Trang

14/09/2016

TẢN MẠN NHÂN ĐỌC BẢN "ANH HÙNG CA DANG DỞ"

Hạ Đình Nguyên

Trong tuần qua, nổi bật trên truyền thông và dư luận trong quán xá là một bài viết “nhân ngày Quốc khánh” của “nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước” Trương Tấn Sang với tựa đề “Các vụ án tham nhũng lớn đều “thấp thoáng” cán bộ cấp cao” (xem ở đây).

Người đọc lại cảm nhận ngay sự thấp thoáng của chính tác giả, tức là ông ấy, nhất về cái giọng văn. Nó rất khẩu khí, rất tâm huyết, thật đáng trân trọng!

Nói công bằng, là công dân ai cũng có quyền phát lên tiếng nói của mình. Nói ở quán nhậu hoặc viết một bài báo, báo nào cũng được, miễn là họ cho đăng, cùng lắm là trên facebook vốn là diễn đàn phổ thông, vào ra đều dễ. Việc cảm nhận thế nào về bài báo là ở người đọc. Người đọc có thể khen nức nở hay chê bai thậm tệ cũng chẳng sao, vì là cái quyền của hai bên, là bước đầu quý báu để bò lên bậc thềm dân chủ của đất nước thiếu may mắn này.


Ta thử tìm hiểu cái bóng dáng của ông ra sao trong cách viết của ông thôi.

Trong bài viết, tác giả Trương Tấn Sang đã lôi cả 4000 năm lịch sử ra để làm điểm tựa, hầu dẫn dắt người đọc đi đến kết luận mà ông muốn. Ông tóm tắt lịch sử từ thuở thoát khỏi 1000 năm Bắc thuộc, đến các triều đại Đinh - Lê - Lý - Trần với những chiến công vẻ vang và đặc sắc nhất. Ông trích dẫn những lời bất hủ của tiền nhân để lại, và dẫn mạch đến hôm nay, rồi xác định “không có cách nào khác”, những người chèo lái con thuyền Tổ quốc, phải nhận lấy gánh nặng trách nhiệm trên đôi vai của mình.

Vì sao ông nói “không có cách nào khác”? Bỗng dưng tự nguyện đứng ra giành lấy việc “chèo lái con thuyền Tổ quốc” khư khư theo cách của mình, rồi bảo không có cách nào khác? Và tự hành hạ mình, tự buộc “phải nhận lấy gánh nặng trách nhiệm”. Đọc kỹ đến cuối bài, mới hay ông dẫn lịch sử mênh mang là để chỉ quy về một điểm: ca ngợi Đại hội 12 và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông trích dẫn sự kiện, việc làm của tiền nhân nhưng e là không thấu hiểu tấm lòng của tiền nhân. Dù thời đại gọi là “phong kiến tập quyền” vốn có những hạn chế của nó, song các triều đại hưng thịnh đều biết lo cho dân thật sự, hiểu dân, tôn trọng ý thức của dân và bào vệ lãnh thổ cụ thể. Do đó, mới có được Bình Ngô Đại Cáo, có sức lan tỏa rộng lớn, còn gây xúc động nhiều đời sau (chứ không che đậy, giấu giếm, hoặc nói sai, làm sai sự thật…); mới có Hội Nghị Diên Hồng (dân chủ thật sự chứ không dùng thủ thuật cài đặt, cò mồi hay tạo phe nhóm…); mới có Nguyễn Huệ vừa tiến quân vừa tuyển quân được dân tự hưởng ứng ào ạt, với chính nghĩa ngời ngời chống quân xâm lược.

Ông ngợi ca cái hay trong cái xấu mà ông lên án đã quen miệng: phong kiến tập quyền. Người ta có thể thắc mắc, nó khác với dân chủ tập trung là thế nào, hay chỉ là vấn đề từ ngữ!

Xương máu là của nhân dân, như tác giả Trương Tấn Sang nói, “hàng triệu người đã ngã xuống”, thế mà hôm nay các ông giành lấy “gánh nặng” nhân danh nhân dân. Bên trong cái gánh nặng ấy thực chất là gì, mà sao nó lại hấp dẫn đến thế? Những tiểu án, đại án làm lung lay Ba Đình, nội bộ vừa phức tạp vừa phong phú như nồi lẩu. Tuyệt đối cái ấy không do nhân dân.

Đứng trước sự băng hoại của Đảng, tác giả Trương Tấn Sang không thể không thừa nhận, nhưng thừa nhận theo cách thấp thoáng như cái kiểu của ông. Sau khi dẫn chứng lịch sử xa xôi, ông lại trích dẫn lời của Hồ Chí Minh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Ở đây, có thể hiểu là ba vế đồng đều hay không: một dân tộc - một đảng - mỗi con người? Ngon thì ngon hết, sa sút thì sa sút như nhau sao? Tất cả như nhau? Vậy vai trò lãnh đạo toàn diện của ai đó, nằm ở đâu? Sao tác giả bài viết cứ mãi nương cây đa cây đề để nói chung chung mà không chỉ ra cái vai trò cốt lõi là cái nào?

Tác giả Trương Tấn Sang còn viện dẫn lời của ông Tổng Bí thư Trọng (cây đa mới?) “đã thẳng thắn chỉ ra những tiêu cực trong lựa chọn cán bộ, đó là: thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư mới đến trí tuệ.” Nhưng cái câu “hậu duệ […], quan hệ […], tiền tệ […], trí tuệ” vốn lưu hành từ lâu trong nhân dân, nào đâu phải là “bản quyền” của ông Tổng Bí thư? Ông nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có thể nhân danh nhân dân mà nói điều gì rõ hơn, cụ thể hơn, được chứ? Và trong bài viết cũng có đoạn ông lại nhân danh nhân dân một cách trống không, nói về một chiều khác: “Lòng dân bền chặt, phơi phới hướng về một tương lai tươi sáng...”. Cái “phơi phới hướng về tương lai” chỉ là do tác giả tưởng tượng thôi. Cũng là tài tình, mà cũng là áp đặt trắng trợn! Nếu nói là Dư Luận Viên thì thủ pháp của tác giả thuộc loại nặng ký. Cái gánh nặng ấy, ông dồn hết vào ông Nguyễn Phú Trọng, và danh xưng là Đảng? Sao không phải cái gánh nặng ấy là trên vai nhân dân? Cả trên đầu, trên cổ, trên lưng, bao luôn cả thần hồn lẫn thần xác nhân dân? Ông trao gánh nặng, chỉ là cách diễn đạt khác của việc trao vòng hoa cho đối tượng mà ông muốn: Đại hội 12 và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đọc bài viết, tôi cũng thấy ông thấp thoáng ở đâu đấy, loanh quanh chỗ ông Trọng, như vốn có lâu nay. Nhưng tôi lại cứ muốn nhìn thấy ông, đích thực là ông! Không núp vào lịch sử, không núp vào bóng mát của ai, thậm chí dù dưới sắc màu các loại khẩu hiệu, đại loại như “làm theo gương...”. Hiện tại ngồn ngộn, tươi rói rất cần nói tới, nói thẳng và nói thật. Trong bài viết có quá nhiều khẩu hiệu nhạt màu và lạnh hơi không gây ảnh hưởng bao nhiêu, có khi còn phản cảm, không hẳn vì nội dung mà vì quá quen thuộc. Như: muôn vàn kính yêu.

Dẫu sao ông nguyên Chủ tịch nước cũng nhận ra: “Các vụ án tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng được đem ra xét xử hay chưa xét xử, thấy thấp thoáng "bóng dáng" của những cán bộ nắm giữ vị trí quản lý, thậm chí cả cán bộ quản lý ở cấp cao”. Phải chăng vì cái Pháp Quyền Xã Hội Chủ Nghĩa mà sinh ra cái thấp thoáng? Nếu không, thì tại sao lại thấp thoáng? Ông lại kéo tủ ra để lấy bộ luật Hồng Đức, xưa rồi, lại bảo nó đã chìm khuất trong cái bóng tối nặng nề của chế độ phong kiến tập quyền. Mà mới đó thì đã xuất hiện chưa kịp ráo mực cái kỷ nguyên rực rỡ xã hội chủ nghĩa và được ca tụng đến nghẹn lời! Ông viết: “Ngày 2 tháng 9 năm 1945, buổi bình minh của kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.”

Rất ít người hiểu rõ được cái rực rỡ của buổi bình minh ấy, và nguyên cả cái “kỷ nguyên rực rỡ” ấy sao mà vội thu mình lại với định mức thời gian ngắn ngủi đến thế! Vì không còn là phong kiến tập quyền, nên chỉ có “thấp thoáng bóng dáng”. Nó nhẹ nhàng lả lướt như các show duyên dáng Việt Nam của người đàn em tin cậy, nó không ầm ì nghẹt thở như chất thải Formosa, không chát chúa như tiếng súng ở tỉnh ủy Yên Bái, cũng không nghẹn ngào tiến thoái lưỡng nan như đại án Trịnh Xuân Thanh, mở màn cho một mưu cao mới.

Trong bối cảnh đó, có người bảo tác giả, lại một lần nữa tuốt gươm ra để phò trì Minh chúa. Bất chợt, người đọc nhớ đến cái khẩu khí của nhà thơ lãng mạn Nguyễn Bính:

Giày cỏ, gươm cùn, ta đi đây!

Và sau đó:

Ta đi nhưng biết về đâu chứ.

Đã dấy phong yên lộng bốn trời…

Ông đã dẫn lịch sử đi từ Ngô Quyền, chuyển đến đỉnh cao, rồi lại lao xuống dốc, và đến “diệt vong do tranh quyền, đoạt lợi trong nội bộ, do nạn bè phái, vơ vét của cải, ức hiếp dân lành và có những kẻ làm “tay sai” cho ngoại bang”. Người đọc cứ nghĩ “oan” là ông mượn chuyện xưa mà nói hôm nay, là một cách “núp lùm” vào lịch sử, như cách người dân nói về cảnh sát giao thông rình phạt xe. Nhưng e là không hẳn thế. Vì ông lại nói tiếp: “Cũng chính sức mạnh đó [ý là của 2/9] đã tiếp tục giúp dân tộc Việt Nam vượt qua 30 năm trời đằng đẵng hy sinh, về một mối”. Về một mối, có đấy, nhưng là mối gì? Và ông tiếp tục dán liền đường keo chuyển mạch “Biết ơn tiền nhân, biết ơn đồng chí, đồng bào…”. Tiền nhân là một khái niệm rộng lớn đã được khẳng định qua lịch sử. Đồng chí là cái khá cụ thể và nhỏ nhoi trong một thoáng qua của lịch sử, trong cái tổ chức một thời của đảng ấy, và ngay trong nội bộ ấy chưa hẳn đã là đồng chí, và mọi sự còn phải chờ đợi sự sàng lọc của thời gian. Nay lấy hơi hám của tiền nhân mà trùm lên đồng chí của thời nay là một cách vay mượn quá thô. Chỉ kẹt hai chữ đồng bào chỏng chơ bị kẹp vào cho thêm màu sắc mà chẳng có vai trò gì. Đồng bào là một chất liệu dễ tính có thể quệt, nặn, trét, dán vào đâu cũng được. Có nói biết ơn hay không nói, thì đồng bào cũng vẫn vậy! Ông lại hùng hồn viết tiếp: “máu của hàng triệu người ngã xuống vẫn còn ấm nóng trên lá quốc kỳ”. Không những đã mà còn đang ngã xuống, và bỏ chạy tứ tán năm châu. Tuy nó còn ấm nóng nhưng đã sẫm màu. Nhưng nhỡ như nó lạnh ngắt thì do đâu? Cái này nó cũng thấp thoáng ở cấp cao chăng?

Ông còn nói đến sự chệch hướng và tham nhũng, với bốn nguy cơ đã nêu, kể từ Đại hội VII đến Đại hội XII, tức cỡ 6 cái Đại hội x 5 = 30 năm. Ông viết: “Qua các kỳ Đại hội tiếp theo, tình trạng này không những không suy giảm, chẳng những ít tìm ra được ai trong “bộ phận không nhỏ”, mà tham nhũng, suy thoái còn diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi hơn, trắng trợn hơn”. Quá là bi kịch, bởi “ít tìm ra được ai” trong cái “bộ phận không nhỏ” suốt 30 năm? Ai đó sao mà giỏi giang thế? Hay có âm binh trốn đằng sau Ba Đình? Năm cái Đại hội (7-8-9-10-11) đẻ ra cái thứ 6 (12) rõ là thuần chủng. Thế mà năm cái kia: “không những… mà còn tinh vi hơn, trắng trợn hơn”, thì làm sao cái trứng của nó lại “kém” hơn được? Thế mà ông vẫn đinh ninh rằng đồng bào vẫn tin tưởng và gởi gắm, giống như người dân như chạy tiền gởi con vào trường điểm.

Chỉ xin hỏi: Đã chệch hướng quá lâu sao không xem lại cái la bàn? Chung quy chỉ tại cái la bàn đã bị hỏng, chính là bi kịch của mọi bi kịch!

Trước bi cảnh này, ông nhà thơ Nguyễn Bính đã chọn thái độ liều mình có kiềm chế:

“Thà cứ ở đây, ngồi giữa chợ.

Uống say mà gọi thế nhân ơi…”

Nhà thơ chỉ dám gọi “thế nhân”, là nhân dạng chung chung của con người, chứ không dám gọi đồng bào, như tác giả Trương Tấn Sang (vốn nguyên là…). Vì gọi hai tiếng đồng bào là không dễ. Không dễ từ Trung Ương đến địa phương, lại phải thông qua từ Bí thư các cấp, đến Tổ dân phố và Công an khu vực. Gọi liều đồng bào mà không phép thì ít nhất cũng bị “canh cửa” không cho ra đường. Cho gọi mới được gọi, như thương hiệu “Bún Bò Huế” phải được Thừa Thiên - Huế cấp phép thông qua vậy.

Tác giả bài viết hỏi rất đanh thép: “[…] trong Ban lãnh đạo, ai là những người đủ dũng cảm để gột sạch những vết nhem nhuốc làm vấy bẩn đội ngũ của chúng ta. Trong cuộc đấu tranh trước đây, để bảo vệ Đảng, bảo vệ lợi ích nhân dân, chúng ta dám chấp nhận hy sinh mạng sống của mình, thì hôm nay, cũng phải dám vượt qua cám dỗ, thậm chí phải có dũng khí thấy cái đúng phải lên tiếng ủng hộ, thấy cái sai phải kiên quyết bài trừ”.

Đây là câu hỏi trong nội bộ đảng của ông, chuyện của các ông, chứ không phải hỏi nhân dân. Chắc chắn là không có ai trả lời. Hôm qua và hôm nay là thời điểm đã khác. Bảo vệ Đảng và bảo vệ lợi ích của Nhân dân cũng rất khác. Vượt qua cám dỗ hay cám dỗ đã vượt qua cũng khác nốt? Thắp đuốc lên mà đi tìm cái dũng khí ấy ở Ba Đình sao? Ở chợ Đồng Xuân? Ở chợ Bến Thành? Hay ở Tiên Lãng với Đoàn Văn Vươn, ở Trung tTâm Quỹ đất Thái Bình với Đặng Ngọc Viết, ở Hà Tĩnh với Formosa, ở Yên Bái với tiếng súng của Đỗ Cường Minh, và mới đây ở Hậu Giang với Trịnh Xuân Thanh? Ông kêu gọi đồng bào, nhưng không nghe tiếng nói của họ.

Và cái nhem nhuốc tọa lạc ở đâu để biết mà gột sạch, thưa tác giả?

Lại còn có một thứ dũng khí chạy quanh quanh quyền lực.

Bài viết với ngôn phong rất “hùng khí”, bút pháp “tài tình”, đã liên kết và xáo trộn vào nhau giữa lịch sử với hiện tại, giữa hò reo hồ hởi với trăn trở ray rứt, đã làm cho người đọc rất cực lòng để có một cảm xúc liền mạch nhằm “theo về một mối”.

Nhưng để tạm yên lòng theo về một mối, thì tác giả phải cay đắng kêu to: “Chưa bao giờ trong lịch sử hơn 70 năm Nhà nước ta, Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” lại xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như hiện nay: “tư bản thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “sân sau của gia đình”; xuất hiện sự cấu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính sách, dàn dựng để tạo ra các cú “áp-phe” lớn mang lại lợi ích “khủng” cho một số cá nhân và phe nhóm..., gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách Nhà nước, làm chao đảo nền kinh tế.”

Không cần viện dẫn nhiều, hình như chừng ấy cũng đủ cho điều tác giả muốn nói, mà người dân cũng hiểu là ông muốn tham gia thúc đẩy công cuộc đả hổ diệt thằn lằn cho đến nơi đến chốn, vốn dĩ “ít tìm ra được ai”. Tuy là nhan nhản, nhưng tìm em như thể tìm chim vậy.

Đem lịch sử dùng làm son phấn gì thêm cho phức tạp!

Nhìn lại ngày xưa, ông ngậm ngùi: “Dâu bể đa đoan, một cá nhân, dẫu có là một vị “vua tốt”, có khi cũng chỉ biên soạn được những bản anh hùng ca dang dở”. Vậy thì nhìn vào hiện nay, vị “vua tốt” ấy là ai, có lẽ không liên quan gì đến “bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng”? Mà dù gì đi nữa, thì Đảng vẫn cứ là vinh quang, với tính “tiên phong” sẵn có.

Ngoài ra thì mọi sự đúng y như thế:

Một bản “anh hùng ca” dang dở.

Một vị “vua tốt” dang dở.

Và một bài viết cũng “cực kỳ” dang dở, nhỡ nhàng.

Ông đã thổi lên tiếng kèn xung trận – như đã từng thổi – mà không có tiếng hô xung phong.

Như thế cũng khó tin còn cái hơi “ấm nóng” của lá cờ vừa nói trên kia!

Mượn lịch sử để nhóm lửa cho hôm nay kể cũng khó, dù tác giả rất cố gắng và cố công. Cây gậy lịch sử không dễ mượn tạm.

Hồn thiêng của Lịch sử chưa chắp được liền cành, nên quan cảnh vẫn đìu hiu:

Sông ‘Hồng’ một giải xanh xanh

Loi thoi bờ liễu mấy cành dương quan…!


H. Đ. N.

Tác giả gửi BVN.

1 commentaire: