho khách Trung Quốc nghe mà Lao Động vừa có loạt bài phản ánh.


Hướng dẫn viên du lịch chui người Trung Quốc ở Nha Trang. Ảnh minh họa.
Hàng ngày, Jin Rui này bắt chị Mai Anh thuê thuyền đưa khách Trung Quốc đi du lịch. Tuy nhiên, chị Mai Anh thấy việc trên là vi phạm pháp luật nên không thực hiện. Do đó, Jin Rui liên tục đánh đập chị. Gần nhất, Jin Rui này tiếp tục đánh chị Mai Anh và đòi ly hôn nhưng chị không đồng ý.

Chị Mai Anh nói chỉ đồng ý khi chia tài sản (khoảng 200 triệu đồng trong tài khoản của Jin Rui) nhưng Jin Rui không chấp nhận và tiếp tục bạo hành chị.

Hoan hộ chị Mai Anh vì vẫn còn đó, ít nhất là một trái tim không “nhầm chỗ đặt trên đầu”. Với tội bạo hành vợ, nếu luật xử nhẹ quá thì có thể thuê “xã hội đen” về nện cho tên này một trận thừa sống thiếu chết chị ạ!


3. Bị phạt phạt 5 triệu đồng vì… dẫn đối tác Nhật đi chùa

Cũng là chuyện hướng dẫn viên chui, nhưng ở “nước Huế”, người ta lại làm nghiêm một cách buồn cười.

Tôi đang nhắc tới trường hợp ông Trần Văn Mẫn, Phó Tổng Giám đốc một công ty ở Bình Dương. Cách đây mấy hôm, ông đi cùng 3 vị khách Nhật Bản là đối tác đi chơi tại chùa Thiên Mụ (thành phố Huế).

Khi ông và đối tác đang nói chuyện thì bị nhóm thanh tra du lịch yêu cầu xuất trình thẻ hướng dẫn viên. Ông Mẫn nói không có thẻ vì ông không phải là hướng dẫn viên.


Và sau đó, ông Mẫn bị ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó chánh Thanh tra Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế phạt… 5 triệu đồng vì hướng dẫn chui khi không có thẻ hướng dẫn viên!


Một hướng dẫn viên du lịch không đeo thẻ tại chùa Linh Mụ.Ảnh: Báo Thừa Thiên -Huế.

 
Ông Hòa sau đó giải thích rằng “tuy chứng minh được mình là phó tổng giám đốc một công ty nhưng ông Mẫn không chứng minh được ba vị khách Nhật đi cùng là khách của công ty. Ông Mẫn có hành vi hướng dẫn cho khách nước ngoài tham quan mà không có thẻ hướng dẫn viên trong điểm du lịch”.

Mấy mẹ mấy thím từ nay có dẫn đối tác hay người nhà đi chơi “nước Huế” thì nhớ im cái mồm, đừng nói năng linh tinh ở các điểm di tích mà mất tiền oan nhé.

Ngay cả kịch bản phim hài, người ta cũng không tài nào nghĩ ra được chuyện hay như thế này!


4. Chục tỷ đồng “chạy” học vào trường Công an?


Lại “chạy” nữa đây thưa quý vị. Và mới nhất là thượng tá Y Tuyến, Phó phòng Cảnh sát Quản lý hành chính và trật tự xã hội (PC 64 – Công an tỉnh Đắk Lắk) vừa bị người dân tố cáo nhận hàng chục tỉ đồng để “chạy” cho một số đối tượng vào học ở các trường cao đẳng của ngành Công an nhưng chẳng ai gọi đi học và tiền cũng không thấy trả lại.


Trung tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng phòng Tham mưu Tổng hợp, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết đơn vị đang xác minh vụ việc. Tuy nhiên, thượng tá Y Tuyến hiện đang bị bệnh động kinh đã được chuyển vào điều trị ở Bệnh viện 30/4 (Bộ Công an) tại Thành phố Hồ Chí Minh được hơn 1 tháng nay. Công an tỉnh cũng đã cử Thanh tra xuống làm việc với ông Y Tuyến. Khi có kết quả cụ thể, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hóa ra bây giờ học làm Công an rất có giá, đắt kinh hoàng!


5. Phóng viên bị hành hung vì điều tra chất thải của Formosa

Lại cảm giác phát điên khi đọc bản tin phóng viên bị hành hung. Điên hơn là chuyện hành hung  lần này có liên quan đến cái tên Formosa Hà Tĩnh!

Hôm qua, nhóm  phóng viên Báo Lao Động cùng kênh truyền hình VTC14 đang tác nghiệp tại khu vực gần nhà máy xử lý chất thải Phú Hà (xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) để tìm hiểu, làm rõ quy trình vận chuyển, xử lý hơn 145 tấn chất thải độc hại của Formosa Hà Tĩnh được chuyển ra đây thì bị một nhóm bảo vệ quây đánh, cướp điện thoại và máy quay.

Trong lúc đang tác nghiệp tại một ngọn đồi gần nhà máy thuộc công ty này, nhóm phóng viên bị một nhóm người tự xưng là bảo vệ của Công ty Phú Hà lao vào chửi bới, dọa nạt và hành hung.


Ban đầu, nhóm 5 người này lúc thì xưng là bảo vệ nhà máy, lúc lại bảo là người dân. Đầu tiên họ quát tháo, đòi bắt giữ nhóm phóng viên, ép buộc các phóng viên phải đi về nhà máy. Khi nhóm phóng viên đề nghị quay lại xe lấy giấy tờ để vào nhà máy làm việc thì nhóm bảo vệ ngăn cản không cho phóng viên đi rồi bắt đầu lớn tiếng chửi bới.


Phóng viên Lao Động bị bảo vệ của Cty Phú Hà hành hung. Ảnh: Lao Động

 
Sau một hồi chửi mắng, nhóm người này lao tới tát quay phim của truyền hình VTC 14, đánh biên tập viên của đài này, giật điện thoại, chân máy quay và đánh phóng viên báo Lao Động.

Sau 15 phút giằng co, nhóm phóng viên mới chạy được về xe ô tô tác nghiệp của đoàn và di chuyển về UBND xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh. Nhóm bảo vệ tiếp tục chạy đuổi theo và nhóm phóng viên cố thủ trong xe tại trụ sở UBND xã và báo cho cơ quan chức năng.

“Xã hội đen”, sao bây giờ lại đầy rẫy từ doanh nghiệp cho đến cơ quan công quyền? Luật pháp, kỷ cương cứ lung tung xòe hết cả!


 

Nguồn : Theo Lao Động

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire