canhco
Fidel Castro và Phạm Văn Đồng |
Người dân Cuba đứng tại thành phố La
Habana nhìn sang Mỹ vừa giận dữ vừa thèm khát. Thứ giận dữ rất khó định hình
nhưng thèm khát thì rõ như chiếc bánh mì nướng giòn tan nằm trên chiếc bàn đơn
sơ chỉ còn lại một ít muối trằng của Chủ nghĩa xã hội. Mặn mùi hoang dại của
biển và trắng tinh thứ chủ nghĩa úp mặt vào tường.
Từ ngày tham gia vào khối cộng sản, Việt
Nam xem Fidel Castro là một vị thánh sống. Fidel luôn luôn vĩ đại và nhân dân
Việt Nam được nhồi vào óc rằng trên thế giới không ai chống Mỹ bằng ông ta vì
vậy muốn thắng Mỹ toàn dân Việt Nam phải lấy hình ảnh của Fidel Castro làm ngôi
sao dẫn đường cho tới ngày hoàn tất giấc mơ diệt Mỹ.
Vài chục ngàn người Cuba trong nước rơi
nước mắt vì Fidel ra đi. Vài chục ngàn người Cuba khác ở Miami nhảy múa ăn mừng
một kẻ tội đồ của dân tộc vừa chết. Hai thái độ nghịch lý ấy là bi kịch của
những đất nước cộng sản, bất cứ thứ cộng sản nào, Đông hay Tay.
Việt Nam có Chủ tịch Hồ Chí Minh, vĩ đại
và đầy uẩn khúc trong tiểu sử lẫn lịch sử. Fidel Castro ngược lại, rõ ràng và
đầy tính cách, cho dù bản chất lúc “khởi nghiệp” hùng tráng bao nhiêu thì càng
về sau càng làm cho đất nước bi ai bấy nhiêu.
Dù gì thì gì Việt Nam vẫn bám chặt “mối
tình” ấy một cách khó hiểu. Bàn cờ chính trị không còn thích hợp với con cờ
Cuba, thậm chí còn là cản trở quá trình hội nhập nhưng Việt Nam vẫn tiếc rẻ,
vẫn xem quá khứ chống Mỹ anh hùng phải được tô son trét phấn mặc dù nó đã quá
già như khuôn mặt đất nước trải qua bao tai biến. Fidel Castro phải được nhắc
đi nhắc lại như một tấm gương chống Mỹ sáng chói bất kể đất nước Cuba chịu thua
thiệt và tụt hậu đến mức gạo trở thành một loại thực phẩm xa xỉ, thay vào đó là
khuôn mặt của thứ Chủ nghĩa xã hội nhàu nát.
Không có gạo, Việt Nam mang tặng tuy chính
bản thân Hà Nội cũng chả sang trọng giàu có gì. Người cộng sản gọi đó là tinh
thần vô sản đoàn kết, tinh thần của những chiếc gậy mù lòa quơ trong bóng đêm
lịch sử. Gậy va vào nhau, va vào tình nghĩa rất nồng thắm tạo nên những tiếng
động khô khan giữa mịt mùng lý thuyết.
Đó là tình nghĩa cộng sản. Thứ tình nghĩa
lấy khẩu hiệu làm quà tặng cho nhau. Thứ tình nghĩa đãi bôi và thừa mùi vị gian
trá.
Cho tới lúc chết, Fidel vẫn kiên trì với
thứ mà ông ta bắt đầu hơn nửa thế kỷ trước. Đây là điểm đồng nhất với các lãnh
tụ Việt Nam trong mọi thời đại. Cho dù chế độ có sụp đổ thì Chủ nghĩa xã hội
vẫn được bảo vệ tới cùng. Nó mang tính cách truyền kiếp vừa đau đớn vừa có tác
dụng thăng hoa ảo giác. Thứ chủ nghĩa khổ dâm ấy buộc Cuba vào Việt Nam tuy mơ
hồ nhưng rõ ràng là không thể gạt bỏ trong chương cuối cùng của lịch sử cộng
sản thế giới.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire