Trang

04/09/2016

VIỆT NAM LIỆU CÓ BỊ BỦA GIĂNG TỨ PHÍA


TS. Đinh Hoàng Thắng

 
TS. Đinh Hoàng Thắng
Sau một phần tư thế kỷ từ khi Liên bang Xô-viết tan rã, giờ đây, tình thế chung chiêng như chuông treo chỉ mành liệu có lặp lại? Hàng loạt sự kiện trong mùa hè này cho thấy, trật tự khu vực và thế giới đều đang chuyển động khá mạnh. Một số quốc gia điều chỉnh các ưu tiên đối ngoại. Sát nách Việt Nam, chính sách của lân bang cũng khó dự đoán, không loại trừ những lối rẽ bất ngờ. Việt Nam đối phó ra sao trước những đợt sóng ngầm? Câu hỏi ngày càng trở nên thời sự sau Hội nghị ngoại giao diễn ra tại Hà Nội từ 22—26/8/2016.

 


“Ở bên ngoài, môi trường chiến lược của nước ta đã và đang nổi lên nhiều thách thức chưa từng có, tác động trực tiếp đến các lợi ích an ninh và phát triển.”[1] Người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam tuyên bố như thế tại Hội nghị nói trên, hai năm tổ chức một lần. Hãy khoan xét đến những sự kiện như xu thế Brexit ở châu Âu, hay mùa bầu cử của Mỹ bên kia đại dương và làn sóng khủng bố của IS đang bao phủ toàn cầu. Dù ngày nay, khoảng cách xa gần của các sự kiện đâu còn là vấn đề có thể ru ngủ chúng ta. Nhưng hãy chú ý đến những tin tức đang “thúc vào mạng sườn”. Trung Quốc và nước Nga của “Đại đế Putin” lần đầu tiên chính thức tuyên bố sẽ tập trận chung trên Biển Đông từ 9—12/9. Cuộc tập trận mang tên “Liên hợp trên biển 2016” (Joint Sea 2016) nhằm chiếm lại một số đảo trong khu vực Biển Đông (đảo nào? từ Việt Nam hay Philippines?). Còn khả năng xung đột Trung – Mỹ thì sao? Theo một tuyên bố từ Nhà Trắng, tình hình căng thẳng leo thang do những tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc với một số nước láng giềng sẽ là một chủ đề chính trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vào ngày 3/9 tới. Trước đây, một Hội nghị do Đại học RMIT (Úc) và Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) tổ chức tại Melbourne, quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới đã thảo luận về một cuộc chiến không thể tránh khỏi giữa Trung Quốc với Mỹ. “Đây là vấn đề về quyền lực”, Giáo sư Josheph Siracussa thuật lại: “Lầu Năm Góc đang chuẩn bị theo hướng để đối phó với Trung Quốc. Biển Đông vì thế trở thành điểm nóng có thể bùng phát chiến tranh”. Về phần mình, Bắc Kinh cũng sẵn một kế hoạch quân sự tổng thể, trong đó có cả hoạt động bồi đắp đảo và ngăn cản quân đội Mỹ, vị giáo sư RMIT cho biết[2]. 

 

Căng thẳng tứ bề  

 

Tuần qua, quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia đột nhiên trở nên bất thường. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, vấn đề biên giới giữa hai nước sẽ nóng lên… Giới đối lập tại Phnom Penh liên tục tung ra luận điệu xuyên tạc chính quyền đương nhiệm “nhượng đất cho Việt Nam”. Các cuộc xung đột giữa dân chúng hai bên biên giới ngày càng nhiều và mức độ càng lúc càng nghiêm trọng… Chính phủ Hun Sen vừa loan báo đã gửi công hàm cho Hà Nội để phản đối việc xây dựng một đồn biên phòng (trên đất Việt Nam) tại khu vực giáp với huyện O’yadaw, thuộc tỉnh Ratanakkiri. Tuần qua, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố Campuchia sẽ mở một tuyến đường quanh khu vực giáp biên giới Việt Nam[3]. Tại hội nghị diễn ra ngày 22/8/2016, Thủ tướng Hun Sen yêu cầu chính quyền các tỉnh nằm dọc biên giới  với Việt Nam tổ chức di dân đến cư trú ở khu vực cận biên, coi đó là cách tốt nhất để bảo vệ lãnh thổ của đất nước chùa Tháp. Cũng trong tuần qua, ông Va Kim Hong, Chủ tịch Ủy ban biên giới tiếp tục phản đối điều mà ông này dựng lên là “Việt Nam xâm phạm chủ quyền của Campuchia”. Trong một trả lời phỏng vấn, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Vannarith Chheang cũng nhận định, quan hệ giữa Campuchia và Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức. Sở dĩ chính quyền cứng rắn một cách khác thường như vậy là vì Samdech Hun Sen muốn tiếp tục làm thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa (nhiệm kỳ thứ năm). Từ nay đến tháng 7/2018, thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử, ông Hun Sen muốn chứng tỏ với dân chúng rằng ông ta là người duy nhất có thể bảo vệ chủ quyền của Campuchia[4].

 

Trong khi đó, từ đầu hè này Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc đã đạt được đồng thuận với Campuchia và Lào trong vấn đề Biển Đông. Theo đó, hai nước không phản đối những đòi hỏi của Bắc Kinh ở vùng biển đang tranh chấp này[5]. Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc còn nói rằng các nước này đều thống nhất, “tranh chấp lãnh thổ không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và khối ASEAN”. Báo Đảng của Trung Quốc trong một bình luận ngày 31/8 đã đi xa tới mức vứt hẳn cả cái “lá nho” vốn được dùng để che đậy: “Hun Sen và Campuchia có thể giữ vững lập trường (ủng hộ Trung Quốc), hiển nhiên không phải vì các bên đều bỏ tiền mua chuộc, nhưng Bắc Kinh đã trả giá cao nhất(!)”[6].Và cũng hiếm khi nào Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào lại được dư luận chú ý nhiều như trong dịp này. Trên cương vị Chủ tịch luân phiên Hiệp Hội các nước Đông Nam Á, Lào tổ chức thượng đỉnh ASEAN lần thứ 28 (từ 6—8/9/2016) với sự tham gia của lãnh đạo nhiều nước, đặc biệt là sự có mặt của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Đối với chủ nhân Nhà Trắng, thượng đỉnh Vientiane 2016 là cơ hội để tiếp tục thúc đẩy chính sách “xoay trục” của Washington. Tuy nhiên, đã có dấu hiệu cho thấy Lào đang giữ khoảng cách với Trung Quốc: tại hai cuộc họp ASEAN gần đây, khác với phái đoàn Campuchia, đại diện của Vientiane đã dè dặt hơn trong việc bênh vực Bắc Kinh về hồ sơ Biển Đông. Nhưng do quá sốt ruột muốn trở thành “bình ắc quy của khu vực Đông Nam Á”, Vientiane đã có kế hoạch xây dựng khoảng 70 đập thủy điện trên cả dòng chính lẫn dòng nhánh của sông Mekong. Đây sẽ là một căng thẳng mới. Năm 2011, Lào đã xây dựng đập Xayaburi. Trong dự án này, Lào đã “phớt lờ” các nghĩa vụ quy định trong luật pháp quốc tế, cũng như của chính quốc gia này về việc phải thực hiện những đánh giá đầy đủ liên quan đến tác động môi trường sinh thái, cũng như tác động đối với các vấn đề kinh tế – xã hội tại khu vực hạ lưu. Giống như đập Xayaburi, đập Don Sahong đang được tiến hành xây dựng cũng không có sự đánh giá môi trường thích hợp và bỏ qua khâu tham vấn các nước trong khu vực.

 

Nhưng có lẽ tin được quan tâm nhiều nhất là cuộc tập trận hồi đầu tháng 8 trên biển Hoa Đông của quân đội Trung Quốc (PLAN), nhằm tăng cường sức mạnh tấn công, mức độ chính xác và vận tốc của hải quân trong điều kiện bị áp chế điện tử[7]. Đây là cuộc tập dượt của PLAN nhằm đối phó với nguy cơ nổ ra chiến tranh với Mỹ trên Biển Đông và Hoa Đông. Một biểu hiện khác của việc Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc chiến tranh loại ấy là Bắc Kinh đang tích cực xây dựng các hệ thống radar ở hầu hết các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép suốt thời gian qua. “Chiến tranh điện tử có thể diễn ra rất bất ngờ, ác liệt và nhanh chóng…” là cách miêu tả về một cuộc xung đột tương lai. Theo Tổ chức sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thì một loạt các hệ thống radar đã được bố trí trên 7 bãi đá của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép, đó là Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Vành Khăn, Gạc Ma, Tư Nghĩa và Su Bi. Trạm radar ở đá Chữ Thập và đá Su Bi sẽ được sử dụng để điều hướng các máy bay hoạt động trên các sân bay xây dựng trái phép tại các bãi đá ở đây. Khi kết hợp, chúng cho phép mở rộng tầm kiểm soát Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) cũng như tăng cường khả năng tác chiến điện tử của PLA trên một vùng rộng lớn ở Biển Đông. 

 

Vượt cơn sóng dữ 

 

Tại Hội nghị ngoại giao Việt Nam lần thứ 29 (từ 22—26/8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu lên một số vấn đề mấu chốt đối với ngoại giao, trong đó ưu tiên hàng đầu là xác lập một tư duy chiến lược cho ngành ngoại giao khi chuyển sang thời kỳ mới. Thủ tướng cũng đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng một nền ngoại giao “kiến tạo”. Nhưng chưa rõ trong Chương trình hành động cụ thể sau Hội nghị, nền ngoại giao “kiến tạo” ấy bao gồm những nội hàm gì và trong hoạt động thực tiễn từ nay, đặc biệt trong các động thái sắp tới, Việt Nam có những chủ trương nào khác trước? Người ngoài khó nắm bắt được những điều này, không chỉ vì sự “kín cổng cao tường” của ngành ngoại giao, như Thủ tướng Phúc đã đề cập, mà thực sự để có được một đột phá nào đó trong hoạt động đối ngoại hiện nay là vấn đề không đơn giản. Vị thế của Việt Nam trong những chuyển động địa – chính trị ở khu vực hiện nay là một tập hợp các trạng thái vừa hợp tác, vừa tranh chấp, trong một số tranh chấp ẩn chứa nhiều mầm mống xung đột. Vấn đề độc lập dân tộc từ nay chỉ có thể được phát huy nếu nó gắn với tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện. Thủ tướng cũng nêu lên yêu cầu phải cân bằng được lợi ích của các nước lớn. Nhưng thách thức đối với Việt Nam chính là sự đối kháng về địa – chính trị giữa các nước lớn ngày càng tập trung trên Biển Đông, mà năng lực của Việt Nam để cân bằng lợi ích các cường quốc trên hồ sơ Biển Đông lại khá hạn chế. Những nổi cộm trong quan hệ của Việt Nam với thế giớ đòi hỏi phải thay đổi nhận thức và tư duy đối ngoại mới hy vọng tìm được giải pháp căn cơ cho từng loại vấn đề.

Sau chuyến viếng thăm Việt Nam trong mùa hè vừa qua của Tổng thống Barack Obama, quan hệ giữa Hà Nội và Washington có phần “im ắng” hơn so với cao trào hồi ông Obama đến Việt Nam. Nhân dịp thăm Hà Nội, không thấy có lời nào từ phía Mỹ mời lãnh đạo Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ (Vẫn biết nước Mỹ sắp có tổng thống mới, nhưng ở đây muốn nói tới tính liên tục trong chính sách). Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là chủ trương lớn của Hoa Kỳ nhưng dường như “sự đình đám” của Hiệp định này ở Việt Nam lại gắn với lớp quan chức vừa rời khỏi chính trường. Trái với những sốt sắng trước đây, Mỹ nhận thấy Hà Nội hiện tỏ thái độ dè dặt đối với TPP. Hiệp định được dự tính trình Quốc hội vào tháng 5, nhưng sau đó lùi sang tháng 7 và cuối cùng, giờ đây dời đến tận cuối năm 2016 này. Có những quan ngại từ phía Mỹ cho rằng, nếu quá trình phê duyệt kéo dài, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc có thể lợi dụng thời gian đội lốt các công ty đa quốc gia nào đó để nhảy vào Việt Nam cắm chân sẵn, trước khi Quốc hội phê duyệt TPP. Ba vấn đề nổi cộm Hoa Kỳ muốn hợp tác với Việt Nam, đó là đẩy mạnh cải cách, phối hợp trên hồ sơ Biển Đông và cải thiện nhân quyền. Về cải cách, Mỹ đang đánh giá Việt Nam qua thái độ đối với việc phê duyệt TPP và dự định thành lập siêu Uỷ ban Kinh tế quản lý số vốn hàng triệu tỷ đồng ở các doanh nghiệp Nhà nước. Về Biển Đông, dường như cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ đều đang thực hiện sách lược “ngoại giao thầm lặng”. Việt Nam vẫn chưa có tuyên bố mới về phán quyết của PCA trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Mỹ phê phán Việt Nam đưa tên lửa ra Trường Sa, nhưng dư luận đặt vấn đề liệu Hoa Kỳ đã hiểu hết những động cơ đằng sau câu chuyện Hà Nội đưa tên lửa ra Trường Sa hay chưa? Về nhân quyền, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã kêu gọi chính quyền Obama công khai điều kiện cho việc hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia, đó là quan hệ sắp tới với Việt Nam cần đặt nền tảng trên các nguyên tắc dân chủ và tôn trọng nhân quyền.

 

Cuối cùng, hãy xem lại làn sóng bỏ nước ra đi trong hơn hai năm vừa rồi của một số người Việt. Từ 1990 đến 2015 có trên 2 triệu rưỡi người Việt di cư ra nước ngoài. Những “phi cơ nhân” hiện đại này có thể được chia thành ba nhóm: Một là giới trí thức và sinh viên, hai là các doanh nhân thành đạt, ba là gia đình các quan chức (thường là tham nhũng). Họ ra đi do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính thường do cảm giác bất an[8]. Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa bức xúc: “Tại sao trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân giỏi muốn bỏ nước ra đi? Tại sao cán bộ về hưu hay đương chức tìm cách cho con cháu mình ra định cư ở nước ngoài?” Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận: “Ai cũng định cư ở nước ngoài cả thì đất nước này lấy ai xây dựng đây? Tôi cho rằng nhân tố cảm thấy kém an toàn là nhân tố chính khiến người Việt rời khỏi Việt Nam”. Bà Lan lý giải: “Khi họ có khoản thu nhập không đàng hoàng thì họ có tâm lý nơm nớp sợ bị lộ nên phải tranh thủ khi còn cơ hội, còn quyền lực thì cho con ra nước ngoài…” Theo số liệu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trong quý I/2015, lượng tiền của người Việt gửi ra nước ngoài đã tăng đột biến lên đến 7,3 tỷ USD. Trong vòng 5 năm (2008—2013) , số tiền từ Việt Nam đã chuyển ra nước ngoài là 33 tỷ USD. Theo hồ sơ Panama, 92 tỷ USD đã được chuyển phi pháp ra khỏi Việt Nam (riêng năm 2015 là hơn 9 tỷ). Đó là những con số quá lớn, trong bối cảnh ngân sách nhà nước thâm hụt quá nhiều do bội chi ngân sách.

 

*

Ở đây, chưa bàn được hết nhẽ mọi nội tình đất nước. Nhưng đối với đa phần người Việt, giờ đây có lẽ con đường từ bao tử đến nghĩa địa không phải là ngắn mà là cực ngắn, do thảm họa cá biển chết hàng loạt và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khắp cả nước. Kế đến là những xung năng trong xã hội hiện đại đang tạo ra biết bao “chuyển động Brao-nơ” khó dự kiến và khó kiểm soát (Hãy nhớ đến tiếng súng Yên Bái và giờ đây là những căng thẳng đang âm ỉ ở một số tỉnh khác). Môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và đặc biệt là hiệu ứng của các chuyển động quốc tế đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với công cuộc đổi mới khởi xướng từ 30 năm nay. Bàn cờ khu vực và thế giới ngày nay là một ma trận (matrix), trong đó, mỗi quân cờ đều có một “tọa độ” địa – chính trị riêng. Là một trong các bên tham gia cuộc cờ, giờ đây, Việt Nam chọn thế cờ nào để phát huy tối đa lợi thế và giảm thiểu rủi ro khi tổ hợp các “tọa độ” giữa các quân cờ? Rõ ràng nỗ lực “muốn làm bạn với tất cả các nước” đã không mang lại những kết quả đón đợi. Phương Tây hay phương Đông chỗ này đều suy nghĩ như nhau: “Lúc hoạn nạn mới rõ bạn hay bè” (A Friend in Need is a Friend Indeed).  Trong chiến tranh Lạnh gay gắt, Singapore vẫn có giao thương tốt với ta. Trong kiến quốc và bảo vệ chủ quyền hiện nay, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ốtxtrâylia và châu Âu… đã và đang giữ vai trò không thể thay thế. Ở đây, dù là “đối tác chiến lược” hay “đối tác toàn diện” thì phải thực sự là bạn chí cốt. Chí cốt nghĩa là “của tin gọi một chút này” cũng phải “ghi”, là thực sự tôn trọng lợi ích lâu dài của nhau. Nếu không sẽ là “gửi trứng cho ác”...

 

Đinh Hoàng Thắng













 
Nguồn: Theo Blog Tểu

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire