Trang

08/09/2016

Cảnh sát biển Trung Quốc gây ra hầu hết các vụ đụng độ ở Biển Đông


Tàu cảnh sát biển Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu cá Việt Nam tại Biển Đông - Ảnh: AP
 
 Một nghiên cứu mới của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho thấy cảnh sát biển Trung Quốc là thủ phạm chính gây ra hầu hết các vụ đụng độ giữa tàu thuyền trên Biển Đông.
 
 


Hành động ngày càng hung hăng của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc tại Biển Đông đang làm gia tăng nguy cơ bất ổn trong khu vực theo các tác giả một công trình nghiên cứu mới của Mỹ về tình hình đụng độ giữa các lực lượng an ninh tại Biển Đông.

Theo chuyên gia Bonnie Glaser ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, hiện nay tuy các quốc gia có tranh chấp tại Biển Đông đang cố gắng tránh để xảy ra xung đột quân sự trong khu vực, nhưng các vụ đụng độ giữa tàu thuyền các nước có sự tham gia của các lực lượng cảnh sát biển là mối nguy hiểm không thể xem nhẹ.

CSIS thực hiện công trình nghiên cứu mới này dựa trên thông tin thu thập từ 45 vụ chạm trán trên Biển Đông kể từ năm 2010. Hãng tin Reuters đưa tin nghiên cứu này sẽ sớm được công bố trên trang ChinaPower của CSIS.

Nghiên cứu mới tập trung vào các vụ đụng độ trên biển xảy ra do các lực lượng cảnh sát biển đã có hành động uy hiếp tàu bè nước ngoài, vượt ra ngoài chức năng bảo vệ luật pháp thông thường.

Nghiên cứu mới của CSIS cho thấy mặc dù các vụ đụng độ trên Biển Đông có liên quan đến một số quốc gia nhưng cảnh sát biển Trung Quốc lại là lực lượng tham gia phần lớn các vụ chạm trán giữa tàu thuyền trong khu vực.

Tổng cộng cảnh sát biển Trung Quốc có liên quan đến 30 vụ đụng độ được CSIS ghi nhận, chiếm 2/3 tổng số các vụ. Ngoài ra, còn có 4 vụ khác xảy ra do tàu bè thường dân Trung Quốc tự tiện “làm luật” trên biển.

Chuyên gia Bonnie Glaser nói vơi Reuters: "Có chứng cứ rõ ràng cho thấy Trung Quốc liên tục có những biểu hiện đi ngược lại với trách nhiệm bảo vệ luật pháp trên biển. Chúng ta có thể thấy nhiều trường hợp trong đó Trung Quốc đã uy hiếp, quấy nhiễu và tông vào tàu bè của các nước có lực lượng cảnh sát biển và tàu thuyền nhỏ hơn”, 

Nghiên cứu mới của CSIS cũng bao gồm các vụ đụng độ quyết liệt trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam vào năm 2014 sau khi Bắc Kinh đưa dàn khoan HD-981 vào gần quần đảo Hoàng Sa, hay vụ tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines tại khu vực bãi cạn Scarborough vào năm 2012.

Nghiên cứu được CSIS công bố trong lúc Trung Quốc lại tiếp tục có hành động đưa nhiều tàu đến bãi cạn Scarborough, dẫn đến phản đối quyết liệt từ chính phủ Philippines.

Trước mắt, bà Glaser cho rằng các vụ đụng độ giữa tàu bè thường dân có nhiều nguy cơ dẫn đến thương vong hơn so với các vụ chạm trán giữa các lực lượng an ninh tuần tra trên biển, dựa trên quan sát về tầng suất và mức độ nghiêm trọng của các vụ va chạm trong thời gian qua.

Các vụ chạm trán giữa các lực lượng cảnh sát biển cho tới nay vẫn chưa được nhắc tới trong các thỏa thuận và quy tắc được các bên có tranh chấp thống nhất nhằm ngăn ngừa nguy cơ xảy ra đụng độ trên biển.

Trung Quốc hiện có lực lượng cảnh sát biển lớn nhất thế giới với 205 tàu thuyền, trong đó có 95 tàu trên 1.000 tấn, vượt xa so với các quốc gia khác trong khu vực (bao gồm cả Nhật), theo thống kê của Văn phòng Tình báo hải quân Mỹ.

Huỳnh Hy (theo Reuters) 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire