Trang

15/11/2016

Donald Trump, và Trung Quốc



Ngô Nhân Dụng


Các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ thường không thay đổi chính sách ngoại giao; vì đại đa số cử tri chọn lá phiếu dựa trên các vấn đề trong nước. Đối với ông Donald Trump thì hơi khác, vì cả thế giới đang sửng sốt và không biết ông sẽ thay đổi chính sách ngoại giao của Mỹ như thế nào. Điều khiến mọi người lo lắng nhất là ông Trump đã nói nhiều điều khác hẳn những quan điểm “truyền thống” của đảng Cộng Hòa. Ông chống tự do mậu dịch; muốn giảm bớt những cam kết an ninh của Mỹ trên thế giới từ Châu Âu tới Đông Bắc Á Châu; ông còn khen Vladimir Putin và cả Saddam Hussein là những nhà lãnh đạo tài giỏi mà không chê họ vi phạm nhân quyền. Ngay sau khi ông Trump đắc cử, một cố vấn gần gũi nhất của Vladimir Putin là Sergei Glazyev nói với hãng thông tấn Itar-Tass rằng chắc chính phủ Trump sẽ bãi bỏ chính sách của ông Obama cấm vận kinh tế Nga.



Nhưng bang giao quốc tế không phải là điều tổng thống tân cử Donald Trump quan tâm nhất. Khi gặp gỡ hai vị lãnh đạo đảng Cộng Hòa ở Quốc Hội ông chỉ nêu lên ba điểm ưu tiên của chính quyền sắp tới: Hệ thống bảo hiểm y tế, di dân, và tạo công việc làm. Không nói gì tới vai trò của Mỹ trên thế giới.

Nhưng các nước ở miền Đông Châu Á như Việt Nam, và đặc biệt là Trung Quốc, thì đang hồi hộp chờ coi chính sách ông Trump sẽ thi hành. Hồi hộp, vì không ai có thể đoán chắc ông sẽ làm gì! Trước khi “nhảy dù” vào tranh cử tổng thống năm 2016 ông không làm chính trị, không bao giờ phải bàn chuyện thế giới. Trong một năm tranh cử thì ông chỉ nói đến việc tăng thuế nhập cảng hàng Trung Quốc và không muốn vay tiền của nước này. Ông cũng phản đối Cộng sản Trung Quốc bành trướng thế lực ở Biển Đông, nhưng đồng thời lại tỏ ý không muốn quân đội Mỹ phải gánh chịu việc bảo vệ an ninh tại các nước đồng minh, từ khối NATO đến Nhật Bản, Nam Hàn, nếu các nước đó không chia sẻ chi phí như ông muốn.

Trong cuộc tranh cử, ông Trump chỉ nhắc đến Việt Nam khi đả kích hàng nhập cảng giá rẻ làm nhiều công nhân Mỹ mất việc. Sau khi mạt sát Trung Cộng, ông Trump kể thêm tên Nhật Bản và Việt Nam cũng là những nước “hạ giá đồng tiền của mình để  “ăn cắp” công việc của người Mỹ. Trong thực tế, chính quyền cộng sản Việt Nam chỉ muốn nâng giá trị đồng tiền, còn đồng nguyên của Trung Hoa thì đã tăng giá trong mấy năm qua. Ông Trump cũng chống hiệp ước tự do mậu dịch đã ký với Nam Hàn, nói rằng nó sẽ làm mất 100,000 công ăn việc làm ở Mỹ.

Điều người Việt Nam quan tâm nhất là vị tổng thống Mỹ tương lai có thay đổi chính sách “chuyển trục qua Châu Á” của đương kim Tổng Thống Obama hay không? Chủ trương này cộng với Hiệp Ước Hợp Tác Châu Á Thái Bình Dương (TPP) là hai quyết định chiến lược của nước Mỹ có ảnh hưởng tới Việt Nam. Ông Trump đã dọa xóa bỏ TPP, nhưng còn chuyển trục thì sao?

Phải công nhận, đối với nước Mỹ, Việt Nam chỉ là một bộ phận nằm trong toàn diện Châu Á. Từ 1945 đến 1970, vấn đề chiến lược của Mỹ là đối phó với Cộng Sản Quốc Tế. Khi đó họ còn coi Nga Xô và Trung Cộng là một khối, nghĩ Việt Nam có thể là một nút chặn không cho khối cộng sản lan tràn khắp Đông Nam Á. Sau đó, khi các nước Đông Nam Á không còn lo bị cộng sản nổi dậy cướp chính quyền, Mỹ chỉ còn lo khai thác thế chia rẽ giữa hai nước cộng sản đàn anh, nút chặn Việt Nam không cần nữa, sẵn sàng buông bỏ nếu tiền chi ra tốn quá. Sau khi Cộng Sản Liên Xô sụp đổ, nước Mỹ, chiến lược của Mỹ ở Châu Á chỉ xoay quanh vấn đề nước Trung Hoa đang lên. Các chính phủ Mỹ muốn Trung Quốc phát triển theo kinh tế thị trường và dân chủ hóa, nhưng không muốn một nước Tầu độc tài đóng vai ông trùm vùng Á Đông. Việt Nam vẫn chỉ là một phần nhỏ nằm trong chính sách chung của họ đối với Trung Quốc. Trong bài này, chúng tôi sẽ bàn về kinh tế, thương mại, những vấn đề chuyện an ninh, quân sự sẽ bàn sau.

Một sự kiện làm mọi người ở Châu Á kinh ngạc là sau khi ông Trump nói những lời gay gắt nhất chống Trung Cộng về “âm mưu” cướp công việc làm của công nhân Mỹ, thì một cố vấn thân cận của ông là James Woolsey lại nêu lên ý kiến nước Mỹ nên tham gia vào Ngân Hàng Châu Á Phát Triển Hạ Tầng (AIIB) do Trung Quốc sáng lập. Mỹ và Nhật Bản là hai nước duy nhất trong nhóm G-7 không vào AIIB. Chính quyền Obama coi đó là một âm mưu bành trướng ảnh hưởng của Trung Cộng qua đường đem tiền cho vay. Đồng tiền chung của các nước góp vốn nhưng Trung Cộng sẽ dùng để ban ơn phát huệ, xâm nhập và mở rộng thương mại.

Ông James Woolsey được ông Trump mời làm cố vấn các vấn đề an ninh quốc gia từ Tháng Chín năm nay. Trên Nhật báo South China Morning Post  ở Hồng Kông, vào Thứ Sáu tuần trước ông Woolsey mô tả quyết định của Tổng Thống Obama tẩy chay AIIB là một “sai lầm chiến lược.” Ông còn tiên đoán tổng thống Trump sẽ có thiện cảm với kế hoạch “Nhất Đới Nhất Lộ” của Tập Cận Bình, trái ngược với ông Obama. “Nhất Đới” là chủ trương lập “Một Vòng Đai” xuyên từ Trung Quốc qua vùng Trung Á sang tới Châu Âu, đi theo “Con Đường Tơ Lụa” thời xưa. “Nhất Lộ” là “Đường Tơ Lụa Trên Biển” đi qua vùng Đông Nam Á sang quá Trung Đông.

James Woolsey là một nhà kinh doanh trong công nghiệp chế tạo vũ khí, đã từng làm việc với hầu hết các tổng thống Mỹ từ thời Ronald Reagan. Ông được bổ nhiệm làm thứ trưởng bộ Hải Quân thời James Carter, và làm giám đôc Trung Ương Tình Báo (CIA) thời Bill Clinton; nhưng ông cũng là người sáng lập nhóm Tân Bảo Thủ, trong nỗ lực cổ động tấn công Iraq thời Tổng Thống George W. Bush (ông Trump nói ông chống cuộc chiến này).

Đề nghị Mỹ gia nhập AIIB của ông Woolsey đã được dư luận Trung Quốc hoan nghênh. Sau khi ông Trump thắng cử. Giáo Sư Vương Huy Diệu (辉耀, Wang Huiyao), thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Toàn Cầu Hóa ở Bắc Kinh nói rằng Trung Quốc có thể mời Mỹ tham gia AIIB sau khi Tổng Thống Trump nhậm chức. Ông Ngụy Kiến Quốc (魏建国,Wei Jianguo), một cựu thứ trưởng thương mại, thì tuyên bố rằng nếu ông Trump đưa Mỹ vào AIIB thì các cuộc trao đổi về đầu tư và thương mại giữa hai nước sẽ gia tăng đáng kể, “Triển vọng hợp tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ lớn vô cùng.”

Chưa biết ông James Woolsey sẽ đóng vai trò nào trong chính phủ Trump sắp tới. Cũng không biết ông Donald Trump có thiện cảm với Nhất Đới Nhất Lộ đến mức nào. Một điều ai cũng biết là ứng cử viên Donald Trump đã hứa với các cử tri rằng ông sẽ tăng thuế nhập cảng trên hàng Trung Quốc lên 45%, và sẽ giảm bớt vay nợ nước Tàu dể khỏi bị bắt chẹt. Hai lời hứa này ông sẽ thực hiện hay không?

Trong cuộc đời kinh doanh, ông Trump là người chuyên vay nợ, làm giầu nhờ dùng vốn của các ngân hàng. Trong thập niên 1970 ông đã khai thác sóng bài, xây những casino lớn nhất tại thành phố Atlantic. Ông bỏ ra rất ít vốn, số vay nợ thường lớn gấp bội, kể cả tiền nợ những nhà xây cất và cung cấp thiết bị cho ông. Tất nhiên ông không đứng tên đi vay, mà dùng tên các công ty. Có khi ông chấp nhận trả lãi suất 14% dù biết không thể trả được. Các casino của ông, như Taj Mahal, Trump Plaza, Trump Castle, đã khai phá sản bốn lần, cũng như Plaza Hotel ở New York. Các casino phá sản nhưng ông kiếm lời rất nhiều vì bỏ ít vốn mà lại đòi được trả thù lao rất cao. Những người góp vốn hoặc cho ông vay đã bị mất tổng công an một tỷ rưỡi mỹ kim. Có khi ông dùng tiền vay cho casino để trả nợ cá nhân. Ông Trump từng khoe rằng Atlantic City là một “con bò sữa vắt ra tiền” của ông!”

Nếu ông Tổng Thống Trump quyết định ngưng vay tiền từ Bắc Kinh thì thị trường tài chánh thế  giới sẽ ngạc nhiên. Khi chính phủ Mỹ đi vay nợ bằng cách phát hành công trái, những “nhà đầu tư” có tiền đổ xô vào mua vì họ tin kinh tế Mỹ vững chắc. Nhờ nhiều người muốn cho vay và họ cạnh tranh nên chính phủ Mỹ được quyền trả lãi suất thấp nhất thế giới. Vào Tháng Tám năm 2016, Mỹ vay Trung Quốc $1,185 tỷ, là 30% tổng số nợ $3,948 tỷ từ các nước khác. Nếu chính phủ Mỹ gạt bỏ không vay Trung Quốc nữa, thì những“nhà đầu tư” còn lại bớt bị cạnh tranh, lãi suất có thể tăng lên. Khi lãi suất công trái tăng thì các loại lãi suất khác ở Mỹ cũng tăng, một trở ngại cho người tiêu thụ cũng như các nhà sản xuất. Có chính quyền nước nào tính đi vào con đường đó hay không?

Những lời ông Donald Trump đả kích Trung Cộng đều nhắm vào mục tiêu là các cử tri tin rằng hàng nhập cảng, từ các nước nói chung, khiến công nhân Mỹ thất nghiệp. Lời hứa hẹn đánh thuế hàng Trung Quốc lên 45% được cử tri vỗ tay hoan hô không thua gì lời hứa sẽ xây bức trường thành trên biên giới Mexico dài 3,100 km, sẽ tốn $25 tỷ.

Chính phủ Mỹ có thể tăng thuế nhập cảng nhưng sẽ bị Trung Cộng và nhiều nước khác kiện trước WTO, tổ chức mậu dịch thế giới. Trong khuôn khổ WTO, hàng nhập cảng thương bị đánh thuế khoảng 5%. Vụ kiện sẽ kéo dài nhưng các nước khác sẽ phản ứng ngay bằng những biện pháp ngăn chặn hàng nhập cảng và đầu tư từ nước Mỹ. Một số xí nghiệp và công nhân ở Mỹ sẽ được lợi nhưng mọi người Mỹ khi tiêu thụ sẽ phải mua hàng đắt hơn, các công ty đang xuất cảng, từ Genral Motors đến Microsoft, Boeing, John Deere, Procter and Gamble sẽ bị các nước nhập cảng trả đũa. Nhiều công ty, ngân hàng Mỹ sẽ vận động Quốc Hội chống việc tăng thuế, các đại biểu khó lòng cưỡng lại.

Nếu ý kiến của cố vấn James Woolsey được ông Trump nghe theo, thì lời hứa đánh thuế nặng trên hàng Trung Quốc sẽ được giảm bớt nồng độ sau khi ông Trump nhậm chức. Ông mang bản chất một doanh nhân, ngay cả một liên minh quân sự đã kéo dài 70 năm như NATO cũng được ông định giá bằng tiền.

Các chính phủ Mỹ từ 40 năm nay vẫn đặt nhân quyền làm một trọng tâm trong bang giao với các nước khác (và đang bị một đồng minh là Phillipines đòi đoạn giao), nhưng Donald Trump chưa bao giờ đặt ra vấn đề đó. Ông đã từng nói về cuộc tàn sát ở Thiên An Môn năm 1989 như một cuộc “dẹp loạn.” Ông tuyên bố: “Tôi không ủng hộ chuyện đó. Tôi chỉ nói rằng đây là một chính quyền dũng mạnh đã dám sử dụng sức mạnh của họ. Và họ đã dẹp yên đám nổi loạn (the riot).”

Tuy nhiên, dù ông Trump không tăng thuế nhập cảng hàng Trung Quốc, ông vẫn có thể dùng món võ đe dọa khi mặc cả với Bắc Kinh trên các vấn đề khác. Nếu Mỹ đánh thuế 45%, hàng hóa Tàu xuất cảng sang Mỹ sẽ giảm bớt gần 89%, mất $420 tỷ, gần 5% tổng sản lượng nội địa (GDP) Trung Quốc. Nếu đánh 30%, nước Tàu sẽ mất gần 4% GDP, nếu chỉ tăng lên tới 15% cũng mất gần 2%. Chính Cộng Sản Trung Quốc đang tìm cách cải tổ cơ cấu kinh tế để nâng cao phần tiêu thụ nội địa, bớt lệ thuộc vào việc xuất cảng. Nhiều nhà phân tích Trung Hoa còn lo ngại rằng nếu ông Trump rút lại lời hứa tăng thuế thì đảng Cộng Sản sẽ có lý do để trì hoãn việc cải tổ cơ cấu, phe bảo thủ trong đảng sẽ mạnh hơn!

Dù ông Trump có tăng thuế hàng Tàu hay không, một lời hứa của ông được Bắc Kinh hoan nghênh nhiệt liệt là việc xóa bỏ TPP, Hiệp Ước Hợp Tác Châu Á Thái Bình Dương; trong dó có Việt Nam, Australia, Malaysia, Nam Hàn,… mà không mời Trung Quốc. Ông Trương Triết Hân (张哲欣, Zhang Zhexin) thuộc Viện Nghiên Cứu Các Vấn Đề Quốc Tế ở Thượng Hải nói rằng hành động đó sẽ cho Trung Quốc thêm cơ hội tiến hành các kế hoạch liên kết mậu dịch với các nước trong vùng Đông Á mạnh hơn. Vấn đề TPP ảnh hưởng tới Việt Nam sẽ được bàn trong một bài sau.
Nguồn: Theo Người Việt

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire