Trang

01/09/2016

Chưa thể khẳng định cá biển 4 tỉnh miền Trung ăn được


 Thuỳ Linh

 


Cục An toàn Thực phẩm- Bộ Y tế cho biết kết quả kiểm nghiệm của các mẫu cá lấy tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy mức độ ô nhiễm đã giảm dần theo thời gian nhưng để biết cá có ăn được hay chưa thì vẫn cần phải giám sát thêm vì vẫn còn có những mẫu cá nhiễm độc.
 
 


Sẽ công bố chính thức vào đầu tháng 9

Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm cho biết: ngay sau khi xuất hiện tình trạng cá chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung, được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã tích cực vào cuộc, liên tục lấy mẫu các loại cá, nước biển để phân tích, kiểm nghiệm. Sau khi có kết quả kiểm nghiệm Bộ Y tế đã gửi các kết quả này cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để làm căn cứ đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Kết quả kiểm nghiệm của các mẫu cá lấy tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy mức độ ô nhiễm đã giảm dần theo thời gian. Cụ thể là tháng 7 có 7/27 mẫu cá bị ô nhiễm kim loại nặng (chiếm tỉ lệ là 25,9%).

Đến ngày 19.8, trước thời điểm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố nước biển an toàn kết quả kiệm nghiệm cho thấy, chỉ có 1/18 mẫu cá vượt ngưỡng an toàn về kim loại nặng (chiếm 5,5%).

Ngày 22.8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức công bố nước biển 4 tỉnh miền Trung đã an toàn có thể bơi lội và nuôi trồng thủy sản.

Để đảm bảo sức khỏe cho người dân và có câu trả lời chắc chắn sau khi nước biển an toàn cá có thể sử dụng làm thực phẩm an toàn hay không, Bộ Y tế vẫn tiếp tục hàng ngày giám sát, lấy mẫu với tất cả các loại cá tại các cảng biển và đầm nuôi ở 4 tỉnh miền Trung để làm kiểm nghiệm.

Theo đại diện Cục An toàn Thực phẩm, các kết quả kiểm nghiệm này sẽ được Hội đồng khoa học của Bộ Y tế đánh giá và dự kiến sẽ công bố chính thức vào đầu tháng 9.2016.

Hiện nay, chưa thể khẳng định cá ăn được

Tuy nhiên, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP vừa có văn bản gửi Bộ Y tế, thông báo về kết quả kiểm nghiệm các mẫu hải sản gần đây; cho thấy, có rất nhiều mẫu bị nhiễm độc. Công văn số 752 do bà Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ký ngày 22/8/2016 cho thấy, có rất nhiều mẫu hải sản bị nhiễm độc tố Phenol, Cyanua, Cadimi. Những mẫu cá này được Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Tĩnh lấy trực tiếp từ Gò cá Cẩm Nhượng, chợ Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên), biển Kỳ Anh… mới đây.

Theo đó, ngày 9.8 Viện Kiểm nghiệm ATVSTP nhận 9 mẫu cá và ghẹ từ Chi cục ATVSTP gửi. Sau quá trình kiểm nghiệm, Viện này kết luận: Có 01 mẫu nhiễm Cadimi vượt ngưỡng theo QCVN 0-2:2011/BYT; có 05 mẫu nhiễm Cyanua; 03 mẫu phát hiện hàm lượng Phenol.

Trả lời với báo chí về vấn đề này, bà Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho rằng: thông tin mà Bộ Y tế công bố chỉ có 1/18 mẫu cá được xét nghiệm là không đạt về chỉ tiêu kim loại nặng là kết quả xét nghiệm được thực hiện đến ngày 19.8, trước khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố thông tin nước biển miền Trung an toàn vào ngày 22.8. Hơn nữa, về chỉ số Phenol và Cyunua hiện nay không có nước nào trên thế giới có quy định về ngưỡng giới hạn. Hai chỉ số này chỉ là để so sánh với chỉ số ô nhiễm môi trường trong suốt thời gian trong và sau khi xảy ra sự số môi trường Formosa.

Về việc nhân dân đang chờ đợi câu trả lời “cá ăn được hay chưa” từ Bộ Y tế, bà Nga cũng cho biết thêm: “Việc kết luận cá biển ăn được hay không cần có thời gian bởi liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân. Chỉ cần có 1 mẫu cá thu thập được kiểm tra mà không an toàn, thì khả năng cá biển ô nhiễm gây hại cho sức khỏe con người vẫn còn. Vì vậy, phải cần có thêm thời gian để giám sát, xét nghiệm các mẫu cá. Chỉ đến khi các mẫu cá đều an toàn, các chỉ số nằm trong giới hạn cho phép mới công bố cá biển miền Trung đã ăn được.

Hiện những địa điểm Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố có thể nuôi cá lồng bè trở lại, cá sống được trong môi trường nước biển an toàn đó thì có nghĩa là về cơ bản có thể khai thác cá ở những nơi đó. Tuy nhiên, Bộ Y tế thấy vẫn cần thận trọng, sẽ phải giám sát thêm để có kết luận chính xác nhất về việc liệu cá ở những nơi đó có thể ăn được hay không”.

Trước đó, đầu tháng 4, hiện tượng cá biển chết hàng loạt khởi nguồn từ khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan đến các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Tại cuộc họp báo ngày 30.6, Chính phủ công bố thủ phạm khiến cá biển miền Trung chết hàng loạt là Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Công ty đã thừa nhận sai phạm, cúi đầu xin lỗi và chấp nhận đền bù 500 triệu USD để khắc phục hậu quả.
 

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire